Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 3)

PGS TS Cao Văn Liên

26/03/2024 06:08

Theo dõi trên

Hướng tới kỷ niệm 49 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024), trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2023.

Kỳ 3                                         *

Trước đó, ngày 16 tháng 2 năm 1975, Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn II bay về Sài Gòn họp với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống và là Tổng tư lệnh Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Dự họp còn có nhiều tướng lĩnh cao cấp của quân lực và của các Quân đoàn I, II, III, IV ở khắp bốn Quân khu. Cuộc họp là để xem xét việc thực thi “Kế hoạch quân sự Lý Thường Kiệt" đã được Hội đồng an ninh Quốc gia phê chuẩn hồi tháng 12 năm 1974 nhằm củng cố sức mạnh quân sự và tinh thần của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Cuộc họp còn nghe Đại tá Hoàng Ngọc Lung, Trưởng phòng 2 Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa báo cáo về tình hình quân sự năm 1975.

  Ngày 19 tháng 2 khi vừa bay về đến Tây Nguyên, Thiếu tướng Phạm Văn Phú họp các Chỉ huy trưởng các Tiểu khu và các Chỉ huy trưởng các đơn vị của Quân đoàn II để bàn việc phòng thủ Tây Nguyên. Trong một gian phòng khang trang rộng rãi ở thị xã Pleiku kê nhiều bàn ghế sang trọng. Thiếu tướng Phạm Văn Phú ngồi ghế chủ tọa. Ông người tầm thước, khuôn mặt hơi dài. Ông cũng là viên tướng đã tham gia chiến tranh Đông Dương bên phía người Pháp, chính ông đã tham gia mặt trận Điện Biên Phủ, bị đối phương bắt và sau được trao trả và ngày nay ông lại tham gia cuộc chiến tranh Đông Dương bên cạnh người Mỹ. Phạm Văn Phú mặc bộ quân phục ka ki vàng trên vai có lon cấp tướng gắn một bông hoa mai. Dự họp có Đại tá Trịnh Tiếu, Trưởng phòng 2 Bộ tham mưu Quân đoàn, Đại tá Phạm Văn Nghìn, Trưởng tiểu khu kiêm Tỉnh trưởng Quảng Đức, Đại tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh trưởng Đắc Lắc, Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm, Phó Tư lệnh Quân đoàn II phụ trách hành quân, Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, Tư lệnh Sư đoàn 6 không quân, Chuẩn tướng Lê Trung Tường, Tư lệnh Sư đoàn 23, Đại tá Lê Khắc Lý, Tham mưu trưởng Quân đoàn, Đại tá Phạm Duy Tất, chỉ huy biệt động quân, Đại tá Vũ Thế Quang, Phó Tư lệnh Sư đoàn 23. Còn có các Tỉnh trưởng Kon Tum, Pleiku, Phú Bổn, Tuyên Đức.

  Trên bàn, trước mặt mỗi người, lính cần vụ đã rót ra những cốc rượu vang đỏ lừ, rượu trong những ly thủy tinh lấp lánh tỏa mùi thơm phức. Tướng Phạm Văn Phú nâng ly:

-Xin mời các quý vị cạn ly.

Mọi người cùng nâng ly và đáp:

-Xin cảm ơn Thiếu tướng, kính mời.

Sau khi mọi người đã cạn và đặt ly xuống bàn, Tướng Phạm Văn Phú nói:

-Thưa các quý vị, hôm qua tôi đã về Sài Gòn họp với Tổng thống và các tướng lĩnh. Tổng thống đánh giá lại việc thực hiện “Kế hoạch quân sự Lý Thường Kiệt” được Hội đồng An ninh Quốc gia thông qua tháng 12 năm 1974. Trong báo cáo tình báo do Đại tá Hoàng Ngọc Lung, Trưởng phòng 2 Bộ Tổng tham mưu trình bày có một số điểm đáng chú ý như sau:

-Thứ nhất, lực lượng tổng trù bị của Cộng quân gồm 7 sư đoàn đã đóng ở vùng “cán xoong”, phía bắc Quân khu I của ta. Các sư đoàn 312, 316, 314 đang có hiện tượng chuẩn bị di chuyển.

-Thứ hai, nhiều dấu hiệu cho thấy đối phương có thể phát động Tổng tấn công vào xuân-hè 1975, trọng điểm tấn công là quân khu II, quân khu I và quân khu III là hướng phối hợp.

  Trong khi Tướng Phú nói thì các tướng lĩnh chăm chú ghi chép, không khí trong phòng bỗng trở nên căng thẳng, chỉ nghe tiếng giấy sột soạt. Một vài người ngừng ghi thì bê nước lọc uống. Tướng Phú cũng bê một ly nước uống và nói tiếp:

-Như vậy Quân khu II của ta sẽ là trọng tâm tấn công của Cộng quân. Xin mời Đại tá Lê Khắc Lý, Tham mưu trưởng Quân đoàn nói rõ hơn về việc bố trí lực lượng của ta hiện nay ở Tây Nguyên đã phù hợp với tình hình quân sự mới hay chưa.

Lê Khắc Lý nói:

-Kính thưa Thiếu tướng, thưa các quý vị, Quân đoàn II của Quân lực Việt Nam Cộng hòa hiện nay chia làm 2, một phần ở miền duyên hải miền Nam Trung Bộ. Ở đó có Sư đoàn bộ binh 22 gồm 4 Trung đoàn: 40, 41, 42, 47 và 45 Tiểu đoàn bảo an, Tiểu đoàn pháo binh với 146 khẩu pháo từ 105mm đến155mm, có một Thiết giáp đoàn và 8 Chi đội, tổng cộng 117 xe. Không quân có 12 phi đoàn gồm 102 máy bay chiến đấu và phản lực cánh quạt, 146 trực thăng, 69 máy bay vận tải, trinh sát và huấn luyện. Hải quân ta có hai hải đoàn tiền duyên, 2 giang đội trên sông.

-Vùng cao nguyên Tây Nguyên chúng ta có Sư đoàn bộ binh 23 với 3 Trung đoàn 44, 45, 53, 7 Liên đoàn biệt động quân: 4, 6, 21, 22, 23, 24, 25, các đơn vị này có quân số tương đương 10 Trung đoàn, 36 Tiểu đoàn bảo an. Ta có 8 Tiểu đoàn pháo binh với 230 khẩu 105mm đến 175mm, có 4 Thiết đoàn xe tăng thiết giáp với 371 xe, có một Phi đoàn không quân chiến đấu 32 máy bay, hai Phi đoàn trực thăng 86 chiếc, một Phi đoàn vận tải trinh sát và huấn luyện 32 chiếc, còn có Bộ Tư lệnh tiếp vận quân Quân khu II. Quân đoàn II có kho dự trữ đủ khả năng cung cấp  cho Quân đoàn chiến đấu ác liệt trong hai tháng.

  Đại tá Lê Khắc Lý dứt lời, Đại tá Phạm Bá Hoa, Tham mưu trưởng Tổng cục tiếp vận Quân lực Việt Nam Cộng hòa nói:

-Các lực lượng của ta trên địa bàn Tây Nguyên bố trí theo nguyên tắc "nặng đầu nhẹ đuôi", có nghĩa là chúng ta bố trí lực lượng mạnh và nhiều ở bắc Tây Nguyên. Cụ thể như Trung đoàn 49, Sư đoàn 23 và 3 Thiết đoàn xe tăng, 4 Tiểu đoàn pháo: 6, 23, 24, 25 đóng quanh khu vực Kon Tum, Pleiku, chốt giữ đường 19 đi An Khê tới Bình Định. Toàn bộ Lữ đoàn không quân đóng ở sân bay Cù Hạnh. Trung đoàn 45 Sư đoàn 23, một Chi đoàn thiết giáp thuộc Thiết đoàn 8 giữ Quảng Đức, Liên đoàn 4 biệt động quân và 11 Tiểu đoàn pháo binh giữ Thanh An-Đồng Tằm.

-Tại Buôn Mê Thuột, tức phía Nam Tây Nguyên, lực lượng của ta yếu và mỏng, chỉ có Trung đoàn 53, Liên đoàn 21 biệt động quân, Trung đoàn pháo binh 232, Thiết đoàn 8 và một Chi đội thiết giáp, ba Liên đoàn bảo an, hậu cứ Trung đoàn 45 tức khu B50, các đơn vị hậu cứ và Bộ chỉ huy nhẹ của Sư đoàn 23. Tổng số quân ở Nam Tây Nguyên là 8.350 quân, trong đó 5.350 quân đóng trong thị xã Buôn Mê Thuột, 2.430 đóng tại các cứ điểm ngoài thị xã. Lực lượng ở Buôn Mê Thuột được trang bị 19 pháo 105mm, 4 pháo 155mm, 16 xe tăng M-41 và xe M-48, 50 xe bọc thép M-113, 6 máy bay trinh sát, tức Phi đội L-19 và trực thăng tại sân bay Hòa Bình, Phụng Dực. Tóm lại lực lượng của ta ở nam Tây Nguyên và Buôn Mê Thuột là yếu và mỏng. Tôi đề nghị bố trí lại lực lượng đề phòng Cộng quân tấn công Nam Tây Nguyên là chỗ yếu nhất trong tuyến phòng thủ của Việt Nam Cộng hòa cũng như của Quân Khu II, của Tây Nguyên.

  Đại tá Phạm Bá Hoa ngừng nói và bê ly nước lọc uống. Chuẩn tướng Lê Trung Tường, Tư lệnh Sư đoàn 23 nói:

-Với sự bố trí lượng của chúng ta hiện nay, rõ ràng phần lớn lực lượng bố trí ở Bắc Tây Nguyên, còn phía Nam cao nguyên cụ thể như thị xã Buôn Mê Thuột thì lực lượng quá mỏng. Nếu Cộng quân tấn công Nam Tây Nguyên e chúng ta sẽ thất thủ. Tôi đề nghị phải nắm chắc tin tình báo xem họ tấn công phía Bắc hay phía Nam cao nguyên để nhanh chóng tăng cường cho phía Nam, thứ nữa, tôi đề nghị điều bớt số quân của Quân đoàn II ở miền duyên hải lên phòng thủ phía Nam.

  Đại tá Trịnh Tiếu, Trưởng phòng 2 Bộ tham mưu Quân đoàn nói:

-Kính thưa Thiếu tướng Tư lệnh trưởng Quân đoàn, thưa các vị, theo báo cáo của thám sát mặt đất, thám sát điện đài, của trinh sát đường không đã phát hiện Sư đoàn 968 của đối phương mới từ Lào về nhưng chưa biết di chuyển về đâu. Tại khu vực Bắc Tây Nguyên, Kon Tum và Pleiku, đối phương đã có 2 Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320A, chỉ có hai Trung đoàn 271 và 201 bố trí ở Quảng Đức, Trung đoàn 205 bố trí ở bắc Buôn Hồ, tức là bắc Buôn Mê Thuột. Cho nên có thể suy luận nếu đánh lớn thì Cộng quân sẽ lấy Kon Tum và Pleiku là điểm tấn công chính, những nơi khác chỉ là diện và là hướng phụ, nếu đánh vừa họ sẽ đánh Quảng Đức để nối liền với Phước Long, mở thông hành lang Đông Trường Sơn, khi đó điểm đánh quyết định sẽ là Đông Nam Bộ.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 3)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn