Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 65

PGS TS Cao Văn Liên

08/10/2023 06:03

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 65

  Lính cận vệ mở bánh chưng và giò bò ra dâng lên cho hai tướng. Đinh Liệt nói:

-Cho ngựa của chúng ta ăn uống đi.

-Dạ, tuân lệnh.

Phạm Văn Hiến bảo một tùy tướng:

-Chạy nhanh vào thanh lấy một vò rượu ngon ra đây nhanh lên.

-Dạ.

Đinh Liệt và Lê Niệm ăn xong, ba quân vừa ăn xong thì bình rượu cũng vừa được đem ra. Phạm Văn Hiến rót đầy ba bát và nói:

-Chúc Hoàng thượng chiến thắng, chúc hai tướng quân chiến thắng.

-Đa tạ, đa tạ Tổng trấn.

Ba người bê ba bát rượu uống cạn. Đinh Liệt, Lê Niệm đặt bát xuống và nói:

-Đa tạ, đa tạ, xin cáo biệt.

-Cáo biệt hai tướng quân.

Đinh Liệt và Lê Niệm lên ngựa cùng ba quân tiếp tục hành quân thần tốc vào Đồ Bàn, truy kích quân Trà Toàn đang tháo chạy.

   Lại nói quân Chiêm Thành chạy gần đến cửa biển Tấn Áp và Cửu Tọa gặp con đường nhỏ, hai bên cây cối đường núi rậm rạp. 10 vạn quân Chiêm Thành đang trên đà chạy không thể dừng lại vì phía sau 10 vạn quân Việt đang truy kích tới. Thốt nhiên có một phát tên lửa bắn lên trời. Hai bên rừng cây, tên đạn dội vào quân Chiêm như mưa. Hàng vạn quân Chiêm ngã xuống chồng chất, máu tuôn như suối. Ngay tức khắc ba vạn quân Trà Toàn bị tiêu diệt. Tiếng người chạy, tiếng ngựa phi, tiếng voi gầm hoảng loạn rung chuyển một vùng trời đất. 8 vạn quân Đại Việt tràn xuống chém giết. Quân Trà Toàn còn 7 vạn nhưng mất kỷ luật chiến đấu trở thành một cuộc tháo chạy hỗn loạn, chạy đến núi Mạc Nô lại bị quân của Lê Hy Cát đón đánh, thây đổ chết hàng ba dặm đường, máu phun đỏ đường đất, quân Chiêm đạp lên xác đồng đội mà chạy, phía sau 10 vạn quân Việt vẫn đang truy đuổi ráo riết. Trà Toàn liều chết cố chạy về Đồ Bàn cố thủ. Mãi tới gần tối, Trà Toàn và quân Chiêm mới trông thấy thành Đồ Bàn nhưng khi lại gần thì trên thành những lá cờ Đại việt đã cắm từ khi nào tung bay phấp phới. Thì ra khi vào Thi Nại, tướng Nguyễn Đức Trung vâng lệnh Lê Thánh Tông đem 5 vạn quân đổ bộ lên đánh chiếm Đồ Bàn trước khi quân Chiêm về. Kinh Đô Chiêm Thành thất thủ nhanh chóng vì không có quân bảo vệ. Tất cả quân đội đã theo Trà Toàn ra Hóa Châu chinh chiến. Trà Toàn không có thành trì, đành cố thủ tạm bợ bên ngoài. Đạo quân Đại Việt từ Bắc đánh vào, đạo quân trong thành đánh ra. 5 vạn quân Chiêm Thành còn lại phải đầu hàng, Trà Toàn và toàn bộ triều đình Chiêm bị bắt sống.

  Vua Lê Thánh Tông đi sau với 500 chiến thuyền và 5 vạn quân tiến vào Thi Nại. Vua tới nơi thì có thám mã về báo:

-Dạ, bẩm Hoàng thượng, quân ta đã hạ được kinh đô Đồ Bàn, vua Chiêm Thành là Trà Toàn và toàn bộ triều đình đã bị bắt sống.

  Ngay tối hôm đó, Đinh Liệt và Lê Niệm đem quân đến đón Lê Thánh Tông lên Đồ Bàn. Tháng 3 năm 1471 âm lịch, vua Lê Thánh Tông kéo quân về nước, đem theo Trà Toàn nhưng Trà Toàn về đến Nghệ An bị bệnh mà chết. Sau chiến tranh, Lê Thánh Tông lập thêm Thừa tuyên Quảng Nam là vệ Thăng Hoa là đất của Chiêm Thành. Em Trà Toàn là Trà Thuận chạy trốn vào Bình Thuận lập triều đình mới và sang cầu cứu nhà Minh xin phong vương. Tháng 11 âm lịch, Lê Thánh Tông sai Lê Niệm đem 5 vạn quân vào đánh Trà Thuận. Trà Thuận bị bắt giải về Đông kinh Đại Việt. Vua Minh Hiến Tông sai sứ sang bảo Lê Thánh Tông trả lại Thừa Tuyên Quảng Nam cho Chiêm Thành nhưng vua Lê Thánh Tông không nghe. Sau cuộc chinh phạt của Hồng Đức, lãnh thổ Chiêm Thành còn lại từ Phú Yên (phía Bắc) đến Ninh Thuận (phía Nam) nhưng suy yếu. Từ đó không quấy phá Đại Việt nữa.

Tháng 8 mùa thu năm 1479, trong cung Viên Hà, vua Lê Thánh Tông đang ngồi uống trà sau bữa ăn sáng thì có quan nội thị vào báo:

-Dạ bẩm Hoàng thượng, có thám mã từ biên cương Tây về bẩm báo việc khẩn cấp.

-Cho vào ngay.

-Dạ.

Thám mã vào quỳ hành lễ:

-Hoàng thượng vạn vạn tuế.

-Miễn lễ, đứng dậy có gì nói đi.

-Dạ bẩm hoàng thượng, tù trưởng Bồ Man là Cầm Công cấu kết với vua Lão Qua (Lào) động binh đang đánh chiếm châu Quỳ Hợp của ta ạ.

-Ta biết rồi, ngươi đi ăn uống và nghỉ ngơi đi.

-Dạ, đa tạ Hoàng thượng.

  Người thám mã cúi chào đi ra. Lê Thánh Tông rót thêm một ly trà nữa, vừa uống, vừa suy nghĩ: Các đời vua Lão Qua sao không biết suy nghĩ cho bách tính, rất nhiều lần vô cớ quậy phá ở biên cương phía tây Đại Việt. Khi Lê Thái Tổ đánh giặc Minh, vua Lão Qua đã đưa 9 vạn quân, 100 thớt voi sang phối hợp với giặc Minh đánh úp quân Lam Sơn. Năm 1441 lại giúp và xui dục Thổ ty châu Mường Muỗi (Thuận Châu, Sơn La) là Thượng Nghiễm phản loạn thời Lê Thái Tông, đến năm 1467 niên hiệu Quang Thuận năm thứ 7 lại cấu kết với Phụ đạo Thuận Châu là Ngưu Hồng, Cầm Đồng chiếm động Cự Lộng, làm loạn vùng Tây Bắc. Ta đã sai Tổng binh Khuất Đá làm Đô tướng cùng Tổng binh Nguyễn Đồng và Tán lý quân vụ Nghiêm Nhân Thọ phối hợp với quân đồn trú trấn Mường Muỗi đánh và bắt được Cầm Đồng đem về Đông Kinh. Tháng 3 âm Lịch năm 1467, quân Ai Lao lại xâm phạm biên giới bị thổ binh phủ An Tây (Sơn La) là Hiệu Úy Hoàng Liễu đánh bại. Tháng 8 năm 1478 và tháng 8 năm 1479 quân Lão Qua lại giúp thủ lĩnh Bồn Man là Cầm Cộng quấy nhiễu Quỳ Hợp Đại Việt...

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 65" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn