Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 64

PGS TS Cao Văn Liên

07/10/2023 06:02

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 64

Trong buổi thiết triều ngày 6 tháng 11 âm lịch 1470 trước khi ra trận, Lê Thánh Tông nói:

-Đây là chiếu đánh Chiêm Thành công bố cho toàn thể bách tính Đại Việt biết tội ác của Trà Toàn, cho dân chúng biết công khai và rõ ràng về lý do xuất quân. Thái sư Tân Quận công Đinh Liệt.

-Bẩm hoàng thượng có thần.

-Thái bảo Kỳ Quận Công Lê Niệm.

-Bẩm hoàng thượng có thần.

-Nay lệnh cho hai khanh dẫn 10 vạn bộ binh xuất phát trước vào đánh Trà Toàn giải vây gấp cho Hóa Châu.

-Chúng thần tuân chỉ.

-Thái tử Lê Tranh.

-Dạ có Tranh nhi.

-Khi ta thân chinh, con ở nhà cùng các đại thần coi sóc triều chính.

-Hài nhi tuân chỉ.

-10 ngày sau, ta sẽ đem 16 vạn quân theo đường thủy đổ bộ vào Chiêm Thành. Đinh Liệt và Lê Niệm giải vây xong Hóa Châu thì nhớ truy kích quân Chiêm cùng ta đánh đến kinh đô Đồ Bàn.

-Lê Niệm và Đinh Liệt cùng đáp:

-Chúng thần tuân chỉ.

Mùa đông gió mùa đông bắc thổi mạnh, biển đen ngòm tung từng đợt sóng. Sóng vỗ vào 1.000 chiến thuyền của thủy quân Đại Việt chở 16 vạn thủy binh do Lê Thánh Tông chì huy đang đè sóng tiến vào Nam viễn chinh đánh Chiêm Thành. Gió thổi những cánh buồm căng ra đưa đoàn chiến thuyền lướt sóng như bay. Trên từng thuyền chật cứng thủy binh quân phục màu nâu, gươm giáo sáng lòa. 1.000 chiến thuyền của đại quân hành quân theo hàng ba, cờ vàng rợp trời, mái chèo phụ sức đẩy với cánh buồm rào rào khua nước làm chấn động biển gần. Làng mạc của Đại Việt ven bờ biển tạo màu  xanh vô tận từ Bắc xuống Nam, uốn lượn quanh co như bức tranh thủy mạc. Thuyền của Lê Thánh Tông màu vàng, trên có vọng lâu che lọng vàng, bên trên lọng vàng có lá cờ lớn màu vàng viết chữ soái màu đỏ.

  Khoảng 10 ngày sau, chiến thuyền của Đại Việt đã đến bờ biển Chiêm Thành, vùng mà sau này gọi là Quảng Ngãi, càng vào biển phía nam sóng càng lồng lên dữ dội, mạnh mẽ gầm gào. Lê Thánh Tông nói với thám mã:                                

-Ngươi chạy ngựa ra Hóa Châu xem tình hình cứu viện như thế nào và nhắc lại nếu quân Chiêm Thành bại trận rút lui thì truy kích phối hợp cùng thủy quân đã vào, đánh vào tận Đồ Bàn.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh hoàng thượng.

Lê Thánh Tông gọi tướng Nguyễn Xí.

-Dạ bẩm hoàng thượng có thần:

-Tướng quân dẫn 8 vạn quân lên bộ tìm chỗ hiểm yếu mai phục chờ diệt quân Chiêm Thành thua trận chạy về mà tiêu diệt, lập công.

-Dạ thần tuân lệnh.

-Còn ta sẽ đem chiến thuyền vào Thi Nại đổ bộ lên đánh Đồ Bàn nhân lúc quân Chiêm không còn quân để phòng thủ vì Trà Toàn đã đem quân gần hết ra Hóa Châu.

-Hoàng thượng anh minh.

  Lại nói Trà Toàn cậy quân đông đang công phá thành Hóa Châu rất quyết liệt vì Hóa Châu bị vây lâu ngày đang rất nguy cấp. Chợt có thám mã về báo cho Trà Toàn:

-Dạ bẩm Hoàng thượng, 10 vạn quân Đại Việt đang từ Quảng Trị tiến vào rất nhanh, sắp đến thành Hóa Châu rồi ạ.

Trà Toại là em Trà Toàn nói:

-Bẩm Hoàng thượng, phải rút nhanh, nếu không trong thành đánh ra ngoài thành đánh vào thì quân ta nguy to.

  Trà Toàn ngạo mạn nói:

-Quân Đại Việt 10 vạn nhưng hành quân đã hơn 1.700 dặm mỏi mệt, quân ta cũng 10 vạn nhàn rỗi, sung sức thì sợ gì, còn quân trong thành bị vậy 1 tháng đói khát đã kiệt sức, có gì mà phải sợ.

  Rồi Trà Toàn hạ lệnh:

-Đánh thành nhanh, phải chiếm được thành trước khi quân Đại Việt tới.

-Tuân lệnh hoàng thượng.

Quân Trà Toàn đông như kiến cỏ lại xông lên, dùng thang bắc trèo lên thành, dùng voi húc vào cổng thành. Quân Việt trên thành bắn tên ném đá xuống nhưng rất thưa thớt vì đá và đạn đã gần hết, dầu lửa đốt đổ xuống cũng đã kiệt quệ. Khả năng chỉ một ngày nữa là thành thất thủ. Đang khi đó thám mã báo cho Trà Toàn:

-Bẩm Hoàng thượng, 10 vạn quân Đại Việt đã đến ngoài thành.

  Trà Toàn hốt hoảng:

-Hả, sao nhanh vậy?

Lại có thám mã về báo:

-Dạ, bẩm Hoàng thượng, 16 vạn quân Đại Việt đi đường biển do chính vua Lê Thánh Tông chỉ huy đã vào cửa biến Tấn Áp và Cựu Tọa, gần cửa biển Sa kỳ, đang tiến đánh kinh đô Đồ Bàn ạ.

  Trà Toàn thực sự hoảng loạn:

-Rút chạy nhanh về cứu kinh đô Đồ Bàn.

10 vạn quân Chiêm Thành ngừng tấn công thành Hóa Châu, bộ binh, kỵ binh, tượng binh chạy cuống cuồng về hướng Nam. Trà Toàn cưỡi trên lưng con voi to như trái núi đi giữa, trên đầu voi có quản tượng, trên đầu Trà Toàn có che lọng trắng, trên lọng có lá cờ cũng màu trắng ghi chữ soái màu đen bằng chữ Chiêm Thành.

  Phạm Văn Hiến trấn thủ Hóa Châu đang đứng trên mặt thành đốc chiến, chợt thấy quân Chiêm Thành đột nhiên tháo chạy, cũng thấy bụi từ xa tung lên mù mịt, tiếng người ngựa chuyển rung từ phía bắc vọng tới. Một lát thì quân sĩ và Phạm Văn Hiến trông thấy cờ quạt của quân Đại Việt rợp trời. Phạm Văn Hiến và quân sĩ vui mừng reo lên:

-Quân ta đến rồi.

-Quân cứu viện đến rồi.

-Mở cổng thành đón đại quân nhanh.

-Dạ, tuân lệnh.

  Cửa thành mở, Phạm Văn Hiến cùng quan viên của trấn ra đón đại quân, đón Đinh Liệt và Lê Niệm. Đinh Liệt hạ lệnh cho toàn quân:

-Dừng lại ăn lương khô, uống nước, cho ngựa ăn uống và hành quân gấp truy kích quân giặc đến Đồ Bàn theo lệnh của Hoàng Thượng.

Ba quân dạ ran:

-Tuân lệnh chủ tướng.

Phan Văn Hiến chắp tay:

-Kính chào hai lão tướng quân, vất vả cho hai lão tướng quá.

Đinh Liệt nói:

-Xin chào quan Tổng trấn, khen cho quân Hóa Châu dũng cảm kiên cường, cố thủ được gần 10 ngày trời trước sự tấn công của 10 vạn quân giặc.

Lê Niệm chắp tay chào và nói:

-Đó cũng nhờ vào tài chỉ huy của Tổng Trấn.

-Không dám, không dám. Đó cũng nhờ hai tướng quân cứu viện kịp thời, hôm nay tên đạn, đá ném, dầu cháy đã hết, nếu hôm nay hai tướng quân không đến, thành Hóa Châu chắc không còn. Thay mặt bách tính Hóa Châu, cảm tạ hai tướng quân và ba quân tướng sĩ.

-Mời hai tướng quân vào thành uống nước nghỉ ngơi.

-Đa tạ quan Tổng Trấn, chúng tôi  ăn chút lương khô vào bụng rồi còn dẫn ba quân truy kích giặc đến Đồ Bàn theo lệnh của Hoàng thượng. Hoàng thượng dẫn 16 vạn thủy binh đã vào đến Sa Kỳ và đang tiến vào Thi Nại đánh kinh đô Đồ Bàn.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 64" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn