Pháp trị hay đức trị?

PGS. TS Nguyễn Xuân Thành*

27/07/2023 09:41

Theo dõi trên

Cần sử dụng lưỡi gươm pháp luật thật nghiêm khắc để trừng phạt thích đáng những kẻ vi phạm pháp luật gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như các vụ đại án Kit Test Việt Á, "chuyến bay giải cứu"... mới có tác dụng răn đe, chặn đứng đà suy thoái đạo đức công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức và suy thoái đạo đức xã hội hiện nay.

b2agiai-cuu-21723g-1689926843.jpg
 

Trong lịch sử Trung Quốc, thời đại Xuân Thu - Chiến quốc (770 - 221 trước Công nguyên) là giai đoạn tan rã của chế độ chiếm hữu nô lệ, hình thành chế độ phong kiến sơ khai. Kẻ đứng đầu Vương triều cùng bọn quý tộc có thế lực ngày càng tham lam, ngang nhiên chiếm đoạt ruộng đất công, tăng cường tư hữu hóa, làm cho kỷ cương xã hội tan vỡ, đạo đức gia đình suy thoái, các mối quan hệ xã hội cơ bản như Vua - Tôi, Cha - Con, Anh - Em, Chồng - Vợ rối loạn đồi bại. Thủ lĩnh các vùng thuộc lưu vực Hoàng Hà, Dương Tử xưng Vương, xưng Đế, liên tục gây chiến tranh thôn tính nhau, tranh giành địa vị bá chủ đại lục, đời sống người dân ngày càng đói khổ, loạn lạc.

Khổng Phu Tử ( còn gọi là Khổng Tử , 551 - 479 trước Công nguyên) là nhà tư tưởng lớn của Trung Quốc. Ông đã công phu sưu tầm, biên chép lịch sử, tư tưởng dân gian Trung Hoa lưu truyền hàng ngàn năm trước theo nguyên tắc "Thuật nhi bất tác" (chỉ ghi chép lại, không sáng tác thêm) thành 6 bộ sách lớn là Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch, Xuân Thu, trong đó bộ sách Nhạc đã thất truyền, còn lại 5 bộ sách lớn được người đời sau theo phái Nho gia gọi là Ngũ Kinh (5 tác phẩm kinh điển của Nho học).

Để giải quyết những vấn đề bức xúc của thời đại Xuân Thu - Chiến quốc, tư tưởng của Khổng Tử tập trung vào vấn đề giáo hóa nhân tính, thể hiện qua các phạm trù trung tâm như "Nhân", "Lễ", "Đức", "Chính danh", "Trung dung"... trong đó ông chủ trương người cầm quyền và giới tinh hoa xã hội (Quân tử) phải dùng "Nhân", "Lễ", "Đức" để tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

Thất vọng vì chủ trương "Lễ trị", "Đức trị", "Nhân trị" không được các Vương, Đế đương thời tin dùng, Khổng Tử lui về quê Khúc Phụ - Sơn Đông mở trường, lớp truyền bá học thuyết của mình, học trò kéo đến học tập có lúc đông tới hàng ngàn người... được Nho gia thời sau tôn vinh là "Vạn thế Sư biểu".

Những câu hỏi của học trò và giải đáp của Khổng Tử được ghi chép lại thành sách "Luận ngữ", sau đó những môn đệ của Khổng Tử tiếp tục viết thêm sách "Mạnh Tử", "Đại học" và "Trung dung" để ghi nhớ tư tưởng của Thầy, tập hợp thành 4 cuốn sách gọi là tứ thư.

Ngũ kinh cùng tứ thư trở thành 9 bộ sách kinh điển của Nho học và phái Nho gia - một trong 4 trường phái tư tưởng lớn (Tứ Đại) của Trung Hoa cổ đại: Nho gia của Khổng Tử, Mặc gia của Mặc Tử, Đạo gia của Lão Tử và Pháp gia của Hàn Phi. Để giải quyết những vấn đề bức xúc của thời đại Xuân Thu - Chiến quốc, một số nhà tư tưởng đương thời khác đã đưa ra chủ trương sử dụng các biện pháp cứng rắn để lập lại trật tự, kỷ cương xã hội, từ đó xây dựng nên học thuyết Pháp trị. Quản Trọng ( , 725 - 645 trước Công nguyên) được coi là người đầu tiên đề cao tư tưởng về Pháp, sử dụng Pháp để trị quốc, tề gia. Tể tướng Thân Bất Hại ( , 420 - 337 trước Công nguyên) đề cao "Thuật" trong thi hành Pháp. Thương Ưởng ( , 390 - 338 trước Công nguyên) nêu lên sự cần thiết của "biến Pháp". Thận Đáo (370 - 290 trước Công nguyên) đề cao vai trò của "Thế" trong thi hành Pháp.

Hàn Phi ( , 280 - 233 trước Công nguyên) sống vào thời kỳ Chiến quốc, con trai thứ của vua Hàn, đã tổng hợp, kế thừa và phát triển tư tưởng của các nhà sáng lập phái Pháp gia thời Chiến Quốc, đặc biệt là các yếu tố "Pháp - Thuật - Thế" và mối quan hệ giữa chúng để viết bộ sách lớn mang tên "Hàn Phi Tử" gồm hơn tám mươi vạn chữ, chia làm nhiều chương (thiên).

Trong thiên Cô Phẫn (sự phẫn nộ của người cô độc) ông bày tỏ lòng thương xót những người thanh liêm, chính trực bị bọn gian thần hãm hại, chỉ ra năm thứ sâu mọt làm băng hoại xã hội (thiên Ngũ Đố), sưu tập những lời bàn về việc đối nội và đối ngoại (thiên Nội Ngoại trữ thuyết), ghi chép truyện người xưa (thiên Thuyết Lâm), bàn về cái khó trong việc du thuyết (thiên Thuyết nan)...

Cuốn sách "Hàn Phi Tử" được coi là sự phát triển học thuyết Pháp trị đến mức hoàn thiện.

Những người theo học thuyết Pháp trị coi việc sử dụng Pháp để trị quốc, tề gia là biện pháp hữu hiệu nhất để đạt mục đích phú quốc, binh cường, gia phong nề nếp, trong đó đề cao 4 yếu tố cốt lõi là "Luật - Hình - Lệnh - Chính".

"Luật" là những điều luật đặt ra để định danh phận cho mỗi người.

"Lệnh" là những mệnh lệnh mọi người phải tuân thủ, chấp hành và thực hiện đúng.

"Hình" là những biện pháp chế tài xử phạt, trừng trị kẻ vi phạm Luật và Lệnh .

"Chính" là lẽ phải, con đường sáng mọi người cần hướng tới, đi theo.

Học thuyết Pháp trị không phủ nhận vai trò của Đức, Nhân, Lễ mà coi chúng là nền tảng của việc xây dựng và thi hành Pháp. Các giá trị đạo đức đúng đắn được nâng lên thành những quy định pháp luật buộc mọi người phải tuân theo, mọi hành vi sai trái sẽ bị xử phạt nghiêm minh để bảo đảm giữ vững kỷ cương, trật tự, đạo đức xã hội và gia đình. Quy định pháp luật và quy tắc đạo đức đều dùng để điều chỉnh hành vi của con người cho phù hợp, do đó chúng có mối quan hệ chặt chẽ không thể tách rời.

Theo Hàn Phi "pháp luật như cái dây mực, cái thuỷ chuẩn, cái quy, cái củ" gồm những quy tắc xử sự chung, khuôn mẫu hành vi cho xã hội và mỗi con người; thực hiện pháp luật là sử dụng sức mạnh của quyền lực nhà nước buộc mọi người phải tuân theo; "pháp luật không hùa theo người sang", mà là công cụ đắc lực đảm bảo cho tề gia, trị quốc ổn định, thành công.

Hàn Phi cũng cho rằng những quy, củ, luật thời Nghiêu - Thuấn không còn hợp thời Chiến quốc, vì vậy pháp luật phải thường xuyên được thay đổi (biến Pháp) cho phù hợp với đời sống xã hội "biến Pháp hợp thời thì nước thịnh trị, Pháp trị dân mà hợp với đời thì có kết quả, thời thay mà Pháp bất biến thì nước loạn".

Tần Doanh Chính ( , 259 - 210 trước Công nguyên) là vị vua thứ 36 của nước Tần, đồng thời là Hoàng đế đầu tiên thống nhất được Trung Hoa (nên còn gọi là Tần Thủy Hoàng ), chấm dứt thời đại Chiến quốc vào năm 221 trước Công nguyên.

Ông là người đầu tiên hiện thực hóa tư tưởng Pháp trị của Hàn Phi và đã thành công trong việc thống nhất Trung Hoa, xây dựng pháp luật của Vương triều Tần, mở đầu cho quá trình phát triển Nhà nước phong kiến tập quyền Trung Quốc.

Ở các triều đại tiếp theo như Hán, Tùy, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, nhiều Hoàng đế Trung Hoa thường khéo léo kết hợp sử dụng linh hoạt cả hai phương thức trị quốc là Đức trị và Pháp trị: trong những thời kỳ ổn định, thịnh vượng của Vương triều thì Đức trị, Lễ trị được chú trọng, còn trong những thời kỳ rối loạn, suy thoái thì mạnh tay sử dụng Pháp trị để khôi phục kỷ cương trật tự, ổn định xã hội.

Do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, đặc biệt do ảnh hưởng của Nho học và Phật học, các triều đại phong kiến Việt Nam hầu hết đều thiên về sử dụng học thuyết Đức trị, Lễ trị như là công cụ, phương thức chủ yếu để trị quốc, tề gia.

Lịch sử Việt Nam không có truyền thống coi trọng Pháp trị cả trên thượng tầng cấu trúc thể chế cũng như trong đời sống xã hội.

"Phép Vua thua lệ làng" là một thành ngữ phản ánh trạng thái phổ biến trong đời sống của các làng, xã, trong đó "phép Vua" - chỉ luật pháp của Nhà nước, chỉ có hiệu lực bên ngoài lũy tre làng, còn bên trong lũy tre là sự ngự trị của "lệ làng" với những quy tắc nghiêm ngặt riêng biệt buộc mọi dân làng phải tuân thủ.

Trải qua hàng ngàn năm, người nông dân Việt không sợ phép Vua bằng lệ làng. Vi phạm lệ làng nghiêm trọng đến mức bị trừng phạt đuổi ra khỏi làng, trở thành dân phiêu tán, mất gốc, phải ngụ cư ở nơi khác... được coi là hình phạt nặng nề nhất của cư dân.

Việt Nam mới bước vào quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền trong vài thập kỷ gần đây (chính thức từ nhiệm kỳ Đại hội VIII), trong khi tập quán "Trọng lệ, không trọng luật" trở thành một truyền thống tiêu cực của cư dân Việt đã tồn tại dai dẳng hàng ngàn năm qua không dễ khắc phục trong một vài thập kỷ....

Trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, duy nhất chỉ có Vương triều Hồ, tiêu biểu là Hồ Quý Ly ( , tên húy là Hồ Nhất Nguyên , 1336 - 1407) vị Hoàng đế đầu tiên của Nhà nước Đại Ngu đề cao vai trò của Pháp trị, thực hiện hàng loạt cải cách rất táo bạo để canh tân đất nước... nhưng do "họ Hồ chính sự phiền hà, để trong nước lòng dân oán giận" (Nguyễn Trãi - Bình Ngô đại cáo), nhân dân không ủng hộ triều đình, không tổ chức được cuộc chiến tranh Vệ quốc mang tính toàn dân nên nhà Hồ đã sớm thất bại trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược.

Việc sử dụng Pháp trị hay Đức trị trong lịch sử trị quốc của các triều đại phong kiến Trung Hoa và Việt Nam hàng ngàn năm trước vẫn để lại những bài học có ý nghĩa sâu sắc trong thời đại hiện nay.

Sau mấy thập kỷ buông lỏng kỷ cương, kỷ luật, tham nhũng đã trở thành quốc nạn nghiêm trọng, giặc nội xâm nguy hiểm đe dọa sự tồn vong của chế độ, việc đề cao vai trò của pháp chế, pháp luật trong Nhà nước pháp quyền là đặc biệt cấp thiết. Khi các biện pháp giáo dục, vận động cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền thực hiện Liêm, Chính thời gian qua đã tỏ ra thiếu hiệu quả, không thể tiếp tục lạm dụng tính "nhân văn, nhân đạo" đối với các đối tượng cố tình chà đạp lên những quy tắc tối thiểu của đạo đức công vụ nói riêng và đạo đức xã hội nói chung.

Cần sử dụng lưỡi gươm pháp luật thật nghiêm khắc để trừng phạt thích đáng những kẻ vi phạm pháp luật gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như các vụ đại án Kit Test Việt Á, "chuyến bay giải cứu"... mới có tác dụng răn đe, chặn đứng đà suy thoái đạo đức công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức và suy thoái đạo đức xã hội hiện nay.

________________________________________

*Trưởng khoa Học viện Quốc phòng

Bạn đang đọc bài viết "Pháp trị hay đức trị?" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn