Điện Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng (Kỳ 10)

PGS TS Cao Văn Liên

29/04/2024 06:09

Theo dõi trên

Hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Điện Biên – Bản hùng ca chiến thắng” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2022.

Kỳ10.

Đã bước sang đầu tháng 3, nắng chan hòa rải xuống khu rừng đóng quân của Đại đoàn 312, chan hòa rừng núi Điện Biên Phủ. Cây cổ thụ, cây không tên, dây leo rậm rạp, nhưng nhiều nhất là giang, nứa, tre, luồng phủ trên lán trại kín mít. Nắng chui lọt qua các kẽ lá tạo nên những giọt li ti rơi xuống. Gió thổi lá rung xào xạc, lá vàng rơi lả tả. Nhưng ngọn đồi núi nhấp nhô xanh màu lá và trắng màn sương mỏng bao quanh.

Sở chỉ huy của Đại đoàn 312 là ngôi nhà 3 gian lợp lá cọ, vách nứa đan. Trong nhà kê những chiếc bàn gỗ đơn sơ, hai bên bàn là những chiếc ghế gỗ dài. Quanh nhà có những chiếc hầm tranh bom đạn giành cho Đại đoàn bộ. Trên bàn có những chiếc xoong đun nước và chén uống nước màu nâu. Đại đoàn Trưởng Lê Trọng Tấn đang ngồi xem lại sơ đồ Điện Biên Phủ, chợt chuông điện thoại vang lên. Đại tá vội cầm máy:

-Alô, tôi Lê Trọng Tấn xin nghe.

Bên kia đầu dây:

-Tôi Võ Nguyên Giáp đây, chào đại tá.

-Xin chào Đại tướng.

-Đại tá nhận lệnh cụ thể của trận đánh mở màn.

-Dạ, tôi nghe, thưa Đại tướng.

-Tôi giao nhiệm vụ cho Đại đoàn 312 tấn công diêu diệt cứ điểm Him Lam, mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Về thời gian tấn công, 17 giờ 5 phút ngày 13 tháng 3 năm 1954. Mở đầu trận đánh, tất cả pháo của ta gồm 40 khẩu 75 ly, 120 ly đồng loạt bắn vào Him Lam, bắn vào pháo binh Pháp, bắn vào sân bay Mường Thanh. Số đạn bắn được 1000 viên để tiêu diệt hỏa lực, lô cố, hầm hố, công sự. Dứt đợt pháo thì bộ đội của đồng chí tấn công. Còn tấn công như thế nào, Trung đoàn nào, Tiểu đoàn nào, Đại đội nào tham gia đánh ở đâu thì đồng chí bàn cụ thể với Ban chỉ huy Đại đoàn và các Ban chỉ huy Trung đoàn, Tiểu đoàn. Lưu ý là ở Him Lam có thể hình thành thế bao vây mà tiêu diệt địch, thứ hai đây là trận mở màn nên phải thắng lợi. Đồng chí họp Ban chỉ huy Đại đoàn triển khai và báo cáo về Bộ chỉ huy. Chúc các đồng chí thắng lợi.

-Thưa Đại tướng, chúng tôi sẽ hoàn thành nhiệm vụ mà đồng chí giao phó, sẽ cắm lá cờ Quyết chiến quyết thắng của Bác trên đồi Him Lam. Chào Đại tướng.

Buông máy điện thoại , Lê Trọng Tấn gọi liên lạc viên:

-Đồng chí đi mời đồng chí Trần Độ, đồng chí Hoàng Kiên và các đồng chí Trung đoàn trưởng trung đoàn 141, Quang Tuyến, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 165 Lê Thùy, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209 Hoàng Cầm tới họp.

-Dạ, tuân lệnh Đại tá.

Một lát sau, ban chỉ huy Đại đoàn và 3 Trung đoàn trưởng đã có mặt. Sau một lượt nước, Đại tá Lê Trọng Tấn nói:

-Tôi vừa nhận được lệnh của đồng chí Đại Tướng hạ lệnh cho Đại đoàn ta tấn công tiêu diệt cứ điểm Him Lam, mở đầu cho chiến dịch. Theo kế hoạch của Bộ chỉ huy chiến dịch thì thời gian mở màn là 17 giờ 5 phút ngày 13 tháng 3 năm 1954. Trước khi bộ đội của Đại đoàn ta xung phong thì thì bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh cho tất cả pháo của ta sẽ bắn phá dữ dội vào Him Lam, vào sân bay, vào pháo binh Pháp, tiêu diệt tất cả hỏa lực, máy bay của chúng. Đặc biệt pháo sẽ bắn dữ dội vào Trung tâm đề kháng Him Lam, tạo thuận lợi cho Đại đoàn ta tấn công. Đồng chí Đại tướng nhấn mạnh đây là trận mở đầu nên phải quyết thắng, với Him Lam phải tạo thế bao vây để tiêu diệt địch.

Lê Trọng Tấn uống một ngụm nước và nói tiếp:

-Các đồng chí nhìn lên bản đồ thấy Trung tâm đề kháng Him Lam có ba cứ điểm ở ba quả đồi, tạo thành ba đỉnh của một tam giác. Cứ điểm 1 (đỉnh 1 của tam giác) ở về phía bắc, cứ điểm 2 (đỉnh 2) nằm ở phía nam, cứ điểm 3 (đỉnh 3) chếch về phía tây Him Lam có vị trí quan trọng chặn con đường từ Tuần Giáo đi Điện Biên, án ngữ con đường 41. Him Lam cách Phân khu Trung tâm 2,5 km sẽ chặn cuộc tấn công của quân ta ở vòng ngoài, bảo vệ Phân khu Trung tâm từ xa. Him Lam còn là đài quan sát của Pháo binh và máy bay ở Mường Thanh.

-Về hệ thống phòng ngự của Him Lam có hệ thống chiến hào ngang dọc với những hầm ngầm xi măng cốt thép, lưới lửa dày đặc, bố trí nhiều tầng, nhiều lớp với súng trung liên, trọng liên, bazoka, súng không giật, súng phóng lựu, súng cối, súng phun lửa, súng có kính ngắm bắn ban đêm. Bên ngoài cứ điểm là bãi mìn, dây thép gai rộng 100 đến 200m,

-Lực lượng bảo vệ Him Lam là Tiểu đoàn lê dương 3 thuộc bán Lữ đoàn lê dương số 13 (3/13eDBE), chỉ huy Tiểu đoàn là Tiểu đoàn trưởng Paulpegot. Ngoài hỏa lực của Him Lam, nếu bị tấn công còn được toàn bộ hỏa lực của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ chi viện gồm toàn bộ máy bay, 50 pháo cối ở Mường Thanh, Hồng Cúm và các căn cứ gần kề chi viện. Lực lượng phản kích của De Castơries cách 2,5km sẽ phản kích, thậm chí huy động cả máy bay ở Hà Nội lên ứng cứu.

-Căn cứ vào đó, chúng ta sẽ tấn công ban đêm để loại trừ khả năng tăng viện của địch. Tập trung lực lượng đông nhiều gấp 3 lần đến 5 lần để tấn công, pháo kích trước khi đánh, phải tập trung sức mạnh trong giờ phút quyết định. Căn cứ vào yêu cầu của trận đánh, tôi giao nhiệm vụ cụ thể cho các Trung đoàn như sau:

-Đồng chí Quang Tuyến, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 141 nhận lệnh.

-Có tôi, thưa Đại tá.

-Đồng chí cho 1 tiểu đoàn đánh cứ điểm số 1, 1 tiểu đoàn đánh cứ điểm số 2.

-Tuân lệnh Đại tá.

-Đồng chí Hoàng Cầm, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209 nhận lệnh.

-Có tôi, thưa Đại tá.

-Đồng chí cho 1 Tiểu đoàn tiêu diệt cứ điểm số 3, 1 tiểu đoàn làm nhiệm vụ dự bị, 1 tiểu đoàn đánh địch phản kích trên đường 41.

-Tuân lệnh, thưa Đại tá.

-Đồng chí Lê Thùy, Trung đoàn trưởng trung đoàn 156 nhận lệnh.

-Có tôi, thưa Đại tá.

-Trung đoàn của đồng chí có nhiệm vụ hỗ trợ cho hai Trung đoàn 141 và 209 tiêu diệt địch.

-Tuân lệnh, thưa Đại tá.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Điện Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng (Kỳ 10)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn