Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 27 – Kỳ cuối)

PGS TS Cao Văn Liên

19/04/2024 06:02

Theo dõi trên

Hướng tới kỷ niệm 49 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024), trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2023.

\Kỳ 27.

Tại Tổng hành dinh Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Văn Tiến Dũng trong trưa 30 tháng 4 liên tục nhận được điện báo từ các Quân đoàn:

-A lô, chào đồng chí Đại tướng, tôi Nguyễn Hòa, Tư lệnh Quân đoàn I đây. Báo cáo đồng chí Tư lệnh chiến dịch, Quân đoàn I đã hoàn thành đánh chiếm tất cả các mục tiêu trong nội đô được giao phó, đặc biệt là đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu.

-Cảm ơn đồng chí và tất cả cán bộ chiến sĩ trong Quân đoàn. Chúc mừng các đồng chí đã chiến thắng.

-Cảm ơn đồng chí Đại tướng.

-A lô, chào đồng chí Đại tướng, tôi Nguyễn Hữu An, Tư lệnh Quân đoàn II đây. Báo cáo đồng chí Tư lệnh chiến dịch, Quân đoàn II đã hoàn thành đánh chiếm tất cả các mục tiêu trong nội đô được giao phó, đặc biệt là đánh chiếm Dinh Độc Lập, bắt Tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ Nội các đầu hàng không kiện, kết liễu sự tồn tại của Việt Nam Cộng hòa

-Cảm ơn đồng chí và tất cả cán bộ chiến sĩ trong Quân đoàn. Chúc mừng các đồng chí đã chiến thắng.

-Cảm ơn đồng chí Đại tướng.

-A lô, chào đồng chí Đại tướng, tôi Vũ Lăng, Tư lệnh Quân đoàn III đây. Báo cáo đồng chí Tư lệnh chiến dịch, Quân đoàn III đã hoàn thành đánh chiếm tất cả các mục tiêu trong nội đô được giao phó, đặc biệt là đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham mưu.

Cảm ơn đồng chí và tất cả cán bộ chiến sĩ trong Quân đoàn. Chúc mừng các đồng chí đã chiến thắng.

-Cảm ơn đồng chí Đại tướng.

-A lô, chào đồng chí Đại tướng, tôi Hoàng Cầm, Tư lệnh Quân đoàn IV đây. Báo cáo đồng chí Tư lệnh chiến dịch, Quân đoàn IV đã hoàn thành đánh chiếm tất cả các mục tiêu trong nội đô được giao phó, đặc biệt là đánh chiếm Biệt khu Thủ đô.

Cảm ơn đồng chí và tất cả cán bộ chiến sĩ trong Quân đoàn. Chúc mừng các đồng chí đã chiến thắng.

-Cảm ơn đồng chí Đại tướng.

-A lô, chào đồng chí Đại tướng, tôi Lê Đức Anh, Tư lệnh Cánh quân Phương Nam đây. Báo cáo đồng chí Tư lệnh chiến dịch, Cánh quân Phương Nam đã hoàn thành đánh chiếm tất cả các mục tiêu trong nội đô được giao phó, quan trọng là đánh chiếm Biệt khu Thủ đô, đặc biệt là việc chốt chặt đường Sài Gòn-Mỹ Tho, không cho Quân ngụy rút về Đồng bằng sông Cửu Long để kéo dài chiến tranh.

-Cảm ơn đồng chí và tất cả cán bộ chiến sĩ trong Binh đoàn. Chúc mừng các đồng chí đã chiến thắng.

-Cảm ơn đồng chí Đại tướng.

Ngày 2 tháng 5 năm 1975 cũng tại hành dinh tại Sài Gòn Đại tướng Văn Tiến Dũng nhận điện:

-A lô tôi Trần Văn Trà đây, chào đồng chí Đại tướng.

-Chào đồng chí Thượng tướng.

-Báo cáo đồng chí, từ ngày 1 tháng 5 đến ngày 2 tháng 5 năm 1975, đồng bào và bộ đội địa phương tất cả các tỉnh đồng bằng Cửu Long đã nổi dậy giành chính quyền ở tất cả các tỉnh, thành. Quân đoàn IV của ngụy tan rã. Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh Quân đoàn IV đã tự sát chết. Cụ thể quân và dân ta ngày 30-4 đã giải phóng các tỉnh Long An, Tây Ninh, Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu và đảo Phú Quốc. Ngày 1-5-1975 giải phóng các tỉnh Mỹ Tho, Gò Công, Vĩnh Long, Chương Thiện, Cà Mau, Kiến Tường, Sa Đéc, Châu Đốc và Côn Đảo. Vậy ngày 1-5-1975 toàn bộ đất liền cho đến các đảo và quần đảo của lãnh thổ nước ta đã được giải phóng, trong đó chưa tính  quần đảo Hoàng Sa đã bị Chính quyền Sài Gòn làm mất năm 1974.

-Cảm ơn đồng chí đã thông báo, Chúc mừng quê hương được giải phóng, đất nước chấm dứt chiến tranh và thống nhất.

-Cảm ơn đồng chí Đại tướng.

Văn Tiến Dũng ngồi xuống bê ly nước uống và nghĩ: “Như vậy là trừ số chạy ra nước ngoài, còn số tướng lĩnh của ngụy quân đã có 5 người tự sát chết sau khi chiến cuộc thất bại là Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn I, Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh Quân đoàn IV, Lê Văn Hưng, Phó tư lệnh Quân đoàn IV, Chuẩn tướng Lê Nguyên Vĩ, Tư  lệnh Sư đoàn 5 bộ binh Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại Lai Khê (Bình Dương), Chuẩn tướng Trần Văn Hai”.

Văn Tiến Dũng ngồi đọc lại “Báo cáo” của ban Tham mưu chiến dịch Hồ Chí Minh: “Chiến dịch Hồ Chí Minh” lịch sử diễn ra từ ngày 26 tháng 4 năm 1975 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975. Trong chiến dịch này ta huy động 250.000 quân chủ lực, 20.000 bộ đội địa phương, 265 xe tăng, 127 xe thiết giáp, 241 pháo xe kéo, 84 pháo mang vác, 400 pháo cao xạ, 8 đoàn hậu cần với 32.500 bộ đội, 180.000 dân công. Trong chiến đấu ta hy sinh và bị thương 6.000 chiến sĩ.

Phía Việt Nam Cộng hòa, huy động toàn bộ Quân đoàn III còn lại sau khi bị thiệt hại nặng trên phòng tuyến Xuân Lộc-Phan Rang, tổng cộng 245.000 quân chính quy, ở Quân khu IV còn quân số  nguyên vẹn, 175.000 lính nhưng bảo về đồng bằng Cửu Long mà không tham chiến bảo vệ Sài Gòn. Ngụy huy động 1117 xe tăng thiết giáp, 1.200 máy bay các loại, 1431 tàu và xuồng chiến đấu vào cuộc chiến. Kết quả Quân lực Việt Nam Cộng hòa trong trận bảo vệ Sài Gòn chết và bị thương 15.700 lính. Bị ta thu hồi và phá hủy 518 pháo, 403 xe tăng thiết giáp, 858 máy bay các loại, 647 tàu xuồng chiến đấu, 3.296 ô tô. Ta còn thu được toàn bộ kho tàng, lớn nhất là Tổng kho Long Bình...

Toàn bộ cuộc Tổng tấn công mùa xuân 1975, ta tiêu diệt và làm tan rã 1.351.000 quân ngụy, trong đó có 495.000 quân chủ lực, 475.000 quân địa phương, 381.000 phòng vệ dân sự, thu và phá hủy hơn 2.044 xe tăng, thiết giáp, 1.556 pháo cỡ lớn từ 105mm, 155mm, 175mm, 1.683 máy bay các loại, 167 pháo cao xạ, 179 tàu chiến, 1.016 tàu xuồng chiến đấu. Tổng giá trị vật chất ta thu được khoảng 5 tỷ USD. Quân dân ta đã đánh sập toàn bộ hệ thống chính quyền các cấp của Việt Nam Cộng hòa từ Quảng Trị đến Cà Mau, bước đầu thiết lập chính quyền của ta ở các cấp từ trên xuống dưới, tạo cơ sở để thống nhất quốc gia cả về lãnh thổ, về mặt nhà nước, chấm dứt chiến tranh. Đất nước bước vào thời kỳ độc lập, thống nhất, hòa bình và phát triển”.

 Trong đêm, thành phố Sài Gòn đã im tiếng súng, tràn ngập ánh điện. Gần như 3 triệu con người đổ ra các đường phố. Đường phố tràn ngập cờ hoa và rừng người. Họ đi lại, cười nói, hân hoan vui mừng nắm tay bạn bè, người thân, nắm tay các chiến sĩ giải phóng quân mà sung sướng tuôn trào nước mắt. Hàng loạt pháo hoa nổ nở thành hoa xanh đỏ tím vàng trên khắp bầu trời thành phố. Thành phố cả đêm không ngủ trong niềm vui hòa bình, niềm vui non sông thống nhất.

Đại tướng Văn Tiến Dũng rời ban công vào phòng, gọi điện ra Hà Nội:

-A lô, tôi Võ Nguyên Giáp xin nghe.

-Chào đồng chí Đại tướng, tôi Văn Tiến Dũng đây. Tôi gọi điện về báo cáo Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, cuộc Tổng tấn công mùa xuân 1975 đã toàn thắng.   

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đáp:

-Xin chúc mừng các đồng chí, chúc mừng các tướng lĩnh và toàn thể cán bộ chiến sĩ năm Quân đoàn, chúc mừng nhân dân, bộ đội địa phương Tây Nguyên, miền Trung và miền Nam đã cùng quân đội ta làm nên chiến thắng. Tôi sẽ chuyển tin chiến thắng cụ thể này cho đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn. Tôi cũng thông báo cho đồng chí tin vui là trước khi mở chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân ta đã giải phóng toàn bộ quần đảo Trường Sa từ ngày 11-4-1975 đến 29-4-1975 và các đảo khác như Côn Đảo, Phú Quốc, Thổ Chu...

-Vậy vui quá, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh thực là sáng suốt. Tạm biệt Đại tướng Tổng tư lệnh, hẹn gặp đồng chí tại Hà Nội.

Đêm Hà Nội thật tưng bừng náo nhiệt, dòng người đổ ra đường như nước trong rừng cờ hoa rợp trời mừng vui ngày chiến thắng, ngày chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài 21 năm trời, ngày vui đoàn tụ thống nhất. Đại tướng Võ Nguyên Giáp biết rằng đêm nay từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau, nhân dân cả nước đều đổ ra đường với cờ hoa và niềm vui bất tận, cả đêm nhân dân cả nước không ngủ. Ở các đô thị pháo hoa nhiều màu sắc xanh đỏ tím vàng bay lên không trung nở hoa che kín bầu trời nước *Việt. Đại tướng ngồi  trong tư dinh lòng cũng vui khôn tả, ngồi nhâm nhi ly trà. Ông bồi hồi nhớ lại những trang sử chia cắt và thống nhất của nước Việt. Lần chia cắt thứ nhất là cuối thời Nhà Ngô, 12 lãnh chúa phong kiến xưng hùng xưng đế, phá vỡ sự thống nhất đất nước. Sử gọi là loạn “12 Sứ quân”. Nhưng thời thế tạo anh hùng, vua Đinh Tiên Hoàng bằng tài năng quân sự của mình và sự đồng lòng của ba quân đánh dẹp trong 2 năm  (966-968), tiêu diệt 11 Sứ quân và thống nhất đất nước, lập ra Triều đại Nhà Đinh (968-979). Lần chia cắt thứ hai là lâu dài nhất, sử gọi là thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh, từ 1627-1786. Hai bên lấy sông Gianh (Linh Giang) làm giới tuyến, bắc sông Gianh trở ra gọi là Đàng Ngoài của vua Lê-Chúa Trịnh, nam sông Gianh trở vào gọi là Đàng Trong của Chúa Nguyễn. Mãi tới năm 1786, Nguyễn Huệ của nhà Tây Sơn lật đổ chúa Nguyễn ở Đàng Trong, tiến quân ra Bắc lật đổ Chúa Trịnh, lập lại nền thống nhất đất nước sau gần 160 năm chia cắt. Lần chia cắt thứ ba từ năm 1954 đến năm 1975, lấy giới tuyến là vĩ tuyến 17 trên dòng sông Bến Hải (Quảng Trị), vốn chỉ là giới tuyến tạm thời theo quy định của Hiệp định Giơ ne vơ ký kết sau khi Pháp thất bại ở Điện Biên Phủ. Hiệp định quy định chỉ là giới tuyến quân sự tạm thời, sau hai năm sẽ tiến hành Tổng tuyển cử và Việt Nam thống nhất. Nhưng các thế lực thân Pháp và sau đó là thân Mỹ đã phá hoại Hiệp định, lập ra chính quyền, quân đội gây chiến tranh, đẩy đất nước vào cuộc chiến tranh 21 năm trời. Lịch sử đã chứng minh chia cắt đất nước là phi nghĩa, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước là chính nghĩa. Cuối cùng chính nghĩa đã chiến thắng và ngày 30 tháng 4 năm 1975 là một mốc son vĩ đại của đất nước, của dân tộc.

Đại tướng chìm đắm vào dòng lịch sử và suy nghĩ tiếp: “ Có được ngày 30 tháng 4 năm 1975 là kết quả của một cuộc đấu tranh hy sinh không bờ bến, không tiếc máu xương của biết bao anh hùng tù nhân ở các nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc, của nhân dân miền Nam dưới chế độ kìm kẹp, đàn áp của Mỹ-ngụy, sự hy sinh của hàng vạn chiến sĩ trong quân đội, của bộ đội địa phương, dân quân du kích, của các tướng lĩnh, của hàng vạn thanh niên xung phong và bộ đội trên tuyến đường Trường Sơn, của hàng vạn dân công hỏa tuyến, của Hải quân nhân dân Việt Nam với các Trung đoàn cảm tử Đoàn tàu không số 125, Trung đoàn 126 đặc công thủy chiến, Trung đoàn 128, Trung đoàn phóng lôi. Của các Sư đoàn không Quân nhân dân Việt Nam, của trí thức yêu nước miền Nam, miền Bắc, của nhân dân miền Bắc, miền Nam đã cung cấp hàng chục vạn con em mình cho mặt trận, bất chấp tính mạng hy sinh. Tất cả chỉ vì một lòng yêu nước cao thượng hy sinh vì chính nghĩa, vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

  Đêm đã về khuya nhưng Hà Nội vẫn rộn ràng tấp nập thao thức. Có lẽ đêm nay Đại tướng Tổng tư lệnh cùng thao thức với Hà Nội cũng như ông đã nhiều lần thao thức với Thủ đô trong những ngày vui chiến thắng. Gió đêm thổi về mát rượi, tiếng lá vi vu xào xạc trên đường Hoàng Diệu. Có lẽ tổ tiên anh hùng nước Việt cũng đang về vui bất tận với con cháu trong ngày Hội thống nhất non sông. Xuân 1975 là bài ca bất tận, hùng tráng, BÀI CA NON SÔNG THỐNG NHẤT.

(HẾT)

CVL

                                                           

Bạn đang đọc bài viết "Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 27 – Kỳ cuối)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn