Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 54)

PGS TS Cao Văn Liên

21/03/2024 06:08

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.

Kỳ 54. MAROC - NHỮNG TRANG LỊCH SỬ

Tóm tắt

  Vương quốc Maroco nằm ở phía Bắc châu Phi. Diện tích 458.730km2, dân số 30 triệu, là một quốc gia có lịch sử lâu đời, có vị trí quan trong về chiến lược, đứng đầu thế giới về xuất khẩu phốt phát. Maroco đã trải qua xã hội nguyên thủy, xã hội cổ đại, xã hội phong kiến, xã hội cận đại và hiện đại. Trong tiến trình lịch sử nhân đân Maroco luôn phải đấu tranh chống những thế lực bên ngoài xâm lược để bảo vệ đất nước và giải phóng dân tộc, đã nêu cao tấm gương anh dũng bất khuất. Cũng trong tiến trình đó nhân dân Maroco đã xây dựng và phát triển được những giá trị văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, đóng góp nhiều cho nền văn hóa nhân loại nói chung và văn hóa châu Phi nói riêng.

1.Tổng quan

   Vương quốc Maroc là một quốc gia ở Đông Bắc châu Phi có chung biên giới với Angieri ở phía Đông, Xarauy, giáp Đại Tây Dương và biển Địa Trung Hải ở phía Bắc, giáp Mauritanie ở phía Nam. Từ Maroc trong tiếng Việt được lấy từ tiếng Pháp. Maroc gần với Tây Ban Nha qua eo biển nhỏ Gibranta.

   Diện tích của  vương quốc Maroc 458.730km2, dân số 30 triệu người, trong đó 97% là người Arab và người Berber, còn có người lai giữa hai tộc người này và người Do Thái. Với người Berber, người Arab đạo Hồi được coi là quốc giáo. 50% cư dân Maroc sống ở đô thị, 50% cư dân sống ở nông thôn. Thủ đô Rabat có khoảng 1.500.000 người. Thành phố lớn nhất cũng là hải cảng của Maroc là Casablanca. Các thành phố khác gồm Agadir, Essaolura, Fes, Marrakech, Meknes, Mohamadia, Quida, Quarzat, Safi, Sale, Tangier và Tettouan. Tiếng Arab và tiếng Berber là ngôn ngữ chính thức. Tiếng Pháp cũng được dùng ở các thành phố  khác nhau.

  Nền kinh tế của Maroc chủ yếu là nông nghiệp, nông nghiệp sử dụng 50% lực lượng lao động nhưng chỉ đóng góp 20% tổng sản phẩm quốc nội, chủ yêu khai thác ở đồng bằng ven Đại Tây Dương với các mặt hàng nông sản như  nho, rau, đặc biệt là cam, quýt dùng để xuất khẩu sang châu Âu. Nông nghiệp truyền thống (ngũ côc, chăn nuôi cừu) chủ yếu tập trung ở vùng nội địa và vùng rừng núi. Du lịch cũng là ngành kinh tế quan trọng, đạt 2,4 triệu du khách mỗi năm.

  Ngành công nghiêp khai khoáng, Maroc đứng đầu thế giới về xuất khẩu phosphat với 54,5 tỉ tấn, chiếm ¾ trữ lượng thế giới. Maroc còn có công nghiệp hóa học, công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp. Maroc đã thiết lập một chế độ tài chính, một khung kế hoạch hạch toán mới cho các tổ chức tín dụng, tự do hóa lãi suất, dỡ bỏ những hạn chế về tín dụng, loại bỏ những khoản đầu tư bắt buộc (1993-1999), củng cố lính vực bảo hiểm, cơ cấu lại ngân hàng quốc doanh, ban hành tự do giá cả.

   Để tránh tham nhũng và trì trệ, Maroc đẩy mạnh tư hữu hóa những ngành quan trọng, cải cách môi trường thương mại và đầu tư. Cải cách kinh tế phải đi liền với cải cách hành chính công để cởi trói cho kinh tế phát triển, tự do hóa thương mại quốc tế, tận dụng kiều hối của người Maroc sống ở nước ngoài. Có khoảng 2,5 triệu người sống ở nước ngoài, năm 2006 Maroc thu về khoảng 5, 5 tỉ USD. Tổng thu nhập Quốc dân (GDP) của Maroc năm 2010 đạt 91,71 tỉ USD, tăng trưởng bình quân GDP 4,2%, bình quân thu nhập đầu người 2.800USD/năm.

2. Lịch sử.

2.1.Thời kỳ nguyên thủy: Theo quan điểm Macxit, không một dân tộc nào sinh ra và tồn tại trên trái đất có thể bỏ qua được xã hội nguyên thủy, đây là thời kỳ thơ ấu và trưởng thành của các dân tộc. Các tộc người Berber và Arab cũng không nằm ngoài qui luật này. Khoảng hơn 1 vạn năm TCN, cộng đồng đầu tiên của xã hội nguyên thủy của người Berber-Arap là cộng đồng bầy người. Có thể có nhiều bầy người, mỗi bầy khoảng 10, 20 đến 30 người. Giữa các bầy người không có mối giao lưu quan hệ với nhau. Công cụ thời kỳ này là đồ đá cũ, tức là đồ đá sơ khai không được chế tác, người nguyên thủy nhặt hòn đá lên như thế nào thì sử dụng như vậy. Kinh tế thời kỳ này chủ yếu là hái lượm. Họ không phân biệt được đâu là anh em cha mẹ mà hôn nhân ngay trong bầy, lịch sử gọi đây là thời kỳ tạp hôn. Bầy người nguyên thủy sống chủ yếu trong các hang đá, chưa có quần áo. Thời kỳ này chưa xuất hiện văn hóa, thẩm mỹ và tôn giáo. Cuộc sống của bầy người nguyên thủy vô cùng gian khổ và liên tục phụ thuộc thiên nhiên, bị thiên nhiên và dã thú đe dọa. Theo định nghĩa của Các Mác: Xã hội là tổng hòa các mối quan hệ thì giai đoạn bầy người chưa thực sự là một xã hội mà đang trên đường manh nha hình thành xã hội loài người.

  Theo những tài liệu đáng tin cậy thì khoảng 8000 năm TCN, người Berber và Arab bước sang thời đại đồ đá giữa và sau đó bước sang thời đại đồ đá mới, tức là đồ đá đã được con người chế tác theo những hình dáng nhất định để phát huy cao nhất hiệu quả của công cụ. Công cụ phát triển thì kinh tế phát triển kéo theo sự phát triển của thiết chế xã hội. Trong thời kỳ đá giữa cộng đồng thị tộc mẫu quyền (mẫu hệ) ra đời. Thị tộc là những người cùng máu ruột rà sống với nhau thành một cộng đồng. Thị tộc mẫu quyền là người phụ nữ đứng đầu thị tộc vì khi đó người phụ nữ đóng vai trò chính trong nền kinh tế hái lượm. Người phụ nữ đứng đầu thị tộc sẽ phân công lao động kiếm thức ăn, phân chia thức ăn công bằng, giải quyết những khúc mắc của các thành viên trong thị tộc. Gọi là mẫu hệ vì con cái sinh ra đều mang họ của thị tộc mẹ. Ngoài thị tộc, thời kỳ này còn hình thành một cộng đồng lớn hơn là bộ lạc. Bộ lạc là hai hay nhiều thị tộc liên minh với nhau do gần địa vực, giao lưu với nhau, hôn nhân với nhau…Bộ lạc do tù trưởng đứng đầu. Thời kỳ này xuất hiện văn hóa, phong tục tập quán và tôn giáo nguyên thủy.

  Thời kỳ tiếp theo của thị tộc là thị tộc phụ quyền, còn gọi là phụ hệ. Công cụ sản xuất của người Berber, người Arab là công cụ đồ đá mới, tức là công cụ đá được chế tác tinh xảo. Ngoài ra còn xuất hiện công cụ đồ đồng và đồ sắt. Từ sự thay đổi phát triển của công cụ sản xuất, sản xuất kinh tế phát triển, ra đời nhiều ngành nghề mới đòi hỏi người đàn ông phải đóng vai trò chính trong sản xuất. Vì thế người đàn ông đóng vai trò điều hành thị tộc. Giai đoạn thị tộc phụ quyền còn gọi là phụ hệ vì đã hình thành gia đình đối ngẫu, nhiều vợ nhiều chồng. Vì thế con sinh ra đã biết mặt cha và phải mang họ cha.Thời kỳ này ở Maroc kinh tế canh nông đặc biệt phát triển. Thời kỳ thị tộc phụ quyền đã hình thành cộng đồng liên minh bộ lạc. Liên minh bộ lạc là liên minh giữa hai hay nhiều bộ lạc với nhau trên một qui mô rộng lớn khắp lãnh thổ để chuẩn bị cho sự ra đời nhà nước và quốc gia.

   Cuối cùng thì công xã nguyên thủy của người Berber  và người Arab tan rã. F.Ăng ghen đã giải thích vấn đề này trong tác phẩm kinh điển “ Nguồn gốc gia đình chế độ tư hữu và nhà nước”: công cụ sản xuất đồ dá mới, đặc biệt là đồ đồng và đồ sắt đã đưa sản xuất phát triển, năng suất lao động cao không chỉ đủ ăn mà con dư thừa. Do đó chỉ cần hai người lao động là dư thừa trong một gia đình. Từ đó gia đình nhiều vợ nhiều chồng tan rã, xuất hiện gia đình một vợ một chồng. Các gia đình một vợ một chồng này đã ra sức chiếm đoạt ruộng đất công xã làm của riêng. Xuất hiện chế độ tư hữu. Đã tư hữu thì xuất hiện giàu nghèo, như vậy là xuất hiện giai cấp và nhà nước ra đời. Nhà nước là công cụ để bảo vệ quyền lời cho giai cấp giàu có, giúp cho giai cấp giàu có dù thiểu số trong dân cư vẫn có thể thống trị đàn áp và bóc lột đại đa số nhân dân lao động. Lênin nói thêm: Nhà nước là công cụ của giai cấp này để áp bức thống trị các giai cấp khác. Sự chuyển biến từ xã hội nguyên thủy sang xã hội  tư hữu, giai cấp và nhà nước theo F. Ăng Ghen là chuyển từ thời đại dã man sang thời đại văn minh.

2.2. Thời kỳ cổ đại. Chấm dứt xã hội nguyên thủy, lịch sử người Arab và Berber chuyển sang thòi kỳ cổ đại. Theo phân kỳ của lịch sử thế giới, lịch sử cổ đại bắt đầu từ khoảng 3000 TCN đến năm 476 SCN, lấy mốc sự ra đời sớm nhất của các quốc gia cổ đại phương Đông như Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ, Trung Hoa, mốc kết thúc là lấy sự sụp đổ của đế quốc Tây La Mã. Nhưng lịch sử cổ đại của từng quốc gia, từng dân tộc tuân theo mốc thời gian riêng biệt, tùy sự chuyển biến kinh tế xã hội và thiết chế chính trị. Có lẽ xã hội người Berber và người Arab đã chuyển sang xã hội cổ đại-xã hội chiếm hữu nô lệ nằm trong khung thời gian của Ai Cập cổ đại. Từ thế kỷ IX TCN, người Phoennicia đã đến định cư ven biển Maroc như ở Mellila, Tangiet, Laraehe. Maroc nằm trong sự cai trị của các đế chế Ai Cập cổ đại. Thế kỷ I TCN, Maroc nằm trong bản đồ của đế quốc La Mã. La Mã sáp nhập vương quốc Maroc với các vùng khác của đông Bắc châu Phi và thành lập tỉnh Mauritania Tingiana. Thiên Chúa giáo được người La Mã truyền bá vào thời gian này. Năm 476 SCN, đế quốc Tây La Mã sụp đổ nhưng đế quốc Đông La Mã với trung tâm là Công stantinốp vẫn tồn tại. Cho nên từ thế kỷ V cho đến thế kỷ VIII Maroc vẫn nằm trong đế quốc Đông La Mã-Bizăntin.

2.3. Thời kỳ trung đại. Lịch sử Trung đại là lịch sử của chế độ phong kiến, tức là xã hội được kiến lập nên bởi sự phân phong ruộng đất của Hoàng đế cho bề tôi. Bọn chúa đất phát canh ruộng đất cho nông nô cày cấy và thu tô là đặc điểm nổi bật của bóc lột kinh tế trong chế độ phong kiến. Chế độ phong kiến thế giới bắt đầu từ năm 476 từ khi đế quốc Tây La Mã sụp đổ cho đến năm 1640 là sự kiện cách mạng tư sản Anh bùng nổ. Tuy nhiên với Maroc mãi tới thế kỷ VIII khi đế quốc Bizăntin bị đế quốc Hồi giáo Arab đánh bại, Maroc nằm trong bản đồ của đế quốc Hồi giáo thì lịch sử trung đại-phong kiến của Maroc mới bắt đầu. Hồi giáo được truyền bá vào đây thay thế cho Thiên Chúa giáo.

  Trong chế độ phong kiến từ năm 1064 đến năm 1269 hai vương triều của hai dòng họ lớn của người Berber là Almoravid và Anmohad thay nhau thống trị. Hai vương triều này đã thành lập một vương quốc rộng lớn bao gồm toàn bộ Bắc Phi mà Maroc là trung tâm (trừ phía Đông và Nam Maroc là thuộc Tây Ban Nha).

  Tiếp đó Marco thuộc quyền cai trị của vương triều Idrisd kéo dài khoảng 205 năm với 14 đời vua, bắt đầu từ triều vua IdrissI (789-791) đến vua cuối cùng là Al-Hasanben Kannun (954-994).

  Năm 994 vương triều Idrisd bị đế quốc Cordoba lật đổ và thống trị Maroc 300 năm. Nền thống trị của Cordoba bị Almoravied lật đổ. Triều đại Almoravied cai trị Maroc từ 1060 đến năm 1147 với triều vua đầu tiên Abubakr Ibn Umac (1060-1072) và vị vua cuối cùng là Ishq Ibn Ali (1146-1147).

  Năm 1147 một tướng của vương triều Almoravid là Mumin đã lật đổ vương triều này và thành lập vương triều mới: Vương triều Almohad và cai trị Maroc được 122 năm với 13 đời vua kể từ vua đầu  Abdul-Mamun (1145 -1163) đến vị vua cuối cùng là IdrisII (1266-1269).

  Năm 1269 tướng Al-Haqq làm cuộc chính biến lật đổ vương triều Ammoravied và sáng lập ra vương trương triều Marinid. Vương triều này cai trị Maroc được 202 năm với 23 đời vua. Vua đầu tiên là Abu Yahya Ibn-AlHaqq (1269-1285) và vị vua cuối cùng là là Muhamad Ibn Ali Idrisi-Joutey (1465-1471).

  Năm 1472 Zakania Muhamad an-Saih-Modi đã lật đổ Joutey và lập ra vương triều Wattasid. Vương triều này tồn tại và cai tri Maroc được 77 năm với 6 đời vua trên ngai vàng.

  Năm 1549 dòng họ nhà Saadian đã lật đổ vương triều Wattasid và lên nắm quyền cai trị Maroc được 54 năm với 6 đời vua.

  Từ năm 1603 đến năm 1627 Maroc bước vào cuộc chiến tranh kế vị. Trong thời gian này, Maroc bị chia cắt thành hai thế lực phong kiến và nội chiến với nhau. Một thế lực cai trị Saadian có trung tâm chính trị (thủ phủ) là Marrakesh với hai đời vua là Abou Giave Abdallah (1603-1608) và Zidan el Nasir (1608-1628). Thế lực phong kiến thứ hai là Splintes có trung tâm (thủ phủ) tại thành phố Fes với ba triều vua : Mohammed-el Sheikh esh Mamun (1603-1613), vua thứ hai là Abdallah II (1613-1623) và vị vua cuối cùng là Abu Marwan Abd al Ma likII (1623-1627).

  Từ 1627 đến năm 1659 nội chiến khốc liệt và thế lực Saadian đã đè bẹp thế lực nhà Sphinter và thống nhất đất nước. Thời kỳ này có đến 4 đời vua tồn tại: Triều đầu tiên là Abu marwan Abd-al-Malik II (1628-1631) và triều vua cuối cùng là Ahmad Abbas el (1655-1659).

  Không bao lâu năm 1660, Mulay al-Rachid đã lật đổ vương triều Saadial và thành lập vương triều Alawite. Vương triều này tồn tại cho đến năm 1912.

  Như vậy, một trong những đặc điểm lớn nhất thời kỳ phong kiến Maroc là các thế lực phong kiến Hồi giáo thay nhau thống trị, gây ra những cuộc chính biến, lật đổ nhau, thậm chí gây xung đột nội chiến, gây thảm họa cho nhân dân. Tuy nhiên vào thế kỷ XI Marco trên con đường phát triển thịnh đạt, mở rộng quan hệ với các quốc gia châu Phi, châu Âu và Trung Đông. Tầng lớp thương nhân đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, trong đời sống chính trị xã hội Maroc. Vào thế kỷ XV Maroc bước vào thời kỳ suy yếu. Nhân cơ hội đó vương quốc Tây Ban Nha, một trong những cường quốc phong kiến Tây Âu khi đó đã chiếm những hải cảng và những thành phố quan trọng của Maroc  ở Địa Trung Hải và Đại Tây Dương. Năm 1415 Tây Ban Nha đã chiếm Ceuta, Tangier Melilla…Tây Ban Nha đã xây dựng các cứ điểm trên những đất chiếm đóng và từ đó sẽ tiến hành xâm lược Maroc. Trong khi đó thực dân Pháp cũng đã nhòm ngó Marco. Năm 1901 thực dân Pháp dùng vũ lực tấn công xâm lược Marco. Lịch sử trung đại của Maroc khép lại, mở ra trang đẫm máu thời kỳ cận đại bởi sự xâm lược của chủ nghĩa tư bản phương Tây.

2.4. Thời kỳ cận đại: Trong phân kỳ lịch sử thế giới, thời kỳ cận đại bắt đầu từ năm 1640 với sự kiện là cách mạng tư sản Anh (1640-1689) cho đến năm 1917 với sự kiện rung chuyển thế giới là Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga. Thời kỳ cận đại nội dung là những cuộc cách mạng tư sản và những phong trào tư sản lật đổ chế độ phong kiến để thay thế vào đó chế độ kinh tế xã hội chính trị tư bản. Thời kỳ cận đại cũng là thời kỳ các nước tư bản Âu Mỹ xâm lược thống trị các nước lạc hậu ở châu Á, châu Phi, khai thác bóc lột dã man thuộc địa để làm tăng thêm túi tiền của chủ nghiã tư bản, cũng là lịch sử của nhân dân các nước châu Á, châu Phi đấu tranh chống xâm lược bảo vệ tổ quốc và giải phóng dân tộc.

  Năm 1901 thực dân Pháp dùng chiến tranh xâm lược vương quốc Maroc. Năm 1912 Maroc đặt dưới sự thống trị của Pháp. Pháp và Tây Ban Nha đụng độ nhau ở Maroc. Tháng 11 năm 1912 hai bên ký hiệp ước Madrid quy định phía Bắc miền duyên hải Maroc thuộc quyền cai trị của Tây Ban Nha với diện tích 4.7000km2, dân số 1triệu người, còn lại một vùng rộng lớn là thuộc địa của Pháp. Tây Ban Nha vẫn tiếp tục tranh chấp nên năm 1933 Tây Ban Nha, Pháp có sự can dự của các cường quốc phương Tây lại ký hiệp định Pari, biến Tangier một hải cảng quan trọng của Maroc rộng 350km2 thành một khu vực cảng quốc tế. Tháng 11 năm 1952 các cường quốc Anh, Pháp, Mỹ, Hà Lan, Bồ Đào Nha cùng nhau quản lý cảng quốc tế Tangier.

  Nhân dân Maroc đã anh dũng kiên cường đấu tranh chống thực dân Pháp để giải phóng dân tộc. Lớn nhất là cuộc khởi nghĩa ở vùng núi Rif do Abdel Krim lãnh đạo kéo dài từ 1921 đến 1924 đã gây cho Pháp nhiều thiệt hại.

  Sau đại chiến thế giới thứ hai (1939-1945) phong trào giải phóng dân tộc bùng lên mạnh mẽ ở châu Á, châu Phi, tấn công mãnh liệt vào hệ thống thuộc địa kiểu cũ của chủ nghĩa đế quốc. Do tác động của phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, bão táp cách mạng bùng lên mạnh mẽ ở châu Phi như một phản ứng dây chuyền trong đó có Maroc. Kết quả Maroc đã thành lập được chính phủ tự trị và cuối cùng giành được độc lập dân tộc. Ngày 2-3-1956, Pháp buộc phải công nhận nền độc lập của Maroc. Trang lịch sử cận đại đầy máu và nước mắt của Maroc khép lại, trang Lịch sử hiện đại bắt đầu.

2.5. Thời kỳ hiện đại: Những năm 50 và 60 của thế kỷ XX hệ thống thuộc địa kiểu cũ của chủ nghĩa đế quốc sụp đổ và diệt vong,. Năm 1960, 60 nước ở châu Phi đã giành được độc lập, cũng là mốc thời gian kết thúc của hệ thống thuộc địa kiểu cũ trên thế giới. Ở Maroc chủ nghĩa thực dân Pháp sụp đổ hoàn toàn cho nên ngày 2-3-1956 Pháp phải công nhận nền độc lập của Maroc. Tháng 9 năm 1960 Pháp ký hiệp định rút toàn bộ quân đội khỏi Maroc. Tại vùng lãnh thổ Maroc do Tây Ban Nha chiếm đóng, ngày 7-4-1956 Tây Ban Nha cũng thừa nhận nền độc lập của Maroc. Cuộc đấu tranh của nhân dân Maroc giành độc lập dân tộc hoàn toàn thắng lợi. Ngày 14-8 năm 1957 Maroc tuyên bố thành lập Chính phủ với thiết chế Quân chủ. Năm 1972 Maroc ban hành hiến Pháp tuyên bố thiết chế chính trị nhà nước là quân chủ nghị viện (quân chủ lập hiến). Tuy nhiên trong thiết chế này nhà vua vẫn có thực quyền to lớn. Vua là nguyên thủ quốc gia, vua có quyền thành lập chính phủ, vua là Tổng tư lệnh quân đội.

  Cơ quan lập pháp là quốc hội hai viện. Thượng viện gồm 270 đại biểu, nhiệm kỳ 9 năm, trong đó 1/3 đại biểu được bầu lại trong 3 năm. Hạ viện gồm 325 ghế nhiệm kỳ 5 năm.

  Chính phủ nắm quyền hành pháp do Thủ tướng đứng đầu. Thủ tướng do vua bổ nhiệm.

   Tòa án tối cao nắm quyền tư pháp.

  Chế độ chính trị ở Maroc đa đảng cầm quyền, có khoảng 30 đảng hoạt động và tranh cử để nắm chính quyền. Đó là các Đảng:

-Đảng Độc lập (PQ).

-Đảng công lý  và phát triển (PJD)

-Đảng Phong trào nhân dân (MP)

-Đảng Tập hợp Quốc gia của những người độc lập (RNI)

-Đảng Liên minh Xã hội chủ nghĩa các lực lượng bình dân (USFP)

Khi bầu cử những ứng viên không Đảng phái cũng được tham gia ứng cử.

  Vương quốc Maroc cố gắng xây dựng một nhà nước pháp quyền, dân chủ, đã ban hành những bộ luật mới như Bộ luật các Đảng phái chính trị, Bộ luật gia đình mới và nhiều bộ luật khác…

  Thời kỳ hiện đại Vương quốc Maroc tương đối ổn định về chính trị. Tuy nhiên vấn đề Tây Xa ha ra là điểm nóng của đất nước. Liên hiệp quốc đã ra nghị quyết trưng cầu dân ý, để Tây Xahara tự quyết định tương lai chính trị của mình. Nhưng giải pháp này không thực hiện được. Chính quyền Tây Xa ha ra tự tuyên bố thành lập Cộng hòa dân chủ Xa ra uy. Tuy vậy giải pháp này chưa được Liên Hợp quốc công nhận.

  Cơ cấu lãnh thổ Maroc là đơn nhất, toàn lãnh thổ chia thành 16 vùng, dưới vùng chia thành 62 châu và tỉnh theo luật “Phi tập trung hóa và khu vực hóa” được quốc hội thông qua năm 1997.

  Vương quốc Maroc là thành viên của Liên Hiệp quốc, Liên đoàn các nước Arap (ACL), khối Cộng đồng Pháp ngữ, Khối Maghreb (UMA), Phong trào không liên kết (NAM), Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Nhóm G77, Tổ chức hội nghị Hồi giáo (OIC).

  Quốc khánh Maroc vào ngày 3-3-1961

  Quan hệ ngoại giao với Việt Nam  cấp Đại sứ ngày 27-3-1961.

CVL

(Còn nữa)

------------------------

Tài liệu tham khảo

1.Các Mác-F. Ăngghen, Toàn tập, Tập 9, tiếng Nga

2.F. Ăng ghen: Nguồn gốc gia đình, chế độ tư hữu và Nhà nước, Nxb Sự Thật, H, 1972.

3.Đại học Tổng hợp Hà Nội, Khoa lịch sử, Giáo trình Lịch sử thế giới cổ đại, H,1972.

4. Nguyễn Thị Thư, Nguyễn Hồng Bích, Nguyễn Văn Sơn:Lịch sử Trung Cận Đông, Nxb Giáo dục, H, 2004.

5.Bách khoa thư Lịch sử thế giới, Nxb Văn hóa-Thông tin, H, 2004.

6. Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông số tháng 3-2017.

7. Cao Văn Liên, Lịch sử 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.Nxb Thời Đại (tái bản lần 3),H, 2011.

8.Maroc-Wikipedia-tiếng Việt.

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 54)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn