Kỳ 59
Về kế thừa tài sản: Luật Hồng Đức quy định hai hình thức kế thừa: kế thừa theo di chúc và kế thừa theo luật. Theo luật thì cha mẹ, vợ chồng con cái đều có quyền thừa kế, tuỳ theo quan hệ mà được chia theo mức độ khác nhau. Đối với đất hương hoả, thờ cúng tổ tiên, luật quy định quyền thừa kế trước hết thuộc về con trai trưởng của vợ cả, nếu không có con trai thì giao cho con gái trưởng. Luật kế thừa của Luật Hồng Đức (Quốc triều hình luật) phản ánh chế độ tư hữu phong kiến. Những điều luật này phù hợp với sự phát triển của xã hội Việt Nam khi đó, có nhiều điểm tiến bộ, nhân ái, nó bảo vệ quyền lợi cho chủ sở hữu và một số quyền của phụ nữ, một điều hiếm có của pháp luật phong kiến phương Đông cổ trung đại, vốn trọng nam và xem nhẹ vai trò phụ nữ. Trong chế định về kế thừa, cha mẹ là chủ của tài sản nên khi cha mẹ mất con cái mới được quyền thừa kế. Luật qui định có hai hình thức kế thừa. Kế thừa theo di chúc nếu người mất để lại di chúc. Theo đó nếu người cha chết trước thì người vợ là chủ tài sản gia đình và khi bà mất đi có quyền di chúc lại cho con cái kế thừa. Mối quan hệ giữa vợ chồng về tài sản trong Luật Hồng Đức thể hiện rõ ràng nhất trong trường hợp kế thừa không có di chúc. Luật qui định nếu người chủ tài sản mất đi mà không để lại di chúc thì phải kế thừa theo luật của nhà nước, luật qui định những ai được kế thừa, được hưởng bao nhiêu tài sản, nhất nhất phải tuân theo luật. Trong trường hợp này luật qui định có hai hạng người được thừa kế: Hạng thừa kế thứ nhất là con cái, hạng thừa kế thứ hai là cha mẹ hoặc người thừa tự (nếu cha mẹ không còn). Hạng thừa kế thứ nhất chỉ phát sinh khi cha mẹ đã chết, các con trong hạng này gồm con trai, con gái, con vợ cả, con vợ lẽ, con nuôi, con nàng hầu với chủ tài sản trong văn tự có ghi thì cũng được thừa kế. Luật qui định các con của vợ cả bằng nhau. Phần các con vợ lẽ bằng nhau nhưng ít hơn phần con vợ cả. Quan hệ kế thừa trong hạng thứ hai chỉ phát sinh khi hôn nhân không có con mà một người (vợ hoặc chồng) đã chết. Quan hệ kế thừa hạng này được luật qui định với 3 loại điền sản trong những trường hợp cụ thể: Loại phu gia điền sản tức là ruộng đất của nhà chồng cho hai vợ chồng khi xây dựng gia đình. Hai vợ chồng không có con, chồng chết trước. Luật qui định đối tượng được thừa kế trong trường hợp này là người vợ, đối tượng thứ hai là người thừa tự của chồng. Ruộng đất trong trường hợp này chia làm hai phần bằng nhau, một phần giành cho người thừa tự của chồng hoặc cha mẹ chồng, một phần giành cho người vợ. Vợ ở vậy được hưởng suốt đời, nếu tái gia, ruộng đất trên phải để lại cho nhà chồng. Thứ hai vẫn là phu gia điền sản. Hai vợ chồng có con, vợ chết trước chồng, chồng lấy vợ thứ hai, chồng chết trước vợ thứ hai. Luật xác định đối tượng thừa kế trong trường hợp này là con của chồng với vợ thứ nhất và người được thừa kế thứ hai là vợ kế. Ruộng đất được chia làm hai phần bằng nhau, 1/2 cho con của vợ trước, vợ kế được 1/3 của phần còn lại nếu như vợ cả có 1 con, người con của vợ trước được thêm 2/3 của nửa sau. Nếu như vợ cả có 2 con trở lên thì phần của mẹ kế bằng một phần của một con. Trong trường hợp này vợ kế không đóng góp gì trong tài sản cũng được hưởng một phần. Loại phu thê điền sản (tài sản do hai vợ chồng làm ra), không có con, chồng chết trước. Đối tượng được thừa kế trong trường hợp này là vợ, thứ hai là người thừa tự của chồng hoặc bố mẹ chồng. Theo luật định ruộng đất chia hai phần bằng nhau, người vợ được 1/2, tái giá được mang theo số ruộng đất này.1/2 còn lại chia 3. Người vợ được tiếp 2/3 của nửa sau nhưng phần này nếu tái giá hoặc chết phải để lại cho nhà chồng. Người thừa tự của chồng hoặc bố mẹ chồng được 1/3 của nửa sau. Vẫn là phu thê điền sản, vợ chết trươc. Bố mẹ vợ hoặc người thừa kế của vợ được hưởng 1/3 tài sản.
Loại thê gia điền sản (tài sản do gia đình nhà vợ cho hai vợ chồng). Hai vợ chồng có con nhưng con đã mất, vợ mất trước chồng, cha mẹ vợ còn sống. Cha mẹ vợ được 1/3 tài sản. Nguồn tài sản vẫn là thê gia điền sản. Hai vợ chồng có con nhưng con chết, vợ chết trước chồng, cha mẹ vợ cũng đã chết. Đối tượng được thừa kế là chồng và người thừa tự của vợ. Luật qui định chia ruộng đất 3 phần bằng nhau. Chồng được 2/3 và toàn quyền sử dụng, 1/3 thuộc người thừa tự của vợ. Trong 6 trường hợp thì 3 trường hợp chồng chết trước thì vợ được hưởng một phần tài sản, 3 trường hợp nếu vợ chết trước thì người thừa tự của vợ hoặc cha mẹ vợ được hưởng tài sản. Như vậy theo Quốc triều hình luật những chế định hôn nhân gia đình là thể chế hóa những quan điểm của Nho giáo nhằm xây dựng gia đình phụ quyền gia trưởng lấy đó làm cơ sở cho chế độ phong kiến. Tuy nhiên bộ luật đã tính tới yếu tố thực tế của xã hội, của phong tục tập quán Việt Nam, đề cao đề cao người cha nhưng không coi thường vai trò của người mẹ, đề cao người chồng nhưng không coi thường địa vị người vợ trong gia đình, đề cao con trai nhưng không xem thường con gái. Trong gia đình nếu người cha mất thì người mẹ là chủ của tài sản và được quyết định mọi việc quan trọng trong gia đình. Điều đặc biệt của Luật Hồng Đức là chia tài sản cho con gái ngang bằng với con trai (điều 388). Không có con trai thì con gái thừa tự, như vậy khi không có con trai, con gái cũng được thừa kế hương hỏa thờ cúng cha mẹ.
Trong 6 trường hợp kế thừa tài sản không có di chúc, tức là kế thừa theo luật định ở trên, trường hợp nào người vợ cũng được kế thừa tài sản, thậm chí cả người thừa tự của vợ. Kế thừa suốt đời hay không suốt đời, kế thừa nhiều hay ít tùy thuộc hoàn toàn vào nguồn gốc tài sản. Nếu như tài sản do hai vợ chồng làm ra người vợ được kế thừa nhiều hơn và một phần lớn được kế thừa suốt đời. Tuy nhiên những trường hợp như phu gia điền sản, người vợ vẫn được thừa kế. Kế thừa theo Luật Hồng Đức không chỉ là kế thừa tài sản, thiên về kinh tế, bảo đảm quyền lợi cho phụ nữ, cho người vợ, đồng thời luật còn trân trọng bảo vệ tình cảm gia đình nhà vợ, gia đình nhà chồng của chàng rể, cô dâu qua cách chia thấu tình đạt lý, tôn trọng và phù hợp với phong tục tập quán Đại Việt, bảo vệ đạo đức của con cái đối với cha mẹ, sự hòa thuận trong họ hàng thân thuộc. Luật kế thừa đã đề cao công sức của người vợ, của người phụ nữ đối với gia đình và xã hội. Quyền của phụ nữ được luật quan tâm và chú trọng. Đây là sự sáng tạo của nhà làm luật. Cho thấy pháp luật có hoàn thiện đến đâu cũng không thể thay thế hết được vai trò của phong tục tập quán từng tồn tại lâu dài và phổ biến trước khi có luật.
Trong quan hệ tài sản vợ chồng, luật Hồng Đức không chỉ tính đến tài sản chung của hai vợ chồng mà còn tính tài sản riêng của mỗi người. Pháp luật ghi nhận sự bình đẳng của người vợ trong tài sản chung của nhà chồng và bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản do vợ chồng làm ra nên khi phân chia kế thừa đã thừa nhận quyền tài sản của người phụ nữ. Người vợ còn có quyền sử dụng thu lợi trên phần di sản của chồng đã qua đời. Khi hai người còn sống vợ và chồng đều bình quyền trong quản lý tài sản. Có quyền tư hữu tài sản ngang với chồng nên đàn bà thời Hậu Lê giữ vai trò kinh tế quan trọng trong xã hội và trong gia đình. Điều này luật Trung Hoa phong kiến và luật Gia Long không có. Về điểm này luật Hồng Đức tiến bộ hơn luật châu Âu, châu Á phong kiến. Luật chú ý đến điền sản là tư liệu sản xuất quan trọng trong một xã hội kinh tế nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo nhưng luật không gạt bỏ tư liệu sinh hoạt, của cải ra ngoài thừa kế của vợ và con. Trong tất cả các điều luật về tài sản và kế thừa cho thấy chồng chết trước thì phần của vợ bao giờ cũng nhiều hơn các con, kể cả đối với con trưởng. Luật cũng đã nghiêm cấm người vợ khi tái giá hoặc người chồng vợ chết lấy vợ khác không được bán ruộng đất của gia đình do cuộc hôn nhân thứ nhất làm ra để bảo vệ tài sản cho con cái. Người thừa kế như vậy chỉ được hưởng một đời, khi chết phần ruộng đất người được kế thừa để lại cho các con của chồng, của vợ hoặc cho người thừa tự làm hương hỏa. Luật cũng qui định người phụ nữ còn được hưởng tài sản khi ly hôn do lỗi của người chồng.
Ngoài ra luật Hồng Đức đề cao vai trò của người phụ nữ hơn so với các luật phong kiến đường thời trong khu vực và trên thế giới. Đã đề cập và bảo vệ một số quyền lợi của phụ nữ trong gia đình và trong xã hội. Trước hết là vai trò của phụ, cho phụ nữ trong gia đình có quyền quản lý tài sản cùng với chồng, khi chồng chết thì có quyền tự quản lý tài sản, có quyền thừa kế tài sản. Đó là sự khác nhau với phụ nữ Trung Quốc phong kiến. Người phụ nữ có quyền thừa kế ngang bằng với đàn ông. Khi chồng chết phụ nữ còn có quyền sở hữu đối với tài sản riêng và được hưởng một phần giá trị tài sản do hai vợ chồng gây dựng nên. Nếu ly hôn do lỗi của chồng thì tài sản riêng (gồm cả điền sản và tư trang), người vợ có quyền mang về nhà mình. Trong gia đình có việc gì quan trọng, người phụ nữ có quyền tham gia bàn bạc với chồng.
(Còn nữa)
CVL