Điện Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng (Kỳ 5)

PGS TS cao Văn Liên

24/04/2024 06:07

Theo dõi trên

Hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Điện Biên – Bản hùng ca chiến thắng” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2022.

Kỳ 5.

III.

Tháng 11 năm 1953, đang là mùa đông nhưng mùa đông Sài Gòn tiết trời không lạnh, không nóng. Mặt trời vẫn rải nắng xuống thành phố “Hòn ngọc Viễn Đông”. Nhà cửa cao thấp đủ hình thù nhô lên không trung. Một vài đám mây bay lảng vảng như sương khói tạo ra những dáng hình mờ ảo. Đường phố ngang dọc như bàn cờ đông người đi lại.

  Trong Tổng hành dinh của Bộ chỉ huy tối cao Quân đội Liên hiệp Pháp, H. Navarre cùng Bộ tham mưu đang đứng cạnh cái bản đồ Đông Dương lớn. Đây là cái bản đồ tác chiến nên các mũi tên màu đỏ, màu vàng đậm nét xuyên ngang dọc. Mũi tên màu đỏ là chỉ những cuộc tấn công của Quân đội nhân dân Việt Nam. Những màu vàng chặn những mũi tên màu đỏ là chỉ quân Pháp do Navarre điều động để nhằm ngăn chặn những cuộc tấn công của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tình hình chiến sự rộ lên nóng bỏng trên toàn chiến trường Đông Dương. Tháng 11 năm 1953, Quân đội nhân dân Việt Nam mở cuộc tấn công Tây Bắc. Navarre buộc phải điều quân lên Điện Biên Phủ. Sau đồng bằng Bắc Bộ, Điện Biên Phủ thành nơi tập trung quân cơ động thứ hai của Pháp. Tháng 12 năm 1953, Quân đội nhân dân Việt Nam tấn công Trung Lào, giải phóng thị xã Tha Khét và toàn bộ tỉnh Khăm Muộn. Navarre điều quân lên Sê nô, xây dựng thành tập đoàn cứ điểm mới, Sê nô thành nơi tập trung quân cơ động thứ ba của Pháp. Cũng tháng 12 năm 1953, Quân đội nhân dân Việt Nam tấn công Hạ Lào và miền đông Cam pu chia, giải phóng thị xã A tô pơ và toàn bộ cao nguyên Bô lô ven. Cũng tháng 12 năm 1953, Quân đội nhân dân Việt Nam và quân Cam pu chia giải phóng Xiêm pang và Viên xai. Navarre phải điều quân lên Hạ Lào, Pắc xế thành nơi tập trung quân thứ tư của Pháp. Đầu năm 1954, Quân đội nhân dân Việt Nam tấn công Tây Nguyên, giải phóng Công Tum, uy hiếp Pơ Lây Cu. Navarre phải điều quân lên giữ Pơ Lây Cu. Plâycu trở thành nơi thứ 5 tập trung quân cơ động của Pháp. Tháng 1 năm 1954, Quân đội Việt Nam tấn công Thượng Lào, tấn công Mường Khoa, Mường Ngôi, uy hiếp cố đô Luông pra băng, giải phóng Phong xa lì, mở rộng căn cứa địa cho cách mạng Lào, diệt 2.200 lính Pháp. Navarre phải điều quân lên Luông prabăng. Luông prabăng thành nơi thứ 6 tập trung quân cơ động của Pháp.

  H. Navarre lướt chiếc gậy Thống chế chỉ huy lên bản đồ, căng thẳng và suy nghĩ: “Với cách hành quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào những nơi chiến lược quan trọng mà Pháp không thể bỏ, đành phải điều quân đến đánh giữ, như vậy khối quân cơ động 84 tiểu đoàn mà Navarre dày công xây dựng lại đang phân tán ra 6 nơi trên chiến trường toàn Đông Dương. Như vậy mấu chốt của kế hoạch quân sự đang bên bờ vực phá sản”. Navarre đang phải giải đáp bài toán là, sau khi phân tán binh lực thành nhiều nơi như vậy, làm sao vẫn có sức mạnh để tiêu diệt các Đại đoàn chủ lực Việt Minh? Chiếc gậy Thống chế của Navarre lướt trên một số địa điểm mà đã cho dựng xây thành tập đoàn cứ điểm và đã chặn được quân đội Việt Minh khá hiệu quả. Quân đội Việt Minh với vũ khí kém hơn Pháp cho đến nay mới chỉ tiêu diệt được một cứ điểm phòng ngự mà chưa thể tấn công được các Tập đoàn cứ điểm của Pháp. Một ý nghĩ chợt lóe sáng trong đầu Navarre:

-A, có rồi, trong tình thế khối quân cơ động đã không còn, chỉ còn cách là xây dựng một Tập đoàn cứ điểm và dụ Quân đội nhân dân Việt Nam tới đánh và lọt vào cái bẫy để Pháp tiêu diệt.

  Bài toán khi khối quân cơ động không còn mà vẫn tiêu diệt được các Đại đoàn quân chủ lực Việt Minh đã hình thành rõ nét và được lý giải trong đầu óc Navarre. Navarre gọi:

-Đem cho tôi cốc rượu

-Dạ.

  Người sĩ quan tùy tùng jean Pouget đem cho Navarre một cốc rượu vang đỏ:

-Xin mời Trung tướng.

-Cảm ơn.

Navarre vừa bê cốc uống, vừa dùng gậy dò trên bản đồ và dừng lại ở Điện Biên Phủ, giây lát sau Navarre vỗ vào bao súng ngắn đeo bên hông một cách khoái trá:

-Tìm ra rồi, Điện Biên Phủ, phải biến Điện Biên Phủ thành Tập đoàn cứ điểm toàn hầm ngầm kiên cố với những phương tiện vũ khí hiện đại sẽ là cái bẫy để nhử quân đội Việt Minh tới, sập bẫy xuống mà tiêu diệt 6 đại đoàn hiện có của họ. Ha!Ha!Ha!..Navarre gọi viên sĩ quan tùy tùng Joly:

-Chuẩn bị để họp Bộ Tham mưu, báo cho các sĩ quan có mặt ngay.

-Dạ, tuân lệnh Tổng tư lệnh.

  Không lâu, toàn bộ Bộ Tham mưu của quân đội Liên hiệp Pháp đã đầy đủ trong phòng họp sang trọng, các quân hàm tướng tá vàng chóe, lấp lánh trên gù vai những bộ quân phục ka ki màu vàng. Trên bàn nhiều cốc pha lê đã đầy rượu vang màu hồng lấp lánh. Các sĩ quan có mặt đều có sổ tay để ghi chép. Đối với Navarre, cấp dưới mà quên, không thực thi hoặc thực thi nhiệm vụ không hiệu quả thì sẽ bị cách chức. Navarre ngồi nghế chủ tọa, chủ động nâng cốc và nói:

-Xin mời các ngài giải khát rồi chúng ta làm việc.

  Mọi người nâng cốc:

-Cảm ơn Tổng tư lệnh, chúc ngài sức khỏe.

-Xin cảm ơn.

  Mọi người cạn cốc xong, Navarre nói:

-Thưa các ngài, từ khi sang Đông Dương gánh trọng trách, tôi đã thấy quân đội ta vì sao thất bại và ngày càng lún sâu vào thế bị động chiến lược. Đó là vì chúng ta thiếu một khối quân cơ động mạnh để mở những cuộc tấn công lớn tiêu diệt các Đại đoàn chủ lực Việt Minh. Tôi đã xây dựng được khối quân cơ động 84 tiểu đoàn ở đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng vì Việt Minh đã tấn công vào những vùng chiến lược quan trọng mà ta không thể bỏ nên tôi đã phải điều quân đến ngăn chặn, đến nay đội quân cơ động đã phải phân tán thành 6 nơi trên toàn chiến trường Đông Dương.

H. Navarre dừng lại uống một ly trà và nói tiếp:

-Tuy nhiên tôi có một giải pháp vừa phân tán binh lực giữ những vùng chiến lược quan trọng mà vẫn có thể tiêu diệt được các Đại đoàn chủ lực Việt Minh, đó là xây dựng Điện Biên Phủ thành Tập đoàn cứ điểm kiên cố, vững mạnh với trang bị những vũ khí hiện đại bậc nhát hiện nay, nhử quân đội Việt Minh tới đánh và sập bẫy tiêu diệt họ. Cho đến nay, quân đội Việt Minh với trang bị thô sơ chỉ mới tấn công tiêu diệt một cứ điểm, không có khả năng tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm vững mạnh.

  Trung tá Andre Lalanede hỏi:

-Thưa Tổng tư lệnh, sao lại chọn Điện Biên Phủ là nơi xa xôi thế ạ?

 H. Navarre đáp:

-Trong chiến tranh Đông Dương, các ngài nên nhìn rộng ra mối quan hệ tương tác giữa ba nước chứ không nên nhìn hẹp mỗi chiến trường Việt Nam. Chính phủ Pháp đã căn dặn tôi là không được để mất Lào. Xây dựng Điện Biên Phủ không chỉ là để tiêu diệt chủ lực Việt minh mà còn là để bảo vệ Tây Bắc Việt Nam, bảo vệ Thượng Lào, cố đô Luông prabang. Nếu để Việt Minh kiểm soát được Lào thì sẽ nguy cơ lớn cho toàn bộ cuộc chiến tranh, ảnh hưởng tai hại đến uy tín chính trị của nước Pháp, Pháp sẽ mang tiếng rằng không bảo vệ được các Quốc gia Liên kết. Điện Biên Phủ sẽ bảo vệ được toàn bộ miền Bắc Đông Dương, sẽ ngăn chặn được sự lưu thông giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với thượng Lào, không cho Việt Minh kiểm soát Lào, không chế miền Bắc Việt Nam, Thượng Lào và tây nam Trung Quốc, là chỗ đứng chân lý tưởng cho quân Pháp bảo vệ Thượng Lào. Điện Biên Phủ còn là căn cứ quân sự lớn nhất để xâm lược Đông Nam Á.

  Đại tá Jules Gaucher hỏi:

-Thưa Tổng tư lệnh, vì sao Điện Biên Phủ lại là cái bẫy để tiêu diệt các Đại đoàn chủ lực Việt Minh?

  Navarre đáp:

-Điện Biên Phủ cách Hà Nội 300 km, đường sá toàn rừng núi xa xôi, hiểm trở. Ta sẽ cho xây dựng ở đây nhiều cứ điểm hầm ngầm, công sự, lô cốt bằng bê tông cốt thép, phòng ngự bằng hỏa lực pháo binh, bộ binh, nhiều tầng, nhiều lớp, xe tăng, máy bay ném bom. Lương thực và vũ khí của quân ta được tiếp tế bằng máy bay ở nhiều sân bay miền Bắc Việt Nam. 

(Còn nữa)

CVL 

Bạn đang đọc bài viết "Điện Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng (Kỳ 5)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn