Phản bác quan điểm sai trái, xuyên tạc của thế lực thù địch cho rằng Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc

Phạm Đức Dũng, Giảng viên Khoa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Kỹ thuật Quân sự

03/10/2023 09:35

Theo dõi trên

Sau đây là bài viết "Phản bác quan điểm sai trái, xuyên tạc của thế lực thù địch cho rằng Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc" của Phạm Đức Dũng, Giảng viên Khoa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Kỹ thuật Quân sự.

Tóm tắt: Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa của Việt Nam được UNESCO công nhận. Tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản vô cùng to lớn và quý giá đối với Đảng ta, dân tộc ta; là một bộ phận quan trọng hợp thành nền tảng tư tưởng của Đảng, sự kế thừa, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin phù hợp với thực tế của Việt Nam. Các thế lực thù địch hiện nay, không từ bỏ âm mưu chống phá Đảng, nền tảng tư tưởng của Đảng… trong đó âm mưu, thủ đoạn phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh và cho rằng Hồ Chí Minh là con người theo Chủ nghĩa dân tộc đã và đang được các thế lực thù địch nêu lên trong thời gian qua. Đây là quan điểm sai trái, phản động, xuyên tạc nhằm âm mưu thâm độc chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh chúng ta cần kiên quyết đấu tranh phản bác.

Mặc dù đã thất bại trong việc xâm lược nước ta bằng các biện pháp quân sự, chính trị, ngoại giao trước đây. Song hiện nay, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tiếp tục sử dụng chiến lược “Diễn biến hòa bình” nhằm chống phá Đảng, chế độ ở Việt Nam bằng nhiều hình thức tinh vi, phức tạp và hết sức thâm độc. Trong những thủ đoạn tinh vi đó, chúng tìm cách “hạ bệ thần tượng” với thủ đoạn xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh, chống phá tư tưởng của Người trên nhiều lĩnh vực và trong đó tuyên truyền luận điệu xuyên tạc cho rằng “Hồ Chí Minh là người theo Chủ nghĩa dân tộc”.

1. Âm mưu, thủ đoạn và mục đích chống phá của các thế lực thù địch cho rằng “Hồ Chí Minh là người theo Chủ nghĩa dân tộc”

Trên nhiều trang mạng, bài bình luận, video clip của các thế lực thù địch, nhất là Việt Tân, Người Làm Báo… rêu rao rằng “Hồ Chí Minh là người theo Chủ nghĩa dân tộc”. Chúng còn cho rằng “chủ nghĩa dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi”; quy chụp Hồ Chí Minh “là một người theo chủ nghĩa cộng hòa dân chủ và chủ nghĩa hòa bình hơn là một người theo chủ nghĩa cộng sản”[1]. Thậm chí, chúng còn cố tình quy chụp “Hồ Chí Minh đích thị là người theo chủ nghĩa dân tộc”[2]… Những quan điểm trên là nhằm chống phá bằng việc hạ thấptư tưởng Hồ Chí Minh trên phương diện vấn đề dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc. Hay nói cách khác, con đường dẫn dắt dân tộc của Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam là sai lầm, đi ngược với quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin về đấu tranh giai cấp, Hồ Chí Minh thực chất là một người theo Chủ nghĩa dân tộc, dân tộc ích kỷ, hẹp hòi, không phải một người cộng sản.

Bên cạnh đó, chúng còn quy kết rằng tư tưởng Hồ Chí Minh đối lập chủ nghĩa Mác - Lênin, “bây giờ chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, không còn phù hợp với sự phát triển của lịch sử, chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh là đúng đắn, phù hợp với sự phát triển của dân tộc Việt Nam hiện nay”, “Chủ nghĩa Mác - Lênin là cực đoan, nặng về đấu tranh giai cấp, gây bất ổn về xã hội”, đối lập với lập với Chủ nghĩa Mác - Lênin  tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng thiên về xây dựng đoàn kết và đại đoàn kết dân tộc; Cho rằng “chỉ nhấn mạnh đến đoàn kết chứ không nhấn mạnh đến đấu tranh”, “Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc chứ không theo chủ nghĩa cộng sản”[3]. Vì vậy, hiện nay Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ cần dựa vào tư tưởng Hồ Chí Minh không cần Chủ nghĩa Mác - Lênin và đề caonâng lên thành “Chủ nghĩa Hồ Chí Minh để thay thế chủ nghĩa Mác - Lênin”[4]. Thực chất đây là những luận điểm hết sức phản động, nhằm chia rẽ Chủ nghĩa Mác - Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh, phá vỡ nền tảng tư tưởng của Đảng, làm cho tư tưởng Hồ Chí Minh mất đi nguồn gốc, bản chất, nội dung, sức sống và nhằm gây ra sự xáo trộn trong ý thức hệ của Đảng và nhân dân.

Tóm lại, những quan điểm hạ thấp hay đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh trên đều là những quan điểm xuyên tạc, phủ nhận, chống phá, nhất là quan điểm cho rằng “Hồ Chí Minh là người theo Chủ nghĩa dân tộc” là quan điểm hết sức phản động đánh đồng, đánh lận con đen, quy chụp không có sơ sở khoa học. Chúng sử dụng cách hiểu và diễn đạt mập mờ, hoàn toàn không chính xác, đầy đủ để xuyên tạc, chống phá tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng. Tư tưởng sai trái đó hoàn toàn đi ngược lại lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, vấn đề chiến lược xuyên suốt, quan trọng của cách mạng Việt Nam và Đảng ta. Chúng mong muốn “hạ bệ lãnh tụ”, “xóa bỏ thần tượng”, xa hơn là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, phủ nhận nền tảng tư tưởng, định hướng Việt Nam từ bỏ ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, từ bỏ con đường mà dân tộc ta đã lựa chọn và quyết hy sinh phấn đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Phủ nhận những công lao to lớn của Hồ Chí Minh trong định hướng cách mạng Việt Nam, những kết quả thắng lợi vẻ vang của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Hồ Chí Minh trong giải quyết vấn đề dân tộc và lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam.

2. Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, chiến sĩ cộng sản chân chính, lỗi lạc

* Hồ Chí Minh đã nhận thức đúng đắn vấn đề dân tộc, giai cấp ở Việt Nam

Khi nghiên cứu về quá trình hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, có thể thấy Chủ nghĩa dân tộc biểu hiện bằng tinh thần yêu nước đã thôi thúc Người ra đi tìm đường cứu nước “Đất nước đẹp vô cùng/ Nhưng Bác phải ra đi…”[5]. Người đi nhiều nơi, làm nhiều nghề để kiếm sống, cùng với việc học tập và tham gia hoạt động cách mạng. Qua quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, Người thấy được mâu thuẫn lớn nhất ở Việt Nam là mâu thuẫn dân tộc mà trực tiếp là toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp. Mâu thuẫn giai cấp ở nước ta giữa công nhân với tư sản, nông dân với phong kiến nhưng mâu thuẫn đó có nhưng không gay gắt như ở phương Tây, đứngthứ hai sau mâu thuẫn chủ yếu là mâu thuẫn dân tộc.

Sau này, khi Người cùng các nhà yêu nước tại Pháp năm 1919 gửi tới Hội nghị Véc - xây,Bản yêu sách tám điểm ký tên Nguyễn Ái Quốc đòi quyền độc lập dân tộc cho nhân dân Việt Nam, đó là một tiếng vang lớn, mở đầu cho những hoạt động tiếp theo của Người so với các nhà yêu nước đương thời ở Pháp và cả trong nước và đặc biệt Người rút ra kết luận: Muốn giải phóng dân tộc, không thể trông chờ vào sự giúp đỡ bên ngoài mà trước hết phải dựa vào lực lượng chính bản thân mình.

Tháng 7/1920, sau gần 10 năm bôn ba tìm kiếm con đường giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã đọc bản “Sơ thảo Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I.Lênin. Những tư tưởng về dân tộc, thuộc địa của V.I.Lênin như “ngọn đuốc” soi đường cho Nguyễn Ái Quốc trên hành trình tìm kiếm con đường giải phóng dân tộc Việt Nam đang trong “đêm trường nô lệ”. Sự kiện đó đánh dấu sự chuyển biến về mặt tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc. Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tin theo V.I.Lê - nin, tin theo Quốc tế III và hướng sự nghiệp giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản. Người chỉ rõ trong tác phẩm Đường Kách mệnh: “Cách mệnh Pháp, cách mệnh Mỹ đều là những cuộc cách mệnh chưa đến nơi”… “Cách mệnh Việt Nam chỉ đi theo con đường cách mạng vô sản”[6]. Trong bài viết Con đường dẫn tôi đến Chủ nghĩa Lênin đăng trên Báo Nhân Dân, số 2226, ngày 22/4/1960, Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định một sự thật không thể xuyên tạc được, đó là: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác-Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có CNXH, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ. Người khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[7].

Từ năm 1923, Người hoạt động trong Quốc tế Cộng sản. Chính Chủ nghĩa dân tộc ấy đã góp phần xây dựng nên tư tưởng của riêng mình, tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam. Người đã phân tích những thực tế xã hội, giai cấp ở Việt Nam, từ sự phân tích trên mà Hồ Chí Minh khẳng định: “ở các nư­ớc thuộc địa, chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất n­ước”. Từ nhận thức đúng đắn về các dân tộc thuộc địa ở phương Đông, Hồ Chí Minh chỉ rõ trong cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam: “Người ta sẽ không thể làm gì được cho Người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại, và duy nhất của đời sống xã hội của họ”[8].

Đến đầu năm 1930, trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc nêu rõ nhiệm vụ chống đế quốc và nhiệm vụ chống phong kiến, hai nhiệm vụ có mối quan hệ mật thiết với nhau, trong đó nhiệm vụ chống đế quốc đặt lên hàng đầu, nhiệm vụ chống phong kiến, tư sản rải ra từng bước. Người đã vận dụng sáng tạo những quan điểm của Quốc tế Cộng sản, điều đó tùy thuộc vào tính chất, nhiệm vụ và đặc điểm của các nước thuộc địa, phụ thuộc mà đặt nhiệm vụ chủ yếu lên trước. So với các nhà cách mạng trước đó cũng như đương thời như: Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Phan chu Chinh, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Khắc Nhu…, những quan điểm của Hồ Chí Minh đã thấy được sự phân tích tỷ mỷ, đúng đắn tình hình thực tiễn xã hội Việt Nam. Tiếp thu những tư tưởng của Chủ nghĩa Mác - Lênin về cách mạng ở các nước thuộc địa một cách sáng tạo, không dập khuôn máy móc, Người đã đưa ra những quan điểm đúng đắn, sáng tạo trong chỉ đạo cách mạng Việt Nam.

* Hồ Chí Minh giải quyết vấn đề dân tộc và giai cấp ở Viêt Nam một cách đúng đắn, linh hoạt và sáng tạo

Theo Hồ Chí Minh,vấn đề dân tộc là vấn đề thiêng liêng, bất khả xâm phạm, đặt vấn đề dân tộc lên hàng đầu:

Vấn đề dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh được đề cập ở đây không phải là vấn đề dân tộc nói chung. Khi chủ nghĩa đế quốc mở rộng xâm chiếm, bóc lột thuộc địa để mở rộng thị trường, thực hiện sự áp bức về chính trị, bóc lột về kinh tế, nô dịch về văn hóa đối với các nước bị xâm chiếm thì vấn đề dân trở thành vấn đề dân tộc thuộc địa. Vấn đề dân tộc thuộc địa thực chất là vấn đề đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa nhằm thủ tiêu sự thống trị của nước ngoài, giành độc lập dân tộc, thực hiện quyền dân tộc tự quyết... Người chủ trương phát động tinh thần, chủ nghĩa dân tộc trong cách mạng ở các nước thuộc địa. Chủ nghĩa dân tộc trong tư tưởng của Người khác với những tư tưởng chủ nghĩa dân tộc bản xứ, chủ nghĩa dân tộc tư sản, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, sô vanh… mà trong tư tưởng của Người thực chất là Chủ nghĩa dân tộc cộng sản đã được lý luận Mác - Lê nin soi đường, làm chuyển biến về chất.

Năm 1941, Mặt trận Việt Minh được thành lập với mục đích công khai là “Liên hiệp tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước, đang cùng nhau đánh đuổi Nhật-Pháp, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng lên một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Đồng thời, Người đề nghị và được Trung ương Đảng nhất trí đặt vấn đề dân tộc lên hàng đầu và kêu gọi mọi người dân đứng lên giành độc lập, là cơ sở và quyết định trong việc chuẩn bị, để trong cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945 với tinh thần: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”, sau này trong Kháng chiến chống Mỹ cứu nước là “Không có gì quý hơn độc lập tự do” mà Người kêu gọi được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tích cực hưởng ứng và thực hiện thắng lợi.

Theo Hồ Chí Minh, giải quyết vấn đề dân tộc trên lập trường của giai cấp công nhân.

Tiếp thu, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp. Hồ Chí Minh viết: “Sự nghiệp của người bản xứ gắn mật thiết với sự nghiệp của vô sản toàn thế giới; mỗi khi chủ nghĩa cộng sản giành được chút ít thắng lợi trong một nước nào đó...thì đó cũng là thắng lợi cho cả người An Nam”[9]. Quan điểm trên của Hồ Chí Minh thể hiện tư tưởng về giải phóng dân tộc phải gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”[10].

Quyền tự do của con người gắn với quyền tự quyết dân tộc, quyền bình đẳng giữa các giai cấp. Khi còn dân tộc này áp bức dân tộc khác thì không có quyền tự do tối thiểu.Quyền m­ưu cầu hạnh phúc của con người gắn với xã hội tự do, bình đẳng. Khi xã hội còn giai cấp này áp bức giai cấp khác thì nhân dân cũng không có quyền bình đẳng. Giải phóng con người không chỉ giải phóng về mặt xã hội mà phải giải phóng toàn bộ tiềm năng, trí tuệ, thể chất, tài năng sáng tạo của con người để con người phát triển toàn diện. Vì vậy, giải phóng con người thoát khỏi bất công gắn với xây dựng chế độ xã hội mới. Đồng thời, theo Người độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và “Cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và cách mạng thế giới”[11].

Người chỉ ra yêu cầu độc lập dân tộc của Việt Nam gắn với chủ nghĩa xã hội. Bởi độc lập dân tộc là điều kiện, tiền đề cho chủ nghĩa xã hội, có độc lập thì đó là giai đoạn đầu, là mục tiêu trước mắt cần đạt đư­ợc, từ đó nhân dân lao động mới thực sự là người chủ của đất nước. Không có độc lập dân tộc thì cũng không thể xây dựng chủ nghĩa xã hội đ­ược. Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, phư­ơng hư­ớng tiếp theo. Độc lập dân tộc không phải là mục tiêu cuối cùng của cách mạng vô sản, của giai cấp công nhân, mà mục tiêu cuối cùng là xây dựng một chế độ xã hội mới xã hội chủ nghĩa, xã hội cộng sản. Chủ nghĩa xã hội mới tạo ra cái cốt vật chất đảm bảo cho độc lập dân tộc chắc chắn, bền vững và cuối cùng mang lại cuộc sống thực sự ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân lao động.Nếu xoá bỏ áp bức dân tộc mà không xoá bỏ tình trạng bóc lột và áp bức giai cấp thì nhân dân lao động vẫn cực khổ. Theo Hồ Chí Minh: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[12].

Theo Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam phải đi theo con đường cách mạng vô sản.

Hồ Chí Minh khẳng định: “…chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”[13]. Qua nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu các tư tưởng và các cuộc cách mạng tư sản trên thế giới, nhất là ở các nước tư bản tiêu biểu, Hồ Chí Minh nhận thấy: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”[14]. Vì thế Hồ Chí Minh không lựa chọn đi theo con đường cách mạng tư sản. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga thành công mở ra thời đại mới cho nhân dân lao động khắp thế giới:“Nước Nga có chuyện lạ đời/ Biến người nô lệ thành người tự do”. Cách mạng Tháng Mười Nga thành công là bài học cho các nước như Việt Nam đấu tranh giành độc lập. Người khẳng định “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[15]; “…chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”[16]. Người đã bổ sung nhiều vấn đề mới trong cách mạng ở các nước thuộc địa, nửa thuộc địa như về lực lượng cách mạng là toàn dân tộc, cách mạng các nước thuộc địa phải tiến hành chủ động, sáng tạo có khẳ năng giành thắng lợi trước cách mạng ở chính quốc, tiếp thu những quan điểm của Quốc tế Cộng sản về cách mạng phải tiến hành bằng phương pháp bạo lực cách mạng và phải đặt dưới sự lãnh đạo của chính đảng của giai cấp vô sản.

Theo Hồ Chí Minh, cần đấu tranh chống các quan điểm tư tưởng dân tộc hẹp hòi, sô vanh nước lớn, xác định cách mạng Việt Nam là bộ phận của cách mạng thế giới.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người thường xuyên đấu tranh chống lại các quan điểm thiên tả và cả thiên về hữu trong vấn đề dân tộc, kiên trì đấu tranh chống lại chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chủ nghĩa dân tộc sô vanh nước lớn, gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, tận dụng sức mạnh của phe xã hội chủ nghĩa, “ba dòng thác cách mạng” trên thế giới để góp phần dẫn đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, góp phần vào thắng lợi của phong trào cách mạng thế giới.

Đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc mình và cho các dân tộc khác. Hồ Chí Minh là một người yêu nước chân chính, một chiến sỹ cộng sản kiên cường. Ngay từ 1914, trên đất Anh, Người đã từng nói với người bạn của mình rằng: “Chúng ta phải tranh đấu cho tự do độc lập của các dân tộc khác như tranh đấu cho dân tộc ta vậy.; Nêu cao tinh thần dân tộc tự quyết, nhưng không quên nghĩa vụ quốc tế. Hồ Chí Minh luôn khẳng định sự ủng hộ nhiệt tình đối với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức trên thế giới với tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình” và chủ trương bằng thắng lợi của cách mạng mỗi nước mà góp phần vào thắng lợi chung cho cách mạng thế giới. Chính đường lối đúng đắn đó là sự kế thừa tinh thần quốc tế cộng sản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tăng cường sức mạnh cách mạng Việt Nam và thắng lợi chung của cách mạng thế giới.

Tóm lại, Hồ Chí Minh không chỉ là “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt suất của Việt Nam” được UNESCO công nhận, mà Người còn là chiến sĩ cộng sản chân chính. Người luôn kiên trì theo đường lối chủ nghĩa dân tộc vô sản mà V.I.Lê – nin đã vạch ra và bản thân Người cũng được nhân loại tiến bộ thừa nhận là chiến sĩ lỗi lạc trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, tấm gương sáng ngời hy sinh cả cuộc đời mình để đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng giai cấp, dân tộc và nhân loại.Đó là những bằng chứng đanh thép, là cơ sở khoa học để bác bỏ luận điệu của các thế lực thù địch, phản động cho rằng “Hồ Chí Minh là người theo Chủ nghĩa dân tộc” nhằm chống phá tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây thực chất là một cách quy chụp thiếu chính xác, không đầy đủ, là sai lầm,phản động cả về mặt lý luận và mặt thực tiễn. Chúng ta cần kiên quyết bác bỏ đồng thời tuyên truyền đến mỗi cán bộ, đảng viên và mọi người dân hiểu và đấu tranh với những luận điểm xuyên tạc, chống phá đó, góp phần bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị”[17] là yêu cầu cấp bách, có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa; là nhiệm vụ hết sức quan trọng của toàn Đảng, của toàn hệ thống chính trị và toàn dân hiện nay.

---------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cục Tuyên huấn, Phòng, chống âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2019

2. Lê Thị Chiên, Phản bác luận điệu “thực chất Hồ Chí Minh là người dân tộc chủ nghĩa”, Tạp chí Tuyên giáo điện tử, ngày 12/5/2022.

3. Dương Quốc Dũng, Chủ nghĩa dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh thực chất là chủ nghĩa dân tộc vô sản, Tạp chí Quân đội nhân dân điện tử, ngày 19/5/2011.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I,Nxb Chính trị quốc gia, H, 2021.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 1999.

7. Võ Văn Hải, Những luận điệu lạc lõng của RSF, sách "Bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới", Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2017.

8. Nguyễn Hồng Hải, Hồ Chí Minh: Người theo chủ nghĩa dân tộc hay chiến sĩ cộng sản?, Tạp chí Quân đội nhân dân điện tử, ngày 18/5/2020.

9. Phan Ngọc Liên, Sách Chiến sĩ quốc tế Hồ Chí Minh hoạt động thực tiễn và lý luận cách mạng,Nxb Chính trị quốc gia, H, 2010.

10. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, tập 1, 2, 4, 5, 12, 15.

11. Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị khóa XII “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”

12. Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự, Sách Kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, Nxb Chính trị - Hành chính, H, 2014.

[1]Võ Văn Hải, Những luận điệu lạc lõng của RSF, trong sách "Bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới", Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2017, tr.100.

[2]Võ Văn Hải, Những luận điệu lạc lõng của RSF, trong sách "Bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới", Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2017, tr.100.

[3]Cục Tuyên huấn, Phòng, chống âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch (sách chuyên khảo), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2019, tr.58.

[4]Cục Tuyên huấn, Phòng, chống âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch (sách chuyên khảo), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2019, tr. 27.

[5] Bài Người đi tìm hình của nước, thơ Chế Lan Viên

[7]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, tập 2, tr. 289

[8]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, tập 1, tr.513.

[9]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, tập 1, tr.520.

[10]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, tập 15, tr. 627.

[11]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, tập 1, tr.441.

[12]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, tập 4, tr.64.

[13]Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, tập 12, tr.563.

[14]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, tập 2, tr.296.

[15]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, tập 12, tr.30.

[16]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011,tập 12, tr.563.

[17]Đảng Cộng sản Việt Nam,Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2021, tập I, tr.183