Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 91)

PGS TS Cao Văn Liên

26/01/2024 06:20

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.                                                                                                                                       

Kỳ 91

Với tinh thần quốc tế vô sản cao cả, tháng 7 năm 1944,  8,5 triệu Hồng quân Liên Xô đã vượt biên giới nước mình, phối hợp với quân Đồng minh Anh-Mỹ ở mặt trận phía Tây, tiến sang giải phóng các nước châu Âu đang quằn quại rên xiết dưới ách thống trị tàn bạo của chủ nghĩa phát xít. Hồng quân đã tiến hơn 2. 240 km, giải phóng 12 nước châu Âu. Từ giữa tháng 4 năm 1945, 2,5 triệu Hồng quân đã giải phóng nước Đức, công phá Béc Lin, buộc Hít Le phải tự sát chiều 30-4 –1945, kết liễu chiến tranh ở châu Âu. Hàng triệu Hồng quân đã ngã xuống trên con đường làm nghĩa vụ quốc tế, giải phóng các nước. Từ 9 tháng 8 đến 15 tháng 8-1945, 1,5 triệu Hồng quân Liên Xô đã đánh bại đạo quân Quan Đông, đạo quân tinh nhuệ bậc nhất của phát xít Nhật Bản, buộc Nhật Bản phải đầu hàng Đồng minh không điều kiện, kết thúc đại chiến thế gới thứ II. 30 triệu người Liên Xô đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ Liên xô, vì sự nghiệp tiêu diệt chủ nghĩa phát xít giải phóng nhân loaị khỏi thảm họa lớn nhất thời đại. Chủ nghĩa quốc tế của Hồng quân và nhân dân Liên Xô là chủ nghĩa quốc tế vô sản.

           Chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa:         Sau chiến tranh thế giới thứ II, ở những nước Đông Âu được Liên Xô giải phóng, Đảng cộng sản lên nắm chính quyền và thành lập các nhà nước xã hội chủ nghĩa như Ba Lan, Tiệp Khắc, Ru mani, Hung ga ri, Bun ga ri, An ba ni, Nam Tư. Ở châu Á, các nước Việt Nam , Trung quốc, Lào, Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều tiên, Đảng cộng sản lãnh đạo cách mạng dân tộc dân chủ thành công và cũng lần lượt thiết lập nhà nước dân chủ nhân dân ở châu Á. Mông Cổ đi lên chủ nghĩa xã hội từ năm 1921 nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô. Năm 1959 cách mạng Cu ba thành công và nước này thành nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở châu Mỹ. Như vậy, sau đại chiến II , chủ nghĩa xã hội đã trở thành một hệ thống chính trị , kinh tế thế giới, đối lập với hệ thống tư bản chủ nghĩa. Việc ra đời các nước xã hội chủ nghĩa đặt ra mối quan hệ quan phương và các mối quan hệ khác trong nội bộ các nước này. Đáp ứng nhu cầu lịch sử đó, chủ nghĩa quốc tế vố sản phát triển thành chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa Quốc tế xã hội chủ nghĩa là sự hợp tác, giúp đỡ nhau giữa các nước xã hội chủ nghĩa để phát triển văn hoá, xã hội, kinh tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội.

           Sau chiến tranh, mặc dù bị tàn phá nặng nề, Liên Xô vẫn hết sức giúp đỡ các nước Đông Âu giải quyết những vấn đề cấp bách, tiếp tế lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm và máy móc. Liên Xô đã ký hiệp ước hữu nghị và tương trợ với các nước Đông Âu và Việt Nam. Các nước xã hội chủ nghĩa cũng đã ký kết các hiệp định hữư nghị, hợp tác tương trợ lẫn nhau. Nhằm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, góp phần bảo vệ hòa bình thế giới, đòi hỏi sự hợp tác giữa các nước xã hội chủ nghĩa về kinh tế, văn hoá, chính trị phải có kế hoạch lâu dài và phối hợp phân công tổ chức sâu rộng. Đáp ứng nhu cầu đó, ngày 8-1-1949 tổ chức kinh tế của các nước xã hội chủ nghĩa ra đời, đó là Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV). Hội đồng tương trợ kinh tế đã hoạt động có kết quả trong việc tổ chức hợp tác giữa các nước thành viên xây dựng chủ nghĩa xã hội trên tinh thần chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa mà Liên xô là nòng cốt. Tính từ năm 1949 đến 1970 Liên Xô đã cho các nước anh em vay 13 tỉ rúp với lãi suất thấp, các khoản giúp đỡ không hoàn lại lên tới 20 tỉ rúp. (5).

           Nhằm bảo vệ các nước thành viên trước sự đe doạ của khối Bắc Đại Tây Dương (NATO ), năm 1955 các nước xã hội chủ nghĩa đã thành lập Tổ chức Hiệp ước Vác Sa va. Đây là tổ chức quân sự để hành động chung nhằm bảo vệ an ninh cho các nước xã hội chủ nghĩa. Tổ chức này đã đập tan các cuộc bạo loạn phản cách mạng ở Hung ga ri năm 1956, bảo vệ Tiệp Khắc năm 1968. Hội đồng tương trợ kinh tế và Tổ chức hiệp ước Vác Sa va xây dựng và hành động trên tinh thần quốc tế xã hội chủ nghĩa.

3. Cách mạng Việt Nam và chủ nghĩa quốc tế vô sản.

           Năm 1911 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước. Năm 1920 khi tiếp xúc với “ Đề cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin , lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường cứu nước ở chủ nghĩa Mác –Lênin. Như vậy Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên đi theo chủ nghĩa Mác –Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp với chủ nghĩa quốc tế vô sản , “nhất trí với chủ nghĩa quốc tế vô sản ”. (6 ). Trong tiến trình cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát triển và vận dụng chủ nghĩa Mác- Lênin, chủ nghĩa quốc tế vô sản vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, tạo nên sức mạnh bên trong và sức mạnh thời đại để cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Hồ Chí Minh đã khẳng định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. Sự ủng hộ của cách mạng thế giới là một trong những nhân tố thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Ngược lại nhân dân Việt Nam cũng ra sức ủng hộ cách mạng thế giới, đoàn kết với giai cấp công nhân, nhân dân lao động thế giới, với phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa trên tinh thần quốc tế vô sản. Năm 1921, khi hoạt động ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã cùng một số nhà cách mạng ở các nước thuộc địa Pháp thành lập “Hội các dân tộc thuộc địa Pháp ” để đoàn kết chống chủ nghĩa thực dân Pháp. Năm 1925 trên tinh thần chủ nghĩa quốc tế vô sản cao cả, trong tác phẩm “Bản án chủ nghĩa thực dân Pháp ” Nguyễn Ái Quốc đã chứng minh một cách không thể chối cãi những tội ác của chủ nghĩa thực dân Pháp ở các nước thuộc địa Châu Á, châu Phi. Người thông cảm sâu sắc với những nổi thống khổ của nhân dân các nước này như chính nổi khổ cực của nhân dân Việt Nam dưới ách bóc lột áp bức tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc Pháp. Nguyễn Ái Quốc thương yêu nhân dân mình, thương yêu nhân dân các nước thuộc địa, thương yêu nhân dân lao động, giai cấp công nhân ở các nước tư bản chủ nghĩa. Năm 1924 Nguyễn Ai Quốc viết “Vậy là dù màu da có khác nhau,  trên đời này chỉ có hai giống người : Giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Chỉ có một tình hữu ái là thực mà thôi :tình hữu ái vô sản ” (7). Những hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đặt những nền móng đầu tiên cho sự đoàn kết chiến đấu của nhân dân các nước thuộc địa Á-Phi, của nhân dân Việt Nam với các nước trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 91)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn