Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 48)

PGS TS Cao Văn Liên

13/12/2023 06:10

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành

Kỳ 48.

III. Tiến trình cải tổ ở Liên Xô

1. Những tư tưởng ban đầu của công cuộc cải tổ

Chiến lược tăng tốc: Ngày 10-3-1985, K. U. Chéc - nhen - cô từ trần. Ngày hôm sau, 11-3-1985, Hội nghị Trung ương bất thường của Đảng Cộng sản Liên Xô bầu M. X. Goocbachốp làm Tổng Bí thư của Đảng. Đây không phải là sự kế nhiệm chức vụ thông thường trong ban lãnh đạo chóp bu Đảng và nhà nước, mà là sự mở đầu cho Liên Xô bước vào thời kỳ cải tổ. Ngày 11-3-1985 là ngày mở đầu cho Liên Xô bước vào thời kỳ cải tổ. Ngày 11-3-1985 là ngày mở đầu cho sự sụp đổ của một cường quốc vĩ đại: Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết, là ngày mở đầu cho sự tan rã của Đảng Cộng sản Liên Xô, một Đảng Mác xít do chính Lênin sáng lập và lãnh đạo, có truyền thống hơn 100 năm chiến đấu oanh liệt vẻ vang. Điều đó vào những ngày tháng 3-1985 ít ai ngờ.

Dù sao thì đường lối ban đầu của cải tổ cũng đã được vạch ra ngay sau đó. Trong Hội nghị toàn thể Ủy ban Trung ương, Đảng Cộng sản Liên Xô tháng 4-1985, M. X. Goocbachốp đọc bản báo cáo quan trọng, khởi đầu cho việc đề xướng cải tổ. Trong bản báo cáo này Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô đã khẳng định sự kế thửa đường lối chiến lược của Đại hội XXVI “hoàn thiện Chủ nghĩa Xã hội phát triển” và nhấn mạnh rằng trong một thời hạn lịch sử ngắn ngủi, Liên Xô đã đạt tới những đỉnh cao của sự phát triển xã hội, kinh tế. Nhưng trong bản báo cáo này, M. X. Goocbachốp đã đề cập đến sự gia tăng, các xu hướng không thuận, đến những khó khăn của Liên Xô. Nguyên nhân của mọi vấn đề, theo ông là do sự bất lực và không kiên quyết của ban lãnh đạo chính trị trước đây, là do các ban lãnh đạo đó đã không mạnh dạn tiến hành cải cách kinh tế.

Trung tâm điểm trong báo cáo của M. X. Goocbachốp, sau này trở thành chủ trương chiến lược của Đảng là: “Sử dụng rộng rãi các thành tựu của cách mạng khoa học - kĩ thuật, làm cho hình thức kinh doanh Xã hội Chủ nghĩa phù hợp với các nhu cầu và điều kiện hiện tại, chúng ta cần phải đạt được một sự tăng tốc đáng kể tiến bộ kinh tế - xã hội. Không có con đường nào khác”[1]. Báo cáo cũng đã nêu ra một loạt các biện pháp để tăng tốc và đưa xã hội Xô Viết đến một trạng thái mới về chất. Đó là việc chuyển nền kinh tế đã phát triển theo chiều rộng đến cạn kiệt sang phát triển theo chiều sâu, đẩy nhanh tiến bộ khoa học kĩ thuật. Cải tổ hệ thống quản lý kế hoạch hóa, thay đổi chính sách cơ cấu và chính sách đầu tư. Nâng cao tính tổ chức kỉ luật, cải tiến phong cách làm việc. Báo cáo cho rằng có thể nhanh chóng thu được kết quả “Nếu huy động được các dự trữ kinh tế - tổ chức và các dự trữ xã hội, đặc biệt là nếu làm tích cực được yếu tố con người, sao cho mỗi con người đều làm việc một cách tận tâm, làm việc hết mình”[2].

Goocbachốp giành sự đặc biệt chú ý đến “yếu tố” con người trong chiến lược tăng tốc. Phát biểu tại hội nghị cán bộ cốt cán của Đảng bộ Lêningrat tháng 5-1985, ông nói: “Ở giai đoạn đầu, trong khi chúng ta sẽ triển khai việc đẩy nhanh tiến bộ khoa học kĩ thuật, chúng ta cần đạt được mọi kết quả từ việc tổ chức tốt hơn, từ tinh thần trách nhiệm cao, từ thái độ tận tụy của người lao động đối với công việc”[3].

Như vậy, hội nghị tháng 4-1985 có ý định đưa nền kinh tế đang trong tình trạng tiền khủng hoảng sang con đường phát triển theo chiều sâu, đẩy nhanh tiến bộ khoa học kĩ thuật mà chưa phân tích được những nguyên nhân thất bại của những nỗ lực trước đây. Trong bối cảnh của năm 1985, Hội nghị tháng 4 đã thu được những hiệu quả chính trị. Trong xã hội đã xuất hiện niềm hi vọng rằng sẽ có đổi thay, cải cách, rằng lời nói sẽ đi đôi với hành động thực tiễn 1985. Uy tín của Tổng bí thứ Goocbachốp lên cao. Ông giành được sự ủng hộ của hầu hết các tầng lớp xã hội.

Đảng Cộng sản Liên Xô tiến tới Đại hội lần thứ XXVII ngày 25-2 đến 6-3-1986. Đại hội này phải tìm một lối thoát cho Đảng ra khỏi cuộc khủng hoảng cương lĩnh kéo dài từ 1970 vì những lý luận về “Chủ nghĩa Xã hội phát triển” tỏ ra không có sức sống, là xa rời thực tiễn hiện trạng của đất nước Xô Viết. Nhưng cương lĩnh Đảng Cộng sản Liên Xô do Đại hội XXVII thông qua đã không chứa đựng những tư tưởng mới mẻ. Cương lĩnh vẫn nhận định rằng toàn bộ lịch sử Liên Xô là một quá trình không ngừng đi tới những đỉnh cao của tiến bộ xã hội, rằng cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản đang ngày càng sâu sắc, sự diệt vọng của chủ nghĩa tư bản đang ngày càng rõ ràng.

Đại hội XXVII đã lảng tránh những vấn đề gay cấn của chủ nghĩa xã hội. Để lý giải những mâu thuẫn giữa học thuyết lý luận với thực tiễn cuộc sống hiện thực (như tính phi giai cấp trong chủ nghĩa xã hội với sự tồn tại của nhà nước trong chủ nghĩa xã hội, giữa lao động được xã hội trực tiếp với nhu cầu về quan hệ hàng - tiền). Cương lĩnh vẫn khẳng định chủ nghĩa cộng sản có hai giai đoạn thấp và cao. Ở giai đoạn thấp của chủ nghĩa Cộng sản vẫn tồn tại giai cấp, sản xuất hàng hóa, nhà nước, phân công lao động xã hội, nghĩa là vẫn tồn tại những dấu ấn của chủ nghĩa tư bản. Việc thực hiện chủ nghĩa cộng sản đầy đủ, cương lĩnh chưa bàn tới.

Cương lĩnh Đại hội XXVII nhìn nhận thế giới như là không thay đổi với ba cơ cấu lớn là chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội và các nước đang phát triển. Động lực sự phát triển của thế giới vẫn là sự đối đầu không khoan nhượng giữa hai hệ thống xã hội, là sự thi đua giữa hai hệ thống (trước dùng từ đấu tranh). Cương lĩnh cũng đã vạch ra nhiệm vụ đối ngoại hấp dẫn, đến năm 2000 sẽ thủ tiêu toàn bộ vũ khí hạt nhân.

Như vậy, cương lĩnh của Đảng Cộng sản Liên Xô do Đại hội XXVII thông qua hoàn toàn nằm trong khuôn khổ truyền thống, tâm lý Xã hội Chủ nghĩa, tự lừa dối, nhìn nhận không đúng thực tế, đánh giá quá cao phương pháp mệnh lệnh hành chính, tin rằng với một khẩu hiệu mới và với việc tổ chức tốt sẽ huy động được các tiềm năng của yếu tố con người để đưa xã hội tiến nhanh đến một trạng thái mới về chất. Với lý do như vậy, Cương lĩnh Đại hội XXVII không đủ sức để thực hiện chiến lược tăng tốc sự phát triển kinh tế, xã hội Liên Xô. Trên thực tế chiến lược tăng tốc không đi vào cuộc sống và thất bại không có một lý luận sáng suốt soi đường. Tình hình đó đặt Đảng Cộng sản Liên Xô phải đánh giá lại tình hình đất nước và tìm tòi giải pháp mới, lấp khoảng trống “lý luận”, về thiết kế cải tổ. Trong bối cảnh đó, Hội nghị toàn quốc lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Liên Xô được tiệu tập. Hội nghị họp từ ngày 28-6 đến ngày 1-7-1988, là khởi điểm cuộc cải cách ở Liên Xô, do biến đổi có tính chất bước ngoặt, đánh dấu bước đi chệch hướng của cải tổ. Mục đích của Hội nghị này là tổng kết kinh nghiệm và bài học cải cách ba năm qua, định ra phương án tổng thể, cải cách thể chế chính trị là vấn đề trung tâm của Hội nghị.

(Còn nữa)

CVL

 

[1] Dẫn theo: Tổ quốc ta - một thử nghiệm về lịch sử chính trị - trang 53, Nxb Terra, Matxcova, 1991.

[2] Dẫn theo: Tổ quốc ta - một thử nghiệm về lịch sử chính trị - trang 53, Nxb Terra, Matxcova, 1991, trang 53.

[3] Dẫn theo: Tổ quốc ta - một thử nghiệm về lịch sử chính trị - trang 53, Nxb Terra, Matxcova, 1991, trang 53.

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 48)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn