Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 55)

PGS TS Cao Văn Liên

22/03/2024 06:02

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.  Kỳ 55.

XXI. SYRIA-NHỮNG TRANG LỊCH SỬ

1. Tổng Quan

    Cộng hòa Arap Syria là một quốc gia nằm ở phía Tây châu Á, phía đông giáp Địa Trung Hải, có chung biên giới với các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Jordal, Palextine, Lebanon. Diện tích khoảng 185. 200 km2, dân số khoảng 14.100.000 người. 90 % là người Arab, còn lại là người Kurd, Người Armenia, người Atxiri, người Do Thái. Ngôn ngữ chính tiếng Arab, 85 % dân cư theo đạo Hồi. 50,49% dân cư sống ở đô thị, 49,6% sống ở nông thôn. Thủ đô Damascus khoảng 1.400.000 người. Nông nghiệp, khai thác mỏ là hai ngành kinh tế chủ yếu của Syria. Tổng thu nhập quốc dân khoảng 42.200 tỉ USD, thu nhập bình quân đầu người 2621USD.

   Chủ nhân lâu đời trên mảnh đất Arab Syria là người Arab. Trong quá trình phát triển của mình, cư dân ở đây đã tạo nên một nền văn hóa phong phú và đặc sắc, góp phần chung vào sự phong phú rực rỡ của nền văn hóa Arab.

2. Lịch sử

2.1. Thời kỳ cổ đại

Nhà nước và quốc gia trên đất Syria ra đời sớm. Sau khi công xã nguyên thủy tan rã thì quốc gia Semitic đã ra đời với lãnh thổ kéo dài từ biển Đỏ phía Nam, phía Bắc giáp Thổ Nhĩ Kỳ, phía Đông kéo dài tới Mesopo-Tmia. Quốc gia này ra đời và tồn tại từ năm 2500 tới 2400 TCN, được các nhà sử học gọi là nền văn minh Ebla. Các học giả cho rằng ngôn ngữ Ebla là thuộc trong các ngôn ngữ Semitic cổ xưa nhất được biết đến.

     Khoảng 2000 năm TCN, Syria bị người Canaan, kế tiếp là người Phoenicia và người Arameans chiếm đóng.Tiếp đó người Aicaapj, người Sumeria, Assuria, Babilon và người Hittites đã nhiều lần chiếm vùng đất Syria, một vùng đất quan trọng của thế giới Arab.

     Thế kỷ IV TCN, Syria bị đế quốc Ba Tư xâm lược, tiếp theo là người Atxiri và người Hêtêti cai trị, rồi bị hoàng đế Alechxander của Macedonia chinh phục. Năm 30 TCN, Syria thành thuộc địa của đế quốc La Mã.

  Trong thời kỳ đế chế La Mã, thành phố Antiocch của Syria là thành phố lớn thứ ba  của đế chế Rôma, chỉ đứng sau Rôma và Alechxander. Thành phố Anitoch khoảng 500,000 dân, là một trong những trung tâm thương mại và công nghiệp của thế giới cổ đại. Dân số đông đúc và sự giàu có của Syria khiến nó trở thành một tỉnh quan trọng bậc nhất của đế quốc La Mã. Đặc biệt là các thế kỷ II và III SCN, nhiều hoàng đế La Mã là người Syria: hòang đế Alechxander Severus, tại vị từ 222 đến 235, hoàng đế Elagabalus tại vị từ 218 đến 222, Hoàng đế Marcus Jilius Philippus tại vị từ 224 đến 249.

  Thời kỳ này Syria cũng đóng vai trò quan trọng trong lịch sử Thiên Chúa Giáo. Thánh Tông Đồ Paul đã thành lập nhà thờ đầu tiên tại Antioch. Paul đã để lại dấu ấn trong nhiều chuyến đi truyền giáo.

2. 2. Thời kỳ trung đại: Thế kỷ VII đế quốc Arab bành trướng vào Syria, đạo Hồi được du nhập vào đây. Năm 640 quân đội Rashidun dưới sự lãnh đạo của Khaled Ibnal-Walid chinh phục Syria. Syria trở thành một bộ phận của đế quốc Hồi giáo. Giữa thế kỷ VII triều đại Umayyad đã đặt thủ đô  ở Damascus. Syria được chia thành bốn quận: Damascus, Hims, Palestine và Jordan. Đế chế Hồi giáo trải dài từ  Tây Ban Nha - Maroc tới Ấn Độ và nhiều phần của Trung Á. Vì thế Syria thịnh vượng về kinh tế và là thủ đô của đế quốc Hồi giáo. Mãi tới năm 750 khi triều đại Ummayad bị triều đại Abbasid lật đổ, triều đại mới này mới dời kinh đô  về Baghdad. Năm 887 người Tulumd đã sáp nhập Syria vào Ai Cập.

  Thế kỷ XIII và thế kỷ IV, Syria nằm dưới sự cai trị của quân Thập tự viễn chinh từ Tây Âu sang để cứu mộ Chúa Jesu. Đó là nhà nước Thập tự chinh của công quốc  Antioch. Thế kỷ XIII đế quốc Mông Cổ đã tấn công Syria. Năm 1260 quân Mông Cổ dưới sự chit huy  của Hulegu với khoảng 10 vạn quân  tấn công phá hủy Aleppo vào tháng 1 năm 1260  và tháng 3 năm đó đến lượt Damascus.

   Sau khi quân Mông Cổ bị đánh bại bởi quân  đội Mamluk, năm 1400 quân đội Timuar Lenk đã xâm lươc Syria, cướp bóc tàn phá Aleppo và Damascus, nhân dân thành phố bị thảm sát, đặc biệt là người theo đạo Thiên Chúa giáo.

  Từ thế kỷ XV đến năm 1917 Syria bị đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược. Trong đại chiến thế giới thứ nhất (1914-1918), Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến bên cạnh phe Đồng minh gồm Đức Áo-Hung . Năm 1917 Liên quân Arab đã đánh bại Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria  và giải phóng Damascus. Năm 1918 đại chiến thế giới I kết thúc với sự thất bại của phe Đức Áo-Hung- Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ bị đuổi khỏi Syria. Năm 1920 vương quốc Arab Syria đã được thành lập dưới sự cai trị của Faisal I.                                                        2.3.Thời kỳ cận đại: Cuối năm 1920 quân đội Pháp chiếm Syria. Sau Hội nghị Sanremo, Hội Quốc liên đã đặt Syria dưới sự ủy trị của Pháp.

  Năm 1925 Sultan Pasha al phát động nhân dân Syria và Lebanon  tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cuộc chiến đã diễn ra tại Damascus, Hóm, Hama. Syria đã đánh baị quân Pháp nhiều trận, đáng chú ý là trận Alabir, ngày 21-7-1925,trận Al-mazraa ngày 2-8-1925 và sau đó là các trận Salkad, Almsifarh và Suwayda. Pháp phải gửi hàng nghìn quân từ Maroc, Senegal được trang bị vũ khí hiện đại, nhờ đó Pháp đã đánh bại quân Syria và Libanon vào mùa thu năm 1927.

  Năm 1937 một hiệp ước giũa Syria và Pháp được ký kết. Trước đó tháng 7 năm 1926 Syria và Pháp đàm phán một hiệp ước độc lập và Hashim al-Atasssi là Tổng thống được bầu theo hiến pháp mới. Lần đầu tiên một nhà nước Syria hiện đại ra đời. Tuy nhiên hiệp ước không có hiệu lực vì Quốc hội Pháp không phê chuẩn. Nhân dân Syria lại tiếp túc đấu tranh để giành độc lập.

  Năm 1939 Đại chiến thế giới thứ hai bùng nổ. Năm 1940 nước Pháp thất bại trong chiến tranh với Phát xí Đức và bị Đức chiếm đóng. Syria bị chính phủ Vichy tay sai Đức thống trị. Năm 1944 Syria một lần nữa tuyên bố độc lập. Ngày 1-1-1944 nền độc lập của Syria mới được công nhận.                             

 2.4. Thời kỳ hiện đại: Ngày 17-4-1946 Pháp phải rút quân trao lại quyền lực cho Chính phủ cộng hòa đã được thành lập từ thời kỳ ủy trị.

  Từ khi độc lập 1946 đến  cuối thập kỷ 1960 được ghi dấu ấn có sự phát triển, kinh tế phát triển nhanh. Từ 1946 đến năm 1956 Syria có 20 nội các thay thế nhau và soạn thảo 4 hiếp pháp. Nhưng đó cũng là một qúa trình bất ổn. Năm 1948 Syria tham gia vào cuộc chiến tranh Arab-Israel cùng các quốc gia Arab khác trong khu vực nhằm ngăn chặn việc thành lập nhà nước Israel của người Do Thái. Quân đội Syria bị đẩy lùi hầu hết lãnh thổ Israel. Cuộc chiến tranh Trung Đông lần 2 năm 1949, lần thứ 3 năm 1967 và lần 4 năm 1973. Các nước trong thế giới Arab thất bại. Israel đã chiếm cao nguyên Golan của Syria.

  Năm 1949 thiếu tá Husnial-Zaim lên nắm chính quyền qua một cuộc đảo chính. Đây là cuộc đảo chính quân sự đầu tiên của thế giới Arab. Từ đó Syria liên tục diễn ra các cuộc đảo chính. Thiếu tá Sam al-Hinnawi, sau đó thiếu tá Adib Shishakli lên năm quyền. Năm 1951 Adib Shishakli xóa bỏ nghị viện và chế độ đa đảng. Năm 1954 Tổng thống Adib Shishakli tái lập lại nghị viện nhưng ngành lập pháp bị suy yếu bởi quyền lực dần vào tay giới quân sự, chính trị và quản lý kinh tế yếu kém. Bất mãn của nhân dân là miếng đất màu mỡ cho sự ra đời của Phong trào Quốc gia Arab Chủ nghĩa quốc gia Syria và Xã hội chủ nghĩa.

  Tháng 11 năm 1956 Syria ký một hiệp ước với Liên Xô. Syria cung cấp cho Liên Xô một cứ điểm, đổi lại Liên Xô sẽ cung cấp cho Syria các máy bay, xe tăng và các trang thiết bị quân sự. Sự gia tăng quân sự của Syria làm Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại, sợ Syria sẽ chiếm lại Iskenderun. Mặt khác Syria và Liên Xô buộc tội Thổ Nhĩ kỳ tập trung quân đội tại biên giớ Syria. Liên Xô ngày càng có ảnh hưởng mạnh ở Syria.

  Ngày 28-9-1961 một cuộc đảo chính quân sự nổ ra, Syria rút khỏi Liên minh Ai Cập, tái lập lại nhà nước cộng hòa Arab Syria. Nhưng Syria lại lâm vào bất ổn mà đỉnh cao là cuộc đảo chính ngày 8-3 -1963 do Đảng phục hồi Chủ nghĩa xã hội Arab (Đảng Baath) sắp đặt. Sau đảo chính đã thành lập Hội đồng Quốc Gia - Bộ chỉ huy cách mạng bao gồm những sĩ quan của quân đội Syria theo cánh tả (NCRC). Nội các mới đa số là thành viên của Đảng Baath. Ngày 23-2-1966 một nhóm sĩ quan quân đội lại tiến hành một cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Hafiz, giải tán nội các và NCRC, bãi bỏ hiến pháp lâm thời, tạo lập một chính phủ dân sự.

   Syria đã đứng về phía Arab trong cuộc chiến tranh với Israel tháng 6 năm 1966. Kết quả chỉ 48 giờ Israel đã chiếm cao nguyên Gôlan của Syria. Ngày 13-11-năm 1970 Bộ trưởng Quốc phòng Hafez al-Assad tiến hành cuộc đảo chính không đổ máu  và lên nắm chính quyền. Assad đã nhanh chóng thành lập những cơ quan nhà nước. Bộ chỉ huy lâm thời của Đảng Baath Xã hội chủ nghĩa của Assad đã chỉ định một cơ quan lập pháp gồm 173 thành viên, một Hội đồng nhân dân gồm 87 thành viên, trong đó Đảng Baath chiếm đa số. Số ghế còn lại chia cho các tổ chức nhân dân và các đảng nhỏ khác. Tháng 3 năm 1971 Đảng Baath tổ chức các Đại hội địa Phương và bầu Bộ chỉ huy địa phương gồm 21 thành viên do Đảng Baath đứng đầu. Cũng trong năm 1971 mở cuộc trưng cầu dân ý xác định quyền lực của Tổng thống Assad. Tháng 3-1972 H.Assad thành lập Mặt trận tiến bộ Quốc gia, một liên minh các Đảng do Đảng Baath đứng đầu, tổ chức bầu cử lập ra các Hội đồng địa phương trong 14 vùng Thủ hiến của Syria. Tháng 3-1973 ban hành hiến Pháp mới. Hiến pháp cho phép quyền lực của Assad gần như tuyệt đối. Thủ tướng và Nội các do Tổng thống chỉ định mà không cần một sự phê chuẩn nào. Ai muốn thành đạt trên con đường hoạn lộ đều phải thông qua Đảng và thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với đảng. Những công việc béo bở trong chính quyền đều giành cho các thành viên trong gia đình Assaat hay người trong nhóm Alawite hay là đồng hương với Tổng thống.

  Ngày 10-10-1973 Syria cùng Ai Cập phát động cuộc chiến tranh cùng tấn công vào cao nguyên Gôlan, nơi Israel chiếm đóng của Syria. Cuộc tấn công thất bại. Israel vẫn chiếm đóng cao nguyên Gô lan.

  Đầu năm 1976, nội chiến ở Lebanon bùng nổ. Syria đã cho 4 vạn quân vào và bắt đầu cuộc dính líu 30 năm nội chiến ở Lebanon. Trong nước, chính quyền Syria đã đàn áp những người bất mãn, chỉ trích chế độ. Từ năm 1976 tổ chức Anh Em Hồi giáo  bảo thủ đã lãnh đạo cuộc nổi dậy chống chính phủ. Tháng 2 năm 1982 Chính phủ đã dùng đại bác đàn áp họ ở thành  phố Hama, san bằng nhiều phần của thành phố làm 2 vạn 5000 người, chủ yếu là dân thường  chết và bị thương.

  Ngày 16-6 năm 2000 sau 30 năm cầm quyền Hafiz al Assad mất. Nghị viện đã sửa đổi Hiến pháp giảm tuổi làm Tổng thống từ 40 xuống 34 để con trai ông ta lên cầm quyền. 10-7-2000 Bashar Assad được bầu làm Tổng thống trong một cuộc trưng cầu dân ý với một ứng cử viên duy nhất với số phiếu 97,29%. Ngày 17 tháng 7 năm 2000, B. Assad lên nhậm chức với nhiệm kỳ 7 năm. B Assad đã thả hàng trăm tù chính trị, nới lỏng truyền thông ngôn luận.

  Ngày 5 tháng 10 năm 2003 Israel ném bom một địa điểm gần thủ đô Damascus vì cho nơi đây Syria đã huấn luyện các thành viên khủng bố của hồi Giáo Jihad. Với sự kiện này Hoa Kỳ đã tiến gần tới áp đặt lệnh trừng phạt Syria. Hoa Kỳ và EU đã coi các tổ chức Hamas, Hồi giáo Jihad và Hezbollah là những tổ chức khủng bố, đang trú ẩn hoặc có quan hệ với chính phủ Syria.

  Người Kurd Syria  cũng đã tuần hành tại Brussels và Geneva trước các tòa Đại sứ của Hoa Kỳ, Anh, Đức. Họ tố cáo Chính phủ Syria đã trang bị cho những kẻ tấn công họ. Ngày 6-9-2007 máy bay Israel đã không kích vào vùng Thủ hiến Deirez-Zor, đánh vào mục tiêu được cho là lò phản ứng hạt nhân đang được các kỹ thuật viên Bắc Triều Tiên xây dựng.

  Vào những năm 10 của thế kỷ XX Syria đã đứng bên bờ vực của nội chiến mà do nguyên nhân chủ quan và khách quan. Chủ quan là do những mâu thuẫn gay gắt giữa các giai tầng xã hội với nhà cầm quyền Syria, khách quan là từ phía các nước phương Tây và Mỹ muốn lật đổ chế độ của B.Assad mà dưới con mắt của họ là đồng minh thân cận của Nga.

  Như vậy, chế độ chính trị Syria là cha truyền con nối, mất lòng dân, kinh tế suy giảm, nạn thất nghiệp lan tràn, tỉ lệ lạm phát cao, chênh lệch giàu nghèo sâu sắc, kỳ thị sắc tộc dân tộc cùng với mâu thuẫn tôn giáo sâu sắc là nguyên nhân sâu xa của nội chiến ở Syria.

  Khoảng tháng 4 năm 2011, những cuộc biểu tình của nhân dân nổ ra trên toàn quốc. Quân đội chính phủ đã bắn vào các cuộc biểu tình. Hành động này đã châm ngòi cho một cuộc nội chiến vũ trang toàn diện ở Syria.

  Tháng 7 năm 2011 lực lượng quân đội Syria tự do (FSA) được thành lập. Từ đó nội chiến được chia làm 2 phe: Phe nổi dậy chống Chính phủ và thứ hai là phe của Tổng thống B.Assad. Từ tháng 7 đến tháng 10 năm 2011 là những cuộc xung đột vũ trang đẫm máu. Quân FSA liên tục tấn công quân chính phủ. 6 tháng đầu chiến tranh, nhân dân ít dính dáng đến cả hai phe.

  Từ tháng 11 năm 2011 đến tháng 4 năm 2012 cuộc xung đột vũ trang biến thành cuộc chiến tranh thực sự. Ngày 11-4-2012 hai bên đạt được một thỏa thuận ngừng bắn. Nhưng đến ngày 5-5-2012 thỏa thuận ngừng bắn tan vỡ. Quân nổi dậy tiếp túc tấn công quân chính phủ. Tổng thống B.Assad tuyên bố kiên quyết đè bẹp quân nổi dậy. Từ đây chiến tranh càng ác liệt và leo thang cả nước. Syria lâm vào hỗn loạn. Tháng 10 năm 2012 trở đi chiến sự ác liệt nhất là ở Damascus và Apeplo. Cả hai bên chịu những tổn thất nặng nề. Tháng 10 năm 2012 hai bên lại đạt được một thỏa thuận ngừng bắn. Ngày 1-11-2012 ngừng bắn hết hiệu lực. Chính phủ Syria dùng không quân tấn công quân nổi dậy nhưng bị kháng cự mãnh liệt. Suốt tháng 11-2012 đến tháng 3-2013 quân chính phủ tổn thất nặng và thất thế, Quân nổi dậy tấn công trên khắp các chiến trường. Chính phủ mất cứ điểm không quân và kho vũ khí quan trọng. Quân chính phủ dù đã sử dụng tên lửa Scud bắn vào quân nổi dậy nhưng quân nổi dậy vẫn tiến sâu vào Damascus.

  Để bảo vệ chính phủ Syria, Nga và một số nước đã giúp đỡ quân chính phủ. Cho nên đến tháng 4 năm 2013 tình hình đảo ngược, quân chính phủ liên tục tấn công và lấy lại được thế chủ động trên chiến trường. Đầu tháng 6-2013 quân chính phủ chiếm lại vùng ngoại vi Damascus, vùng Al-quariatayn và tỉnh Homs. Từ đây phương Tây và Mỹ sôi sục tố cáo quân chính phủ dùng vũ khí hóa học. Phương Tây công khai viện trợ vũ khí cho phe nổi dậy: Mỹ, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ...Cuộc chiến càng trở nên đẫm máu.

  Tháng 9 năm 2015 Nga can thiệp vào Syria. Lý do Nga can thiệp là do lịch sử và hiện tại Syria như là một đồng minh của Nga tại Trung Đông. Năm 1946 Syria độc lập. Năm 1963 Liên Xô lập quan hệ đồng minh với Syria. Syria trở thành căn cứ quan trọng và là thị trường chiến lược của Liên Xô tại Trung Đông. Sau khi Liên Xô sụp đổ, nước Nga hiện tại vẫn coi Syria là đồng minh của mình và Nga phải duy trì sự tồn tại của chính phủ B.Assad. ngày 30 tháng 9 năm 2015 Nga bắt đầu trực tiếp công khai can thiệp vào Syria khi có yêu cầu của Chính phủ Syria. Việc hậu thuẫn của Nga cho chính phủ Syria phù hợp với quyền tự vệ của một nước (mà ở đây là Syria)  theo Hiến chương Liên Hợp Quốc.

  Sự can thiệp của Nga vào Syria bao gồm những hành động tổng hợp trong chiến tranh như các cuộc không kích chống lại nhà nước Iraq, Levant, Al-qaeda và những phe đối lập đang chống Chính phủ Syria. Nga trực tiếp cung ứng trang thiết bị cho quân đội Chính phủ Syria. Nga ủng hộ Chính phủ Syria trên trường quốc tế. Nga đã gửi hàng trăm binh lính, 28 máy bay chiến đấu, trực thăng, xe tăng, các quân cụ và vũ khí khác. Về danh nghĩa Nga tuyên bố liên minh với Iraq, Iran và Syria để chống  lại lực lựng khủng bố nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Cho đến ngày 6-10-2015, Nga đã đưa khoảng 2.000 binh lính, cố vấn, nhân viên kỹ thuật vào Syria, chủ yếu đóng ở hai căn cứ Latakia và Tartus. Tham gia tấn công còn có các tàu chiến Nga ở vùng biển Caspi. Các tàu này đã bắn hỏa tiễn vào đất liền. Đầu tháng 11năm 2015 Nga đã có 34 máy bay, trong đó có 12 chiếc Su24M2, 12 chiếc Su-25, 4 chiếc Su-30SM, 6 chiếc Su-34, còn có Mil-24, trực thăng vũ trang Mi 28, Ka-52 là loại trực thăng chiến đấu, xe tăng chiến đấu và pháo tự hành, một số lính thủy đánh bộ.Vào đầu 2017 còn có khoảng 70 máy bay không người lái của Nga phục vụ chiến đấu và chiến đấu.

  Cho đến tháng 11năm 2015 bằng tên lửa Nga đã tiêu diệt 600 tên IS, trung bình một ngày chiến đấu Nga tiêu diệt hàng chục tên IS, tiêu diệt nhiều trung tâm lọc dầu, xe chở dầu và các tuyến đường vận tải của IS. Đến tháng 12-2015 trong 9 ngày Nga tấn công 1.500 mục tiêu của IS trên toàn lãnh thổ Syria. Giúp quân đội Syria giành lại quyền kiểm soát  những tỉnh thành đã bị mất trước đây. Triệt phá đường dây buôn lậu của IS ở biên giới Iraq và Syria. Nguồn tài chính của IS vì thế giảm 1/3.

  Không quân Nga đã thực hiện 17 cuộc không kích hỗ trợ lực lượng đối lập Syria chiến đấu gần thành cổ Palmyra chống phiến quân IS, hỗ trợ quân chính phủ Syria tiếp tục tấn công mọi hướng. Không quân Nga mỗi ngày tiến hành 30-40 vụ không kích nhằm vào lực lượng IS. Nga cũng cung cấp cho FSA (lực lượng nổi dậy) những đạn dược vũ khí để chống IS. Vậy Nga can thiệp vào Syria không nhằm tiêu diệt quân nổi dậy chống chính phủ mà để tiêu diệt IS.

   26-1-2015 với sự giúp đỡ của Nga, 90% thành phố Kobani được giải phóng khỏi IS. Đến tháng 1 năm 2016 không quân Nga hỗ trợ quân chính phủ phá vỡ vòng vây của phiến quân IS, giúp quân chính phủ giành lại quyền kiểm soát hầu hết khu vực nông thôn xung quanh Allepo. Ngày 4-2-2016 Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã tiêu diệt 900 mục tiêu của quân khủng bố. Nga liên tục không kích tuyến tiếp tế của các nhóm khủng bố từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria  tại tỉnh Azaz.

 Ngày 27-3-2016 quân đội Syria với sự hỗ trợ của không quân Nga, Iran và Hezbolla đã giải phóng hoàn toàn thành phố Palmyra khỏi tay nhà nước Hồi giáo IS. Ngày 28-3-2016 các máy bay chiến đấu của không quân Nga SU-35, Su-30SM đã hộ tống máy bay vận tải IL-76 của không quân Syria mang 30 tấn hàng cứu trợ nhân đạo của tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ cho 200.000 cư dân thành phố Deirez-zor đang bị IS vây hãm. Ngày 1-4-2016 Nga tuyên bố giải phóng thành Palmyra. Ngày 3-4-2016 giải phóng thành phố Qaryatayn Ngày 4-4-2016 Nga đã viện trợ 5 tấn hàng gồm gạo, ngũ cốc, thịt bò tới khu vực Kanaya thuộc tỉnh Homs. Ngày 14-8-2016 giải phóng thành phố Manbij, 30-10-2016 thành phố Qaraqosh được giải phóng.22-12-2016 quân Nga và quân Chính phủ Syria đã tiến vào thành phố Aleppo, thành phố được giải phóng khỏi sự thống trị tàn bạo của quân IS. Syria đã giải phóng 93% lãnh thổ khỏi bàn tay IS

  Ngoài Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tham gia vào cuộc chiến Syria. Iran đã giúp quân chính phủ về quân sự, vũ khí, chia sẻ tin tức tình báo, giúp Syria hàng tỉ USD, hỗ trợ cho người Kurd chiến thắng nhiều trận. Mỹ cũng đã yểm trợ cho người Kyrd giải phóng thành phố Raqqah khỏi IS.

  5 tháng Nga không kích ở Syria đã giúp quân đội chính phủ giải phóng 400 khu vực dân cư khỏi lực lượng khủng bố IS, hơn 10.000 km2 lãnh thổ, trong đó có 150 thành phố và thị trấn, giải phóng các tỉnh Hama, Homs, lấy lại căn cứ không quân Kuwires. Nga đã tiến hành 9.000 đợt xuất kích, lần đầu tiên tiến hành cuộc tấn công lớn kéo dài 1.500 km, các loại tên lửa từ máy bay và từ các tàu chiến trên biển bắn dồn dập. Nhờ vậy quân đội Syria đã kiểm soát lại các mỏ dầu và khí đốt ở gần Palmyra. Tổng cộng có khoảng 209 cơ sở sản xuất và 3.000 xe chở dầu của IS bị tiêu diệt, các nguồn lực của IS do đó bị cắt đứt. Các cuộc không kích của Nga ở Syria làm giảm khả năng của quân IS ở Nga, gần 2.000 chiến binh và 17 chỉ huy cao cấp của IS đã bị tiêu diệt ở Nga. Cho đến tháng 2-2017 đã cói 4.000 lính Nga và 5.000 công dân các nước thuộc Liên Xô trước đây chiến đấu chống khủng bố ở Syria.

   Nội chiến đã đem lại hậu quả nặng nề cho đất nước Syria. Tính đến 2017 nội chiến đã kéo dài 7 năm, cướp đi sinh mạng của 310.000 người, 23 triệu người (1/20 dân số) buộc phải rời bỏ nhà cửa đi sang các nước láng giềng hoặc di cư tị nạn sang châu Âu, tạo ra một thảm họa nhân đạo lớn nhất trong lịch sử, kể từ sau đại chiến thế giới thứ II. Đất nước Syria, đặc biệt là nền văn hóa bị tàn phá nặng nề. Ngoài những di sản văn hóa quốc gia, Syria có 6 di sản văn hóa thế giới. Đó là các thành phố cổ Damascus, Bosra, Aleppo,Ốc đảo Palmyra, lâu đài Cracdes Chevaliers và Qalat Salah El din. Những di sản bị chiến tranh tranh tàn phá trước hết kể đến những ngôi đền Hồi giáo, những nhà thờ cổ, những lâu đài và tranh ghép Roman, những thành phố chết ở miền Bắc. Đó là các nhà bảo tàng và di tích ở hai thành phố lớn Damascus, Aleppo. Bảo tàng ở nhiều thành phố khác bị tàn phá đến mức không thể khôi phục lại được nữa. Ngôi đền Assyria, các tháp lâu đài Al-madig, các thánh đường Hồi giáo ở Azax phía Bắc thành phố Aleppo bị bom đánh sập. Những phế tích kỳ diệu ở  Bosra, những kiến trúc thời Byzantine hứng những trận bom và bị hủy hoại, Thánh đường Hồi giáo Umayyad ở Deraacos, cấu trúc cổ xưa nhất Syria bị đạn pháo làm hư hại nghiêm trọng. 25 nhà bảo tàng khắp Syria thành đối tượng cho quân khủng bố IS và bọn buôn đồ cổ cướp bóc cổ vật. Như các nhà bảo tàng ở Deirez-Zor, Raqqa, Maaratal-Numan, Qalaal Jaabar. Chúng đã cướp đi pho tượng thần  Aramaic vàng ròng         đúc từ thế kỷ VIII. Tháng 2 năm 2016, 18 bức tranh khảm cổ quý giá mô tả sử thi Odyssey của Homer bị đánh cắp. Các chợ ở Jordal, chợ ở Thổ Nhĩ kỳ... tràn ngập những đồ cổ cướp ở Syria đem bán. Quân đội các bên cũng góp phần tàn phá di sản văn hóa với việc xe tăng quần thảo trong “Thung lũng các ngôi mộ”, đào hào phòng thủ trong các khu di tích...Nhà nữ khảo cổ học Joanne Farchkh, một chuyên gia di sản của Syria viết: “Chúng ta hãy quên đi những nhà thờ cổ, những căn nhà cổ, những đường phố cổ ở Homs bởi vì chúng không còn tồn tại nữa” (Kinh tế văn hóa thể thao.2-2917).                                                                                        Cuộc chiến đã làm thay đổi diện mạo thế giới. Với nước Nga, can thiệp vào Syria là một cuộc hồi sinh. Sau cuộc khủng hoảng Ukraine, Nga bị phương Tây cô lập và cấm vận. Cuộc chiến Syria đã đưa Nga trở lại chính trường quốc tế, mạnh lên trên bàn cờ chính trị quốc tế. Thông qua cuộc nội chiến Syria, Nga gửi thông điệp kiên định kiên quyết chống và tiêu diệt  khủng bố IS. Nga đã đi đến cùng trong việc bảo vệ đồng minh B.Assad. Nhưng Nga cũng biết rút quân đúng thời cơ, kết thúc khéo léo mà không bị sa lầy như Mỹ tại chiến trường Trung Đông đầy bất ổn.

  Với Mỹ, chính sách ngoại giao của Mỹ có sự thay đổi. Mỹ đã để cho B.Assad hai lần vượt qua làn ranh đỏ trong cuộc khủng hoảng vũ khí hóa học năm 2011 và 2013. Mỹ đã để cho Nga qua mặt trong cuộc khủng hoảng Ukraine, làm tổn hại uy tín của Mỹ như là biểu tượng lãnh đạo toàn thế giới. Lý do là tuân theo ý nguyện của cử tri mà Obama từ chối chiến trường Trung Đông đầy rủi ro. Trung Đông cũng không đóng vai trò quan trọng  về chiến lược đối với Mỹ so với những thách thức đang trỗi dậy như sự vươn lên của Trung Quốc tại châu Á và Biển Đông. Đây là đặc điểm điển hình trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Ưu tiên địa chính trị của Mỹ đã vượt xa khỏi khu vực Trung Đông.

  Với châu Âu, Khủng hoảng Syria đã đẩy châu Âu nguy cơ bất đồng nội bộ và bất ổn. Nội bộ châu Âu tranh luận gay gắt về chiến lược, về sử dụng vũ lực, hợp thức hóa cuộc can thiệp vào Trung Đông. Châu Âu còn bị thách thức bởi dòng người tị nạn từ Trung Đông, đặc biệt là Syria tràn sang do nội chiến chết chóc. Nhiều thanh niên châu Âu đã đầu quân cho IS chống lại đất nước mình.

  Với các cường quốc Trung Đông, một số nước mạnh của Trung Đông trở nên suy yếu, cuộc khủng hoảng Syria làm cho Trung Đông mất đi một số nước được coi là cường quốc khu vực : Ai Cập đã thất bại trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế cũng như bảo đảm an ninh nội địa, gây khó khăn cho Mỹ trong việc duy trì sự ổn định trong khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ muốn ôn hòa với các nước láng giềng nhưng cũng thất bại. Nay Thổ Nhĩ kỳ có nhiều lỗ hổng về an ninh biên giới. Các cuộc khủng bố đẫm máu của IS đã nhằm vào Ankara. Mỹ đã thất bại trong việc muốn Thổ Nhĩ Kỳ là cầu nối kinh tế giữa châu Âu và Trung Đông. Arab Saudi mất dần vị trí nước lớn do giá dầu giảm.Iran cố gắng tái hòa nhập với chính trường quốc tế nhưng vẫn chưa thể trở thành quốc gia hùng mạnh.

3.  Thiết chế chính trị: Năm 1973 Syria ban hành hiến pháp, theo đó thiết chế chính trị hình thức là cộng hòa đại nghị nhưng quyền lực của Tổng thống gần như tuyệt đối. Tổng thống là người đứng đầu nhà nước, nhiệm kỳ 7 năm do trưng cầu dân ý. Quốc hội một viện nắm quyền lập pháp, nhiệm kỳ 4 năm. Thủ tướng và chính phủ do Tổng Thống bổ nhiệm. Tòa án hiến pháp tối cao, các Tòa án an ninh quốc gia nắm quyền tư pháp. Chế độ chính trị hình thức đa đảng nhưng trên thực tế Đảng Baath nắm toàn bộ quyền lực. Lãnh thổ cơ cấu đơn nhất bao gồm 14 tỉnh (vùng Thủ hiến ) trực thuộc trung ương.

  Cộng hòa Syria là thành viên của Liên Hợp quốc, Liên đoàn các nước Arab. Quốc khánh ngày 17-4 năm 1946.

  Cộng hòa Syria quan hệ ngoại giao với Việt Nam cấp Đại sứ ngày 21 tháng 7 năm 1966.

4.  Kết luận: Nội chiến Syria có thể làm đảo lộn trật tự thế giới đã hình thành từ sau khi Liên Xô tan rã, mất ổn định ở Trung Đông, châu Âu và thế giới.

  Cuộc chiến Syria cho đến nay chưa có hồi kết và cũng không ai biết sẽ kết thúc vào lúc nào. Đây là cuộc chiến rất phức tạp, nhiều phe phái tham chiến ở Syria, nhiều cường quốc tham gia. Ban đầu cuộc nội chiến bùng nổ là giao tranh giữa quân chính phủ và quân nổi dậy chống chính phủ. Sau đó quân khủng bố Hồi Giáo IS bành trướng do Syria bận nội chiến tạo ra khoảng trống quyền lực thì cuộc nội chiến lại bao gồm quân chính phủ chống phe nổi dậy, chống cả quân khủng bố, Phe nổi dậy vừa chống chính phủ vừa chống phiến quân IS, còn quân khủng bố IS thì chiến đấu với cả hai. Tất cả tạo nên sự hỗn loạn quyết liệt tàn bạo của cuộc chiến. Cuộc chiến này các phe phái không bao giờ cạn nguồn lực vì được các cường quốc bên ngoài viện trợ tiếp sức. Phe nổi dậy được Mỹ và các cường quốc phương Tây viện trợ để nhằm lật đổ chính phủ B.Assad, phe chính phủ được Nga, Iran và một số nước theo Nga giúp đỡ, tài trợ. Trong tương lai có lẽ sau khi tiêu diệt được quân khủng bố IS thì Nga và quân chính phủ sẽ kiên quyết tiêu diệt quân nổi dậy. Vậy là cuộc chiến càng quyết liệt kéo dài, bởi các nước phương Tây không chắc đứng nhìn Nga và chính phủ Syria tiêu diệt phe nổi dậy. Nội chiến Syria chỉ có thể kết thúc bằng một giải pháp chính trị với sự nhân nhượng của mỗi bên mà thôi. Như Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố: Nhiệm vụ của Nga ở Syria là bảo vệ quyền hợp pháp của Chính phủ Syria, xóa bỏ chủ nghĩa khủng bố, không can thiệp vào nội bộ Syria. Việc ổn định chính trị càng bắt đầu sớm thì chúng ta và cộng đồng quốc tế càng có nhiều cơ hội để kết thúc nạn khủng bố  ở lãnh thổ Syria.

CVL

(Còn nữa)

----------------------------  

Tài liệu tham khảo chính

Các Mác-F. Ăng ghen. Toàn tập. Tập 9. Tiếng Nga.

F. Ăng ghen. Nguồn gốc của gia đình, chế độ tư hữu và nhà nước. Nxb Sự thật. H. 1972.

Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khoa lịch sử. Giáo trình lịch sử thế giới cổ đại. H. 1972.

Nguyễn thị Thư, Nguyễn Hồng Bích, Nguyễn Văn Sơn. Lịch sử Trung-Cận Đông. Nxb Giáo dục. H. 2004.

Bách khoa thư lịch sử thế giới. Nxb Văn hoá-Thông tin. H.2004.

Tạp chí nghiên cứu châu Phi và Trung Đông. Số tháng 7, tháng 9 năm 2008.

7.Cao văn Liên:Lịch sử 2000 quốc gia và vũng lãnh thổ trên thế giới. Nxb Thời Đại (Tái bản) Hà Nội, 2011.

8. Viện hàn lâm khoa học Liên Xô. Lịch sử thế giới. T1.Tiếng Nga.Nxb Khoa học.Matxcơva.

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 55)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn