Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 8

PGS TS Cao Văn Liên

12/08/2023 06:03

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 8

IV.

Thăng Long một buổi sáng mùa xuân năm 1431, gió se lạnh thổi làm muôn cây trên nóc lâu đài cung điện đung đưa, lá vàng rơi lả tả, chồi non đang nhú lên nẩy lộc báo một mùa xuân sang. Các mái cung điện nhô lên tráng lệ cùng với những đà đao đầu rồng vươn lên trời xám. Nắng rải chan hòa, gió hơi se lạnh. Vài đàn chim từ phương nam bay về quê hương phương bắc sau một thời gian di cư tránh rét.

  Trong điện Kính Thiên, Lê Thái Tổ đang thiết triều. Điện Kính Thiên trong hoàng thành vàng son rực rỡ như xưa, vẫn là màu đỏ của những cây cột sơn son. Trên từng cây cột, vẫn những con rồng vàng oai dũng cuồn cuộn leo lên. Đằng sau ngai vàng trên nền cao, hai con rồng vàng màu trên tường trắng cũng cuồn cuộn ôm lấy mặt trời ở giữa.

  Lê Lợi mặc áo long bào, hai con rồng đỏ ôm lấy toàn thân nhà vua vươn về trước ngực và cũng chầu vào mặt trời ở giữa, chiếc mũ miện có gắn mấy chục viên hạt ngọc tua tủa quanh đầu và trước mặt. Các quan đứng dưới quỳ hành lễ:

-Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

-Miễn lễ, các ái khanh bình thân.

-Tạ Hoàng thượng.

  Khi các quan đã đứng dậy thành hai ban văn, võ, Lê Thái Tổ nói:

-Các ái khanh có gì tấu?

Gian thần Đinh Bang Bảng bước ra:

-Tâu Hoàng thượng, thần có tấu.

Các đại thần giật mình. Bá quan văn võ quyền lớn tước trọng, tài văn võ, thi gan 10 năm trên chiến trường nhưng khi bọn gian thần xin tấu thì đều lạnh người. Cách đây một năm chỉ những lời sàm tấu của bọn này đã giết chết đại công thần, Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn. Lê Thái Tổ hỏi:

-Khanh có gì tấu, nói đi.

-Dạ, muôn tâu Hoàng thượng, hiện nay trên thượng du Tây Bắc nhiều thổ ty người dân tộc đang có âm mưu chống lại triều đình như Đèo Cát Hãn ở Lai Châu. Sở dĩ họ dám khởi binh vì họ cấu kết được với một số đại thần của triều đình ủng hộ,

Cả triều đình ồ lên:

-Hả ai vậy? Đại thần nào vậy? Lại là sự vu cáo của bọn gian thần.

Lê Lợi ngạc nhiên hỏi:

-Ta nghe thám mã báo một số tù trưởng đang rục rịch khởi binh chống lại triều đình là có thực, nhưng chưa nghe nói trong triều đình có đại thần cấu kết với chúng. Ai vậy, khanh có biết không?

-Dạ bẩm hoàng thượng, đó là quan Huyện thượng hầu, Thái bảo Phạm Văn Xảo.

Cả triều đình lại ồ lên:

-Hả, thật vậy sao, lại trò vu cáo hãm hại đại thần.

Phạm Văn Xảo từ hàng võ thần bước ra:

-Dạ bẩm Hoàng thượng, thần có tấu.

-Khanh nói đi.

-Dạ bẩm hoàn thượng, thần bị gian thần Đinh Bang Bảng vu oan.

Rồi Phạm Văn Xảo quay sang mắng Đinh Bang Bảng:

-Ta với nhà ngươi không thù không oán, sao nhà ngươi lại ngậm máu phun người, đẩy ta vào đất chết.

Gian thần Lê Quốc Khí bước ra:

-Dạ bẩm Hoàng thượng, thần có tấu.

-Khanh tấu đi.

-Dạ bẩm Hoàng thượng, thần có chứng cớ về tội cấu kết của Phạm Văn Xảo với phản nghịch Đèo Cát Hãn.

Lê Lợi hỏi:

-Chứng cớ gì?

-Dạ, đây là bức thư Đèo Cát Hãn gửi cho Phạm Văn Xảo.

-Trình lên đây.

Quan nội thị đi xuống chỗ Lê Quốc Khí cầm phong thư bóc ra, thấy không có gì nguy hiểm liền đưa cho Lê Lợi. Lê Lợi cầm thư liếc qua và bảo quan nội thị:

Khanh đọc to lên cho triều đình nghe xem nó viết gì?

-Dạ, thần tuân chỉ.

Quan nội thị cầm thư đọc. Thư viết: Xin cảm tạ sự cộng tác, liên kết của quan Huyện thượng hầu, Thái bảo Phạm Văn Xảo. Đó là sự cổ vũ động viên cho tại hạ khởi binh. Nay mai sự nghiệp thành công sẽ mời ngài lên làm minh chủ đứng đầu một cõi giang sơn tự do tự tại miền Phục Lễ (Lai Châu), không phụ thuộc vào bất cứ một hôn quân nào. Xin đa tạ. Thủ lĩnh Đèo Cát Hãn kính thư.”

Lê Thái Tổ nghe xong nghĩ bụng: “Phạm Văn Xảo tước cao chức lớn của Đại Việt, sống ở kinh thành không thiếu gì, dại gì mà lên cái miền núi xa xôi lạ nước lạ cái. Đây lại là chiêu trò vu cáo của bọn gian thần. Vả lại thư chỉ là một chiều từ Đèo Cát Hãn, không có thư của Phạm Văn Xảo làm bằng cớ chữ viết của ông ta. Đây chỉ là thư giả mạo. Nhưng vì bảo vệ ngôi báu, trừng trị bọn gian thần thì sau này có làm phản thật lấy ai là người dò biết, tố cao, thôi thì cứ tạm giam Phạm Văn Xảo rồi tính sau. Nghĩ vậy Lê Thái Tổ vờ nổi giận đập bàn quát:

-Có sự thật như vậy sao?

Quan Hành khiển Thượng thư Bộ lại Nguyễn Trãi bước ra:

-Tâu Hoàng thượng, thần có tấu.

-Khanh tấu đi.

-Mong Hoàng thượng bớt giận, quan Huyện Thượng hầu Thái bảo phong cho Phạm Văn Xảo là đã gia ân cực lớn, chức vụ gần như cao nhất nhì trong triều đình, phú quý đến cực phẩm, không lý gì ngài Phạm Văn Xảo lại còn mơ ước viễn vông, đứng đầu một xứ xa xôi Phục Lễ. Vả lại thư đây chưa chắc là của Đèo Cát Hãn, cho dù đúng như vậy thì cũng chỉ là một chiều, phải có thư của Ngài Phạm Văn Xảo mới là bằng cớ đích thực. Không có thư của ngài Phạm Văn Xảo thì chỉ là sự vu cáo nhằm làm rối loạn triều đình, ly gián vua tôi. Xin Hoàng thượng minh xét.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 8" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn