Phong trào nông dân Tây Sơn và Đại Đô đốc Tây Sơn Bùi Hữu Hiếu (Kỳ 6)

PGS TS Cao Văn Liên

15/07/2023 06:03

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc cuốn sách “Phong trào nông dân Tây Sơn và Đại Đô đốc Tây Sơn Bùi Hữu Hiếu” của PGSTS Cao Văn Liên, do NXB Thanh Niên ấn hành.

Kỳ 6

 Tại mặt trận Lào Cai: Lãnh Cầu-Đan Xá, đạo quân Mộc Thạnh nghe tin 10 vạn quân Liễu Thăng đã bị tiêu diệt rất hoảng loạn tự tháo chạy về nước, bị quân ta tiêu diệt phần lớn ở Lãnh Câu-Đan Xá. Như vậy không đầy một tháng, từ ngày 8 tháng 10 đến ngày 3 tháng 11 năm 1427, 15 vạn viện binh hùng mạnh của nhà Minh bị quân Lam Sơn đánh bại. Vương Thông bị vây hãm ở thành Đông Quan vội vã xin hàng và cam kết rút quân về nước. Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, lật đổ ách thống trị của nhà Minh hoàn toàn thắng lợi.

Sau khi giành được độc lập, Lê Lợi lên ngôi vua xưng là Lê Thái Tổ, sáng lập ra triều đại mới: Triều Hậu Lê vào năm 1428, chế độ phong kiến Việt Nam bước sang giai đoạn kinh tế địa chủ tá điền. Chế độ tư hữu ruộng đất phát triển mạnh mẽ dưới nhiều hình thức chiếm hữu: Chế độ “Lộc điền” cho quan lại để mở rộng tầng lớp địa chủ mới, chế độ “Quân điền” cấp ruộng đất cho cả quan lại và nông dân. Những chính sách ruộng đất của nhà Hậu Lê, nhất là chính sách “Quân điền” đã làm cho nông dân phấn khởi, đem hết sức mình lao động sản xuất, khôi phục nền kinh tế bị tàn phá kiệt quệ sau 10 năm bị quân Minh cướp bóc, sau 10 năm chiến tranh. Nhà nước đẩy mạnh thực hiện chính sách khai hoang, thành lập đồn điền,  đưa nhân dân phiêu tán về quê cày cấy. Tu bổ phát triển thuỷ lợi,  đào sông, sửa sang đê điều, phát triển khôi phục lại các ngành nghề thủ công nghiệp, mở rộng giao lưu hàng hoá tiền tệ. Thăng Long không chỉ là một trung tâm văn hoá chính trị mà còn là một trung tâm kinh tế với 36 phố phường phồn hoa, buôn bán sầm uất. Vân Đồn, một thương cảng lớn của Đại Việt thời Trần đến thời Hậu Lê vẫn giữ được vị trí của nó, là cửa ngõ giao lưu buôn bán với nước ngoài.

Nhà Hậu Lê ra sức xây dựng bộ máy trung ương tập quyền chuyên chế với chính quyền hoàn bị, thiết chế chặt chẽ. Nhà vua là người nắm giữ tất cả những quyền lực cơ bản của nhà nước. Quyền lực của nhà vua là tuyệt đối. Vua là Thiên Tử. Vua là chủ sở hữu tất cả ruộng đất và các thần dân trong toàn quốc.  Ở trung ương,  nhà Lê cho thành lập 6 Bộ: Bộ Binh,  Bộ Hình,  Bộ Lại,  Bộ Công,  Bộ Hộ,  Bộ Lễ do các Thượng thư đứng đầu để điều hành công việc hành pháp theo chuyên ngành, có 6 Khoa để giám sát các bộ, lại có các cơ quan gọi là Giám để thực hiện các công việc chuyên môn: Quốc tử giám trông coi việc giáo dục, Tư thiên giám trông coi thiên văn, lịch pháp, Quốc sử quán biên soạn lịch sử. Dưới thời Lê Thánh Tông ban hành bộ “Luật Hồng Đức” (Lê triều hình luật) gồm 721điều, 6 quyển, 16 chương, bao gồm hình luật, dân luật. “Lê triều hình luật” có nhiều quy phạm tiến bộ khi thừa nhận khả năng pháp lý quyền lợi của người phụ nữ.  “Luật Hồng Đức” là một bước phát triển mới trong hoạt động pháp chế,  trong lịch sử pháp quyền Việt Nam.  Nhà Hậu Lê ra sức xây dựng củng cố quốc gia thống nhất,  mở rộng ảnh hưởng của triều đình đến các dân tộc thiểu số,  tranh thủ các tù trưởng,  biến họ thành những quan chức trung thành của triều đình vì quyền lợi của họ gắn chặt với quyền lợi của quốc gia,  của nhà nước.  Năm 1469, hoàn thành việc vẽ bản đồ cả nước, xác định chặt chẽ lãnh thổ biên cương của Tổ quốc.  Nhà Lê chú trọng  tăng cường lực lượng quân sự, củng cố quốc phòng.  Quân đội gồm hai thử quân: quân thường trực chính quy và quân dự bị của nhà nước.  Các vương hầu không được xây dựng lực lượng vũ trang riêng như thời Lý,  Trần.  Chính sách: “Ngụ binh ư nông” vẫn dược nhà Hậu Lê thực hiện triệt để.  Quân đội Đại Việt thời Lê Thái Tổ (1428-1433) có 10 vạn quân,  thời Lê Thánh Tông có 16 vạn,  trang bị nhiều vũ khí mới như hoả pháo,  hoả đồng,  ống phun lửa.

Để củng cố chế độ phong kiến tập quyền,  nhà Hậu Lê đưa Nho giáo lên địa vị tư tưởng chính thống của nhà nước.  Tống Nho được nhà  Hậu Lê sử dụng với học thuyết tam cương,  ngũ thường,  ra sức biện hộ cho chế độ quân chủ chuyên chế,  củng cố trật tự xã hội phong kiến.  Tuy nhiên đạo Nho vào Việt Nam được sáng tạo cụ thể,  gắn bó và phục vụ cho quyền lợi giai cấp phong kiến, phục vụ cho dân tộc.  Nho dùng để đào tạo nhân tài. Nhà Hâụ Lê ra sức củng cố chế độ học hành thi cử,  đề cao những người thi đỗ như đặt ra học vị Tiến sĩ đối với người đỗ đầu thi hội,  đặt ra lệ xướng danh,  lễ vinh quy bái tổ và khắc tên họ vào bia đá dựng ở Văn Miếu: Bia Tiến sĩ.  Quý tộc,  bình dân đều được tham gia các kì thi.  Việc lựa chọn tuyển dụng nhân tài vào bộ máy nhà nước theo một quy chế hết sức chặt chẽ.  Sự phát triển kinh tế, chính trị,  xã hội tạo điều kiện cho văn hoá,  nghệ thuật thời Lê Sơ phát triên mạnh mẽ.  Văn thơ nhữ Hán,  chữ Nôm ra đời với những áng văn chương kiệt tác.  Chữ Hán có: “Bình Ngô đại cáo”của Nguyễn Trãi.  Thơ Đường của hội “Tao đàn Nhị thập bát tú”do vua Lê Thánh Tông làm chủ soái.  Các thi sĩ nổi tiếng đương thời như Lý Tử Tấn,  Nguyễn Mộng Tuân...  Thơ văn thời Lê Sơ chứa chan tinh thần yêu nước,  khí phách anh hùng, niềm tự hào dân tộc. Xuất hiện các nhà sử học nổi tiếng như Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên. Ngô Sĩ Liên say sưa sáng tạo viết bộ lịch sử lớn “Đại Việt sử ký toàn thư”.  Ông là người đầu tiên mạnh dạn đưa thời Hùng Vương, An Dương Vương vào lịch sử. Công trình địa lý: “Địa dư chí “ của Nguyễn Trãi đã xác định rõ ràng lãnh thổ nước nhà, nêu lên những sản vật phong phú, những phong tục tập quán của nhân dân các địa phương trong cả nước.  “Địa dư chí” là tác phẩm địa lý đầu tiên của Việt Nam. Phan Phu Tiên, Nguyễn Trực say sưa nghiên cứu dược học.  “Bản thảo thực vật toát yếu” là công trình y dược có giá trị. Lương Thế Vinh, Vũ Hữu ngày đêm miệt mài với các môn toán học, biên soạn “Đại thành toán pháp” (Lương Thế Vinh), “Lập thành toán pháp” (Vũ Hữu). Nghệ thuật ca múa nhạc phát triển phong phú ca ngợi thái bình thịnh trị Lê Sơ.  “Hí phường phả lục” của Lương Thế Vinh viết năm 1501 là tác phẩm lý luận đầu tiên về nghệ thuật ca kịch, hát cổ. Các công trình kiến trúc thời Lê Sơ với những cung điện,  đền đài, lăng tẩm thâm nghiêm, với biểu trưng con rồng khoẻ khoắn,  đầu to, có sừng, lông gáy tua tủa, có chân 5 móng quặp vào. Con rồng đầy khí phách là tượng trưng cho chế độ phong kiến Hậu Lê đang phát triển hùng mạnh, chuyển sang xu hướng chuyên chế tập quyền cao độ. Thời Lê Sơ là đỉnh cao của chế độ phong kiến Việt Nam mà triều đại Lê Thánh Tông là đỉnh cao tuột cùng của chế độ ấy.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Phong trào nông dân Tây Sơn và Đại Đô đốc Tây Sơn Bùi Hữu Hiếu (Kỳ 6)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn