Điện Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng (Kỳ 7)

PGS TS Cao Văn Liên

26/04/2024 06:07

Theo dõi trên

Hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Điện Biên – Bản hùng ca chiến thắng” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2022.

Kỳ 7.

Một ngày cuối tháng 12 năm 1953, Cognu gọi cho Navarre:

-Báo cáo Tổng tư lệnh, Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã được xây dựng xong.

  Đầu dây từ Sài Gòn, Navarre  vui vẻ, hài lòng:

-Tốt lắm, theo ngài nên cử ai làm Tư lệnh Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ?

-Theo tôi nên cử Đại tá Christitan De Caxtries. Đó là theo ý của tôi còn tùy Tổng tư lệnh quyết định.

  H.Navarre đáp:

-Tôi đồng ý với đề xuất của ngài.

 H.Navarre lập tức quay máy cho De Caxtries:

-Tôi Navarre đây, chào ngài Đại tá De Caxtries.

-Xin chào ngài Tổng Tư lệnh, ngài khỏe chứ ạ?

-Cảm ơn ngài Đại tá, tôi khỏe. Tôi đã trao đổi với ngài Cognu bổ nhiệm ngài Đại tá làm tư lệnh trưởng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

-Xin cảm ơn ngài Tổng tư lệnh, nhưng có biết bao Chuẩn tướng, Thiếu tướng tài giỏi cơ mà thưa ngài Tổng tư lệnh.

-Chúng tôi không nhìn sao và vạch trên ve áo mà nhìn vào khả năng của các sĩ quan. Vả lại đây là một mệnh lệnh quân sự.

-Cảm ơn Tổng tư lệnh, đã là mệnh lệnh thì tôi chấp hành.

-Chúc ngài may mắn, tôi đón tin thắng lợi từ ngài.

-Cảm ơn Tổng tư lệnh.

  Vậy là De Caxtries được bổ nhiệm làm chỉ huy trưởng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

  Sau khi Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra đời, liên tục khoảng 50 chính khách, trong đó có H. Navarre của Pháp, phó Tổng thống Mỹ Ních xơn lần lượt lên thăm và khảo sát Điện Biên Phủ. Tất cả đều không ngớt lời ca tụng đây là “pháo đài bất khả chiến bại” này. Những lời ca tụng kín mặt báo Pháp và Mỹ trong thời gian này. Tướng Chevigne thì cho đó là “Một tập đoàn bất khả xâm phạm. vả lại Việt Minh không dám tấn công đâu". Tướng Cognu thì nói rằng: chúng ta đến Điện Biên Phủ là buộc Việt Minh phải giao chiến. Không nên làm gì thêm để họ hoảng sợ mà lãng đi. Pháp còn rải truyền đơn thách thức quân đội nhân dân Việt Nam đánh vào Điện Biên Phủ.

III

  Tháng 12 năm 1953, đã cuối năm rồi nhưng gió mùa đông vẫn thổi lạnh cắt da khắp miền Thủ đô kháng chiến huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Gió khua lá rừng xào xạc. Đồi núi và rừng quanh co, rồi khe suối, rồi đồng ruộng uốn quanh co vô tận mênh mông. Những mái nhà sàn nép bên những sườn đồi bao năm tháng, bao đời con người được che chở mờ mờ trong sương, trong lá. Tiếng chim bắt cô trói cột vọng lên trong rừng thẳm, Tiếng tếch về, tếch về của lũ tắc kè càng tăng thêm vẻ thanh bình của chiến khu kháng chiến.

 Tại đồi Tỉn Keo, xã Bình Yên, huyện Định Hóa được coi như Phủ chủ tịch cũng xanh mướt kín đáo của rừng, nhiều nhất là rừng vầu, nứa, mai, giang. Tiếng lá xạc xào theo gió, lá vàng rụng đầy lối đi màu vàng úa. Một ngôi nhà ba gian lợp lá cọ, vách nứa đan. Gian giữa vách trên cao treo cờ đỏ sao vàng, dưới cờ là ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những chiếc bàn gỗ đơn sơ kê một dãy dài từ trong ra gần cửa, vuông góc với chiếc bàn rộng kê ngang phía trong. Trên bàn đặt những bộ ấm uống trà sạch sẽ  nâu bóng. Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi ghế chủ tọa. Ngồi bàn dưới hai hàng đối diện nhau là các tướng lĩnh trong Tổng quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, chỉ huy các Đại đoàn, Tổng cục chính trị, Tổng cục hậu cần. Đây là cuộc họp mở rộng bàn việc quan trọng quyết định đến chiều hướng tương lai của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:

-Các chú uống nước cho nóng rồi chúng ta làm việc.

  Rồi Người bê bát nước thơm nóng, tất cả cũng bê nước lên và nói:

-Kính mời Bác, mời đồng chí Đại tướng.

  Xong lượt nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:

-Hôm nay chúng ta họp để quyết định vấn đề rất quan trọng, quyết định đến chiều hướng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Các chú đã biết, sau khi ta tấn công nhiều hướng trong chiến dịch đông-xuân 1953-1954, phá vỡ khối quân cơ động của H. Navarre. Để đối phó, Navarre đã xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ rất kiên cố mạnh mẽ để bảo vệ Thượng Lào, khống chế miền Bắc Đông Dương. Điều quan trọng nữa là thách thức chúng ta tấn công để tiêu diệt các Đại đoàn chủ lực của ta, tạo thắng lợi quân sự để giành thắng lợi trong chiến tranh. Vấn đề đặt ra cho chúng ta là trước một Tập đoàn cứ điểm mạnh như vậy, ta có tấn công hay không. Hôm qua Bác đã nhận được ý kiến của chú Giáp đề nghị Bộ Chính trị và Bác cho tấn công Điện Biên Phủ. Hôm nay, chú Giáp trình bày căn cứ khoa học để tấn công Điện Biên Phủ và có bảo đảm thắng lợi hay không?

  Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói:

-Kính thưa Bác, thưa các đồng chí, sở dĩ tôi thay mặt Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu đề đạt nguyện vọng được tấn công tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vì mấy lý do:

-Thứ nhất, quân đội chúng ta hiện nay đã lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt so với trước năm 1950. Nay quân chủ lực của ta đã có 6 Đại đoàn, tương đương 6 Sư đoàn bộ binh tinh nhuệ, còn có binh chủng pháo binh và công binh. Quân đội ta đã có nhiều kinh nghiệm chiến đấu tiêu diệt các Tiểu đoàn của Pháp cố thủ trong các lô cốt kiên cố gọi là cứ điểm. Cuối năm 1953 đầu năm 1954, chúng ta đã xây dựng các đơn vị phòng không với nhiều pháo cao xạ, đã có 76 khẩu pháo cao xạ 37 ly và 72 khẩu súng phòng không DSHK, ngoài ra còn có vài chục khẩu M120 Browmno thu được của quân Pháp.

  Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam nhìn nhận trận Điện Biên Phủ như là cơ hội để quân đội ta đánh tiêu diệt lớn, tạo chiến thắng quyết định để mang lại chiến thắng cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Từ trước đên nay, chúng ta chỉ mới đánh tiêu diệt cứ điểm mà chưa đánh Tập đoàn cứ điểm. Với Điện Biên Phủ, chúng ta đập tan Tập đoàn cứ điểm, đập tan hình thức phòng ngự cuối cùng của Pháp, đẩy kháng chiến đi vào một giai đoạn mới, đẩy Pháp càng lún sâu vào thế bị động và thất bại.

-Khó khăn lớn nhất của ta khi tiến hành bao vây và đánh Điện Biên Phủ là khó khăn về vận tải lương thực, bảo đảm cho ít nhất 4 đại đoàn chính quy, qua 300km đường dốc nhỏ hẹp, miền núi dưới tầm oanh tạc của máy bay Pháp mà lại không có phương tiện cơ giới nhiều. Còn phải bảo đảm lương thực cho hàng vạn dân công, thanh niên xung phong phục vụ chiến trường. Khó khăn về vận chuyển vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng, thiết bị đồ dùng y tế. Làm thế nào để đem được pháo hạng nặng, pháo phòng không vượt qua 300km đường nhỏ hẹp nhiều dốc cao suối sâu. Pháp đã nhìn thấy những khó khăn tưởng như không thể khắc phục được của chúng ta nên chúng ngang nhiên thách thức chúng ta. Vậy xin Bác và các đồng chí bàn luận thêm làm thế nào để khắc phục được những khó khăn của chiến dịch.

  Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi xuống và uống ngụm nước. Nhiều đồng chí trong Bộ Chính trị như Tổng bí thư Trường Chinh, Phạm Văn Đồng...phát biểu ủng hộ việc Quân đội nhân dân Việt Nam tấn công Điện Biên Phủ, nêu giải pháp khắc phục khó khăn lớn nhất là vận chuyển vũ khí, lương thực cho chiến dịch.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Điện Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng (Kỳ 7)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn