Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 56 - Hết)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.

Kỳ 56

XXII.  ALGERIE - NHỮNG TRANG LỊCH SỬ

Tóm tắt

Algerie là quốc gia ở Bắc Phi, giáp Địa Trung Hải. Do vị trí địa lý quan trọng nên lịch sử Algerie từ khi lập nước cho đến thế kỷ XX phải liên tục đấu tranh chống sự xâm lược và thống trị của ngoại bang. Tuy nhiên với tinh thần bất khuất anh dũng nhân dân Algerie đã liên tục đứng dậy đấu tranh cho nền độc lạp dân tộc, cuối cùng đã giành được thắng lợi vẻ vang vào những năm 60 kỷ XX. Ngày nay với chế độ tự do dân chủ nhân dân Algerie đang ra sức xây dựng một đất nước độc lập, phồn vinh, ấm no, hạnh phúc, góp phần vào dòng chảy chung tiến bộ của nhân loại.

1.Tổng quan

   Algerie tên chính thức là Cộng hòa dân chủ Nhân dân Algerie, là một nước lớn nằm ở Bắc châu Phi. Algerie bắc giáp Địa Trung Hải, Đông Bắc giáp Tunisia, giáp Libya ở phía Đông, Tây Nam giáp Maroc, Mali và Mauritanre. Algerie có diện tích 2.381.741 km2, dân số 31 triệu người, 60% dân số là người Arab, 30 % là người Berber, số còn lại là người Pháp, người Italia, người Tây Ban Nha, người Thổ Nhĩ kỳ, người Do Thái. Ngôn ngữ chính là tiếng Arab, tiếng Pháp được dùng rộng rãi. Hiến Pháp Algerie xác định Algerie là quốc gia Hồi giáo. Algerie theo tiếng Arab có nghĩa là hòn đảo để chỉ bốn hòn đảo nằm ngoài khơi thành phố Algiers trước khi nó trở thành một phần của lục địa vào năm 1525. Đại đa số dân cư theo Hồi giáo. Dân cư thành thị chiếm 51,7%, dân cư nông thôn chiếm 48, 3%. Thủ đô Algiers khoảng 3 triệu người. Algerie là quốc gia phát triển nhất về khí đốt và dầu lửa. Tổng sản phẩm quốc dân GDP là 53.817 triệu USD. Tổng sản phẩm quốc dân tính theo đầu người 1725USĐ. Đồng Đina là đơn vị tiền tệ của nước cộng hòa.

2. Lịch sử

2.1.Thời kỳ cổ đại.                                    

Như những dân tộc và các quốc gia khác trên thế giới Algerie đã trải qua thời kỳ xã hội nguyên thủy. Khoảng 1000 năm TCN, người Berber đã sinh sống ở đây, cộng đồng xã hội nguyên thủy đầu tiên là bầy người, sau một thời gian dài tiến hóa thì bầy người phát triển thành cộng đồng thị tộc, liên minh các thị tộc thành các bộ lạc, liên minh các bộ lạc thành liên minh bộ lạc. Khoảng thế kỷ III TCN, xã hội nguyên thủy tan rã, người Berber đã thành lập hai vương quốc: phía Tây là vương quốc của người Marshashin, phía Đông có vương quốc của người Marshilope. Thế kỷ thứ II SCN, hai vương quốc này đã thống nhất lại thành quốc gia Numidia hùng mạnh ở Bắc Phi dưới triều đại Maxinia kinh đô là Xila. Cuối thế kỷ I TCN, người La Mã tràn xuống xâm lược Nam Địa Trung Hải, vùng bắc Phi. Vương quốc Numidia của người Berber cũng bị sáp nhập vào bản đồ của đế quốc La Mã. Năm 476 SCN khi đế quốc Tây La Mã sụp đổ, Numidia giành được độc lập nhưng lại rơi vào ách nô dịch của người Vandal-một bộ lạc của người Germany từ thế kỷ V đến thế kỷ thứ VI. Thế kỷ VI quốc gia Numidia lại bị đế quốc La Mã Bizantin thống trị.

                    2.2. Thời kỳ trung đại: Thế kỷ VIII Algerie bị đế quốc Arab xâm lược. Người Berber dưới sự lãnh đạo của Kusayla và Qahira đã kháng chiến quyết liệt chống đế quốc Hồi giáo. Nhưng sau thất bại của nữ hoàng Qahira phong trào bị dập tắt và toàn bộ vùng Bắc Phi bị đế quốc Hồi giáo thống trị. Đạo Hồi du nhập và trở thành quốc giáo của Algerie. Sau 6 thế kỷ thống trị của đế quốc Hồi giáo, văn hóa Hồi giáo của Algerie phát triển rực rỡ, đặc biệt dưới vương triều Al-Muhammadia, các công trình kiến trúc Hồi giáo mọc lên tráng lệ như thánh đường Hồi giáo Towlemxen.

                      Đầu thế kỷ XIII vương triều Muhammad  suy yếu, Algerie bị chia cắt thành ba vương quốc: Maroc, Tuynizi và Algerie. Trên đất Algerie hình thành vương quốc của dòng họ Afđe Cuađitxa. Kinh đô Towlemxa trở thành trung tâm văn hóa thương mại của vương quốc, nơi giao lưu hàng hóa giữa châu Phi và châu Âu.

                         Đầu thế kỷ XVI Tây Ban Nha xâm lược Algierie. Tây Ban Nha đã chiếm nhiều thành phố ven biển quan trọng của Algerie như Menkibia, Ouargla, Bouira, Algie. Algerie cầu viện Thổ Nhĩ Kỳ chống lại Tây Ban Nha nhưng khi đánh bại Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ lại thống trị Algerie suốt ba thế kỷ. Mở đầu việc xâm lược thống trị Algerie là hoàng đế Thổ Khairat-Dim và em trai là Aruf biến Algerie trở thành một bộ phận của đế chế Ottoman. Mọi quyền hành trong nước đều tập trung vào tay bọn quan lại người Thổ  đứng đầu là nhiếp chính vương do hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ bổ nhiệm.

Cuối thế kỷ XVIII nhân dân Algerie đã vùng dậy đấu tranh lật đổ ách thống trị của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng lại đứng trước nguy cơ bị Pháp xâm lược.

2.3. Thời kỳ cận đại

Pháp rất thèm khát thuộc địa ở Bắc Phi nên đã đẩy mạnh xâm lược Algerie. Năm 1830 Pháp dùng 3.500 quân bắt đầu tấn công Algerie. Nhân dân Algerie đã anh dũng kháng chiến. Nhiều cuộc khởi nghĩa đã bùng nổ như khởi nghĩa của Emir Abdelkade, Ahmed Bey và Fatma-Nsoumer. Riêng cuộc khởi nghĩa của Abdel Kade lớn nhất và kéo dài 15 năm, từ năm 1832 đến năm 1847. Do đó cuộc xâm lược và bình định của Pháp phải kéo dài. Cuộc xâm lược và bình định của Pháp chỉ hoàn thành vào những năm 1900 khi Tuareg là mảnh đất cuối cùng của Algerie bị thôn tính.

Năm 1884 Algerie trở thành thuộc địa của Pháp. Năm 1848 Hiến Pháp của Pháp ghi nhận Algerie là một bộ  phận không thể tách rời của nước Pháp. Algerie được chia thành 3 tỉnh:Algiers, Oran, và Constantine. Nhiều người Pháp và người nhiều nước châu Âu đã đến định cư ở Algerie. Trong chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) và chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945) Algerie có vai trò quan trọng đối với Pháp: nơi cung cấp người và khí tài cho Pháp, nhiều người Algerie đã tham chiến trong hàng ngũ quân đội Pháp và là lực lượng trọng điểm cho quân đội Pháp trong nhiều trận đánh.

        Sau đại chiến thế giới thứ hai (1939-1945), phong trào giải phóng dân tộc Algerie bước sang một giai đoạn mới. Năm 1946 Đảng Cộng sản Algerie chủ trương thành lập mặt trận đoàn kết dân tộc để tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ. Năm 1948 ra đời Phong trào Vì thắng lợi của tự do dân chủ, đấu tranh cho một nước Algerie Hồi giáo độc lập.

Chiến tranh Đông Dương năm 1946-1954 của Việt Nam, Lào, Campuchia chống Pháp đã có ảnh hưởng đến phong trào giải phóng của châu Phi nói chung và Algerie nói riêng. Ngoài binh lính pháp, Pháp đã huy động người Algierie và người Maroc sang chiến đấu ở Đông Dương. Sau 9 năm tham chiến những binh lính người Algerie trong quân đội Pháp đã bị tác động mạnh bởi tinh thần yêu nước và chuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Những người lính này rất có cảm tình với Việt Nam. Họ nẩy sinh tư tưởng chống Pháp và dự định khi về nước sẽ chống Pháp như Việt Nam.

Thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ Việt Nam ngày 7 tháng 5 năm 1954 là cú sốc lớn khi lần đầu tiên quân dân một nước thuộc địa đã đánh bại quân đội một nước thực dân thiện chiến. Điện Biên Phủ buộc Pháp phải ký hiệp đinh Giơnevơ, thừa nhận độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương: Việt Nam, Lào, Campuchia. Đã từ lâu người Algerie đã chán ghét nền cai trị của Pháp ở quốc gia này. Họ lên tiếng ủng hộ Việt Nam và Hồ Chí Minh. Tại thủ đô Algiers, một số tu sĩ Hồi giáo (Imam) đã kêu gọi trưng cầu dân ý và đòi quyền tự trị. Việc Pháp thất bại nhục nhã ở Điện Biên Phủ đã thổi bùng lên phong trào giải phóng dân tộc của người Algerie phát triển mạnh mẽ và họ lấy Việt Nam làm hình mẫu để đấu tranh giành độc lập. Nhân dân Algerie đã kêu gọi một nền độc lập, xóa bỏ sự cai trị của người Pháp.

Tháng 3 năm 1954 đại diện các nhóm du kích Algerie đã liên kết lại và thành lập “Mặt trận giải phóng dân tộc Algerie (FLN)”. Họ tổ chức một cuộc nổi dậy mở đầu cho thời kỳ đấu tranh vũ trang chống pháp của Algerie. Đến năm 1956 FLN đã có lực lượng hầu khắp Algerie. Ngày 20 tháng 8 năm 1956 “Hội đồng cách mạng toàn quốc Algerie” được thành lập, là cơ quan lãnh đạo tối cao của cách mạng Algerie. Chính phủ Pháp của Thủ tướng Guy Mollet đã đưa 50 vạn quân sang đàn áp. Để cô lập phong trào Algerie, Pháp đã cho Tunisia và Maroc độc lập và biên giới của Algerie giáp với hai nước trên được Pháp rào bằng giây kẽm gai và điện. Phong trào giải phóng dân tộc Algerie khó khăn và tháng 10 năm 1956 phái đoàn FLN tới Tunisia để thảo luận về chiến tranh nhưng đã bị quân đội pháp bắt giữ. FLN đã phát động một cuộc nổi dậy ở  thủ đô Aliers. Đại tướng Pháp ở Alegie đã đàn áp dã man cuộc nổi dậy. Đến năm 1957 FLN đã bị đẩy về nông thôn. Tình thế chiến tranh ở Algerie chuyển sang thế có lợi cho Pháp. Tuy nhiên vào năm 1958 phong trào giải phóng dân tộc ở Algerie lại phát triển mạnh. Các lực lượng vũ trang của Algerie đã mở các cuộc tấn công ở Oran, Soummam, Oggaz gây cho quân đội pháp nhiều tổn thất nặng nề. Trên đà thắng lợi đó, ngày 19 tháng 9 năm 1958 “Hội đồng cách mạng toàn quốc Algerie” tuyên bố thành lập Cộng hòa Alegerie và thành lập chính phủ lâm thời.

Tháng 5 năm 1958 những người gốc Pháp ở Algierie đã phát động phong trào biểu tình rộng lớn đòi sáp nhập Algerie vào Pháp và đòi cho trở lại cầm quyền của cựu Thủ tướng Charles De Gaulle. Ngày 1 tháng 6 năm 1958 De Gaulle cựu Thủ tướng Pháp sau Đại chiến II được Quốc hội Pháp tái bổ nhiệm làm Thủ tướng và được ủy quyền soạn thảo một bản hiến Pháp mới. Trước thất bại không thể đảo ngược của Pháp ở Algerie, chính phủ Charles De Gaulle quyết định từ bỏ thuộc địa Algerie. Ít ngày sau De Gaulle đã sang thăm Algerie và trao cho người Algerie mọi quyền lợi như là công dân Pháp. Năm 1959 De Gaulle công khai tuyên bố Algerie có quyền quyết định tương lai của mình. Hai năm sau đó bạo lực đẫm máu nhất đã diễn ra ở Algerie, chủ yếu là do người Pháp ở Algerie gây nên phản đối Chính phủ De Gaulle. Tuy nhiên bạo lực không ngăn chặn được chính phủ Pháp và chính phủ lâm thời Algerie do FLN đứng đầu tiến hành đàm phán hòa bình năm 1961.

Ngày 18 tháng 3 năm 1962 một thỏa thuận hòa bình được ký tại Evian Les Bains, Pháp hứa trao lại độc lập cho Algerie sau một cuộc trưng cầu dân ý. Theo hiệp định này pháp phải công nhận chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Algierie. Hiệp định chấm dứt 7 năm chiến tranh đẫm máu giữa Algerie với Pháp , chấm dứt 130 năm cai trị của Pháp ở Algerie. Pháp cũng hỗ trợ cho người châu Âu có thể hồi hương hoặc ở lại Algerie với tư cách là công dân của Algerie. Tháng 7 năm 1962 đa số người Algerie chấp nhận độc lập sau một cuộc trưng cầu dân ý. 1 triệu người châu Âu đã rời bỏ Algerie. Sau 7 năm chiến tranh 10 vạn người Algerie đã hi sinh và 1 vạn lính pháp đã bỏ mạng.

2.3. Thời kỳ hiện đại.

Sau khi giành được độc lập, Tổng thống đầu tên của Algerie là Ahmed BenBella, người lãnh đạo Mặt trận giải phóng quốc gia. Dưới chính quyền Ben Bella chính phủ đã đi theo khuynh hướng độc tài. Năm 1965 Be Bella bị Bộ trưởng quốc phòng Houari Boumedienne lật đổ. Lên làm Tổng thống, Boumedienne tiếp tục dựa vào quân đội, giảm bớt vai trò của Đảng cầm quyền-Phong trào giải phóng Quốc gia chỉ còn mang tính tượng trưng.

Về kinh tế, Algerie đã hợp tác hóa nông nghiệp, đẩy mạnh phong trào công nghiệp hóa, tư nhân hóa cơ sở khai thác dầu khí. Nhưng nền kinh tế Algerie dần dần phụ thuộc vào dầu mỏ khiến Algerie gặp nhiều khó khăn khi giá dầu mỏ thế giới giảm trong thập kỷ 80.

Đối ngoại, trong thời gian này Algerie là một thành viên và là lãnh đạo của “Phong trào không liên kết”. Algerie tranh giành khu vực Tây Sahara với Maroc và đưa hai nước tới bờ vực chiến tranh. Trong nước, nhà nước không dung thứ những tư tưởng bất đồng chính trị, kiểm soát hà khắc truyền thông, đặt các đảng phái đối lập ra ngoài vòng pháp luật. Năm 1976 ban hành hiến pháp hà khắc. Năm 1978 Boumedienne chết. Chacdi Bendiedid kế vị không mang lại cải cách gì. Nhà nước mang nặng chất quan liêu và tham nhũng lan tràn.

Hiện đại hóa đã mang lại sự thay đổi lớn ở Algerie, các ngành công nghiệp mới xuất hiện, nông thôn thu hẹp nhường chỗ cho khu công nghiệp và đô thị, vai trò giáo dục mở rộng khắp đất nước, nâng tỉ lệ người biết chữ từ 10% lên 60%, lĩnh vực y tế chăm sóc sức khỏe tăng lên nên sinh đẻ tăng cao, trung bình 7-8 trẻ em trên một phụ nữ. Dân số trẻ nhưng kèm theo là thiếu chỗ ở.

Phong trào của người Berber và phong trào Những người bảo vệ Hồi giáo xung đột nhau nhưng cả hai đều đấu tranh chống lại chính trị độc đảng cầm quyền. Những cuộc tuần hành liên tục đông đảo của hai phái vào mùa thu năm 1980 buộc Bendjedid phải chấm dứt chế độ một đảng cầm quyền. Tháng 12 năm 1991 diễn ra cuộc bầu cử tự do đa đảng. Mặt trận bảo vệ Hồi giáo thắng cử tại cuộc bầu cử đa đảng. Quân đội can dự vào chính trị buộc Bendjedid từ chức nhưng quân đội lại cấm “Mặt trận bảo vệ Hồi giáo” hoạt động. Các cuộc xung đôt đẫm máu dẫn tới nội chiến, hơn 100.000 người đã thiệt mạng do quân đội vô cớ thảm sát dân thường. Sau đó nội chiến lắng dần và từ 1995 đến 1999 là thời kỳ cầm quyền ngắn hạn của các tướng lĩnh. Năm 1999 Bouteflika được bầu làm Tổng thống. Trong thời kỳ này phần lớn các lĩnh vực của Algerie được phục hồi. Algerie trở thành một nền kinh tế mới nổi. Giá dầu mỏ và khí gas tăng giúp Algerie cải thiện cơ sở hạ tầng, cải thiện công nghiệp và nông nghiệp. Nước ngoài đầu tư vào Algerie cũng tăng lên.

Algerie có nền giáo dục bắt buộc và miễn phí 9 năm. Trong hệ thống giáo dục nhiều cấp bắt đầu là cấp cơ sở từ 6 tuổi đến 15 tuổi lấy bằng phổ thông cơ sở. Tiếp theo là hệ phổ thông trung học 3 năm, lấy bằng phổ thông trung học. Bên cạnh còn có hệ trung học kỹ thuật chương trình 3 năm song song với hệ phổ thông trung học, lấy bằng tú tài kỹ thuật. Cuối cùng là hệ đại học lấy bằng cử nhân.

Thiết chế chính trị của Algerie là Cộng hòa đại nghị nhưng theo Hiến pháp 1976, sửa đổi năm 1996 thì quyền lực của Tổng thống vô cùng rộng lớn. Tổng thống do nhân dân bầu cử bằng phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 5 năm, mỗi Tổng thống được 2 nhiệm kỳ. Tổng thống là nguyên thủ quốc gia, chỉ định Thủ tướng, phê chuẩn các bộ trưởng theo danh sách Thủ tướng đệ trình, giải tán hạ viện, tổ chức bầu cử sớm, thực hiện trưng cầu dân ý. Tổng thống là tư lệnh các lực lượng vũ trang.

Cơ quan lập pháp là nghị viện gồm hai viện: Thượng viện và Hạ viện. Thượng viện (Hội đồng dân tộc) gồm 144 nghị sĩ, 1/3 số nghị sĩ do Tổng thống chỉ định, 2/3 gián tiếp bầu cử thông qua Hội đồng cấp huyện và tỉnh. Thượng viện có nhiệm kỳ 6 năm, 3 năm lại bầu lại ½ số nghị sĩ. Hạ viện còn được gọi là Hội đồng nhân dân gồm 389 nghị sĩ được bầu qua phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 5 năm.

Chính phủ do Tổng thống và thủ tướng đứng đầu nắm quyền hạnh pháp.

Chế độ chính trị: Dân chủ đa đảng. Có những đảng lớn như: Mặt trận giải phóng dân tộc (FLN-Đảng đang cầm quyền),  Đảng tập hợp quốc gia dân chủ (RND), Phong trào xã hội vì hòa bình (MSP), Tập hợp vì văn hóa và dân chủ (RCD), Phong trào cải cách quốc gia (MRN), Mặt trận các lực lượng xã hội (FFS), Đảng Lao động (PT), Mặt trận quốc gia Algerie (FNA).

Cơ cấu lãnh thổ Algerie là đơn nhất bao gồm 48 tỉnh là những đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương.

Algerie là thành viên của Liên Hợp quốc (UN), Liên minh châu Phi (AU), Phong trào không liên kết (NAM), Liên đoàn Arap (ACL), Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Tổ chức các nước Arap xuất khẩu dầu mỏ (OAPEC), Khối Maghreb (UMA).

Quốc khánh Algerie ngày 5 tháng 7 năm 1962.

Quan hệ ngoại giao với Việt Nam cấp Đại sứ ngày 28 tháng 10 năm 1962           

CVL
(HẾT)       

-------------------------

 Tài liệu tham khảo

Các Mác-F. Ăng ghen. Toàn tập. Tập 9. Tiếng Nga.

F. Ăng ghen. Nguồn gốc của gia đình, chế độ tư hữu và nhà nước. Nxb Sự thật. H. 1972.

Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khoa lịch sử. Giáo trình lịch sử thế giới cổ đại. H. 1972.

Nguyễn thị Thư, Nguyễn Hồng Bích, Nguyễn Văn Sơn. Lịch sử Trung-Cận Đông. Nxb Giáo dục. H. 2004.

Bách khoa thư lịch sử thế giới. Nxb Văn hoá-Thông tin. H.2004.

Tạp chí nghiên cứu châu Phi và Trung Đông. Số tháng 3, năm 2017.

      7.Cao văn Liên:Lịch sử 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nxb Thời Đại   (Tái bản) Hà Nội, 2011.

      8.Bách khoa thư mở Wikipedia.

1. Tiến trình hòa bình Trung Đông bế tắc-Nguyên nhân và giải Pháp NCCPVTĐ-11-2007

2. Cộng đồng Pháp Ngữ và các nước đang phát triển NCCpvTĐ só 2-2008.

3.Trung Đông-Lịch sử những quốc gia, những nhà nước (Số 9-2008)

4. Tìm hiểu nhà nước và pháp luật Lưỡng Hà cổ đại (số 2-2008)

5. Trung Đông-các quốc gia và nhà nước thời kỳ trung đại (Số 1-2009)

6. Trung Đông-các nhà nước thời kỳ hiện đại (số2-2009)

7. Bắc Phi cổ đại-Cuộc chiến tranh Carthage-La mã (Số 9-2009)

8. Iran-Những trang lịch sử (Số 12-2009)

9. Iran-Lịch sử và những cuộc cách mạng (Số tháng 12-2009).

10. Trung Đông Cổ Đại: Chiến tranh Ba tư-Hi lạp (Số 4-2010)

11. Trung Đông hiẹn đai-Chién tranh Arập-Ixrael (Số 9-2010)

12. Ai Cập cổ đại-Những trang lịch sử ( số tháng 2-2012)

13. Ai Cập- Những trang lịch sử hậu kỳ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX. (số 6-2012).

14. Ai Cập-Những trang lịch sử Hiện đại (Số 10-2012).

15. Mali-Những trang Lịch sử. (số tháng 5-2013).

16. Tuy ni di-Những trang lịch sử (Số tháng 9-2013).

17. Liên Minh châu Phi-Quá trình hình thành và phát triển (Số tháng 8 năm 2014).

18. Công Gô-Những trang Lịch sử (số tháng 12-2014).

19.Nam Phi-Những trang lịch sử (Số tháng 5-2015)

20. Cộng Hòa công Gô-Những trang lịch sử (số tháng 7-2015)

21. Syria-Những trang Lịch sử (Số tháng 3-2017).

22. Maroc-Những trang lịch sử

23. Algerie-Những trang lịch sử (Số 4-2018).