Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 51)

PGS TS Cao Văn Liên

16/12/2023 06:01

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành

Kỳ 51.

Như vậy, tư duy chính trị mới nêu lên những suy nghĩ lại, nhận thức lại và nghiên cứu lại những biện pháp giải quyết đối với một loạt vấn đề có tính chất căn bản trên thế giới hiện nay như vấn đề thời đại, chiến tranh và hòa bình, sự biến đổi bên trong và mối quan hệ tương hỗ của hai hệ thống xã hội: Tư bản và Chủ nghĩa Xã hội, phương tiện giải quyết các loại mâu thuẫn và xung đột.

Tư duy chính trị mới của Goocbachốp chứa đựng những mâu thuẫn và tính chất không tưởng, hoang đường, xa rời chủ nghĩa Mác - Lênin và thoát ly thực tế thời đại. Tư duy chính trị mới vừa muốn giảm chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Liên Xô nhưng lại muốn giữ được “cân bằng” lợi ích Xô- Mỹ, vẫn chứa đựng tư tưởng chạy đua vũ trang. Tư duy chính trị mới chưa vứt bỏ tư tưởng chiến lược Xô - Mỹ quyết định vận mệnh thế giới. Tư duy chính trị mới muốn xây dựng một hệ thống an ninh thế giới không có vũ khí, không có chiến tranh, không có quân đội và bạo lực. Quá run sợ trước khả năng nổ ra chiến tranh hạt nhân, Goocbachốp tuyên truyền không nên sử dụng bạo lực, kể cả bạo lực cách mạng, vì như thế sẽ nổ ra chiến tranh hạt nhân, sẽ hủy diệt loài người, hủy diệt “ngôi nhà chung” của thế giới. Quan điểm này sẽ đi đến kết luận chiến tranh ngày nay không còn là thủ đoạn khác của chính trị: “Tư duy chính trị mới” đã che đậy bản chất của chủ nghĩa đế quốc, che đậy nội dung của thời đại. “Tư duy chính trị mới” tuyên truyền lợi ích sinh tồn của nhân loại cao hơn lợi ích chung giai cấp. Làm như vậy, lý luận này đã đối lập lợi ích loài người với lợi ích giai cấp, phủ nhận sự tồn tại khách quan của các giai cấp, làm mơ hồ ý thức đấu tranh và cảnh giác của quần chúng, mở toang cảnh cửa cho chủ nghĩa đế quốc thực hiện diễn biến hòa bình đối với các nước Xã hội Chủ nghĩa.

“Tư duy chính trị mới” là cơ sở tư tưởng lý luận của Liên Xô trong nhận thức đối với một số vấn đề quan trọng trong quan hệ quốc tế. Như vấn đề thời đại, trước kia gọi là cuộc đấu tranh, nay gọi là thời đại thi đua giữa hai hệ thống tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Hai hệ thống này trước kia cho là mâu thuẫn không thể điều hòa được nay cho đó là những mặt đối lập, thống nhất cùng tồn tại lâu dài, không thể chia cắt. Ban lãnh đạo Liên Xô còn cho rằng chủ nghĩa tư bản chưa hẳn đã là mốt đe dọa quân sự đối với Liên Xô, khả năng hai bên hợp tác ngày càng tăng lên. Lãnh đạo Liên Xô cũng đã thừa nhận tính đa dạng của xã hội chủ nghĩa, không nên gò bó vào một mô hình cố định, bất biến.

Như vậy, cơ sở tư tưởng đối ngoại của Liên Xô đang chuyển biến từ thuyết hai cực sang thuyết đa nguyên hai cực, từ thuyết đối kháng sang thuyết hòa hợp dựa vào nhau, từ thuyết ưu thế quân sự chuyển sang thuyết thực lực đầy đủ, từ thuyết chuyên chính quốc tế chuyển sang thuyết dân chủ hóa quan hệ quốc tế.

Các nhà lãnh đạo Liên Xô cho rằng cải cách và việc làm cho quan hệ quốc tế lành mạnh có mối quan hệ sâu sắc. Chính sách đối ngoại của Liên Xô là nhằm phục vụ cho nhiệm vụ cải cách trong nước, tức là giảm bớt gánh nặng chạy đua vũ trang, nâng cao sức mạnh tổng hợp của đất nước, tăng cường thực lực để thi đua với Mỹ. Vì thế cho rằng như vậy sẽ dẫn đến sự biến đổi căn bản quan hệ quốc tế.

Xuất phát từ cơ sở lý luận đó, trong khi đàm phán cụ thể về tên lửa tầm trung ở châu Âu, lập trường của Goocbachốp là điều chỉnh thụt lùi, thỏa hiệp với kế hoạch “Chiến tranh giữa các vì sao” của Mỹ, tiếp nhận phương án số không về tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở châu Âu và phương án số không toàn cầu. Đối với các nước Đồng minh Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu, Liên Xô đã bỏ rơi họ, mặc cho thế lực chống Chủ nghĩa Xã hội diễn biến hòa bình, lật đổ chính quyền vô sản để làm hài lòng chủ nghĩa đế quốc.

Tư duy chính trị mới và chính sách đối ngoại của Liên Xô là một bộ phân khăng khít của đường lối cải tổ và cũng sai lầm vô nguyên tắc, tạo nên cộng hưởng lớn làm sụp đổ Liên bang Xô Viết.

IV. Tiến trình cải cách

1. Cải cách thể chế kinh tế nhằm những nhiệm vụ lịch sử to lớn, những mục đích thay đổi đời sống nhân dân Xô Viết. Cải tổ nhằm kiên quyết khắc phục các quá trình trì trệ, phá vỡ các cơ chế kìm hãm, đẩy mạnh nhanh sự phát triển kinh tế của đất nước. Tháng 4-1985 Goocbachốp nói: Liên Xô không thể tiếp tục cuộc sống như thế này, “Cuộc sống và sự biến động của cuộc sống đòi hỏi phải có những thay đổi và cải tạo tiếp tục, phải đạt được những trạng thái mới về chất của xã hội”. Ông giải thích: “Trước hết, đó là đổi mới về khoa học kĩ thuật sản xuất và đạt được trình độ cao nhất thế giới về năng suất lao động. Đó là hoàn thiện quan hệ xã hội, trước hết là quan hệ trong kinh tế. Đó là những thay đổi sâu sắc trong lĩnh vực lao động, những điều kiện sinh hoạt vật chất và tinh thần của con người. Đó là tăng cường toàn bộ hệ thống các cơ quan chính trị xã hội, củng cố dân chủ xã hội chủ nghĩa và sự tự quản của nhân dân”[1].

Cải tổ trước hết nhằm đưa khoa học kĩ thuật vào nền kinh tế quốc dân, từ đó, tổ chức kinh tế lên một trình độ mới, phát triển chính sách, bảo đảm tổ hợp kinh tế quốc dân thống nhất có cơ cấu cân đối tối ưu. Trên cơ sở đó đạt mục tiêu của chiến lược tăng tốc kinh tế, trong 15 năm đến cuối thế kỷ, đạt được việc chuyển kinh tế có tổ chức và hiệu suất cao với lực lượng sản xuất phát triển toàn diện, cơ chế kinh tế hoàn thiện, quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa chín muồi, làm tiềm lực sản xuất nâng cao gấp đôi. Nâng cao hơn nữa trình độ xã hội hóa sản xuất, làm cho sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể hòa hợp nhau. Cuối thể kỷ, thu nhập quốc dân và tổng giá trị công nghiệp tăng gấp đôi. Năng suất lao động tăng từ 2, 3 đến 2, 5 lần, thu nhập thực tế bình quân đầu người tăng 60% đến 80%. Đảng phải bảo đảm vào năm 2000 mọi công dân có những căn hộ riêng hoặc những ngôi nhà đầy đủ tiện nghi[2]. Muốn đạt mức tăng thu nhập quốc dân, giá trị lượng công nghiệp hàng năm phải tăng 4,7%, giá trị sản lượng nông nghiệp bình quân tăng 14%-16%[3]. Trên cơ sở kinh tế phát triển mà nâng cao trình độ văn hóa, học vấn và tay nghề cho nhân dân lao động. Cũng từ đó nâng cao sức mạnh tổng hợp của đất nước, tăng cường vị trí quốc tế của Liên Xô để đến thế kỷ XXI tiến hành cuộc đọ sức với Mỹ và với các cường quốc khác.

(Còn nữa)

CVL

----------------

[1] Dẫn theo Du Thúy, Mùa đông và mùa xuân Matxcova - Chấm dứt một thời đại, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, trang 289

[2] Vich to Aphanaxep: Quyền lực thứ tư và Bốn đời Tổng Bí thư, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, trang 137.

[3] Dân theo Du Thúy, Mùa đông và mùa xuân Matxcova - Chấm dứt một thời đại, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, trang 60.

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 51)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn