Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 30)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập I của PGS TS Cao Văn Liên. 

               

ba-trieu-1631587869.jpg
Tranh minh họa Triệu Trinh Nương nổi tiếng can đảm, mưu trí hơn người. Nguồn: Internet

                           

Kỳ 30.

-Xin chào Phó chủ Tướng.

-Chào Nhụy Kiều tướng quân.

Ba người rời nơi bắn cung, đến thao trường luyện võ. Nơi đây thật là sôi động. Hàng nghìn người trên một bãi đất rộng và bằng phẳng, mang quân phục màu nâu, đầu chít khăn nâu, người biết võ dạy người chưa biết. Trên võ trường trống và cồng thúc liên hồi, những lá cờ vàng tung bay phấp phới theo gió đông, vàng  rực nắng. Những đôi đánh kiếm, những đôi đấu gậy, đôi thì đấu giữa thương với dao, đôi thì đấu trường thương với giáo mác. Gió mùa đông se lạnh. Mây bay trên bầu trời xam xám. Nắng trắng như tơ rải khắp thao thường.

Triệu Trinh Nương xuống voi cùng hai vệ nữ bước vào một góc của thao trường. Những nghĩa quân gần nhất nơi Triệu Trinh Nương đến ngừng tập vây lại vái chào:

-Kính chào Phó chủ tướng.

-Kính chào Nhụy Kiều tướng quân.

-Xin chào các huynh, các huynh luyện tập thành tài rồi, đã sẵn sàng ra trận giết giặc Ngô chưa?

Một người khoảng 30 tuổi, da mặt rám nắng, lau mồ hôi và đáp:

-Dạ thưa Phó tướng, từ đồng ruộng nông dân mà ra nhưng cũng đã biết những miếng võ cơ bản để phòng vệ và tấn công, đến nay có thể ra trận được rồi.

Một người lính khác đáp:

-Thưa Phó chủ tướng, cứ ra trận gặp giặc Ngô là ào vào chém bừa đi là được mà.

Cả tốp lính cười ha hả. Triệu Trinh Nương cũng cười và hỏi:

-Chỉ huy của các huynh đâu?

Một người tự chắp tay vái chào:

-Thưa Phó chủ tướng, là tôi đây.

-Vậy hả, gọi một chỉ huy giỏi võ nghệ nữa, hai huynh đấu với tôi vài hiệp cho các huynh khác xem nha.

-Dạ không dám.

-Tôi cho phép mà.

Hai nghĩa quân khỏe mạnh, lực lưỡng. Một người sử dụng giáo dài, một người sử dụng đại đao. Triệu Trinh Nương sử dụng đôi gươm. Hai tiểu tướng lăn xả vào đâm và chém Triệu Trinh Nương. Triệu Trinh Nương gạt ra và múa hai thanh gươm. Không còn thấy gươm nữa chỉ thấy quanh người Triệu Trinh Nương tỏa ra ánh hào quang sáng chói, lại như nước cuốn quanh người. Rồi ánh hào quang đó chạm vào giáo và đại đao tóe lửa. Trống và cồng trên thao trường thúc liên hồi. Nghĩa quân xung quanh bãi tập kéo về vòng trong vòng ngoài xem cuộc đấu ngoạn mục của Phó chủ tướng. Triệu Trinh Nương nhè vào sự sơ hở của hai tiểu tướng đưa gươm như chớp, một người gãy cán giáo, một người đại đao bị cắt làm đôi văng xuống đất. Triệu Trinh Nương lùi xa hai người và ngừng chiến trước tiếng reo hò vang động thán phục của nghĩa quân. Triệu Trinh Nương nói:

-Nếu ở chiến trường hai huynh đã tử trận rồi đó.

-Dạ, Nhụy Kiều tướng quân thật là cao thủ, bái phục, bái phục.

-Huynh quá khen, không dám, không dám. Nhưng các huynh đừng lo. Đối với tướng ngồi trên mình ngựa phải cao thủ để còn đấu với tướng Ngô, còn với quân phải biết những miếng che đỡ bảo vệ mình, còn thấy địch cứ lăn xả vào chém giết là được. Cũng không thể chờ đợi cho đến khi hàng vạn quân võ nghệ cao cường mới khởi sự thì không biết đến bao giờ. Khi nãy có một huynh nói rất đúng.

Nghĩa quân cười vang:

-Ha!Ha!Ha!...

Triệu Trinh Nương cũng cười:

-Ngoài võ nghệ đánh giặc Ngô còn cần tinh thần yêu nước, thương dân, thương nòi giống lầm than mà căm thù giặc. Đó là sức mạnh tinh thần. Xin đa tạ và tạm biệt các huynh.

Những người lính chắp tay:

-Xin chào Phó chủ tướng.

-Xin chào Nhụy Kiều tướng quân.

Triệu Trinh Nương bay người lên lưng voi trước con mắt kinh hoàng của các tướng sĩ. Ba người đi về Am Tiên. Bóng xa dần và khuất vào rừng mà quân lính còn nhìn theo. Một người lính lắc đầu:

-Phó chủ tướng quá xinh đẹp và quá giỏi giang, thật là cao thủ, phi phàm.

Một người lính nói:

-Tôi cùng quê Quân Yên với Chủ tướng Triệu Quốc Đạt và Nhụy Kiều tướng quân. Tôi biết rõ về bà. Cha mẹ mất sớm, Triệu Trinh Nương ở với anh. Không biết bao nhiêu là vương tôn công tử đến hỏi bà làm vợ. Triệu Quốc Đạt cũng giục em lấy chồng. Bà nói: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá tràng kình ở biển Đông, giành lại giang sơn, cỡi ách nô lệ chứ không chịu cúi đầu, khom lưng làm tì thiếp người ta”.

Một người lính gật gù:

-Câu nói này nổi tiếng khắp Giao Châu, ở Cửu Chân ai cũng thuộc lòng câu này. Tôi cũng có nghe. Quả nhiên là chí khí hơn người mà lại có lòng thương dân, yêu nước. Đáng phục, đáng phục.

Một người lính hỏi:

-Nhưng làm sao bà có được con voi trắng một ngà hung dữ như vậy?

-Ừ, con voi nom đáng sợ như vậy mà với Phó chủ tướng nó hiền khô, thân thiết như là bạn bè. Chuyện là thế nào?

Người lính đồng hương Quân Yên, Cửu Chân nói tiếp:

-Chuyện thu phục con voi trắng một ngà làm người ta bái phục sát đất về sự gan dạ và dũng cảm của Triệu Trinh Nương. Năm kia ở vùng núi Quân Yên xuất hiện một con voi trắng một ngà hết sức hung dữ, hay về phá phách mùa màng và đe dọa người dân. Nhụy Kiều tướng quân quyết định bắt sống và thuần phục con voi này nên không cho thợ săn đào hố đánh bẫy hoặc bắn chết. Bà cùng bạn bè lùa con voi xuống đầm lầy sông Cầu Chày và tự nâng mình bay lên ngồi lên đầu voi và khuất phục nó. Từ đó, voi trắng trở thành bạn bè thân thiết, trở thành phương tiện cho bà đi lại. Năm đó Triệu Trinh Nương mới 19 tuổi.

-Năm nay Phó chủ tướng bao nhiêu tuổi?

-Năm nay Nhụy Kiều tướng quân 23 tuổi.

-Quả là gan dạ phi thường.

-Nhưng nghe nói Triệu Trinh Nương đã giết chị dâu, phu nhân của Chủ tướng Triệu Quốc Đạt?

Người lính quê Quân Yên nói tiếp:

-Tính cách của Triệu Trinh Nương là ghét cay ghét đắng thói hư tật xấu, thói gian tà, đặc biệt là thói phản quốc. Chị dâu của Nhụy Kiều tướng quân là một kẻ mất nết, lăng loàn, đi lại với bọn chức sắc quan lại nhà Ngô, lại mật báo cho chúng về kế hoạch lên Núi Nưa khởi nghĩa của Triệu Quốc Đạt và Triệu Trinh Nương nên Triệu Trinh Nương buộc phải giết.

Những người lính:

-Như vậy giết đi là phải, nhất là tội phản quốc.

Một nghĩa quân hỏi người lính Quân Yên:

-Hiện nay khắp Giao châu đồn đại rằng núi Quân Yên quê anh cứ ban đêm thì vọng ra tiếng nói của thần thánh và trời đất giao trọng trách cho Triệu Trinh Nương giải phóng dân tộc, cứu dân, cứu nước. Anh ở đó có đêm nào nghe tiếng nói của các cụ chưa?

-Sau khi thuần phục voi trắng, tăm tiếng của Nhụy Kiều tướng quân đã lừng lẫy. Từ đó, cứ canh khuya chúng tôi đều nghe từ trong núi vọng ra sang sảng tiếng đọc bản đồng giao. Bản đồng giao này đã truyền ra khắp Cửu Chân, Giao Chỉ. Các huynh có thuộc không?

Một người lính:

-Để tôi đọc thử, đệ xem có đúng không nha:

“ Có bà Triệu tướng

Vâng lệnh trời ra

Trị voi một ngà

Dựng cờ mở nước

Lệnh truyền sau trước

Theo gót bà Vương”.

-Huynh đọc và nhớ hoàn toàn chính xác. Núi Quân Yên quê tôi đứng soi mình trên dòng sông Mã từ đó trở nên linh thiêng, huyền bí. Dân quê tôi và khắp Cửu Chân đều đồn đại: Núi Quân Yên biết nói, đá biết nói. Đá đã vâng mệnh trời báo cho dân biết bà Triệu Trinh Nương là thiên tướng giáng trần, đánh giặc Ngô, giúp dân cứu nước.

Một người lính đứng tuổi phân tích:

-Tiếng tăm của Triệu Trinh Nương đã lừng lẫy rồi nhưng phải nói bài đồng giao như một bài hịch kêu gọi bách tính tham gia khởi nghĩa chống giặc Ngô. Từ khi rời quê nhà lên Núi Nưa khởi nghĩa, nhân dân theo về rất đông, quân số đã lên 1 vạn người.

-Đúng rồi, có những bà mẹ dắt những cô con gái của mình lên xin tòng quân.

- Có được không?

-Được. Huynh không thấy có hai vệ nữ cùng Nhụy kiều tướng quân lên thăm chúng ta khi nãy à. Có thể đó là những con gái của bà cụ ấy. Trong quân chúng ta có một đội nữ binh xinh đẹp, nhưng các huynh nhớ đừng có xán vào mà tiêu mạng vì võ nghệ của các muội ấy rất cao cường.

-Có cả ông già mù cũng xin gia nhập để đem tiếng hát phục vụ khích lệ ba quân cứu nước.

-Đặc biệt là có bốn anh em họ Lý là cao thủ võ lâm, lại có tài thiện xạ, đã khởi nghĩa chống Ngô ở Bồ Điền, huyện Dư Phát, Cửu Chân, nay cũng đem quân về với chúng ta.

-Nghe nói có một thanh niên ở Lạch Trường, bị địch bắt sang Ngô đã giết vài tên lính cướp ngựa và chạy thoát về Núi Nưa gia nhập khởi nghĩa.

Một nghĩa quân nói như kết luận:

-Trong cái chảo nóng của quân Ngô rán mỡ dân Việt ta thì có muôn nghìn câu chuyện, lý do riêng của mỗi người để tham gia khởi nghĩa. Nợ nước là nợ chung, còn thù nhà thì mỗi người có một gia cảnh bi thương riêng nhưng đều đẫm máu và nước mắt.

Mọi người im lặng, nén giận căm thù xen cả tiếng thở dài. Mặt trời đã đứng bóng, thời gian đã chuyển sang trưa. Trên thao trường, một hồi trống vang dài báo hết giờ luyện quân buổi sáng. Tốp lính đứng dậy cùng đông đảo nghĩa quân nghỉ tập luyện về doanh trại ở những khu rừng rậm, nơi có bếp ăn do các nữ binh nấu để ăn trưa.

(Còn nữa)

CVL