Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 8)

PGS TS Cao Văn Liên

02/11/2023 06:03

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu với bạn đọc tiểu sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.

 Kỳ 8

Còn phải kể đến phong trào công nhân và nhân dân lao động các nước tư bản đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ. Kết quả phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc giành được thắng lợi to lớn. Từ những năm 40 đến những năm 60 của thế kỷ XX, từng cơn bão táp cách mạng lan từ châu Á đến châu Phi làm sụp đổ tan tành hệ thống thuộc địa cũ của chủ nghĩa đế quốc. Hàng trăm quốc gia độc lập mới ra đời làm thay đổi bộ mặt thế giới, góp phần vào tiến trình lịch sử nhân loại. Nhưng những năm 80 đến những năm 90 thế kỷ XX chủ nghĩa xã hội thế giới lún sâu vào cuộc khủng hoảng toàn diện. Nhân cơ hội đó, những lực lượng đối lập với chủ nghĩa xã hội chống phá kịch liệt. Chủ nghĩa xã hội Đông Âu sụp đổ vào các năm 80 và đến năm 1991 đến lượt Liên Xô tan rã. Các nước xã hội chủ nghĩa xã hội còn lại ở châu Á, để thoát khỏi khủng hoảng, đang ra sức đổi mới, điều chỉnh, quay về với chính học thuyết của Lênin về một chế độ xã hội chủ nghĩa kinh tế hàng hoá thị trường để tồn tại và phát triển.

           Đại chiến thế giới thứ hai kết thúc, lịch sử chủ nghĩa tư bản bước sang một giai đoạn mới. Có thể thấy được từ thế kỷ XI đến trước cuộc cách mạng tư sản Anh 1640 chủ nghĩa tư bản ra đời trong lòng xã hội phong kiến Tây Âu. Từ năm 1640 đến năm 1870 là thời kỳ đấu tranh lật đổ chế độ phong kiến xác lập chủ nghĩa tư bản, thời kỳ bùng nổ các cuộc cách mạng chính trị và cách mạng kinh tế, thời kỳ chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh. Từ năm 1870 đến nay, chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Trong giai đoạn này từ năm 1870 đến năm 1945 là thời kỳ chủ nghĩa tư bản độc quyền, từ năm 1945 đến nay chủ nghĩa tư bản chuyến sang giai đoạn chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước, tức là chủ nghĩa tư bản hiện đại. Chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước là sự kết hợp các công ty độc quyền với nhà nước để tạo nên sức nạnh tổng hợp của kinh tế với quyền lực chính trị nhằm đáp ứng với nhu cầu thực tế khách quan đặt ra sau đại chiến thế giới thứ hai. Đó là phải có sức mạnh đối phó với chủ nghĩa xã hội, đàn áp phong trào giải phóng dân tộc đang dâng lên như bão táp, để cạnh tranh với các đế quốc khác ngày càng quyết liệt khi hệ thống thuộc địa ngày một thu hẹp dần. Cách mạng khoa học công nghệ hiện đại đã tạo ra một lực lượng sản xuất khổng lồ vượt quá tầm tư hữu tư nhân, các dự án chi phí lớn. Tất cả đều phải mượn bàn tay của nhà nước can thiệp. Nhà nước tư sản thời kỳ cạnh tranh tự do chỉ là kẻ bảo vệ tài sản, đóng vai trò trọng tài điều tiết xã hội thì bây giờ nhà nước cũng sở hữu tư liệu sản xuất. Tuy nhiên sự sở hữu này vẫn là của các tập đoàn độc quyền tư nhân của tư bản dưới hình thức nhà nước mà thôi. Thời chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh, chính khách và nhà kinh doanh là hai con người khác nhau, thời chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước, chính khách và tỉ phú có thể là một, tổng thống là tỉ phú, bộ trưởng là tỉ phú, nghị sĩ là tỉ phú, thủ tướng có thể là tỉ phú. Nhìn chung nhà nước tư sản sau 1945 đã can thiệp, điều tiết kinh tế để bảo đảm quyền lợi cho chủ nghĩa tư bản độc quyền. Chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước không chỉ biểu hiện ở mỗi con người tỉ phú là nhà chính trị mà còn biểu hiện trong bộ máy nhà nước, trong bộ máy kinh tế ở mỗi nước tư bản. Nó không chỉ xuất hiện ở mỗi quốc gia mà còn trên bình diện quốc tế và các quan hệ chính trị, kinh tế trên toàn thế giới. Trước sau chủ nghĩa tư bản vẫn là một lực lượng quốc tế.

           Sau năm 1945, nhân loại sống trong thế giới hai cực Ian ta. Đó là xét ở yếu tố đối lập và cân bằng về chính trị, quân sự giữa chủ nghĩa xã hội do Liên Xô đứng đầu và phe chủ nghĩa tư bản do Mỹ đứng đầu. Thực ra trên bình diện kinh tế khi Tây Âu và Nhật Bản đã hàn gắn xong vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế với tốc độ chóng mặt thần kỳ, nhất là vào những năm 60 của thế kỷ XX thì nền kinh tế tài chính thế giới đã có 4 trung tâm: Liên Xô, Tây Âu, Nhật Bản và Mỹ. Mỹ mất độc quyền trung tâm kinh tế tài chính duy nhất của thế giói tư bản. Mối quan hệ giữa cuộc chạy đua giữa hai siêu cường và 4 trung tâm kinh tế tài chính đã chi phối toàn bộ các mối quan hệ kinh tế chính trị trong suốt thời kỳ dài 4 thập kỷ.

           Sau khi Liên Xô và các nước chủ nghĩa xã hội ĐôngÂu không tồn tại, trật tự thế giới hai cực Ian ta sụp đổ, thế giới vẫn tồn tai 3 trung tâm kinh tế tài chính lớn nhất, nhưng về quân sự, chính trị gần như mất cân bằng trong mối quan hệ quốc tế. Với tổng sản phấm thu nhập quốc dân 1,6 vạn tỉ đô la năm, với sức mạnh quân sự to lớn, Mỹ tự cho mình là siêu cường duy nhất có thể thực hiện chính sách đối ngoại buộc thế giới và các đồng minh phải khuất phục, buộc tất cả các nguồn lợi phải chảy về Mỹ. Chính quyền Mỹ đã sử dụng vũ lực tấn công những chế độ mà Mỹ muốn tiêu diệt, uy hiếp và đe doạ các nước khác. Thế giới ngày nay đang đứng trước nguy cơ to lớn về những cuộc chiến tranh do Mỹ đã và sẽ tiến hành chống lại các quốc gia có chủ quyền, thứ hai là nguy cơ khủng bố quốc tế. Hai thảm họa lại phần nhiều bắt nguồn từ chính sách đối ngoại của Mỹ, một chính sách thiên vị và vũ lực.

           Song, lịch sử hiện đại không chỉ là những trang của áp bức bóc lột, của đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc, của chiến tranh xâm lược và chống xâm lược mà còn là những trang lịch sử sáng tạo và phát triển của trí thức, của nhân dân lao động để sáng tạo nên nền văn hoá thế giới. Sự lao động và sáng tao đã tạo nên những kỳ tích trong những bước phát triển của khoa học kỹ thuật mà vĩ đại nhất là cuộc cách mạng khoa học, công nghệ hiện đại. Cuộc cách mạng này đang diễn ra và ngày càng sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực như lý thuyết của các ngành khoa học cơ bản, những ngành khoa học mới ra đời (vũ trụ, du lịch vũ trụ, điều khiển học), tìm ra những nguồn năng lượng mới (hạt nhân, nguyên tử, gió, mặt trời), sáng tạo ra những chất mới không có trong tự nhiên vừa nhẹ vừa có độ bền vững cao (pôlime, cáp quang), chế tạo ra những công cụ mới có hiệu quả lao động thần kỳ và huyền diệu (vi tính, rô bốt làm được nhiều chức năng). Cách mạng khoa học công nghệ cũng diễn ra trong viễn thông, trong sinh học, trong giao thông vận tải, trong nông nghiệp đã mang lại nhiều thành tựu to lớn, mang lại nhiều biến đổi to lớn trong đời sống kinh tế xã hội loài người. Cách mạng đã làm biến đổi công nghệ quy trình sản xuất, tạo ra một lực lượng sản xuất đồ sộ, hiệu quả, năng suất và chính xác.

              (Còn nữa)

           CVL

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 8)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn