Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 80)

PGS TS Cao Văn Liên

15/01/2024 06:03

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.         

Kỳ 80

Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Liên Xô và Việt Nam là kết quả tất yếu của quá trình phát triển lâu dài của mối quan hệ Việt - Xô. Hiệp ước đã phản ánh những kinh nghiệm của sự hợp tác, đã được đúc kết trong hàng chục năm trời đầy thử thách của tình hữu nghị anh em, của hai Đảng Cộng sản Liên Xô và Việt Nam. Hiệp ước là sự tiếp tục phát triển tình hữu nghị Xô - Việt mà người đặt nền móng là hai lãnh tụ vĩ đại của hai dân tộc Lênin và Hồ Chí Minh. Ký kết hiệp ước hữu nghị và hợp tác Xô - Việt là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn trong đời sống chính trị của nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô, phản ánh một sự thay đổi sâu sắc về chất, một sự tiếp tục hoàn thiện tình hữu nghị hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, kinh tế và văn hóa.

Như Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch đoàn Xô Viết tối cao Liên Xô, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đã chỉ rõ: "Hiệp ước đã ghi nhận một giai đoạn mới về chất lượng trong sự phát triển của tình hữu nghị không gì phá vỡ nổi giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô"[1]. Hiệp ước đã mở ra một phạm vi rộng lớn trong sự hợp tác toàn diện giữa hai đảng và hai nhà nước, đặt nền tảng cho sự tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu suất của sự hợp tác giữa hai nước trong tất cả các lĩnh vực. Hiệp ước đã phản ánh quyết tâm của hai đảng và hai nhà nước trong việc củng cố và làm phong phú thêm sự hợp tác giữa Liên Xô và Việt Nam.

Những nhà lãnh đạo Việt Nam và Liên Xô đã nhấn mạnh rằng: nội dung chính của hiệp định và mục đích quan trọng của nó là bảo đảm cho công cuộc lao động sáng tạo hòa bình của nhân dân hai nước Việt Nam - Liên Xô, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản[2].  Hiệp ước đã mang lại cho nhân dân Việt Nam sức mạnh to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của mình trước chính sách thù địch của chủ nghĩa đế quốc.

Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Liên Xô hoàn toàn phù hợp với quyền lợi của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới, với lợi ích cộng sản và lợi ích giải phóng dân tộc, nó là mắt xích quan trọng trong hệ thống hiệp ước liên minh của các nước trong khối cộng đồng xã hội chủ nghĩa, đảm bảo mối liên hệ giữa nhân dân hai nước Việt - Xô với khối cộng đồng này. Hiệp ước còn là nhân tố để đấu tranh cho hòa bình và sự ổn định tình hình ở Đông Nam châu Á, vì sự an ninh cho các dân tộc đấu tranh chống các lực lượng phản động và chủ nghĩa đế quốc.

Để tiếp tục phát triển sự hợp tác Việt Xô ngày 1/11/1983 ở Hà Nội đã ký kết chương trình dài hạn phát triển sự hợp tác kinh tế khoa học kỹ thuật giữa Việt Nam và Liên Xô. Tài liệu này đã xem xét mối tác động lẫn nhau giữa các ngành mũi nhọn của kinh tế quốc dân, hoàn thiện sự phối hợp kế hoạch giữa các cơ quan, kế hoạch và kinh tế của hai nước, phát triển sự đào tạo cán bộ trong nhiều lĩnh vực khác nhau của Việt Nam.

Như vậy từ những ngày Liên Xô công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam 1950, Liên Xô và Việt Nam trong quá trình hợp tác đã ký kết nhiều hiệp ước hợp tác về nhiều lĩnh vực, tạo nên một hệ thống hiệp ước Xô - Việt. hệ thống hiệp ước hữu nghị hợp tác Xô - Việt là mẫu mực của hình thức quan hệ mới giữa các nhà nước xã hội chủ nghĩa. Đây là mối quan hệ xuất phát từ bản chất của chế độ xã hội của các nhà nước xã hội chủ nghĩa dựa trên học thuyết Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa. Những hiệp ước này hoàn toàn dựa trên sự tính toán đến truyền thống, phong tục và pháp luật của mỗi nước, tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Hệ thống hiệp ước Việt - Xô đã khẳng định lời tiên đoán của Lênin về liên minh tốt đẹp giữa các dân tộc, một liên minh như vậy không phải đạt được bằng bạo lực của dân tộc này với dân tộc khác mà là trên cơ sở hoàn toàn tin cậy, thống nhất anh em và hoàn toàn tự nguyện[3].

Để biến những nội dung của hệ thống hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt - Xô thành sự thật trong cuộc sống, Liên Xô đã ra sức giúp đỡ Việt Nam trong công cuộc xây dựng phát triển kinh tế và văn hóa XHCN.

Trong kế hoạch 5 năm lần thứ hai của Việt Nam (1976 - 1980), Liên Xô đã giúp đỡ Việt Nam xây dựng, sửa chữa và phục hồi 118 công trình. Trong các năm 1978 đến 1983 với sự hợp tác của Liên Xô, ở Việt Nam đã xây dựng 40 công trình to lớn của nền kinh tế quốc dân[4].

Từ 1981 đến 1985 Liên Xô đã giúp Việt Nam xây dựng 100 công trình đóng vai trò to lớn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam[5]. Cũng trong các năm này ở các trường đại học, các trường học nghề và các trường kỹ thuật các học viện của Liên Xô đào tạo cho Việt Nam hơn 70.000 cán bộ, trong đó có gần 15.000 người có trình độ đại học[6], 2. 125 phó tiến sĩ và hơn 100 tiến sĩ khoa học[7].

Thắng lợi của cách mạng Việt Nam gắn liền sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô và các nước anh em bầu bạn. Đó là thắng lợi của tình hữu nghị Việt - Xô, của chủ nghĩa quốc tế vô sản và quốc tế xã hội chủ nghĩa, là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin vô địch.

(Còn nữa)

CVL

-------------------------

[1] Báo Sự thật 3/11/1983.

[2] Báo Sự thật 4/7/1978.

[3] Lênin toàn tập - tập 40. tr. 43, tiếng Nga.

[4] Tạp chí Á Phi ngày nay số 11/1983, tr. 17, tiếng Nga.

[5] Báo Nhân dân 30/10/1983.

[6] Tạp chí Á Phi ngày nay số 11/1983, tr. 18.

[7] Nhân dân, ngày 1/1/1983 và tài liệu của Đại sứ quán Việt Nam tại liên Xô 1983-1984.

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 80)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn