Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 63

PGS TS Cao Văn Liên

06/10/2023 06:04

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 63

III.

Mùa đông tháng 10 năm 1470, gió lạnh thổi tràn lan khắp kinh thành, bầu trời u ám, lá vàng bị gió bấc thổi mạnh lìa cành rơi lả tả. Trong điện Kính Thiên, Lê Thánh Tông đang thiết triều. Bá quan văn võ quỳ hành lễ:

-Hoàng thượng vạn vạn tuế.

-Miễn lễ các ái khanh bình thân

-Tạ Hoàng thượng.

-Thái sư Lân quận công Đinh Liệt đâu?:

-Bẩm Hoàng thượng có thần.                                                  

-Vừa rồi trẫm cử khanh làm Khâm sai đại thần đi kinh lý các xứ miền Đông, tình hình quan lại chấp pháp, nông nghiệp, sản xuất hàng hóa thủ công nghiêp buôn bán có phát triển không, đời sống bách tính như thế nào sau khi thực thi những chính sách hành chính, kinh tế của trẫm?

  Đinh Liệt nói:

-Dạ bẩm Hoàng thượng, qua 10 năm thi hành chính sách hành chính và kinh tế của Hoàng thượng, chính sách quân điền có từ thời Thái Tổ Cao Hoàng đến nay càng được thực hiện triệt để nên nhà nông dân nào cũng có ruộng đất, các ruộng đất bỏ hoang đã được khai phá, cho nên nông thôn khắp nước năm nào cũng được mùa, nông dân no ấm. Các chợ cũ và mới hoạt động cho dân cư trao đổi sản phẩm. Đời sống làng xóm vui tươi thanh bình, không có trộm cướp, nhiều nơi đêm ngủ không cần đóng cửa. Bách tính no ấm nên sinh sản nhiều, dân số tăng nhanh. Quan lại các cấp chưa có dấu hiệu tham nhũng, áp bức lê dân. Việc chia nhỏ đất nước thành 13 đạo thừa tuyên làm vừa tầm quản lý của quan lại các cấp cho nên  nền hành chính chặt chẽ, pháp luật được thực thi nghiêm minh, nhất là việc hoàng thượng cho ban hành bộ luật mới '‘Quốc Triều hình luật” mang lại sự thuận tiện, chặt chẽ, chính xác cho việc thi hành luật.

   Đinh Liệt vừa dứt lời thì  có quan nội thị vào báo:

-Dạ bẩm hoàng thượng, có người của tướng trấn thủ Hóa Châu Phạm Văn Hiến đem thư về cấp báo.

  -Cho vào ngay.

  -Dạ.

Quan nội thị đi ra thì một bộ tướng của Trấn thủ  Phạm Văn Hiến bước vào:

-Dạ bẩm Hoàng thượng. Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

-Miễn lễ có gì nói ngay đi.

-Tạ Hoàng thượng, dạ có thư của ngài Phạm Văn Hiến khẩn cấp gửi Hoàng thượng ạ.

Viên Đô tướng bộ dạng rất mệt mỏi đứng dậy trao thư cho quan nội thị. Nội thị cầm thư đưa cho Lê Thánh Tông. Lê Thánh Tông bóc thư ra đọc. Thư viết: “Dạ bẩm Hoàng thượng, vua Chiêm Thành là Trà Toàn vô cớ đem 10 vạn quân tiến đánh Hóa Châu và đang vây đánh thành. Quân ta ra sức chống cự nhưng tình hình rất nguy cấp. Mong Hoàng thượng cho quân cứu viện, nếu không thành Hóa Châu nguy mất. Nay kính thư. Tướng trấn thủ Hóa Châu Phạm Văn Hiến kính thư.”.

Lê Thánh Tông đưa thư và bảo quan nội thị:

-Khanh đọc cho cả triều đình nghe đi.

-Thần tuân chỉ.

  Quan nội thị đọc xong thư, cả triều đình im lặng. Một đại thần lên tiếng:

-Thần xin tấu.

-Tấu đi.

-Dạ bẩm Hoàng thượng, mấy năm năm nay Chiêm Thành vô cớ luôn tấn công quấy nhiễu Đại Việt ta. Thời Lê Nhân Tông thì Bí Cai, nay lại đến Trà Toàn.

Có tiếng một đại thần khác:

-Bẩm Hoàng thượng, nghe nói Trà Toàn là một đứa hung bạo, dối thần ngược dân, rất ngạo mạn kiêu căng, không sửa lễ tiến cống, còn lăng nhục sứ thần của triều đình và vô cớ tiến đánh Hóa Châu của ta.

Lại một đại thần khác:

-Bẩm Hoàng thượng, nghe nói trước khi tiến đánh Đại Việt nó đã cầu viện nhà Minh. Có nhà Minh chống lưng nên Trà Toàn to gan như vậy.

  Lê Thánh Tông gọi:

-Người đâu.

-Dạ, bẩm Hoàng thượng.

-Do tướng Hóa Châu chạy ngựa ra đây hơn 1.700 dặm, người ngựa đã mệt mỏi, hãy đem về dịch quán lo cơm nước và nghỉ ngơi cho Tướng quân.

-Dạ, tuân lệnh Hoàng thượng.

Đô tướng Hóa Châu cúi đầu chắp tay:

-Dạ, đa tạ Hoàng thượng, tiểu tướng xin cáo lui.

 Lê Thánh Tông gọi:

-Đại thần Nguyễn Đình Mỹ đâu.

-Dạ bẩm Hoàng thượng có thần.

-Ái khanh và Quách Đình đi sứ nhà Minh, đem việc Chiêm Thành vô cớ đánh Hóa Châu của Đại Việt cho nhà Minh biết kẻo sau này họ lại bảo vô cớ tấn công Chiêm Thành, nước lớn bắt nạt nước nhỏ.

-Chúng thần tuân chỉ.

Lê Thánh Tông lại gọi:

-Thượng thư Bộ lễ đâu.

-Dạ bẩm Hoàng thượng có thần.

-Khanh thu xếp một đoàn sứ bộ và lễ vật đi cùng với Quách Đình Báo và Nguyễn Đình Mỹ, ngày mai phải xuất hành.

-Thần tuân chỉ.

-Binh bộ Thượng thư đâu.

-Dạ bẩm Hoàng thượng có thần.

-Nay ta đã chia dân binh ở các Thừa tuyên làm nhiều hạng nên điều động nhập ngũ rất nhanh, ái khanh gửi hỏa tốc công văn cho phủ Thiên Trường, Thanh Hóa và Nghệ An huy động thêm 10 vạn quân và lương thực để ta trực tiếp chinh phạt Chiêm Thành. Đây là thư của ta gửi Tuyên sứ ba phủ trên. Hẹn cho khanh ngày 6 tháng 11 phải huy động xong, nay đã là ngày 16 tháng 10 rồi.

-Thần tuân chỉ.

-Ai còn tấu.

Im lặng.

-Không còn tấu, bãi triều.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 63" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn