Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 69

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 69

Mặc Đăng Dung đánh lừa Lê Chiêu Tông, Tông giết tay chân của vua là  Chữ Khải, Ngô Bính, Trịnh Hựu. giết Quan Đô Ngự sử Đỗ Nhạc, Quan phó Đô Ngự sử.  Dung được phong lên Minh Quốc công, rồi Thái Phó. Đầy triều là người của Dung.

Lê Chiêu Tông chống nhau với Nguyễn Kính, Hoàng Duy Nhạc, Nguyễn Áng, Trịnh Tuy, Nguyễn Hoằng Dụ ở Thanh Hóa.

Năm 1519 Mạc Đăng Dung rước vua Lê Chiêu Tông về Đông Kinh. Vua ban chiếu đại xá thiên hạ, thăng chức tước của các quan lên một cấp. Mạc Đăng Dung được phong lên Minh Quận Công, đầu năm 1521 lại phong lên Nhân Quốc Công, thống lĩnh quân thủy bộ 13 đạo. Trong triều đình lúc này hầu hết các chức vụ quan trọng đều nằm trong tay vây cánh của Mạc Đăng Dung, hoặc là ngả theo Mạc Đăng Dung. Thế lực của Dung lúc này nghiêng ngửa triều đình. Tâm phúc của vua Lê Chiêu Tông chỉ còn đếm trên đầu ngón tay như Lại Thế Vinh, Nguyễn Kim, Trịnh Công Năng, hoàng thân Lê Ý. Nhóm này thường bí mật gặp Lê Chiêu Tông bàn cách đối phó với Mạc Đăng Dung nhưng đều cảm thấy bất lực và cực kỳ nguy hiểm bởi tai mắt của Dung đầy triều. Một lần gặp nhau trong hậu cung, hoàng thân Lê Ý nói Hoàng thượng phải đến phủ của Mạc Đăng Dung phong chức tước cao cho Dung để Dung trung thành. Lê Chiêu Tông phá lệ lễ nghi, đến phủ Mạc Đăng Dung, phong cho Dung chức Thái Phó, bình chương quân quốc trọng sự. Lê Chiêu Tông nghe theo, cho quan nội thị đến phủ của Dung tuyên chỉ, đại thần Nhân Quốc Công Mạc Đăng Dung tiếp chỉ: Mạc Đăng Dung, gia đình, gia tướng vội quỳ xuống. Nội quan giở bản lụa vàng và đọc: “Phụng thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết, xét công lao to lớn của Nhân Quốc Công Mạc Đăng Dung nay sắc phong cho chức Thái phó bình chương quân quốc trọng sự. Khâm thử. Niên hiệu Quang Thiệu năm thứ 6, 1521”. Lên chức Thái Phó, Tháng 5 -1521 Mạc Đăng Dung phá tan quân Trần Cung-Con Trần Cảo,  giết 3 vạn quân “Tam Đóa", Trần Cung phải chạy lên Thất Khê Cao Bằng. Cuộc phản loạn của Trần Cảo, Trần Cung kéo dài từ thời Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, đến đời Lê Chiêu Tông hoàn toàn bị Mạc Đăng Dung tiêu diệt. Thanh thế của Mạc Đăng Dung chấn động thiên hạ. Triều đình lúc này hoàn toàn nằm trong tay Mạc Đăng Dung. Mạc Đăng Dung tiếp tục củng cố thế lực vây cánh, chuẩn bị cho việc soán ngôi nhà Lê. Qua mai mối, Dung kết thông gia với quan Thượng thư Bộ lễ Phạm Gia Mô. Dung cho em rể là Quỳnh Khê Hầu làm hữu Đô đốc trấn giữ Sơn Tây, giữ vị trí xung yếu phía Tây kinh thành, sai em là Mạc Quyết chỉ huy đạo binh túc vệ, sai con là Mạc Đăng Doanh coi giữ điện Kim Quang để giám sát vua Lê Chiêu Tông. Dung còn đưa vào cung một mỹ nhân cho nhà vua để dò la tin tức, nhất cử nhất động của vua Lê Chiêu Tông và thân tín. Trước tình hình đó, một số Thượng thư như Trình Chí, Nguyễn Thì Nuy… đã ngả theo Mạc Đăng Dung. Năm 1522 đại thần Lê Bá Hiếu đã dấy quân chống lại Mạc Đăng Dung ở Đông Ngàn, Gia Lâm. Dung đem quân đánh dẹp. Vài nghìn quân bản bộ của Lê Bá Hiếu không chống lại được 2 vạn quân chính quy của Mạc Đăng Dung. Chỉ một buổi sáng, lực lượng Lê Bá Hiếu bị đánh tan. Lê Bá Hiếu bị bắt và bị chém đầu. Một số quan chức của triều đình tỏ ý chống đối, Dung ra tay sát hại không thương tiếc như Dung giết thị vệ Nguyễn Cấu, Đô lực sĩ Minh Sơn Bá, Nguyễn Thọ, Đàm Cử và nhiều quan viên của triều đình. Khi đó Mạc Đăng Dung đi kiệu thì trang trí long phượng dát vàng, đi thuyền thì thuyền rồng không kém gì nghi vệ của một hoàng đế.

Vua Lê Chiêu Tông bỏ em là Lê Xuân và mẹ là thái hậu Trịnh Thị Loan, một mình trốn lên Sơn Tây xuống chiếu Cần vương chống Mạc Đăng Dung. Dung sai Hoàng Duy Nhạc (trước đó đã về hàng Dung) đem 4 vạn quân lên đánh và bắt vua trở về. Hoàng Duy Nhạc thua do bị quân Lê Chiêu Tông mai phục. Dung buộc Xuân là em Lê Chiêu Tông lên ngôi, Xuân mặc áo long bào, đội vương miện, đi hài vàng, nội giám dắt tay Xuân lên ngai vàng ở điện Càn Nguyên. Sử gọi là Lê Cung Hoàng  đế, niên hiệu Thống Nguyên năm thứ nhất.

Giáng Lê Chiêu Tông thành Đà Giang Vương.

Nhân Quốc công Mạc Đăng Dung đem vua Lê Cung Hoàng về Hồng Thị, Hải Dương. Vua Lê Chiêu Tông đem quân về thu phục lại Đông Kinh, dọc đường xa giá dừng lại ở xã Mang Sơn, Sơn Tây, giết Quan Lại Khoa cấp sự trung Nguyễn Khắc Tuy. Các Đại thần lắc đầu nói: Hoàng thượng vẫn sai lầm như xưa, xưa nghe lời dèm pha giết trung thần Trần Chân mới đến cơ sự như ngày nay. Nay đang lúc khó khăn chống quyền thần Mạc Đăng Dung lại giết đại thần vô cớ. Lũ chúng ta chắc chết không có đất mà chôn.

Mặc Đăng Dung đem quân đánh Đông Kinh. Triều đình hỗn loạn. Bọn Lại Thế Vinh đem xa giá Lê Chiêu Tông ra Nhân Mục rồi chạy về chùa Thiền Quang, xã Thuận Mỗ, huyện Từ Liêm. Đúng lúc nguy kịch, Trịnh Tuy đã lấy quân Tam phủ Tĩnh Gia, Quảng Xương, Đông Sơn, cho thuộc tướng là Nguyễn Bá Kỷ đem một vạn quân ra Bắc cứu vua. Nhưng nội thần Phạm Biên xui vua Lê Chiêu Tông giết đi vì Kỷ là người của Trần Chân. Lê Chiêu Tông vốn là người đa nghi, bất chấp đang lúc nguy nan, bố trí võ sĩ mai phục chém chết Nguyễn Bá Kỷ. Trịnh Tuy tức giận cùng Trịnh Duy Thần đem quân ra Bắc, bất ngờ đánh và bắt Lê Chiêu Tông về Thanh Hóa. Quốc Tử giám Tư Nghiệp Lê Hữu Trương chết trong khi bảo vệ vua. Về Tây Đô, Trịnh Tuy nói với Lê Chiêu Tông:    

-Quân Cần vương chỉ làm rối loạn thiên hạ. Hoàng thượng xuống chiếu giải tán đi, mọi người lại về cai trị ở địa phương của mình.                                                

Mạc Đăng dung vui mừng vì quân Cần vương quá mạnh, Dung đang lo sợ, tự nhiên lại tan rã.

Được thế, Mặc Đăng Dung tấn công Thanh Hóa. Quân hai bên lao vào nhau giáp lá cà huyết chiến. Nửa canh giờ quân Trịnh Tuy tan vỡ. Quân Mạc bủa vây không cho quân Trịnh Tuy chạy vào thành Tây Đô. Trịnh Tuy và các tướng mở đường máu đưa vua Lê Chiêu Tông chạy khỏi vòng vây và hộ giá đưa nhà vua chạy lên miền núi Lang Chánh. Quân Mạc chiếm Tây Đô và làm chủ phần lớn Thanh Hóa. Sau chiến thắng ở Thanh Hóa, vua Lê Cung Hoàng phong cho Mạc Đăng Dung làm Thái phó, nắm Bình chương quân quốc trọng sự. Tháng 10 năm 1525, Mạc Đăng dung quyết tâm tiêu diệt tàn quân của Trịnh Tuy và Lê Chiêu Tông ở miền núi Thanh Hóa. Trịnh Tuy thua trận ốm mà chết. Dung bắt được Vua Lê Chiêu Tông ở Đông An Nhân, đưa về Đông Kinh. Các quần thần như Phúc Lương Hầu Hà Phi Chuẩn, Giang Văn Dụ, Đàm Thận Huy đều bị bắt và bị giết chết. Ngày 18 tháng 12 năm 1526, vua Lê Chiêu Tông cũng qua đời ở phường Đông Hà. Mạc Đăng Dung sai đưa thi hài Lê Chiêu Tông về mai táng ở Vĩnh Hưng Lăng theo nghi lễ thiên tử. Vua Lê Chiêu Tông khi đó mới 21 tuổi, ở ngôi 10 năm.

(Còn nữa)

CVL