Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 81)

PGS TS Cao Văn Liên

16/01/2024 06:05

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.     

KỲ 81

IV. Vai trò của công xã nông thôn đối với nhà nước cổ- trung đại       

1.Mở đầu: Nhà nước là một phạm trù lịch sử. Suốt hàng ba triệu năm trong thời kỳ cộng sản nguyên thuỷ, loài người không biết đến nhà nước vì những tiền đề những điều kiện ra đời của nhà nước chưa có. Vả lại, công xã cộng sản Nguyên thuỷ khi đó cũng không cần phải có nhà nước. Khi công xã nguyên thuỷ tan rã, xã hội xuất hiện gia đình một vợ, một chồng, xuất hiện chế độ tư hữu, giai cấp, mâu thuẫn giai cấp dẫn tới đối kháng giai cấp, đe dọa quyền lợi của giai cấp giàu có. Giai cấp giàu có (chủ nô) thấy cần thiết phải có một công cụ giúp chúng dù chiếm thiểu số trong dân cư vẫn có thể thống trị áp bức, bóc lột, đàn áp được đại đa số nhân dân. Công cụ đó chính là nhà nước.

 Nhà nước xuất hiện trong lịch sử xã hội loài người. Ở phương Đông, công xã nguyên thuỷ tan rã sớm hơn so với phương Tây và các nhà nước cổ đại ra đời sớm như nhà nước Ai Cập, Lưỡng Hà, Ân Độ, Trung Quốc ra đời khoảng thiên niên kỷ III TCN. Ơ phương Tây các nhà nước cổ đại ra đời muộn hơn so với phương Đông khoảng 2.000 năm. Nhà nước cổ đại Hi Lạp ra đời khoảng thế kỷ thứ VIII TCN, nhà nước La Mã xuất hiện thế kỷ VI TCN. Có nhiều nguyên nhân, nhiều nhân tố, nhiều tiền đề góp phần thúc đẩy nhà nước cổ đại ra đời. Trong các yếu tố đó công xã nông thôn đóng một vai trò quan trọng trong sự ra đời của các quốc gia, các nhà nước cổ đại Đông-Tây.

           Ngay cả sau khi nhà nước đã ra đời và tồn tại lâu dài trong lịch sử, công xã nông thôn ( nhất là ở các nước Châu Á) vẫn giữ vai trò quan trọng, tác động đến sự phát triển, tồn tại. , diệt vong của nhà nước. Đề tài khoa học này nhằm tìm hiểu và giải quyết vấn đề vai trò của công xã nông thôn với sự ra đời của nhà nước thời kỳ cổ đại.

2: Nội dung

Cấu trúc của công xã nông thôn: Chúng ta đều biết rằng trước khi bước sang xã hội mà Ph. Anghen gọi là thời đại văn minh thì loài người trải qua xã hội nguyên thuỷ. Hàng triệu năm là khoảng thời gian để loài vượn tiến hoá thành người hiện đại ( Hô mô sa piêng). Từ Hômôsapiêng loài người hình thành các cộng đồng người: Bầy người rồi tiến lên cộng đồng thị tộc. Cơ sở của cộng đồng thị tộc là con người sống với nhau theo quan hệ huyết thống. Thời kỳ đầu của công xã thị tộc là thị tộc mẫu quyền. Thị tộc mẫu quyền là đỉnh cao nhất của xã hội nguyên thủy. Khi chuyển sang xã hội thị tộc phụ quyền thì công xã nguyên thuỷ bước vào giai đoạn suy tàn tan rã. Thị tộc phụ quyền đặt nền tảng để xã hội chuyển sang thời kỳ công xã nông thôn.

Công xã nông thôn ra đời trên nền tảng địa lý và kinh tế của chế độ thị tộc. Sự chuyển biến này diễn ra sớm nhất ở châu Á, châu Phi( Bắc Phi), ở các vùng mà sau này hình thành những quốc gia cổ đại phương Đông như Ai Cập (Bắc Phi), Lưỡng Hà- Babilon, Ân Độ, Trung Quốc (châu Á). Sở dĩ công xã nông thôn Phương Đông ra đời sớm vì những điều kiện đặc biệt của châu Á, châu Phi. Địa lý các nước phương Đông rất đa dạng và phong phú, có thể viết hàng chục, hàng trăm pho sách dầy nhưng tổng quát lại phương Đông là nơi có nhiều con sông lớn, Ai Cập có sông Nin dài khoảng 6.688 km là con sông dài nhất thế giới tạo nên đồng bằng Ai Cập. Lưỡng Hà có hai con sông Tigơrơ và Ơ Fơrat tạo nên đồng bằng Lưỡng Hà. Ấn Độ có sông Hằng Hà tạo nên đồng bằng Bắc Ấn màu mỡ, sông Ấn ở miền Trung tạo nên đồng bằng Trung Ấn. Ở Trung Quốc có sông Hoàng Hà dài 5.000 km tạo nên đồng bằng Hoa Bắc, sông Trường Giang (Dương Tử) cũng chiều dài như vậy tạo nên đồng bằng Hoa Trung. Điều kiện địa lý là nhân tố tạo nên nền kinh tế và xã hội của các nước phương Đông. Đó là một nền kinh tế nông nghiệp, khai thác những đồng bằng màu mỡ làm cho cư dân quần tụ, cộng cư trên những miền đất đai đó, tạo nên những công xã nông thôn, một xã hội dựa trên cơ sở chủ yếu là ruộng đất. Chế độ ruộng đất là” chìa khoá để tìm hiểu xã hội phương Đông” (Các Mác).

           Như vậy, trong thời kỳ xã hội nguyên thuỷ, công xã thị tộc trong quá trình phát triển đã tạo ra nhiều nhân tố huỷ diệt mình, chuẩn bị cho sự ra đời của một xã hội có nhà nước. Sự phát triển này có vẻ như là khách quan và tự nhiên cho nên Các Mác gọi sự phát triển của xã hội mang yếu tố tự nhiên. Khi công xã thị tộc tan rã thì công xã nông thôn ra đời để thay thế. Công xã nông thôn hình thàmh là do sự liên kết rộng lớn giữa các cộng đồng dân cư, cộng đồng thị tộc quá ư chật hẹp không thể tồn tại được nữa trước sự phát triển ào ạt của xã hội. Đó là sự hình thành ngày càng nhiều hơn những cộng đồng Liên minh bộ lạc, những cuộc xáo trộn dân cư do thiên di phân tán, hợp nhất của những cộng đồng người, do chiến tranh để hình thành nên những cộng đồng người mới. Sự cố kết bởi huyết thống tan vỡ, nhường chỗ cho một cộng đồng dân cư có nhiều dòng họ sinh sống trên một địa bàn cư trú, một công xã nông thôn có nhiều thị tộc, nhiều dòng họ cư trú. Khi nhà nước ra đời hình thành nên đặc trưng thứ nhất của nó là thống trị dân cư theo khu vực hành chính càng đẩy nhanh quá trình định hình công xã nông thôn.

           Chúng ta đã biết rằng công xã nguyên thuỷ dựa trên quan hệ huyết thống và trên cơ sở cộng đồng về tư liệu sản xuất. Trong thời kỳ cuối cùng cuả công xã thị tộc phụ quyền, công xã thị tộc chuyển thành công xã nông thôn. Mỗi công xã nông thôn rộng từ 100 ac fang đến 300 ac fang, là đơn vị sản xuất tự cung tự cấp kết hợp trực tiếp giữa nông nghiệp và thủ công nghiệp gia đình dựa trên cơ sở phân công cố định. Đại bộ phận sản phẩm sản xuất ra để cung cấp tiêu dùng trong công xã.

           Do yêu cầu của công việc thuỷ lợi, trị thuỷ các con sông lớn và do nhiều lý do sinh tồn khác mà công xã nông thôn châu Á là những đơn vị cộng đồng dựa trên quyền sở hữu chung về ruộng đất. Các thành viên cày cấy ruộng đất chung và họ nhận sản phẩm từ ruộng đất ấy. Trong các gia đình nông dân công xã có thêm nghề thủ công như kéo sợi, dệt vải, làm đồ gốm… dùng cho gia đình.

           Một số người làm những công việc chung cho công xã thì được công xã đài thọ như là công việc thẩm phán , thu thuế, chưởng bạ, canh phòng, thuỷ lợi, tôn giáo, dạy học, chiêm tinh bói toán và một số thợ thủ công sản xuất sản phẩm cho công xã như thợ rèn, làm đồ gốm, đồ gỗ, cắt tóc. Quyền lợi và nghĩa vụ của các gia đình thành viên công xã là cha truyền con nối.

           Với cơ chế tồn tại nhiều đất công hữu rồi chia cho thành viên cày cấy, công xã nông thôn đã cột chặt người nông dân, người thợ thủ công vào ruộng đất và trong phạm vi công xã. Rời khỏi công xã họ trở thành dân ngụ cư và không có quyền lợi gì. Bước sang công xã nông thôn cấu trúc gia đình- tế bào của xã hội có sự thay đổi. Từ chế độ hôn nhân nhiều vợ nhiều chồng (gia đình đối ngẫu) thời kỳ thị tộc phụ quyền, công xã nông thôn đã hình thành gia đình một vợ một chồng, đúng hơn là một chồng nhiều vợ, gia đình đa thê, gia đình phụ quyền gia trưởng, đặt nền tảng cho gia đình trong xã hội văn minh.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 81)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn