Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 8)

04/02/2024 06:02

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.

Kỳ 8

Trong cuộc chiến tranh Ai Cập-Ottoman 1831-1832, quân Ottoman bị quân Ai Cập đánh bại ở Konya. Sultan Ottoman cầu cứu các nước tư bản châu Âu chống Ai Cập. Riêng Pháp ủng hộ Muhamed Ali để có cơ hội len chân vào đất nước này. Anh không ủng hộ chính phủ Ai Cập nhưng khôn ngoan không ra mặt. Đế quốc Nga ủng hộ Sultan Ottoman. Tháng 2 năm 1833 hạm đội Nga tiến vào eo biển Bosphore. Sự uy hiếp của quân Nga buộc Muhamed Ali ngừng cuộc tấn công vào Istambul, kinh đô của đế quốc Ottoman. Việc hạm đội Nga có mặt ở Bosphore làm cho Anh, Pháp lo ngại. Tháng 5-1843 dưới áp lực của Anh, Pháp, Ottoman và Ai Cập ký hiệp ước đình chiến, theo đó Muhamed Ali thừa nhận trên danh nghĩa quyền lực tối cao của Sultan Ottoman, rút quân khỏi Anatoli. Đổi lại, Ottoman thừa nhận thế lực của Ai Cập ở Syria, Palestine, Cicilia.

Anh không thể đứng nhìn Ai Cập lớn mạnh, đi trên con đường độc lập để cản trở công cuộc xâm lược của Anh ở Bắc Phi. Anh xui giục Ottoman gây chiến tranh với Ai Cập. Nhân cơ hội năm 1839 Ali đòi Ottoman trao quyền thừa kế các vùng đất mà Ai Cập đang cai trị, Ottoman tuyên chiến với Ai Cập nhưng cùng năm đó quân Ottoman bị Ai Cập đánh bại tại Syria. Trong chiến tranh, các cường quốc Anh, Pháp đứng về phía Ottoman chống lại Ai Cập. Anh đã bắn phá Syria. Năm 1841 quân Ai Cập thất bại phải đầu hàng. Ngày 2-8 năm 1842 Muhamed Ali qua đời.                          

Sau những tổn thất này, Ai Cập ngày càng phụ thuộc vào Anh, Pháp. Anh, Pháp buộc Ai Cập ký các hiệp ước bất bình đẳng . Hiệp ước tô nhượng xây dựng đường sắt Alechxandria-Cairo ký với Anh năm 1851. Nội dung hiệp ước này còn buộc Ai Cập phụ thuộc Anh về tài chính. Năm 1854 Pháp buộc Ai Cập ký hiệp ước đồng xây dựng và khai thác kênh đào Suez. Như vậy lịch sử cận đại Ai Cập bắt đầu từ năm 1851 khi Ai Cập phụ thuộc vào Anh, Pháp với những hiệp ước bất bình đẳng nô dịch, khi Anh, Pháp thực sự dùng vũ lực công khai xâm lược Ai Cập.

Những năm 50 thế kỷ XIX, người nước ngoài chủ yếu là người châu Âu di cư ngày càng nhiều vào Ai Cập. Năm 1850 có khảng 3.000 người, năm 1882 tăng lên 90.000 người và đầu thế kỷ XX tăng lờn 200.000 người. Người châu Âu chỉ chiếm 2% dân số Ai Cập nhưng nắm giữ những quyền lực kinh tế to lớn, kiểm soát các cơ sở tài chính. Lý do vì người nước ngoài được ưu tiên đặc biệt theo các điều khoản của các hiệp ứơc bất bình đẳng ký với Ai Cập.

Ngày 17-11-1869 chính thức khánh thành kênh đào Suez, khởi công từ năm 1859 và sau 10 năm xây dựng. Kênh đào giải quyết vấn đề vận tải đường biến rất lớn của thế giới, nó nối thông con đường từ Địa Trung Hải tới Hồng Hải . Kênh đào do nhiều công ti giúp cổ phần nên qui chế kênh đào là trung lập hóa quốc tế. Tầm quan trọng của kênh đào càng thúc đẩy Anh tiến hành xâm lược gấp rút Ai Cập. Trước hết Anh ra sức mua nhiều cổ phần để khống chế kênh đào. Tháng 4 năm 1876, do khó khăn về tài chính, chính phủ Ai Cập phải bán 176.602 cổ phần trong Công ty Suez cho Anh với giá 6 triệu bảng. Dưới áp lực của Anh, năm 1878  Ai Cập thành lập chính phủ được gọi là “Nội các châu Âu” vì trong chính phủ có bộ trưởng người Anh và người Pháp. Chính phủ đặt dưới sự lãnh đạo của Nuba Pasa, một phần tử thân Anh và luôn tìm cách tăng thuế, đánh vào đời sống nhân dân.

Hành động và thành phần của chính phủ thân Anh làm cho nhân dân vô cùng căm phẫn. Tháng 4 năm 1879, 300 sĩ quan Ai Cập gửi thư cho chính phủ đòi thải hồi những bộ trưởng Anh, Pháp. Thành lập nội các mới do Ixmain đứng đầu. Anh đòi Sultan Ottoman lật đổ Ixmain và đua Jewfik lên ngôi. Với chính phủ này Anh và Pháp hoàn toàn kiểm soát tài chính của Ai Cập và giảm lực lượng quân đội Ai Cập chỉ còn 18.000 người.

Trước tình hính lâm nguy của đất nước, phong trào đấu tranh của nhân dân Ai Cập ngày càng lên cao. Phong trào do giai cấp tư sản Ai Cập lãnh đạo. Đảng quốc gia, một chính đảng của tư sản ra đời. Thành phần của đảng bao gồm sĩ quan quân đội, trí thức, một số địa chủ yêu nước. Đảng quốc gia hành động dưới khẩu hiệu “Ai Cập của người Ai Cập”. Nổi bật vai trò lãnh đạo đảng là đại tá Ahmad Urabi. Đầu năm 1881, đại tá Urabi lãnh đạo sĩ quan binh sĩ yêu nước làm binh biến. Quân khởi nghĩa đòi chính phủ từ chức, đòi thảo hiến pháp mới, đòi tăng lương cho quân đội.

Thực dân Anh thẳng tay đàn áp khởi nghĩa. Ngày 11-7-1882 hải quân Anh bắn đại bác 10 giờ liền vào thành phố Alechxandria, sau đó 25.000 quân đổ bộ chiếm thành phố.

Phía quân khởi nghĩa, các đại biểu quí tộc, tư sản sĩ quan chống Anh đã họp hội nghị ở Cairo ra tuyên bố chống Anh, đòi phế bỏ Jewfik. Hội nghị đề cử Ahmad Urabi làm tổng tư lệnh  quân đội. Urabi có trong tay một lực lượng lớn  gồm 19.000 cựu binh và 40.000 tân binh, 500 đại bác và nhiều vũ khí đạn dược. Nhưng Urabi sai lầm không phòng thủ phía kênh đào Suez vì cho rằng quân Anh phải tôn trọng qui chế trung lập quốc tế, không tấn công theo đường kênh đào. Nhưng quân Anh không đếm xỉa đến qui chế trung lập, đã tấn công quân Urabi theo đường kênh Suez. Quân cách mạng thất bại. Urabi bị bắt và bị lưu đày. Thực dân Anh thực hiện được dã tâm chiếm toàn bộ Ai Cập. Cuối thế kỷ XIX từ Ai Cập, Anh chiếm Đông Sudan, Tây Nigeria, bờ biển Vàng, Gambia… và thành lập thuộc địa Đông Phi thuộc Anh.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 8)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn