Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 50)

PGS TS Cao Văn Liên

15/12/2023 06:09

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành

Kỳ 50

Đảng và chính quyền không tách riêng vốn là một khuyết điểm lớn luôn luôn gây khó khăn hầu như trong tất cả các nước Xã hội Chủ nghĩa nói chung và ở Liên Xô nói riêng. Hội nghị XIX nhằm khắc phục hiện tượng Đảng bao biện mọi việc nên có một số quy định chủ yếu sau: Thứ nhất, khẳng định Đảng là đội tiên phong chính trị, giữ địa vị lãnh tụ chính trị. Vì vậy chức năng của Đảng là nghiên cứu vạch ra những vấn đề lý luận, chiến lược, chính sách, ý thức tư tưởng, công tác cán bộ và quần chúng. Tổ chức Đảng các cấp đều không nên làm thay công việc trong phạm vi chức năng của chính quyền các cấp và các Xô Viết. Thứ hai, Đảng ủy các cấp không được thông qua cơ quan nhà nước, cơ quan kinh tế và các tổ chức xã hội trực tiếp ra mệnh lệnh và nghị quyết. Thứ ba, loại bỏ các ngành không thuộc chức năng của Đảng và chồng chéo với cơ quan nhà nước, sẽ hoàn thành điều chỉnh cơ cấu Đảng trước cuối 1988. Bốn là Đảng chủ yếu thông qua các đảng viên công tác tại các cơ quan nhà nước, cơ quan kinh tế, tổ chức xã hội và tập thể lao động để quán triệt và chấp hành những phương châm chính trị của mình. Hội nghị XIX còn nêu lên những việc cần tăng cường công tác xây dựng Đảng, đề ra quy định loại bỏ chế độ giữ chức vụ suốt đời và thực hiện chế độ bầu cử.

Như vậy, Hội nghị XIX Đảng Cộng sản Liên Xô xác định phương án tổng thể cải cách thể chế chính trị ở Liên Xô. Goocbachốp viết: “Ngày nay cần phải có lòng dũng cảm thừa nhận rằng: Nếu hệ thống chính trị không thay đổi thì chúng ta không thực hiện được nhiệm vụ của công cuộc cải tổ”[1]. Ông đã đề ra bảy nguyên tắc cải cách chính trị: Một là phải làm tất cả để hàng triệu người dân lao động tham gia vào việc quản lý nhà nước. Hai là, mở rộng quá trình tự điều tiết và tự quản xã hội, tạo điều kiện để phát huy đầy đủ quyền tự chủ của công dân. Ba là, điều chỉnh bộ máy tổ chức tự do thể hiện quyền lợi và ý chí của các giai cấp và các tầng lớp xã hội, thống nhất và thực hiện chính sách đối nội và đối ngoại của nhà nước Xô Viết. Bốn là, đảm bảo điều kiện để phát triển tự do hơn nữa các dân tộc và chủng tộc. Năm là, củng cố pháp chế xã hội, chủ nghĩa và trật tự pháp luật. Sáu là, phân rõ chức năng của Đảng và nhà nước theo học thuyết Lênin về vai trò của Đảng Cộng sản - đội tiên phong chính trị của xã hội và vai trò của nhà nước Xô Viết - công cụ của nhân dân. Bảy là, xây dựng bộ máy có hiệu quả đảm bảo tự đổi mới kịp thời hệ thống chính trị có tính đến điều kiện quốc tế, trong nước thay đổi[2].

Như vậy, cương lĩnh của Đại hội XXVII của Đảng Cộng sản Liên Xô dù còn nằm trong khuôn khổ truyền thống nhưng có đặc điểm nổi bật là yêu cầu chuyển biến tư tưởng thực hiện cải cách, vứt bỏ cái cũ, có cái nhìn mới để xem xét một số quan điểm lý luận. Đại hội XXVII cũng đã đề cập đột phá một số lý luận quan trọng về kinh tế Xã hội Chủ nghĩa như kêu gọi không ngừng điều chỉnh chế độ sở hữu, có trong việc lợi dụng tác dụng tích cực của quan hệ hàng hóa - tiền tệ. Tại Đại hội này, trong báo cáo của mình, Goocbachốp kêu gọi một cuộc cải cách kinh tế triệt để.

Hội nghị toàn thể Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên bang Liên Xô ngày 27-1-1984 cũng có tầm quan trọng đặc biệt. Hội nghị đã quyết định đẩy mạnh công cuộc cải tổ theo hướng hiện thực. Chính sách công khai vừa dân chủ hóa, đổi mới công tác cán bộ, lấy sự ủng hộ cải tổ làm tiêu chuẩn đánh giá cán bộ. Hội nghị này chương trình đã khác xa so với Đại hội XXVII, nó chuẩn bị tư tưởng và tổ chức cho Hội nghị lần thứ XIX toàn quốc của Đảng Cộng sản Liên Xô.

Hội nghị toàn quốc lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Liên Xô là một bước ngoặt, chuyển hướng từ cải cách kinh tế thất bại sang cải cách chính trị, nhấn mạnh cải cách thể chế chính trị là then chốt của sự nghiệp cải tổ. Hội nghị XIX cũng đề ra “Thay đổi Chủ nghĩa Xã hội” chứ không phải là “hoàn thiện” như các cương lĩnh ban đầu đề cập, kêu gọi dân chủ hóa và nhân đạo, từ đó cho phép đa nguyên hóa, định rõ chức năng của Đảng với chính quyền nhằm khắc phục hiện tượng Đảng bao biện, chồng chéo lên công việc của chính quyền.

Cương lĩnh Hội nghị lần thứ XIX hoàn toàn duy ý chí, tách rời thực hiện, không tính đến hoàn cảnh Liên Xô và hoàn cảnh quốc tế bấy giờ. Cho nên Hội nghị này đã chuẩn bị một số phận bất hạnh cho Đảng Cộng sản Liên Xô và cho toàn Liên bang Xô Viết.

3. Chính sách đối ngoại

Chính sách đối ngoại là một bộ phận của chính sách đối nội, phục vụ cho chính sách đối nội. Trong thời kỳ cải tổ, các nhà lãnh đạo Liên Xô nêu “tư duy chính trị mới” trong chính sách đối ngoại nhằm thích ứng nhu cầu cải cách trong nước. Tư tưởng cải cách trong đối nội và tư duy chính trị mới trong vấn đề quốc tế là những vấn đề đi song song, vì cải cách bên trong nên cần có điều chỉnh tương ứng trong chiến lược quốc tế và quan hệ đối ngoại, chính sách quốc tế tùy thuộc chính sách trong nước. Chính sách đối ngoại là sự kéo dài của chính sách đối nội, phản ánh đúng mối liên hệ hai mặt của tư duy mới vấn đề trong nước và vấn đề quốc tế.

“Tư duy chính trị mới” của Goocbachốp không phải từ trên trời rơi xuống mà ông đã kế thừa có tính chất phê phán các quan điểm của Brêgiênhép của Khơrútsốp và của cả Ăngđơrôpốp. Ở thời Goocbachốp “tư duy chính trị mới” đưa hệ thống hóa và được tuyên truyền mạnh mẽ. “Tư duy chính trị mới” của Goocbachốp quy tụ lại mấy điểm như sau: Thứ nhất, tư duy chính trị mới là nâng văn minh lên một giai đoạn mới. Nó không phải là sự điều chỉnh có một lần về lập trường mà là phương pháp luận xử lý công việc quốc tế. Thứ hai, tư duy chính trị mới làm người ta có thể phân tích chặt chẽ tình hình khách quan và định ra chính sách chỉ đạo có hiệu quả. Nó không phải là trò chơi chữ, không phải là cách nghĩ thích nghi từng lúc mà nguyên tắc cao nhất về lý luận và chính trị cần tuân theo. Thứ ba, cơ sở của tư duy chính trị mới là tư tưởng chủ nghĩa nhân đạo, rõ ràng và sâu sắc. Cốt lõi của nó là thừa nhận giá trị của loài người cao hơn tất cả. Nguyên tắc cơ bản của nó rất đơn giản: Chiến tranh hạt nhân không thể trở thành phương tiện đạt được mục tiêu chính trị kinh tế, hình thái ý thức và bất kỳ một mục tiêu nào khác. Thứ tư: tư duy chính trị mới không phải là tuyên bố khẩu hiệu mà là triết học của hành động, triết học của cuộc sống.

(Còn nữa)

CVL

----------------------------

[1] N. I. Rưscốp: Cải tổ - Lịch sử của những sự phản bội, Tổng cục II Bộ Quốc phòng, Hà Nội, 1992.

[2] N. I. Rưscốp: Cải tổ - Lịch sử của những sự phản bội, Tổng cục II Bộ Quốc phòng, Hà Nội, 1992, trang 304

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 50)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn