Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 87)

PGS TS Cao Văn Liên

22/01/2024 06:03

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.    

Kỳ 87

2. Những đặc điểm riêng trong sự hình thành các nhà nước Đông Nam Á cổ đại

Thứ nhất, như các nước châu Á: Lưỡng Hà, Ấn Độ, Trung Quốc… do công xã nguyên thuỷ tan rã sớm (khoảng trên dưới 3.000 năm TCN) nên không giải thể triệt để, tàn dư công xã còn nhiều. Các nước Đông Nam Á công xã nguyên thuỷ giải thể muộn, vào những năm đầu công nguyên (trừ Việt Nam) nhưng công xã nguyên thuỷ còn nhiều tàn dư đậm đặc hơn so với các nước châu Á cổ đại. Điều này thể hiện ở xã hội, ở văn hoá. Ví dụ như các nước Lào, Phù Nam, Chiêm Thành. Ở các quốc gia này sự phân hoá giai cấp mờ nhạt, thị tộc mẫu hệ còn ảnh hưởng lớn và quyền lực, uy tín của người phụ nữ còn tồn tại lâu dài trong lịch sử. Ở các quốc gia đó chế độ phụ quyền gia trưởng mờ nhạt. Hiển nhiên do hoàn cảnh lịch sử từng nước khác nhau nên sự phân hoá xã hội cũng không thể đồng đều như nhau. Có những quốc gia trình độ phân hoá xã hội đã sâu sắc hơn so với những quốc gia khác trong khu vực.

Thứ hai, tiền đề kinh tế cho các nhà nước cổ đại Đông Nam Á ra đời là nông nghiệp. Điều đó không có nghĩa là giao lưu buôn bán giữa các quốc gia này không phát triển. Ngược lại do lãnh thổ các nước là bán đảo hoặc quần đảo nên giao lưu buôn bán giữa các quốc gia phát triển, góp phần giao lưu văn hoá và tác động lớn đến việc hình thành nhà nước và hình thái ý thức xã hội. Ví dụ như các quốc gia đầu tiên của Inđônêxia (Cantôli - đảo Xumatơra thế kỷ V), quốc gia Phù Nam … đã giao lưu buôn bán với các nước trong khu vực và với các nước lớn trên thế giới về thương mại, đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành các nhà nước đầu tiên. Nhiều di vật lịch sử tìm được đã chứng minh các nước Đông Nam Á những năm đầu công nguyên từng là nơi giao lưu, buôn bán của các quốc gia lớn thời đó như Ấn Độ, Trung Quốc và cả đế quốc Rôma, là nơi trao đổi, tiếp xúc giữa Đông và Tây. La Mã là đế quốc đầu tiên đặt ra vòng nguyệt quế, các huân, huy chương vàng, bạc và đồng để thưởng cho các tương lĩnh, quân sĩ khi họ lập được những chiến công. Người ta đã tìm thấy huy chương vàng của Rôma ở di chỉ Ôc Eo và cả ở U thong (8). Trung Quốc là quốc gia không chỉ ảnh hưởng mạnh tới Đông Nam Á về văn hoá mà từ rất sớm đã giao lưu buôn bán ở khu vực này, nhất là từ sau khi nhà Hán được thành lập (202 TCN). Những sản phẩm của Trung Quốc đưa xuống địa bàn này là những dụng cụ đồng thau, đồ gốm, hàng tơ lụa rất được cư dân Đông Nam Á ưa chuộng ( 9). Từ các thế kỷ III, IV sau công nguyên, nhà Hán và đế quốc Rôma suy yếu, Ấn Độ nổi lên như một cường quốc và ảnh hưởng mạnh mẽ đến Đông Nam Á. Ấn Độ đã làm chủ biển Đông, độc quyền buôn bán , truyền bá văn hoá vào khu vực này. Văn hoá Ấn Độ đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền văn hoá Đông Nam Á, đặc biệt là các quốc gia vùng ven biển , hải đảo.

Thứ ba, như trên đã nói, các quốc gia Đông Nam Á nằm liền kề giữa hai quốc gia phong kiến lớn là Ấn Độ và Trung Hoa. Nền văn hoá của hai quốc gia này từ trực tiếp hay qua gián tiếp đã ảnh hưởng đến hầu hết các nước Đông Nam châu Á trong việc hình thành mô hình nhà nước, pháp luật, tôn giáo, văn hoá… Ví như Việt Nam đã ảnh hưởng mô hình nhà nước pháp luật, tư tưởng, chính trị, văn hoá của phong kiến Trung Hoa. Tiêu biểu cho sự tiếp thu văn hoá Ấn Độ mà phát triển mạnh mẽ là vương quốc Phù Nam (kỷ I-kỷ VI). Thế kỷ I và thế kỷ II Phù Nam đã chinh phục các nước trở thành một đế quốc rộng lớn, thành một trung tâm thương mại quốc tế, trung tâm giao lưu văn hoá Đông –Tây, giao lưu giữa Trung Hoa và Ấn Độ, giao lưu giữa Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á khác. Phù Nam là trung tâm Phật giáo và đạo Hin Đu. Điều đó nói lên vị trí nổi trội toàn diện của vương quốc Phù Nam trong toàn bộ lịch sử Đông Nam Á, nhất thời sơ kỳ 7 thế kỷ đầu công nguyên. (10). Đạo phật, đạo Bà la môn, kiến trúc, văn hoá nghệ thuật của Ấn Độ đã ảnh hưởng không chỉ đến việc hình thành nhà nước, tôn giáo và văn hoá của quốc gia Phù Nam mà con ảnh hưởng đến các quốc gia khác như Xumatara, Dava (Inđônexia), Lào… Các quốc gia đầu tiên của Cam pu Chia, Inđônêxia đã lưu truyền những sử thi mô phỏng theo sử thi của Ấn Độ: Maha Bharata, Mara Yana. Ví như Cam pu chia thời Ăng Co, xã hội cũng hình thành những đẳng cấp kiểu Ấn Độ. Nhưng hiển nhiên không phải là sự sao chép hoàn toàn mà có sự khác biệt với Ấn Độ để sau đó không còn dấu vết của sự phân hoá xã hội này. (11). Điều này minh chứng Đông Nam Á là khu vực thuận lợi cho việc giao lưu, tiếp xúc cho nền kinh tế, văn hoá giữa các nước lớn, giữa phương Đông và phương Tây. Vị trí này hiện nay còn nguyên giá trị trong lịch sử phát triển của các quốc gia Đông Nam Á nói riêng và của toàn khu vực nói chung.

Thứ tư, Những biến cố của thời đại, những sự kiện to lớn của lịch sử thế giới khi đó có tác động không nhỏ đến quá trình hình thành tộc người, văn hoá, quốc gia và nhà nước Đông Nam Á. Ví dụ như cuộc xâm lăng của đế quốc Mông Cổ vào thế kỷ XIII đã tác động đến nhiều nước Đông Nam Á ở góc độ dân tộc, tộc người và lãnh thổ quốc gia, nhà nước. Quân Mông Cổ đã xâm lược nước Nam Chiếu (Đại Lý) địa bàn cư trú của người Thái ở phía Tây Trung Quốc tức tỉnh Vân Nam ngày nay. Người Thái buộc phải chạy về phía Nam, về sông Mê Nam, bành trướng đất đai của Lào, bành trướng đất đai vào Chân Lạp (Campuchia) thành lập nên vương quốc Thái Lan. Một bộ phận người Thái chạy vào Lào thành người đa số của Lào là Lào Lùm, chung sống với người bản địa của Lào là Lào Khạ và thành lập nên vương quốc Lào sau này. Một bộ phận người Thái chạy vào miền Bắc Đại Việt và thành người Thái của Việt Nam ngày nay. Đế quốc Nguyên –Mông hùng cường thế kỷ XIII đã đe doạ vận mệnh của toàn thế các quốc gia Đông Nam Á. Chỉ có chiến thắng vẻ vang của Đại Việt trong ba lần đọ sức quyết liệt với quân Nguyên- Mông trong ba cuộc kháng chiến năm 1258, 1285, 1287-1288 mới cứu vãn được các quốc gia Đông Nam Á thoát khỏi số phận bi thảm. Nhờ đó mà giữ vững được nền tảng văn hoá, nền tảng quốc gia dân tộc để các quốc gia Đông Nam Á tiếp tục phát triển rực rỡ vào các thế kỷ sau.

Thứ năm, Nhiều nhà nước cổ đại Đông Nam Á ra đời kéo theo chữ viết ra đời. Chữ viết là ký hiệu ghi lại tiếng nói, nó là ngôn ngữ viết phục vụ đắc lực cho công việc hành chính của nhà nước, trong việc ban bố chiếu chỉ của nhà vua, công văn giấy tờ, trong việc ban bố pháp luật thành văn, trong việc ban bố những tư tưởng chính trị, viết những bộ kinh của tôn giáo, sáng tác văn học, nghệ thuật, ghi lại lịch sử các quốc gia và các triều đại. Trên cơ sở chữ viết, kỹ thuật in ấn, nhân bản ra đời để truyền bá pháp luật, văn học nghệ thuật, tư tưởng triết học và tư tưởng chính trị. Các quốc gia có chữ viết sớm là chữ Thái của Thái Lan, chữ Lào, chữ Campuchia, chữ Inđônêxia… đây là một trong các trường hợp hy hữu vì thế giới ngày nay có khoảng gần 1 vạn tộc người thì chỉ có khoảng1/3 trong số tộc người đã sáng tạo được chữ viết của mình. Điều này minh chứng văn hoá của các nhà nước cổ đại Đông Nam Á đạt đến một trình độ khá cao trong thời kỳ đó.

3- Kết luận

Sự hình thành nhà nước đầu tiên ở Đông Nam Á tuân theo quy luật chung và quy luật riêng, tuân theo quy luật giai cấp cũng như quy luật đấu tranh dân tộc, tuân theo quy luật nội tại cũng như những tác động của thời đại bên ngoài. Lịch sử đã chứng minh rằng những nguyên nhân, nhu cầu, những tiền đề, những biện pháp thực hiện để ra đời nhà nước Đông Nam Á là do những nhân tố bên trong quyết định, nhưng nhân tố bên ngoài đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình hình thành và phát triển về sau này của các quốc gia Đông Nam Á. Đây là vấn đề quan trọng trong lý luận khoa học và trong thực tiễn, không chỉ trong nghiên cứu lịch sử nói chung, lịch sử nhà nước pháp luật Đông Nam Á nói riêng mà còn có ý nghĩa đối với hiện tại trong sự hợp tác phát triển của các quốc gia trong “Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á” (ASEAN) , giữa ASEAN với phương Đông và phương Tây, giữa ASEAN và toàn thế giới. Những bài học, kinh nghiệm về mối quan hệ giữa nội tại và bên ngoài, mối quan hệ giữa các nước Đông Nam Á trong khu vực và giữa khu vực với toàn thế giới thời cổ xưa đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cho dù thời gian và thời đại đã thay đổi.

(Còn nữa)

CVL

        

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 87)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn