Lý Thường Kiệt và bản tuyên ngôn độc lập “Sông núi nước Nam”

Đào Thị Thu Hiền*

05/10/2023 09:32

Theo dõi trên

Bài thơ “Nam quốc sơn hà” (Sông núi nước Nam) được sáng tác bằng chữ Hán, làm theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt có giọng điệu hùng hồn, dõng dạc, đanh thép, trang nghiêm. Bài thơ được coi là bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của dân tộc.

       

ly-thuong-kiet-1696473064.jfif
 

          Bài thơ được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc. Tác giả bài thơ nói chính xác hiện chưa rõ là ai. Tuy nhiên, từ lâu tương truyền trong dân gian cũng như một số tài liệu trên sách báo cũng như sách giáo khoa trong nhà trường mọi người đều mặc nhận bài thơ là của Lý Thường Kiệt. Trong bài viết này chúng tôi coi tác giả bài thơ theo tương truyền trong dân gian để tìm hiểu và phân tích.

Lý Thường Kiệt (1019 – 1105) tên thật là Ngô Tuấn, người làng An Xá huyện Quảng Đức (nay là Cơ Xá huyện Gia Lâm thành phố Hà Nội).  Thời trẻ ông rất thông minh, chăm đọc sách binh thư và luyện tập võ nghệ. Năm 1069 ông theo vua Lý Thánh Tông đi đánh Champa và lập được nhiều công lớn. Thắng trận trở về ông được phong Thái úy, tước Khai Quốc công và ban quốc tính. Nhân lúc vua Lý Thánh Tông mất, nhà Tống ráo riết chuẩn bị xâm lược nước ta. Thái Hậu Ỷ Lan giao cho ông tổ chức quân đội chuẩn bị kháng chiến bảo vệ tổ quốc. Với chủ trương “Ngồi yên đợi giặc sao bằng đem quân đánh trước để chặn mũi nhọn của giặc”. Năm 1075, ông đem quân tiến về phương bắc theo hai hướng bắc và đông bắc để đánh phủ đầu nhà Tống. Khi quân đi qua Quảng Đông – Trung Quốc (châu Khâm và châu Liêm) Lý Thường Kiệt cho dán các tờ “lộ bố”, nói rõ mục tiêu của cuộc hành quân là cứu giúp dân Hoa Nam khỏi họa “Thanh miêu”, “Trợ dịch”, đập tan sự chuẩn bị xâm lược Đại Việt của nhà Tống. Quân của Lý Thường Kiệt từ hai phía bao vây thành Ung Châu, nơi tập trung quân của nhà Tống. Sau khi phá hết kho tàng vũ khí, lương thảo ông đã cho rút quân về nước. Năm 1077, vua Tống sai Quách Quỳ và Triệu Tiết đem hơn ba mươi vạn quân theo hai đường thủy bộ kéo sang xâm lược nước ta. Lý Thường Kiệt một mặt cho quân giữ chặt chiến tuyến Như Nguyệt, mặt khác lại cho quân phục kích ở vùng sông Bạch Đằng. Kết quả của cuộc hành quân này là quân Tống mười phần bị tiêu diệt mất bảy, sau đó phải giảng hòa và rút hết quân về nước. Lý Thường Kiệt là một tướng tài, một người chỉ huy kiệt xuất, anh hùng của cuộc kháng chiến chống quân Tống. Sau cuộc kháng chiến chống Tống, Lý Thường Kiệt được vua Lý Nhân Tông nhận là “Thiên Tử nghĩa đệ” (em nuôi vua) và cử vào trông coi vùng đất Ái Châu (Thanh Hóa). Năm 1014, khi 85 tuổi ông vẫn cầm quân đánh tan những cuộc xâm lấn của Champa. Mùa hè 1105 ông mất vua Lý vô cùng thương tiếc truy ông chức Kiểm hiệu Thái úy Bình chương quân quốc trọng sự, tước Việt Quốc Công.

            Bài thơ “Nam Quốc sơn hà” được ra đời trong hoàn cảnh nhà Tống âm mưu xâm lược nước ta. Năm 1077, Quách Quỳ và Triệu Tiết đem hơn ba mươi vạn quân ồ ạt chia làm hai đường thủy, bộ kéo sang xâm lược Đại Việt. Thừa lệnh vua Lý Nhân Tông, Lý Thường Kiệt chia quân làm hai ngả chặn đánh kẻ thù ở phòng tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu, vùng huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh) và vùng sông Bạch Đằng. Tương truyền đêm đến, Lý Thường Kiệt cho người đem bài thơ vào đền thờ hai anh em Trương Hống, Trương Hát (hai vị tướng tài giỏi của Triệu Quang Phục đã hi sinh vì nước và được nhân dân tôn là thần sông Như nguyệt) để ngâm, ý nói là thần linh phù hộ quân ta. Đêm đêm quân ta và quân giặc đều nghe được bài thơ. Quân giặc thì hoang mang lo sợ, quân ta thì phấn chấn, tự tin. Trên thực tế bài thơ đã tạo một tâm lý được thần linh phù trợ và khích lệ tinh thần quân sĩ Đại Việt để góp phần không nhỏ đánh bại quân Tống xâm lược.

            “Nam quốc sơn hà” là bài thơ ban đầu vốn không có nhan đề. Sở dĩ bài thơ có tên gọi là “Nam quốc sơn hà” như bây giờ là do tác giả biên soạn “Hợp tuyển Văn học Việt Nam, tập hai” (Nhà xuất bản Văn học năm 1976) lấy từ bốn chữ đầu tiên của bài thơ để đặt tên bài thơ. Bài thơ “Nam quốc sơn hà” (Sông núi nước Nam) được sáng tác bằng chữ Hán, làm theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt có giọng điệu hùng hồn, dõng dạc, đanh thép, trang nghiêm. Bài thơ được coi là bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của dân tộc. Nó khẳng định chủ quyền về lãnh thổ của đất nước đồng thời cũng nêu cao ý chí, sức mạnh và quyết tâm đánh bại mọi kẻ thù xâm lược để giữ vững chủ quyền ấy của ông cha ta.

            Mở đầu bài thơ (câu khởi) Lý Thường Kiệt đưa ra một chân lí, một sự thật “hiển nhiên và đơn giản” mà ai cũng có thể thấy được: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” (Sông núi nước Nam vua Nam ở). Cái sự thực hiển nhiên, rõ ràng tưởng như vô cùng đơn giản ấy với đất nước ta lúc bấy giờ lại là một điều rất khó khăn. Để giành được cái quyền ở trên đất của mình ấy dân tộc ta đã phải đứng lên đánh đuổi quân xâm lược Trung Hoa trong suốt gần một nghìn năm Bắc thuộc và gần 150 năm sau kể từ khi Ngô Quyền đại thắng quân xâm lược nhà Hán trên sông Bạch Đằng, năm 938. Phải đặt bài thơ trong bối cảnh đó ta mới thấy được sự quí giá, thiêng liêng của cái chân lí “hiển nhiên và đơn giản” ấy. “Quốc” là “nước” nhưng bọn phong kiến phương Bắc chỉ dùng từ này để gọi đất nước của bọn chúng mà thôi còn với nước ta chúng chỉ coi là quận, huyện của “Bắc quốc”. Cũng tư tưởng ấy vua Trung Hoa tự coi mình là “Hoàng đế”, cho mình cái quyền làm vua của các vị vua. Bởi vậy vua của đất nước Trung Hoa mới được gọi là “đế” (Hoàng đế) còn vua của Việt Nam chỉ được gọi là “vương”, vương là vua của nước chư hầu và do Hoàng đế Trung Hoa phong cho (chúng phong cho Đinh Bộ Lĩnh tước Giao Chỉ quận vương hoặc sau này phong tước cho Lý Anh Tông là An Nam quốc vương …). Tuy nhiên đến thời kì này, với sự lớn dậy mạnh mẽ của dân tộc Đại Việt về mọi mặt, với sức mạnh của một người vừa dạy cho kẻ thù một bài học (sự kiện Đại Việt vừa đem quân đánh phủ đầu nhà Tống tới tận Quảng Đông) Lý Thường Kiệt đã đủ tự tin, vững vàng để dõng dạc tuyên bố về sự bình đẳng cũng như độc lập chủ quyền của đất nước Đại Việt với Tống triều. Lý Thường Kiệt xưng “Nam quốc” là để khẳng định sự ngang hàng với “Bắc quốc”, “Nam đế” là sự khẳng định ngang hàng với “Bắc đế”. Với sự khẳng định về sự bình đẳng dân tộc này Lý Thường Kiệt đã thể hiện đầy đủ về ý thức quốc gia, thể hiện một chiều sâu về nhận thức: nước Việt Nam vua Việt Nam ở, vua Việt Nam cũng có nghĩa là nhân dân Việt Nam (theo quan niệm thời phong kiến thì vua là tiêu biểu cho dân tộc, cho nhân dân; là người đại diện cho dân tộc, cho nhân dân). Nhận thức này của Lý Thường Kiệt sau này tiếp tục được Nguyễn Trãi kế thừa để tuyên bố về độc lập chủ quyền của đất nước với nhà Minh trong “Bình Ngô đại cáo”: “Việt Triệu, Đinh, Lý, Trần chi triệu tạo ngã quốc/ Dữ Hán, Đường, Tống, Nguyên nhi các đế nhất phương” (Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần, bao đời gây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên xưng đế một phương).

            Câu thơ thứ hai (câu thừa) tiếp tục triển khai, hợp pháp hóa, cụ thể hóa ý của câu thơ thứ nhất: “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư” (Vằng vặc sách trời chia xứ sở). Ở trên, câu thơ thứ nhất nêu lên một chân lí thì trong câu thơ thứ hai, nhà thơ đã đưa ra cơ sở pháp lí của chân lí đó. “Tiệt” là cắt ra, chia ra; “tiệt nhiên” là chia ra rõ ràng như thế, không thể khác được; “định phận” là định phần, định phần nào ra phần ấy; “thiên thư” là sách trời. Như vậy nội dung câu thơ đã rõ: Sách trời đã phân định rõ ràng bờ cõi nước Nam. Như vậy là Lý Thường Kiệt đã chỉ ra cơ sở pháp lí của chủ quyền dân tộc theo quan điểm đương thời của Trung Hoa phong kiến. Cơ sở pháp lí này mang tính thần bí nhưng thực tế nó đã tồn tại trong sách thiên văn cổ của Trung Hoa và được con người nhiều thời đại tin theo. Theo quan niệm này thì đất đai trên mặt địa cầu đều ứng với mỗi vùng sao (tinh phận) ở trên trời. Sao trên trời chia vùng thì dưới mặt đất cũng nước nào cõi ấy. Đây là ý trời, sách trời đã chia; là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Cụ thể trong “Thiên quan thư” (Sử ký) của Tư Mã Thiên và nhiều sách khác có ghi vùng sao Dực, sao Chẩn ứng với vùng nước Nam (tức vùng Bách Việt). Câu thơ thứ hai là một sự vận dụng “luật pháp” khôn khéo của nhà thơ. Lý Thường Kiệt đã dùng “gậy ông đập lưng ông”, dùng thư tịch của người Trung Hoa để bác bỏ âm mưu xâm lược, bành trướng của hoàng đế Trung Hoa đương thời, đồng thời khẳng định bờ cõi lãnh thổ đất nước. Có thể nói cơ sở pháp lí này đã đưa ra được yếu tố cơ bản thứ ba (ranh giới lãnh thổ) để cùng với hai yếu tố (đất nước độc lập, con người bản địa làm chủ) nêu ở câu thơ thứ nhất góp phần hoàn thiện về khái niệm độc lập chủ quyền của đất nước và cũng là khẳng định chủ quyền độc lập của dân tộc. Đặt trong bối cảnh lịch sử cụ thể lúc đó, bài thơ đêm đêm được vang lên từ đền thờ Thần trên phòng tuyến sông Như Nguyệt hẳn đã có những tác động về mặt tâm lí đối với quân ta và quân địch. Nó khẳng định tính chất chính nghĩa và phi nghĩa của cuộc chiến với quân đội hai bên đang tham gia. Với ý nghĩa này thì quân dân Đại Việt với sức mạnh chính nghĩa sẽ sẵn sàng xông lên quyết tử cho tổ quốc quyết sinh còn với đội quân xâm lược nhà Tống hẳn sẽ không khỏi hoang mang, khiếp đảm bởi làm trái với đạo trời.

            Câu thơ thứ ba (câu chuyển): “Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm” (Giặc dữ cớ sao phạm đến đây). Đây là một câu nghi vấn. Lý Thường Kiệt hỏi trực tiếp kẻ thù. Câu hỏi này được bắt nguồn từ hai câu thơ ở trên, điều này cho thấy tư duy logic, nghệ thuật lập luận của tác giả bài thơ rất chặt chẽ, sắc xảo. Chân lí về độc lập chủ quyền dân tộc rất rõ ràng, được ghi ở “sách trời”. Chân lí ấy ai cũng biết và phải tôn trọng. Lẽ thường ấy không biết bọn giặc kia có biết hay không mà dám xâm phạm? Nghệ thuật lập luận như thế vừa không chỉ bộc lộ sự ngạc nhiên mà còn thể hiện sự coi thường, khinh bỉ. Nhà thơ ngạc nhiên là bởi quân tướng của “thiên triều”, của “hoàng đế” mà không biết gì về luật trời, dám cả gan vi phạm vào điều cấm của “sách trời”. Còn coi thường, khinh bỉ là bởi vì bọn giặc không chỉ tham lam (đi cướp đất của người khác) mà còn ngu xuẩn (bởi chúng cho mình là “hoàng đế”, tức là “thiên tử”, nghĩa là con trời, con trời nhưng lại làm trái lệnh trời). Có lẽ vì quá coi thường và khinh bỉ quân tướng Tống triều nên Lý Thường Kiệt mới gọi bọn chúng là “ngịch lỗ”, nghĩa là quân cướp phản nghịch chứ không chỉ gọi là giặc một cách chung chung. Cách gọi này đã thể hiện một sắc thái biểu cảm rất sâu sắc, hạ uy danh của quân tướng thiên triều một cách ghê gớm. Và ẩn đằng sau phát ngôn ấy, chúng ta cũng thấy được tư thế đường hoàng, một tầm cao vòi vòi của người hỏi. Người hỏi vừa thể hiện được bản lĩnh tự tin vừa tư thế làm chủ của mình, tư thế của người nắm được lẽ phải, hiểu biết về pháp luật. Câu hỏi của Lý Thường Kiệt đã dồn cho lũ giặc cướp kia vào cảnh danh không chính và ngôn không thuận. Bởi thế câu hỏi đó cũng chính là lời kết án đanh thép cho hành động xâm phạm phi đạo lí, thất nhân tâm gây chiến tranh phi nghĩa của quan quân Tống triều. Lời kết án ấy cũng chính là dấu hiệu báo trước những thất bại của bọn chúng ở câu thơ cuối.

            Câu thơ cuối (câu hợp): “Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” (Chúng mày nhất định phải tan vỡ) là lời cảnh báo, răn đe quân xâm lược. Lời cảnh báo này được Lý Thường Kiệt chỉ ra từ kết quả của những hành động “đại nghịch bất đạo” của quân Tống đối với nhân dân Đại Việt. Hành động đi ngược với lẽ trời ấy tất phải chuốc lấy những thất bại thảm hại. Có lẽ, ở đây Lý Thường Kiệt không chỉ đơn giản là mượn lời trời, lời thần để cảnh báo, răn đe quân xâm lược mà còn thể hiện một sức mạnh, một ý chí, một quyết tâm bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước Việt Nam. Phải chăng đây cũng chính là lời thề “sống chết bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của tổ quốc” (Trần Đình Sử). Đến đây chúng ta thấy chân lí về chủ quyền dân tộc không chỉ được khẳng định bằng sức mạnh của chính nghĩa mà còn được củng cố bằng sức mạnh yêu nước của con người. Đây chính là kết tinh đẹp đẽ nhất của tinh thần yêu nước Việt Nam, là truyền thống quí báu của dân tộc trong suốt trường kì lịch sử chống ngoại xâm. Bài thơ khép lại với một âm hưởng trang nghiêm, tràn đầy hùng khí gợi lên niềm tự hào sảng khoái, niềm tin tất thắng và sự trường tồn của đất nước Việt Nam.

            Bài thơ “Nam quốc sơn hà” (Sông núi nước Nam) có bốn câu ngắn gọn, từ ngữ chính xác, hoàn toàn bằng khẩu ngữ nhưng đã nêu lên chân lí “thiên kinh địa nghĩa”. Với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảm xúc yêu nước và nghệ thuật nghị luận sắc sảo, bài thơ đã trở thành một tuyên ngôn về độc lập của đất nước Việt Nam, về chủ quyền của dân tộc Việt Nam. Đặt vào thời điểm ra đời bài thơ đã thể hiện được tinh thần và sức mạnh của đất nước Đại Việt trong thời kì xây dựng quốc gia độc lập hồi thế kỉ XI.

_______________________________

*Trường THCS Nguyễn Văn Huyên, Hoài Đức, TP Hà Nội

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Lý Thường Kiệt và bản tuyên ngôn độc lập “Sông núi nước Nam”" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn