Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 24)

PGS TS Cao Văn Liên

19/11/2023 06:05

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành

Kỳ 24

Nhưng ở Tây Âu khi xây dựng được quốc gia phong kiến thống nhất tập quyền thì chế độ phong kiến đã bước sang giai đoạn suy tàn, khác với châu Á khi thống nhất đất nước xây dựng được chính quyền trung ương tập quyền là lúc chế độ phong kiến hùng mạnh. Sự suy yếu của chế độ phong kiến Tây Âu biểu hiện ở cơ sở của nó, nền kinh tế nông nghiệp tự nhiên đang bị kinh tế hàng hoá tư bản chủ nghĩa tàn phá, cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch đi lên không có lợi cho kinh tế phong kiến. Văn hoá giáo hội phong kiến đang bị tư tưởng văn hoá của giai cấp tư sản tấn công, biểu hiện rõ nét là phong trào văn hoá Phục Hưng ở Tây Âu kéo dài suốt thế kỷ XV, XVI, XVII. Văn hoá Phục Hưng đề cao chủ nghĩa nhân văn, đòi tự do cho con người. Sự tiến bộ của khoa học tự nhiên, đặc biệt là thiên văn học đã giáng những đòn chí mạng vào hệ thống tư tưởng phong kiến giáo hội mà đại diện là nhà thờ Thiên Chúa giáo. Khi giai cấp phong kiến ngày càng suy yếu phản động thì nó phải đối mặt với kẻ thù giai cấp là giai cấp tư sản giàu có về kinh tế, tiên tiến về tư tưởng, chính trị. Sau lưng tư sản là một đội quân hùng hậu nông dân, thợ thủ công, thị dân, những lực lượng đông đảo nhất trong xã hội sẵn sàng chiến đấu dưới ngọn cờ tư sản để lật đổ chế độ phong kiến. Cuối cùng là cơ cấu chính trị của chế độ phong kiến tập quyền Tây Âu khi thống nhất được quốc gia không còn đơn thuần là cơ cấu chính trị phong kiến. Các thành thị đấu tranh giành được quyền tự trị, thành lập bộ máy hành chính hoàn toàn khác với chính trị phong kiến. Đó là những mầm mống của các nhà nước cộng hoà tư sản trong tương lai.

           Những nhân tố kinh tế văn hoá của xã hội tư bản chủ nghĩa ngày càng lớn mạnh trong lòng xã hội phong kiến tạo nên mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất tiên tiến tư sản với quan hệ sản xuất phong kiến lỗi thời kìm hãm nó. Mâu thuẫn cơ bản này biểu hiện thành mâu thuẫn xã hội, mâu thuẫn giai cấp giữa giai cấp tư sản, nông dân, thị dân với giai cấp phong kiến quý tộc. Giai cấp tư sản đã lãnh đạo nhân dân tiến hành cách mạng tư sản lật đổ chế độ phong kiến, thành lập các nhà nước tư sản. Như vậy, chế độ phong kiến Tây Âu ra đời muộn nhưng bị cách mạng tư sản sớm lật đổ. Tây Âu lạc hậu sớm trở thành những cường quốc tư bản chủ nghĩa tiên tiến. Điều này cắt nghĩa vì sao Tây Âu có những bước đi nhanh hơn lịch sử châu Á và các châu lục khác.

           Cách mạng tư sản Hà Lan năm 1566-1609 lật đổ ách thống trị thuộc địa phong kiến Tây Ban Nha, Hà Lan trở thành quốc gia tư sản độc lập đầu tiên ở châu Âu và trên thế giới. Cách mạng tư sản Hà Lan như cánh chim báo hiệu một thời đại mới bắt đầu, thời đại của cách mạng tư sản. Cách mạng tư sản Anh năm 1640-1688 lật đổ chế độ phong kiến chuyên chế của dòng họ Stua, kết thúc thời kỳ trung đại, mở ra thời kỳ lịch sử cận đại thế giới, một thời đại mới mà nội dung là quá độ từ chế độ phong kiến sang chủ nghĩa tư bản, trong đó diễn ra cuộc đấu tranh giai cấp xem ai thắng ai giữa phong kiến với tư sản trên phạm vi toàn thế giới. Cách mạng tư sản Mỹ đã lật đổ ách thống trị phong kiến thuộc địa của Anh, mở rộng quy mô chiến thắng của chủ nghĩa tư bản sang một châu lục mới. Đại cách mạng tư sản pháp năm 1789-1794 là cuộc cách mạng tư sản triệt để nhất trong phạm trù cách mạng tư sản, lật đổ chế độ chuyên quyền độc đoán của dòng họ Buốc Bông, giáng đòn chí mạng vào chế độ phong kiến châu Âu và thế giới, đẩy chế độ này vào sự diệt vong không thể tránh khỏi, đặt cơ sở vững chắc cho sự chiến thắng của chủ nghĩa tư bản thế giới không thể đảo ngược được. Các nhà tư tưởng của cách mạng Pháp đã nêu lên lý tưởng tự do, bình đẳng, bác ái trên lá cờ cách mạng của mình như ánh sáng soi rọi vào “đêm trường trung cổ”, thúc đẩy nhân dân châu Âu và nhân dân các châu lục khác đứng dậy đập tan xã hội độc tài chuyên chế, giành quyền của con người, quyền của công dân.

           Ngoài những cuộc cách mạng trực diện tấn công lật đổ chế độ phong kiến, cải cách nông nô ở Nga năm 1861, cuộc đấu tranh thống nhất nước Ý năm 1861, đấu tranh thống nhất nước Đức năm 1870, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Mỹ La Tinh lật đổ ách thống trị phong kiến Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha năm 1820 đến năm 1830. Tất cả đều nằm trong phạm trù của cách mạng tư sản, mang tính chất tư sản tấn công vào chế độ phong kiến để xác lập chủ nghĩa tư bản trên phạm vi toàn thế giới.

           Cùng với cách mạng chính trị, giai cấp tư sản cầm quyền các nước Tây Âu đã tiến hành cách mạng kinh tế, cách mạng công nghiệp, còn gọi là công nghiệp hoá tư bản chủ nghĩa. Cách mạng công nghiệp mà trọng tâm là việc áp dụng máy hơi nước vào trong các ngành sản xuất, giao thông vận tải đã đưa lao động thủ công sang lao động máy móc, cơ giới hoá. Với việc phát minh ra điện nửa sau thế kỷ XIX đưa lao động sản xuất sang tự động hoá. Công nghiệp hóa, tự động hoá tạo nên một lực lượng sản xuất khổng lồ với năng suất lao động cao gấp hàng trăm lần so với tất cả các thời đại trước, đặt nền tảng vững chắc cho sự chiến thắng của chủ nghĩa tư bản đối với phong kiến là xu thế không thể đảo ngược được. Như Lênin viết: Suy cho đến cùng, sự chiến thắng của một chế độ này đối với một chế độ khác là ở chế độ nào tạo ra năng suất lao động cao hơn. Cách mạng công nghiệp biến đổi sâu sắc hoàn toàn về chất đời sống kinh tế xã hội phương Tây, chuyển loài người từ nền văn minh nông nghiệp sang nền văn minh công nghiệp. Đô thị, xí nghiệp, nhà máy châu Âu phát triển bành trướng chưa từng có. Nông nghiệp được cơ giới hoá. Giai cấp vô sản đại công nghiệp cơ khí ra đời. Cho đến những năm cuối cùng của thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản được xác lập thành một hệ thống kinh tế, chính trị thế giới thay thế cho chế độ phong kiến. Đó là một bước tiến phi thường trong lịch sử nhân loại và châu Âu.

           Cùng với sự ra đời của chủ nghĩa tư bản, một nền văn hoá cận đại tư sản cũng ra đời. Công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa làm cơ sở cho văn hoá khoa học phát triển và ngược lại sự ra đời phát triển của khoa học thời kỳ này cũng nhằm giải quyết những vấn đề mà cuộc cách mạng kinh tế đang đặt ra, đáp ứng đòi hỏi của cách mạng kinh tế. Thế kỷ XIX châu Âu là quê hương nhiều học thuyết lớn: Định luật vạn vật hấp dẫn của Niu tơn (Anh), nhà bác học Nga Lô Mô Nô Xốp đưa ra định luật bảo toàn chuyển hóa năng lượng; nhà sinh vật học Anh Đác Uyn có học thuyết tiến hoá của các giống loài.

           (Còn nữa)

            CVL

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 24)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn