Một số giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động đồng bào các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

Trương Văn Hà

12/10/2023 15:23

Theo dõi trên

Quảng Bình có 02 tôn giáo đã được công nhận là Công giáo và Phật giáo. Công giáo hiện có 113.363 tín đồ, chiếm khoảng 12% dân số toàn tỉnh, sinh sống ở 62 xã, phường, thị trấn của 06 huyện, thành phố, thị xã. Phật giáo có khoảng 4.800 tín đồ, chiếm khoảng 0,35% dân số toàn tỉnh, sinh sống xen kẽ ở 42 xã, phường, thị trấn, phần lớn tu tại gia. Trong những năm qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã chú trọng làm tốt công tác dân vận ở vùng đồng bào có tôn giáo, gắn với tiếp tục thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo trong tình hình mới, góp phần ổn định tình hình tôn giáo.

cong-trinh-anh-sang-vung-bien-1697098924.png

Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, huyện Quảng Trạch và Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình bàn giao Công trình “Ánh sáng vùng biên” cho thôn Công giáo Xuân Hải, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch

 

Những kết quả đáng ghi nhận

Các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã quán triệt và nâng cao nhận thức vấn đề cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng; kịp thời phân công các cơ quan, đơn vị phụ trách, giúp đỡ các địa bàn có tôn giáo còn gặp khó khăn. Các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị đã vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về: “Tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết” và thực hiện lời dạy của Bác về trách nhiệm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào có tôn giáo, từ đó, đồng sức, đồng lòng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống mọi mặt cho đồng bào có tôn giáo.

Hằng năm, chính quyền các cấp đã quan tâm lồng ghép nội dung, nhiệm vụ công tác tôn giáo gắn với các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng có đông tín đồ các tôn giáo trong quá trình xây dựng, triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội; đầu tư, hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và dân sinh.

Tiêu biểu, tỉnh đã tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình đánh bắt xa bờ, phát triển kinh tế biển (các địa bàn Công giáo ở Quảng Phúc, Quảng Thọ, Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn; Quảng Phú, Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch,...); phát triển kinh tế gò đồi, kinh tế vườn - rừng, trang trại tổng hợp,...(các địa bàn Công giáo ở Phong Nha, Liên Trạch, Hưng Trạch,...huyện Bố Trạch); các mô hình đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (các thôn Công giáo toàn tòng ở Quảng Xuân, Quảng Phú, huyện Quảng Trạch; Quảng Phúc, Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn; Phúc Trạch, Thanh Trạch, huyện Bố Trạch); mô hình dịch vụ chạy thuyền vận chuyển khách du lịch và chụp ảnh tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng của giáo dân ở Phong Nha, huyện Bố Trạch,...

Đến nay đời sống mọi mặt của đồng bào có tôn giáo ngày càng được nâng lên đáng kể. Nhiều địa bàn có đông đồng bào Công giáo đã trở thành điển hình trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Tại các địa bàn, có 100% gia đình đồng bào theo các tôn giáo có phương tiện nghe nhìn, đa số các hộ dân được sử dụng nước sạch trong sinh hoạt; tỷ lệ học sinh đến trường nhiều nơi đạt gần 100%. Tỷ lệ hộ giàu, hộ khá ngày càng tăng, hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm đáng kể. Nhiều địa bàn có đông đồng bào Công giáo đã trở thành điển hình trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thi văn minh (như các thôn, tổ dân phố Tân Mỹ, Đan Sa-Quảng Phúc, Tân Phong-Quảng Phong, thị xã Ba Đồn; Xuân Hòa-Quảng Xuân, Xuân Hải-Quảng Phú, huyện Quảng Trạch; Thanh Hải-Thanh Trạch, Troóc- Phúc Trạch,huyện Bố Trạch,...).

Trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, tỉnh đã giải quyết kịp thời các nhu cầu chính đáng của các tổ chức, cá nhân có tôn giáo theo quy định của pháp luật, phù hợp với đặc điểm, tình hình trên địa bàn, tạo sự đồng thuận xã hội. Đến nay, tỉnh đã cấp 165 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức tôn giáo trực thuộc, với tổng diện tích 604.523m2, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của Nhân dân. Công tác gặp gỡ chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo được lãnh đạo tỉnh và các cấp, các ngành quan tâm thực hiện (kịp thời động viên, thăm hỏi trong các dịp Tết Nguyên đán và lễ trọng các tôn giáo; tặng quà, hỗ trợ khắc phục hậu quả do thiên tai, lũ lụt gây ra).

Các cấp, các ngành đã đẩy mạnh các phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở địa bàn có tôn giáo, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Những năm qua, có 76 mô hình “Dân vận khéo” trong lĩnh vực đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường được xây dựng, phát huy hiệu quả (như các mô hình “Xứ, họ đạo bình yên, gia đình hòa thuận”, “Ánh sáng an ninh”, “Tiếng kẻng an ninh”, “Bảo vệ môi trường”,...). Mặt trận, các đoàn thể chính trị-xã hội đã tập trung hướng về cơ sở, quan tâm bố trí nhiều chương trình hoạt động về địa bàn có tôn giáo để đoàn kết, tập hợp, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã duy trì 57 mô hình trong phong trào "Người Công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"; xây dựng 38 khu dân cư vùng có tôn giáo đạt danh hiệu làng văn hóa.

Tình cảm, tinh thần đoàn kết giữa đồng bào có tôn giáo với đồng bào không có tôn giáo, giữa đồng bào theo các tôn giáo khác nhau trên địa bàn tỉnh ngày càng được củng cố, phát huy. Trong đó, biểu hiện rõ nhất, sâu đậm nhất là tinh thần tương thân tương ái của đồng bào các tôn giáo ngày càng được khẳng địng trong các đợt Nhân dân tỉnh nhà bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt gây ra. Đặc biệt, trong trận lũ lịch sử tháng 10/2020, dưới sự vận động, tập hợp của Mặt trận các cấp, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, các cơ sở Phật giáo, nhiều giáo xứ, giáo họ Công giáo đã tổ chức hàng trăm lượt chuyến cứu trợ, giúp đỡ đồng bào các địa bàn trong tỉnh hàng chục tỷ đồng để khắc phục thiệt hại do lũ lụt gây ra, sớm ổn định sản xuất và đời sống. Đồng bào các tôn giáo cũng đã đóng góp trên 1 tỷ đồng, đoàn kết, đồng hành với các cấp, các ngành trong tỉnh thâm gia làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19,...

Nhờ làm tốt công tác dân vận ở các vùng đồng bào có tôn giáo, những năm qua, tình hình tôn giáo trên địa bàn tỉnh nhìn chung ổn định, các hoạt động tôn giáo cơ bản diễn ra bình thường, đúng quy định của pháp luật. Phần lớn chức sắc, tín đồ các tôn giáo chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở địa phương.

cong-trinh-anh-sang-vung-bien1-1697098924.png

Hạt Kiểm lâm trực thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng phối hợp

với Giáo xứ Bàu Sen, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch xây dựng mô hình

“Dân vận khéo” về bảo vệ rừng và môi trường

 

Một số giải pháp trọng tâm

Trong thời gian tới, để tiếp tục làm tốt công tác vận động đồng bào các tôn giáo, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp trọng tâm sau đây:

Một là, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo, góp phần vận động, đoàn kết đồng bào các tôn giáo đoàn kết, tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh và của các địa phương, góp phần quan trọng cùng với Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà xây dựng Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung bộ, như mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.

Hai là, vận động đồng bào tôn giáo chủ động và tích cực thực hiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho Nhân dân, trong đó có đồng bào các tôn giáo. Thông qua triển khai các chư­ơng trình phát triển kinh tế - xã hội nhằm giúp cho đồng bào hiểu và chủ động thực hiện các chương trình, dự án, mô hình,... phát triển kinh tế - xã hội cụ thể như xóa đói giảm nghèo; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, các mô hình sản xuất, kinh doanh để áp dụng vào phát triển kinh tế gia đình, địa phương, nhằm góp phần nâng cao đời sống mọi mặt cho Nhân dân. Động viên, khuyết khích đồng bào tôn giáo tham gia tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở từng địa phương, cơ sở.

Kịp thời nắm bắt những vấn đề bức xúc nảy sinh trong cộng đồng tôn giáo để có biện pháp giải quyết phù hợp, quan tâm giải quyết những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp, nhất là trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của chức sắc, tín đồ theo quy định của pháp luật.

Ba là, vận động đồng bào các tôn giáo tham gia các phong trào thi đua yêu nước,  gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Tập trung vận động chức sắc, nhà tu hành, chức việc, tín đồ các tôn giáo tham gia các phong trào trào thi đua yêu nước của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các tổ chức xã hội như: phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đạo, đẹp đời”, “Xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến”, “Phong trào giữ gìn an ninh, trật tự”; “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu”; xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước làng xã, thôn xóm văn hoá và gia đình văn hoá...

Vận động chức sắc, chức việc, tín đồ các tổ chức tôn giáo tham gia tích cực các hoạt động từ thiện, nhân đạo; phát huy truyền thốnglá lành đùm lá rách”, giúp đỡ người tàn tật, trẻ mồ côi, cơ nhỡ, các gia đình khó khăn, gặp thiên tai, hoạn nạn, người già cô đơn không nơi nương tựa; tham gia tích cực các phong trào “đền ơn, đáp nghĩa”, “vì người nghèo”... thực hiện tốt chính sách của Đảng, Nhà nước, đề cao đạo lý của dân tộc đối với những người có công với Tổ quốc, với Nhân dân.

Bốn là, vận động để đồng bào các tôn giáo chủ động và tích cực tham gia hiệu quả quản lý nhà nư­ớc về tôn giáo. Thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo, để đồng bào các tôn giáo chủ động hoạt động và hoạt động có hiệu quả trong khuôn khổ của pháp luật. Trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, tiếp tục tâm tạo điều kiện thuận lợi cho cho đồng bào các tôn giáo nắm vững pháp luật, nhất là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, các tổ chức tôn giáo hoạt động, sinh hoạt tôn giáo theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, đúng pháp luật. Quan tâm cải cách thủ tục hành chính, giáo dục đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm với công việc cho đội ngũ cán bộ chính quyền các cấp.

Thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để quan tâm giải quyết, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng của chức sắc, tín đồ; kịp thời giải quyết, xử lý những vấn đề phát sinh, các vi phạm pháp luật trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo thông qua vận động, thuyết phục để quần chúng tín đồ hiểu và thấy được đúng, sai, tự sửa chữa, khắc phục. Biểu dương, khen thưởng kịp thời những nhân tố tích cực, gương người tốt, việc tốt; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Vận động quần chúng tham gia đấu tranh, giáo dục với những người có hành vi vi phạm quyền tự do tín ngư­ỡng, tôn giáo của công dân; lợi dụng tôn giáo để lôi kéo quần chúng tín đồ gây rối trật tự trị an, đòi hỏi những điều mà luật pháp không cho phép; lợi dụng tôn giáo để hoạt động chống đối Đảng, Nhà nước và chế độ.

Năm, tập trung vận động phát huy những người có uy tín, tích cực trong tôn giáo, từ đó làm nòng cốt để nâng cao hiệu quả công tác vận động đồng bào các tôn giáo. Tuyên truyền, vận động đồng bào các tôn giáo thực hiện hoạt động tôn giáo theo tinh thần nhập thế, kết hợp thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội,  các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động theo phương châm “lợi đạo ích đời”. Thông qua hoạt động tôn giáo kết hợp với các phong trào hoạt động xã hội, phát hiện những điển hình tiêu biểu trong chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo. Những tấm gương tiêu biểu đó là đại diện điển hình của hoạt động tôn giáo nhập thế, đồng thời là nhân tố tích cực giúp cho công tác vận động đồng bào tôn giáo thuận lợi hơn. Mặt khác từ những nhân tố tích cực đó mà bồi dưỡng, đào tạo, giới thiệu những người có uy tín tham gia các cơ quan dân cử: Hội đồng nhân dân, ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, ban chấp hành đoàn thể các cấp để tăng thêm sức thu hút của các tổ chức chính trị - xã hội với đồng bào tôn giáo.

Thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, động viên chức sắc, tín đồ, tổ chức tôn giáo, nhân các ngày lễ trọng của các tôn giáo; xây dựng mối quan hệ thân thiện giữa chính quyền với chức sắc và các tổ chức giáo hội.