Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 49)

PGS TS Cao Văn Liên

14/12/2023 06:08

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành

Kỳ 49

2. Bước ngoặt của đường lối

Hội nghị toàn quốc lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Liên Xô vẫn coi trọng lý luận, nhưng thực tế đã chứng minh lý luận lại tách rời thực tế là một đặc điểm lớn của ban lãnh đạo cải tổ. Nhưng từ Đại hội XXVII đến hội nghị XIX tư tưởng cải cách có nhiều biến đổi căn bản.

Đại hội XXVII coi cải cách chỉ là một trong các yếu tố thực hiện chiến lược tăng tốc cùng lúc với việc hoàn thiện cải cách cơ chế quản lý kinh tế, phát triển sản xuất theo chiều sâu, lấy đẩy nhanh tiến bộ khoa học - kĩ thuật làm đòn bẩy kinh tế, tăng cường kĩ thuật lao động để tận dụng có hiệu quả tiềm lực sản xuất. Hội nghị XIX Đảng Cộng sản Liên Xô cho cải cách là nhân tố căn bản và quyết định đặt cải cách lên hàng đầu chủ đạo, vì cho rằng không có cải cách không thể đẩy nhanh tiến bộ khoa học kĩ thuật. Đã thay đổi khẩu hiệu “Tăng tốc, cải cách” bằng khẩu hiệu “tăng tốc, cải cách, dân chủ”. Cải cách thành nhiệm vụ chung, cao hơn tất cả.

           Đại hội XXVII nêu lên việc “hoàn thiện”, “phát triển” thể chế chính trị, Hội nghị XIX của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đặt vấn đề “Cải cách cơ bản” thể chế chính trị. Hội nghị XIX gọi thể chế chính trị của Liên Xô được hình thành sau cách mạng tháng Mười năm 1917 đến nay đã “biến dạng nghiêm trọng” cho nên cần phải nêu lý luận và biện pháp thực tiễn “cải cách căn bản thể chế chính trị” Đại hội XXVII trình bày song song cải cách cơ chế quản lý kinh tế và “hoàn thiện”, “phát triển” thể chế chính trị. Hội nghị XIX nhấn mạnh cải cách thể chế chính trị là then chốt, là sự bảo đảm cực kỳ quan trọng đối với toàn bộ cuộc cải cách. Ban lãnh đạo cải tổ cho rằng không đụng chạm đến thể chế chính trị thì nhiệm vụ chung của cuộc cải cách không thực hiện được. Từ đó Hội nghị XIX đặt vấn đề cải cách thể chế chính trị lên hàng đầu. Ban lãnh đạo cải tổ cho rằng chiến lược tăng tốc thất bại chính là do thể chế chính trị Liên Xô bảo thủ, trì trệ, cản trở, làm cho cuộc cải cách kinh tế đình đốn, vấp váp và bị phá hoại. Sau Hội nghị XIX, Goocbachốp giải thích: “Tôi có thể nói một cách thẳng thắn rằng, chúng ta không phải một lúc đã hiểu được tính tất yếu thậm chí không thể tránh được cuộc cải cách thể chế chính trị” [1]. Về vấn đề này Đại hội XXVII chỉ phê phán việc mở rộng sản xuất theo chiều rộng, còn Hội nghị XIX quy mọi sai lầm về kinh tế, chính trị và chính sách đối ngoại đều do thể chế chính trị mệnh lệnh - hành chính tập quyền quan liêu gây ra. Hội nghị XIX cũng đã tiến thêm một bước, phê phán chính sách đối ngoại của thể chế Liên Xô trước đó và cho rằng về mặt cải cách thể chế chính trị cần xây dựng “cơ chế pháp luật có hiệu quả, có thể thảo luận ở trình độ cao những vấn đề chính sách đối ngoại”[2]

Đại hội XXVII nêu lên việc hoàn thiện có kế hoạch và toàn diện chủ nghĩa xã hội là nhiệm vụ cơ bản của Đảng, cũng là sứ mệnh của cương lĩnh sửa đổi. Hội nghị XIX kết luận rằng Chủ nghĩa Xã hội ở Liên Xô mấy năm nay đã bị “bóp méo”, “biến dạng” vì vậy không chỉ là hoàn thiện mà căn bản là phải “thay đổi” Chủ nghĩa Xã hội. Hội nghị XIX cũng bỏ qua, không nhắc lại giai đoạn hiện tại của xã hội, Liên Xô mà trước đó bảo lưu: “Đã bước vào giai đoạn Chủ nghĩa Xã hội phát triển”.

*Tại Đại hội XXVII, phát triển tư tưởng xã hội dân chủ hóa đã chiếm một vị trí nổi bật. Đại hội đã trình bày những vấn đề như phát triển tự quản Xã hội Chủ nghĩa của nhân dân, tăng cường tính công khai và quan sát của nhân dân. Dân chủ hóa xã hội và dân chủ hóa trong nội bộ Đảng là hạt nhân của cải cách thể chế chính trị. Đến Hội nghị XIX nêu lên thuyết “đa nguyên của Chủ nghĩa Xã hội” đòi xây dựng cơ chế dân chủ trong kinh tế, chính trị và ý thức tư tưởng, thực hiện chế độ kinh tế nhiều thành phần, từ đó cho phép đa nguyên hóa chính kiến. Những điều này đã đặt cơ sở cho sau này, phát triển dân chủ lan tràn, hình thành đa nguyên hóa chính trị và chế độ đa Đảng.

Văn kiện Đại hội XXVII ghi “Tất cả vì con người, tất cả vì phúc lợi của con người”. Đại hội này cũng đã khẳng định ý thức tư tưởng chủ nghĩa Mác -Lênin là chủ nghĩa nhân đạo chân chính. Hội nghị XIX nhấn mạnh, thông qua cải cách cần đạt đến chế độ Xã hội Chủ nghĩa là chế độ nhân đạo thực sự, kinh tế, xã hội. Chính trị và tư tưởng đều nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu con người và phát triển toàn diện con người.

Dân chủ và nhân đạo trở thành nội dung hạt nhân trong đường lối của Goocbachốp. Ông nói: “Chế độ Xã hội Chủ nghĩa là một chế độ nhân đạo thực sự và thực tế, thông qua cải cách xây dựng mô hình mới của Chủ nghĩa Xã hội, làm cho Liên Xô đạt được trạng thái mới về chất của xã hội ”[3]. Theo Goocbachốp trạng thái mới về chất của xã hội Liên Xô bao gồm bảy đặc trưmg cơ bản, trong đó đặc trưng thứ nhất là bản chất và hạt nhân, tức là chế độ nhân đạo thực sự và thực tế. Toàn bộ sự phát triển của xã hội đều nhằm thỏa mãn nhu cầu của con người và sự phát triển toàn diện con người: Luận điểm của Goocbachốp về Chủ nghĩa Xã hội nhân đạo, dân chủ tại Hôi nghị XIX còn chưa được rõ ràng, về sau thông qua thực tiễn, chứng tỏ nó khác với Chủ nghĩa Xã hội khoa học về mặt nguyên tắc.

(Còn nữa)

CVL

 

[1] Dẫn theo Du Thúy: Mùa đông và mùa xuân - Chấm dứt một thời đại, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, trang 127

[2] Dẫn theo Du Thúy: Mùa đông và mùa xuân - Chấm dứt một thời đại, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, trang 128

[3]Dẫn theo Du Thúy: Mùa đông và mùa xuân - Chấm dứt một thời đại, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, trang 130

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 49)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn