Kỳ 56.
Lê Thánh Tông rất chú ý đến việc tích trữ lương thảo ở các vùng biên cương để sử dụng cho quân lương khi cần thiết. Một nghệ thuật làm lương khô thời Lê Thánh Tông là một kỹ thuật đặc biệt của Đại Việt, đó là đồ (hấp) thóc chín và sấy khô. Loại lương khô này có thể cất giữ vài năm không bị mất phẩm chất và rất tiện cho việc vận chuyển và sử dụng trong chiến tranh, đặc biệt là dùng cho quân đội viễn chinh.
Dưới thời vua Lê Thánh Tông, nước Đại Việt tương đối yên ổn. Có vài lần ông phải điều binh đánh Bồn Man, Lão Qua quấy rối phía Tây (1460, 1467, 1469), "giặc cỏ" xâm phạm trấn An Bang-Quảng Ninh (1467), quân của Sầm Tổ Đức, Lý Lân nước Minh (1467), quân người dân tộc thiểu số miền núi (Sơn Man) từ châu Bằng Tường bên Minh quấy nhiễu phía Bắc (1473, 1474), nhưng chỉ khi chinh phục Chiêm Thành (1471) và Bồn Man, Lão Qua (1478-80) mới dùng đến đại quân. Các chính sách quân sự của Lê Thánh Tông đã góp phần củng cố nền cai trị của triều Lê, và đưa Đại Việt trở thành cường quốc ở bán đảo Trung-Ấn.
Lê Thánh Tông còn đặc biệt quan tâm các chính sách nhằm phát triển kinh tế như: Sửa đổi luật thuế khóa, điền địa, khuyến khích nông nghiệp, mở đồn điền, kêu gọi người phiêu tán về quê, đặt ra luật quân điền chia đều ruộng đất cho mọi người. Về thuế má, Lê Thánh Tông quy định người già từ 60 tuổi trở lên và hoàng đinh (thanh thiếu niên) dưới 18 tuổi, cùng những người tàn tật và những người thuộc về tráng (hạng tòng quân) đều được miễn thuế đinh; còn lại mỗi nhân đinh phải nộp thuế đồng niên là 8 tiền. Lê Thánh Tông còn định lệ thuế đất, thuế ruộng và thuế đất bãi trồng dâu. Cả ba thứ đất này đều được chia làm ba hạng, dựa theo số mẫu mà đóng thuế. Để nắm bắt nhân khẩu, Lê Thánh Tông quy định 6 năm một lần, các quan phủ huyện phải dẫn các xã trưởng tới Kinh sư để khai báo số hộ khẩu xã mình.
Lê Thánh Tông rất chú trọng nông nghiệp. Tiếp theo chính sách “Quân điền”, năm 1477 Lê Thánh Tông ban hành chính sách “Lộc điền”. Lộc điền là ruộng đất của nhà nước ban cấp cho quan lại cao cấp từ tứ phẩm trở lên. Lộc điền bao gồm hai loại ruộng, một phần cấp vĩnh viễn cho chủ đất, một phần cấp sử dụng không vĩnh viễn. Sau ba năm chủ đất chết, phần không vĩnh viễn phải trả lại cho nhà nước. Ví dụ một thân vương nhất phẩm được ban cấp 218 mẫu, trong đó có 18 mẫu cấp vĩnh viễn, số còn lại là cấp không vĩnh viễn. Chế độ “Lộc điền” coi như lương bổng nhà nước cấp cho quan lại. Giống như nhà Lý, nhà Lê cũng qui định người được hưởng “Lộc điền” không được biến nông dân thành nông nô nhằm chống lại việc phát sinh lãnh địa thế tập phong kiến cát cứ, bảo đảm quyền lực vĩnh viễn của trung ương, buộc tầng lớp địa chủ mới này phải lệ thuộc vào nhà nước, bảo vệ nông dân, bảo vệ lực lương sản xuất của xã hội.
Chính sách ruộng đất của nhà Hậu Lê dù là “Quân điền “hay “Lộc điền” đều nhằm bảo vệ quyền sở hữu ruộng đất của nhà nước, mặt khác, mở rộng chế độ tư hữu ruộng đất, phục hồi phát triển nền kinh tế địa chủ, tiểu nông, chỗ dựa kinh tế xã hội của nhà Hậu Lê, giải quyết được những mâu thuẫn ruộng đất nẩy sinh nghiêm trọng gay gắt cuối đời Trần- Hồ, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội. Song chính sách nào của một nhà nước bao giờ cũng có mặt tích cực và mặt tiêu cực. Trong tích cực đã chứa đựng yếu tố tiêu cực. Chính sách ruộng đất của nhà Hậu Lê chứa đựng mâu thuẫn và sự vận động của mâu thuẫn này sẽ dẫn nhà Lê đến suy vong vào thế kỷ XVI và sụp đổ vào thế kỷ XVIII. Lê Thánh Tông còn lập các chức quan Hà đê, khuyến nông để chăm lo việc nông trang, thủy lợi đê điều. Ông còn ra lệnh cho Hộ bộ và các quan địa phương báo cho ông biết nơi nào có đất hoang, rồi ông dụ phủ huyện đôn đốc dân đi khai hoang, mở ruộng. Ông cũng đặt ra những quy định về quyền tư hữu ruộng đất, nghiêm trị những người cưỡng đoạt, lấn chiếm ruộng của người khác, hoặc chặt cây và tre trong ruộng của người khác. Triều đình Lê Thánh Tông quan tâm đến đời sống làng xã hơn bất kỳ một triều vua nào trước. Điều này xuất phát từ sự gia tăng số lượng quan chức ở làng xã và từ cách cai trị sâu sát của hoàng đế.
Để phát triển nông nghiệp, các vương triều Hậu Lê đều chăm lo xây dựng bảo vệ đê điều, phát triển hệ thống tưới tiêu nông nghiệp. Nhà Tiền Lê (Lê Đại Hành) đã tiến hành nạo vét kênh, sông, mở mang đường thuỷ tiện lợi cho giao thông và cung cấp nước tưới tiêu. Nhà Lý tiến hành xây dựng các công trình thuỷ lợi có qui mô lớn, đắp đê Cơ Xá (đê sông Hồng), cho khơi sâu thêm các sông ngòi ở vùng Thanh Hoá. Nhà Trần tiến hành đắp đê phòng lụt hàng năm với qui mô lớn. Đặt ra chức Hà đê chánh sứ, Hà đê phó sứ chịu trách nhiệm trông coi đê điều. Triều đình coi việc đê điều là việc của nhà nước. Vua Trần có khi tự trông coi việc đắp đê. Thời Hậu Lê ra sức tu bổ hệ thống đê điều đã có và đắp thêm đê mới: Đê Hồng Đức, đào nhiều sông ở Thanh Hoá được gọi là sông nhà Lê. Ngoài chức Hà đê chánh phó sứ, nhà Hậu Lê còn đặt chức “Khuyến nông sứ”. Các công xã ở các địa phương phải đảm nhận xây dựng các công trình thuỷ lợi nhỏ. Việc kiểm tra đê điều dưới thời Hậu Lê được tiến hành thường xuyên và hết sức chặt chẽ.
Để mở rộng thêm diện tích cày cấy, các vương triều định ra chính sách khai hoang. Nhà Hậu Lê chiêu dụ nông dân phiêu tán trở về quê nhận ruộng cày cấy. Khẩn hoang là một trong những chính sách lớn của triều Hậu Lê. Dưới thời Lê Thánh Tông, dân số Đại Việt tăng trưởng mạnh mẽ. Để đáp ứng nhu cầu lương thực của một lượng dân số lớn như thế, triều đình phải đẩy mạnh khai khẩn những vùng đất hoang. Do vậy năm 1481, Lê Thánh Tông cho lập 42 sở đồn điền trong cả nước, chia thành ba bậc thượng, trung, hạ, với nguyện vọng "dùng hết tiềm lực của nghề nông, mở rộng nguồn trích trữ cho nhà nước". Giảm tô thuế những năm đói kém, giảm tô ruộng, ngừng xây dựng các công trình, ra sức sửa sang đê điều, phát thóc gạo cứu đói. Chính sách nông nghiệp của Lê Thánh Tông đã khiến cho việc canh nông trôi chảy, như các quan Lễ bộ từng mô tả: “Thời tiết thuận hòa, mùa màng bội thu, dân chúng yên vui", đặc biệt chú trọng khẩn hoang đất đai phía Nam, ven biển và miền trung du. Nhiều làng ở Hải Dương, Hưng Yên và ven biển Thanh-Nghệ đều được lập vào thế kỷ XV. Vương triều đều chú trọng khuyến nông. Vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) đặt ra lệ “Tịch điền”, nhà vua cầm cày cày luống đầu tiên vào ngày 1 Tết Nguyên đán để khuyến khích nông nghiệp. Nhà Lý, Trần, nhà Hậu Lê nghiêm cấm việc giết hại trâu bò để bảo vệ sức kéo. Những năm mất mùa đói kém, vương triều đều miễn, giảm thuế cho nông dân. Chính sách nghiêm cấm chủ đất biến nông dân thành nông nô là nhằm bảo vệ người nông dân, bảo vệ lực lượng sản xuất chính của xã hội. Tất cả những chính sách đó làm cho nông nghiệp các triều đại thế kỷ XV phát triển, thâm canh tăng năng suất lao động, muôn vật dồi dào.
Kinh tế thủ công nghiệp: Các ngành nghề thủ công nghiệp và xây dựng ngay từ đầu thời Lê Thánh Tông đã phát triển mạnh mẽ và "đã vượt lên trên mức độ của thời Trần mạt” . Nghề in và làm giấy ở Đại Việt đạt một trình độ cao của thế giới thời bấy giờ. Số lượng sách in thời này khá đồ sộ. Đặc biệt nhất thời kỳ này là thành tựu trong công nghệ chế tạo vũ khí và đồ sắt chiếm ưu thế. Vua quan thời Hồng Đức vì ưu tiên dùng hàng quốc nội, không lệ thuộc vào đồ dùng Trung Hoa:
Các nghề dệt lụa, ươm tơ, dệt vải, nghề mộc, nghề chạm, nghề đúc đồng cũng phát triển. Đế đô Đông Kinh 36 phố phường sầm uất, nhộn nhịp tồn tại phát triển. Phường Yên Thái làm giấy, Phường Nghi Tàm dệt vải lụa, Phường Hà Tân nung vôi, Phường Hàng Đào nhuộm điều, Phường Ngũ Xá đúc đồng, Phường gạch và gốm sứ Bát Tràng và nhiều phường khác nữa.
(Còn nữa)
CVL