Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 84)

PGS TS Cao Văn Liên

19/01/2024 06:03

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.   

Kỳ 84.

Ngoài gia đình là xã hội, làng xã, trong công xã nông thôn được phân thành dân ngoại tịch và dân nội tịch. Dân ngoại tịch là dân ngoài công xã, dân nội tịch là dân của công xã. Dân nội tịch lại chia thành hai lớp: Lớp quan viên gồm các chức sắc, chức dịch ( cựu Chánh tổng, Phó lý, …), thứ hai là lớp dân đinh bao gồm nhân dân lao động. Như vậy công xã nông thôn trong thời kỳ có giai cấp và nhà nước không chỉ nhuốm màu giai cấp mà còn đậm màu đẳng cấp. Lớp dân đinh cố ngoi lên lớp chức sắc bằng mua quan, mua tước, bằng học hành thi đỗ. Truyền thống cộng đồng thị tộc còn lưu lại là tôn trọng người già, đề cao cộng đồng tập thể và tinh thần tập thể. Tập thể chịu trách nhiệm về hành vi một cái nhân mà làm tổn hại lợi ích tập thể. Cá nhân không được làm điều mà tập thể cấm đoán. Nhà nước cũng đã lợi dụng tính cộng đồng này để thắt chặt sự thống trị của chúng đối với nhân dân. Tính cộng đồng tập thể còn biểu hiện ở sự chứng kiến của tập thể đối với mỗi sự kiện quan trọng của cá nhân. Sự chứng kiến này được thể hiện ở tục ăn khao, ăn cỗ bàn trong lễ thành đinh, thi đỗ, được phong chức tước, phẩm hàm, cưới xin, ma chay… giai cấp thống trị đã lợi dụng phong tục chứng kiến này để ăn uống kiếm chác. Đó là nét tiêu cực thứ nhất của công xã nông thôn khi chuyển thành tế bào xã hội của thời kỳ có nhà nước. Tiêu cực thứ hai là giai cấp thống trị hòa lẫn sự bóc lột với việc làng việc nước, xoá bỏ ý thức của giai cấp nông dân. Chúng nhân danh việc làng, việc xã hội mà công khai bóc lột. Tiêu cực thứ ba là chế độ cộng đồng gia tộc dẫn đến tư tưởng dòng họ, tư tưởng cục bộ địa phương, gây chia rẽ giữa các dòng họ, giữa các làng xã địa phương. Giai cấp thống trị đã lợi dụng để chia rẽ mà thống trị.

           Về tổ chức hành chính, công xã nông thôn châu Á là tế bào nhỏ của xã hội và nhà nước nô lệ, nhà nước phong kiến nhưng nhiều quyền tự trị với những viên chức đứng đầu và hội đồng kỳ mục, hội đồng gia tộc.

           Vai trò tiêu cực nhất của công xã nông thôn là tế bào trì trệ vững chắc của nhà nước chuyên chế phong kiến và cùng với sức mạnh chuyên chế của nền chính trị hà khắc, phản động, nó góp phần kìm hãm xã hội trong vòng lạc hậu, bóp chết mọi nhân tố của kinh tế hàng hoá, làm cho kinh tế tư bản chủ nghĩa ở các nước Châu Á không ra đời được giai cấp tư sản và những tư tưởng tiến bộ của nó. Nghĩa là Châu Á cho đến thời kỳ cận đại, khi chế độ phong kiến đã hoàn toàn phản động thối nát, vẫn không có đầy đủ tiền đề kinh tế, xã hội, tư tưởng cho những cuộc cách mạng tư sản, lật đổ chế độ phong kiến lỗi thời, đưa xã hội châu Á tiến sang một hình thái kinh tế xã hội tiên tiến nhất của thời đại khi đó: Hình thái kinh tế xã hội tư bản chủ nghĩa. Và chế độ phong kiến phản động cùng với tế bào bảo thủ trì trệ của nó là công xã nông thôn vẫn tồn tại, làm suy yếu và giam hãm đất nước trong vòng lạc hậu. Kết quả cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX các nước Châu Á bị các nước tư bản Âu Mỹ xâm lược

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 84)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn