Người làng tôi

Tiến Nhân

24/10/2021 10:07

Theo dõi trên

Ngày tôi mới lập nghiệp , tá túc ở một ngôi nhà mái lá ven sông Hồng . Vô tình gặp anh Bẩy đã sống ở đây trước tôi nhiều năm . Người làng gặp nhau , đều nghèo , chẳng giúp gì được nhưng cũng thấy an tâm đôi chút . Hai vợ chồng anh Bảy đều là kỹ sư xây dựng.

chuye-que1f-1635044711.jpg
 Ảnh do tác giả cung cấp và chú giải : Một góc quê tôi nơi có nấm mồ anh ấy. Chắc anh chẳng giận tôi nữa đâu.

 

Khi tôi có cô con gái đầu lòng thì vợ anh sinh đứa con thứ ba , đứa con trai út của anh . Thời bao cấp lúc ấy nhà ở khó khăn lắm . Anh Bảy bảo tôi , anh phải " nhảy dù" để chiếm một gian nhà tập thể khu khảo sát đấy . Anh trèo lên mái nhà , xoạc cẳng , và sẵn sàng lao đầu xuống đất . Những đứa trẻ bên dưới gào thét , tiếng khóc van lạy não nùng . Người cơ quan đứng trơ ra , lui dần .

Anh giữ được nhà , nhưng bị đuổi việc . Sau đó anh để vợ đi xuất khẩu lao động , sang tận Liên xô làm ăn , cũng là để hướng tới tương lai tốt đẹp cho gia đình . Anh bảo vậy .

Ở lại , anh thành con gà trống nuôi ba đứa trẻ . Nhưng trong nhà anh bắt đầu xuất hiện nồi áp suất, chiếc bàn là và cả quạt tai voi . Tôi và anh vẫn gặp nhau khi cùng đi đón con ở nhà trẻ , rồi ai về nhà ấy .

Bẵng đi một thời gian không gặp anh đón con nữa . Tôi đến nhà . Anh bảo vợ anh từ Liên Xô về , mang đứa con trai sang đó rồi . Một nỗi buồn nhớ con hiện trên khuôn mặt người đàn ông . Anh chỉ còn lại hai cô con gái để đưa đón , để chăm chút chuyện học hành . Anh chẳng có vẻ gì là người sang trọng , vẫn dáng dấp người thôn quê .

Anh mở một quán phở nho nhỏ tại nhà bán vào buổi sáng. Tuy là khu bờ bãi ven sông nhưng đất rộng , thưa dân , nên có nhiều cơ quan cắm đất làm trụ sở , làm khu tập thể .

Chắc cũng kiếm ăn được , thấy anh còn thuê cả người phụ việc cho cửa hàng nữa .

Làm ăn thời ấy ai cũng chật vật , khó khăn lắm . Tôi có tay nghề sửa điện tử , cầm mỏ hàn lang thang để kiếm ăn thêm , nhưng trông không nhếch nhác như anh .

Một lần anh Bảy tới nhờ tôi chữa chiếc tivi bán dẫn 12in Liên Xô vợ anh gửi về .

Tôi đến . Căn phòng riêng của anh vẫn xập xệ . Một cái giường độc mộc nối thông với bếp . Mỗi khi tắt cái bếp dầu là cái mùi khét lẹt lại lùa vào , nhức hết cả đầu . Căn nhà có những nơi đẹp nhất thì để dành cho hai cô con gái . Phòng khách giống như chỗ để xe máy , xe đạp , lẫn kho chứa đồ .

Tôi và anh đang gật gù xem ca nhạc ở chiếc tivi vừa chữa xong trong phòng ngủ của anh . Bất chợt tôi nhìn thấy bức ảnh phóng to của vợ anh treo trên tường . Chị mặc chiếc váy , dáng lả lơi nằm nghiêng nghiêng . Cùng với đó , trong tấm hình ấy , phía đầu giường , là hình người đàn ông ngoại quốc có bộ râu xồm xoàm đang mỉm cười .

Tôi vô tình hỏi anh :

-- Sao anh lại treo tấm ảnh này , anh không thấy ngại gì sao? .

Anh quay lại , với thái độ gay gắt đến bất ngờ :

-- Em có thể nói mọi điều , nhưng không bao giờ được tỏ ý nghi ngờ chị .

Tôi vội vàng xin lỗi rồi ra về . Cái thất thố ấy của tôi khiến tôi ngượng . Một thời gian sau tôi không tới nữa .

Vùng đất bãi sông ngày ấy hay bị ngập lụt , một số cơ quan đã lui vào trong phố . Dân tình ở đâu đó dồn về ngày càng đông . Nhà anh thành mặt đường lớn . Thế rồi , người ta thấy tại ngôi nhà anh ở , có thợ tới đào móng xây nhà .Chắc tiền vợ anh ấy gửi về . Nghe đâu chị ta đã mở được công ty ở Liên xô . Tôi mừng cho anh có người vợ đảm đang , người đàn ông làng tôi thoát cảnh cơ hàn. Đứa lớn con anh cũng đã sắp vào đại học , đứa em sau học cũng giỏi giang . Anh khoe thế .

Hạnh phúc đang đến dần . Ngôi nhà 3 tầng chềnh hềnh của anh mọc lên . Khi đó , nhà tôi vẵn mái lá , vẫn đôi chỗ bị dột lúc mưa to . Đẳng cấp đã hình thành giữa tôi và anh . Anh không bán phở nữa . Có lần đi qua , thoáng thấy anh trong nhà nhìn ra đường , dáng dấp vẫn quê mùa . Thế mới lạ .

Từ khi con gái tôi đã hết cấp tiểu học tôi không đi qua nhà anh nữa .Chẳng ai thăm nhà ai , kể cả ngày lễ tết . Thời gian cứ dần trôi như hai kẻ xa lạ

Cuộc sống âm thầm biến động tới với từng gia đình . Đến lúc ,tôi cũng đã hất tung mái nhà cọ dột nát , dựng lên ngôi nhà hai tầng rưỡi . Hai đứa con tôi , ngày về nhà mới cứ chạy lên chạy xuống cầu thang , hả hê , hãnh diện rất nhiều .

Tôi bất ngờ gặp anh .

Hôm đó là ngày 10-3 âm lịch , tết giỗ Vua Hùng vương .Từ ngày có nhà mới , vợi tôi chu đáo chuyện hương khói lắm . Hôm nay cũng vậy . Mùi khói hương bay bay gợi lại nỗi nhớ quê . Năm đầu tiên tôi được hưởng cái tết tại ngôi nhà mới này , nhận được bao lời chúc mừng xuân mới . Nay gặp được anh người làng , tôi bỏ qua cái mặc cảm " đẳng cấp " trước đó của mình .

Tôi cầm tay anh lắc lắc , đầu hơi cúi xuống lễ độ , vẫn như người có lỗi . Còn anh , mang cái dáng người làng quê ra phố , nhưng già đi và khắc khổ hơn nhiều . Tôi vồn vã mời anh vào thăm ngôi nhà mới xây .

Tôi đã lỡ lời chạm tới lòng tự trọng của anh mấy năm về trước , chẳng biết anh còn nhớ không .

Vào nhà , Mắt người đàn ông bỗng dưng u buồn . Anh nhìn ra ngoài , không nhìn vào tôi , anh thả từng lời đau xót :

-- Anh chị bỏ nhau rồi !.

Người tôi gai lên như chính vừa bị ai đó xúc phạm , phản bội .

Thì ra , thì ra cái gì ..cái gì cũng có thể. Tôi đã không hỏi chuyện về vợ anh , tôi không cần nghe lời lý giải nào đổ lỗi cho nhau . Thậm chí không hề nhắc lại chuyện xưa , chuyện bức ảnh treo trên tường ấy .Tôi thấy thương anh , thương con gà trống tần tảo , chắt chiu vì gia đình .

Tôi khéo léo nhắc tới những đứa con anh , nghĩ rằng nó là sợi dây an ủi duy nhất của anh lúc này . Nhưng , hóa ra không phải thế . Thằng con trai theo mẹ về nhìn anh như người xa lạ . Nó về để giữ một phần ngôi nhà này cho mẹ nó . Hai cô con gái kia thành chủ nhân ngôi nhà 3 tầng . Đó có phần của chúng , phần của mẹ và của em trai chúng gộp lại . Anh ra khỏi nhà với số tiền mà vợ anh đổi từ đồng Rup sang tiền Việt đưa cho theo thỏa thuận phân chia tài sản . Một cơ hội để sang Liên Xô thăm vợ con ngày nào của anh không còn nữa

Anh ra khỏi nhà trong những ngày giáp tết .Đêm ba mươi anh lang thang quanh khu nhà trọ cách nhà cũ chẳng bao xa . Anh bảo chẳng thắp nổi một nén hương , vì chẳng biết cắm vào đâu . Chính cô con gái thứ hai có lần nhắc anh " Bố nhớ lời cam kết với mẹ đấy " .

Cam kết , cái cam kết gì vậy ? Tôi không hỏi lại anh . Nhưng tôi đoán nó chua chát , đau đớn lắm.

Một không khí trằm lặng , nặng nề đi qua .

Tôi cũng chỉ nói được lời này cùng anh

- về quê mình thôi ...về đi anh !

Tôi như trông thấy chiếc bàn là ai vô ý đốt cháy tấm vải , khói đen bốc lên khen khét mùi khét bếp dầu . Chiếc quạt tai voi khô dầu quay chậm dần rít lên nhức nhối tâm can .

Anh lắc đầu !

Có lẽ , một kỹ sư xây dựng như anh , đã có nhà ở thủ đô , có vợ xuất ngoại lại về quê một mình được sao . Ngôi nhà của cha mẹ , nền đất cũ vẫn kề sát bến sông Hồng , gia đình anh cả còn đó . Nhưng con đò tay chở khách qua sông không còn nữa . Người đi xa lại không về . Những cây tre già ngả nghiêng chạng vạng lúc xế chiều liệu còn nhớ bóng anh thời thơ bé vùng vẫy nô đùa

Sau lằn đó , tôi cũng không còn gặp lại anh nữa . Anh phiêu bạt nơi đâu tôi cũng chẳng hay

Vài năm mới đây , khi về quê , ra nghĩa trang , tôi thấy một bia mộ mang tên anh . Hỏi ra , sau một cơn bạo bệnh , anh dừng nỗi bất hạnh của mình lại , về với mảnh đất quê tuổi ngót nghét 70 .

Những điều này không ai biết , kể cả mọi người gia đình , họ hàng anh .Tôi hiểu ra rằng , nếu tôi không phải người làng , chắc chắn anh không phản ứng gay gắt thế . Giờ thì anh chẳng còn giữ danh dự cho ai , kể cả cho vợ con anh .

Thế là hết !

Theo Chuyện quê

Bạn đang đọc bài viết "Người làng tôi" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn