Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 24

PGS TS Cao Văn Liên

28/08/2023 06:09

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 24

II.

 Đang là tháng 7 năm 1437, mùa hè Đông Kinh nắng như thiêu đốt. Các ngọn cây xanh vươn lên trên lâu đài, cung điện san sát đứng im vì không một làn gió thổi lay động, mây trên bầu trời trắng, hở ra những mảng trời xanh. Mây cũng không bay, nắng chan hòa mặt đất.

  Trong dinh thự của phủ quan nhiếp chính Lê Sát, Lê Sát nóng gần như phát điên, hai tên hầu đua nhau quạt hai bên cho Lê Sát ngồi uống trà. Một lát sau, Lê Sát nói:

-Thôi, không quạt nữa, đi ra.

-Dạ.

  Không cho quạt nữa, Lê Sát uống một ngụm trà và gục xuống bàn nhắm mắt, kệ cho mồ hôi toàn thân chảy đầm đìa. Lê Sát ôm đầu hồi tưởng lại 10 năm chinh chiến và 10 năm đắc thế của mình trên triều đình.

  Lê Sát ra đời ở làng Bi Ngữ, thuộc Lôi Dương (Thọ Xuân) Thanh Hóa. Cha mẹ không nhớ ngày tháng năm sinh của ông vì chỉ là nông dân nghèo. Khi biết Lê Lợi dấy cờ khởi nghĩa chống giặc Minh, khi đó có lẽ ông đã 20 tuổi. Do có lòng yêu nước, căm thù giặc nên Lê Sát hăng hái tham gia. Từ đó cùng với nghĩa quân và các tướng lĩnh, ông trải qua các bước thăng trầm của nghĩa quân Lam Sơn. Trải qua các chiến trường khốc liệt gian  khổ ở miền núi Thọ Xuân Thanh Hóa, Nghệ An và các trận đánh bao vây Đông Quan, tiêu diệt viện binh của Liễu Thăng. Lê Sát đã trải qua các trận đánh nổi tiếng như Quan Du (1420), trận Khả Lưu (1424), trận vây hãm Tây Đô Thanh Hóa (1425), Trận vây hãm Đông Quan (1427) và trận tham gia công phá thành Xương Giang. Do những chiến công đó, năm 1427, Lê Lợi phong cho ông làm Đại tư mã. Cuối năm 1427 do Vương Thông cầu cứu, vua Minh Tuyên Tông cử An viễn hầu Liễu Thăng đem 10 vạn quân từ Quảng Tây theo đường Lạng Sơn tiến vào Đông Quan, Kiềm Quốc công Mộc Thạnh đem 5 vạn quân từ Vân Nam theo đường Quy Hóa (Lào Cai) tiến xuống. Tư mã Lê Sát, Tư không Lưu Nhân Chú và các tướng đem quân mai phục ở ải Chi Lăng, giết chết Liễu Thăng ở gò Mã Yên (Quỷ Môn Quan) vào ngày 20 tháng 9 âm lịch 1427. Rắn bị mất đầu nhưng quân Minh cố tiến xuống Xương Giang. Lê Sát cùng Lưu Nhân Chú, Lê Lý, Lê Văn An, Lê Vấn, Lê Khôi tiếp tục mai phục tập kích ở Cần Trạm, Kép, tiêu diệt 4 vạn quân Minh và cuối cùng tổng công kích ở Xương Giang, tiêu diệt nốt 5 vạn quân còn lại cùng nhiều võ quan cao cấp nhà Minh như Lương Minh, Lý Khánh, bắt sống Thôi Tụ, Hoàng Phúc. Đạo quân chủ lực 10 vạn tên bị tiêu diệt thì đạo quân Mộc Thạnh khiếp sợ tháo chạy bị Trịnh Khả và các tướng đuổi đánh, tiêu diệt 2 vạn tên. Vương Thông ở Đông Quan và các thành còn lại phải mở cửa thề không bao giờ xâm lược Đại Việt và xin rút quân về nước. Chiến dịch Chi Lăng-Xương Giang mà Lê Sát có vinh dự được tham gia là một trận thắng oanh liệt, quyết định đến thắng lợi của cuộc kháng chiến 10 năm anh dũng chống Minh của quân dân Đại Việt.

  Sau chiến thắng, Lê Lợi lên ngôi xưng là Lê Thái Tổ, lập ra triều đại mới: Triều Hậu Lê. Lê Thái Tổ thưởng công cho các  khai quốc công thần. Lê Sát được phong là Truy tân tri hiệp trung mưu quốc công thần, Nhập nội khiểm hiệu, Tư khấu bình chương quân quốc trọng sự. Năm 1429 được ban tước Huyện thượng hầu, đứng thứ nhì trong hàng quan tước. Năm 1433 Lê Thái Tổ phong Lê Sát làm Đại tư đồ, nhận cố mệnh phụ chính giúp đỡ cho Lê Nguyên Long khi đó mới 11 tuổi lên ngôi Hoàng đế. Cuối năm 1433, Thái tử Lê Nguyên Long lên ngôi, niên hiệu Thiệu Bình, sử gọi là Lê Thái Tông. Như vậy, người ông phò tá từ hồi còn thơ bé nay đã lên ngôi Hoàng đế, Lê Sát trở thành một trong bốn cố mệnh đại thần.

  Lê Thái Tông lên ngôi còn nhỏ nhưng sớm quyết đoán, trong 5 năm qua đã thi hành những chính sách kinh tế, chính trị, quốc phòng, văn hóa, đối ngoại mà Lê Thái Tổ đã đặt nền tảng, làm cho đất nước ngày càng phát triển no ấm thanh bình. Các bài đồng giao được hát khắp nơi:

Thời vua Thái Tổ, Thái Tông

Con dắt con bế, con bồng con mang.

Thời vua Thái Tổ Thái Tông,

Thóc lúa đầy đồng trâu chằng thèm ăn.

  Đại tư mã Lê Sát từ khi làm phụ chính đến bây giờ quyền hành nghiêng cả nước, chức cao quyền lớn chỉ đứng sau vua, vì vua còn bé, trẻ nên có khi ông lấn át cả vua. Vì là một võ quan chiến trận, thời bình mới bước vào con đường chính trị nên tính tình ông nóng nẩy, cương liệt. Trong Lê Sát xuất hiện tư tưởng không coi vua ra gì, lấn át cả vua. Lê Sát không hiểu được trong quan hệ chính trị rất phức tạp và nhậy cảm, ông đứng trước việc rất khó khăn là phải xử lý các mối quan hệ vua tôi, quan hệ đồng lưu, quan hệ đồng chí ngày xưa, quan hệ gia đình. Ông hoàn toàn không thấy được mối tai hại khi xử lý sai các mối quan hệ đó. Còn một căn bệnh nữa là ai đề đạt ý kiến trái với ý định của Lê Sát, ông đều cho rằng họ đang âm mưu chống lại hoặc tước bỏ quyền lực của ông và ông tìm cách diệt trừ họ. Như Quốc vương Lê Tư Tề bị giáng xuống làm Quận vương, từ Quận vương bị giáng xuống làm thứ dân và bị đuổi khỏi kinh thành trong đó có âm mưu của ông thúc đẩy và vẽ đường cho Lê Thái Tông, với cái cớ rất thuyết phục là Lê Tư Tề trước sau cũng đe dọa quyền lực, ngai vàng của Lê Thái Tông. Âm mưu của Lê Sát đã đẩy gia đình Lê Tư Tề bây giờ xiêu dạt không biết đến phương nào, sống chết ra sao. Lê Tư Tề là quân vương của ông, là bạn chiến đấu với ông, là đồng lưu với ông. Ông đã phạm vào tội bất trung, bất nghĩa , bất nhân. Ông đã xử lý sai mối quan hệ đồng chí, 10 năm cùng gian khổ chiến đấu chống quân thù. Ông nhỏ nhen ghen ghét với khai quốc công thần Lưu Nhân Chú, ông  hạ độc và Lưu Nhân Chú đã chết. Trong một phiên thiết triều, Lê Sát thấy Nhập nội Thiếu bảo Trịnh Khả không cùng cánh với mình, Lê Sát liền buộc Trịnh Khả phải ra trấn thủ Lạng Sơn.

  Tháng 8 ăm lịch năm 1434, Đồng tri Bạ tịch Bắc đạo Bùi Ư Đài đề nghị vua chọn các hoàng huynh, quốc cửu, kỳ lão am hiểu điển chế cũ vào làm cố vấn cho vua, bên ngoài đặt chức sư phó chỉ huy trăm quan, thế mà Lê Sát tức giận vì như vậy Bùi Ư Đài mưu giới hạn quyền lực của ông. Lê Sát tâu xin giam Bùi Ư Đài vào ngục trị tội theo phép nước. Lê Thái Tông nói:

-Ư Đài không đáng phải xét xử như thế.

 Lê Sát tâu đi tâu lại đến bốn lần, một số đại thần xu nịnh Lê Sát như Nguyễn Thiện Tích, Bùi Cầm Hổ vào hùa với Lê Sát tâu lên, bất đắc dĩ, Lê Thái Tông phải bắt lưu đày Bùi Ư Đài. Từ đó Lê Thái Tông thực sự ghét sự chuyên quyền của Lê Sát. Tháng 9 năm 1434, thấy Bùi Cẩm Hổ ngày càng bất đồng với mình, Lê Sát tâu vua Lê Thái Tông cho Hổ ra làm An phủ sứ trấn Lạng Sơn, lấy Chuyển vận sứ huyện Cổ Đằng Phan Thiên Tước về làm Thị Ngự sử.

  Năm 1435 cố mệnh đại thần Lê Vấn chết, Lê Sát càng một mình quyết đoán mọi công việc, Lê Sát nói:

-Tâu Hoàng thượng, thần xin cử Nguyễn Trãi, Trình Thuấn Du cùng vài đại thần khác vào triều dạy học cho Hoàng thượng.

Lê Thái Tông cố nén giận cầm tờ tâu xem qua rồi trả lại, nhà vua không nói gì.

 Thấy Lê Thái Tông yêu quý bọn hoạn quan, Lê Sát ghen ghét nói:

-Tâu Hoàng thượng, bọn này nên giết đi.

Lê Thái Tông hỏi:

-Sao phải giết?

-Muôn tâu, bọn này toàn những lời nịnh nọt không thật lòng, làm cho Hoàng Thượng sẽ không anh minh, sáng suốt nữa.

Nghe vậy Lê Thái Tông nén giận hỏi::

-Khanh bảo ai không anh minh, sáng suốt?

-Dạ, thần nhỡ lời, xin tạ tội.

Ngày 1 tháng 9 âm lịch 1435 có phiên thiết triều bàn về việc thuế, Lê Sát bước ra:

-Bẩm Hoàng thượng thần có tấu.

-Khanh tấu đi

-Dạ bẩm, đối với những người vừa có đất trồng rau vừa có đất trồng lúa, nếu là quân nhân thì cấp 5 sào đất làm bãi dâu, nếu là dân thường thì cấp 4 sào sản nghiệp, ngoài ra còn miễn thuế khóa cho họ. Người không vợ, không chồng thì không được miễn thuế.

Phan Thiên Tước bước ra:

-Thần có  tấu.

-Khanh tấu đi.

-Dạ, bẩm Hoàng thượng, thần không đồng ý với ý kiến của quan Đại tư mã phụ chính. Khôngg vợ không chồng là hạng mà trong chính sách của Hoàng thượng thường chú ý đến nhất, nay ban ơn cho quân dân mà hạng đó không được dự, thế là họ không phải là dân của Hoàng thượng sao?

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 24" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn