Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 12)

PGS TS Cao Văn Liên

04/04/2024 06:05

Theo dõi trên

Hướng tới kỷ niệm 49 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024), trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2023.

Kỳ 12

-A lô, đề nghị Trung tướng tăng viện cho Quảng Trị, Quảng Trị đang lâm nguy.

Ngô Quang Trưởng đáp:

-Trung tướng tự lo liệu đi, tại Huế cũng đang bị Cộng quân tấn công.

  Ngày 10 tháng 3 năm 1973, tại cao điểm 224, 273 Tiểu đoàn của Trung đoàn 1 và 54 của Sư đoàn 1 quân Sài Gòn bị Quân giải phóng tiêu diệt. Chi đoàn thiết giáp núi Nghệ bị Trung đoàn 1 (Sư đoàn 324) xóa sổ. Căn cứ Phổ Lại của Tiểu đoàn 130 bị Trung đoàn 4 Quân khu Trị-Thiên đập tan.

Ngày 13 tháng 3 năm 1975, Trung tướng Lâm Quang Thi gọi cho Liên đoàn 15 biệt động quân:

-A lô, Tôi trung tướng Lâm Quang Thi đây, tôi ra lệnh cho Liên đoàn phối hợp với Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 54), các Chi đoàn thiết giáp 27, 37 mở cuộc phản kích chiếm lại cao điểm 244.

-Tuân lệnh Trung tướng.

Sau 2 ngày giao chiến, Quân lực Việt Nam Cộng hòa bắn vào cao điểm 224 gần 8.000 quả đạn đại bác. Quân giải phóng cũng bắn lại chừng bằng ấy. Đạn như sấm sét, như bão lửa bao bọc lấy cao điểm, cuộc giao chiến vô cùng ác liệt, pháo nổ chớp lòe, xác lính Việt Nam Cộng hòa tan từng mảnh, bay lên không trung, máu đổ xương tan, thây người nằm ngổn ngang chồng chất trên cao điểm. Trên cao máy bay của Quân lực Sài Gòn cũng bay tới 60 phi vụ, đua nhau dội bom xuống.

Ngày 12 tháng 3 năm 1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu gọi cho Trung tướng Ngô Quang Trưởng:

-A lô, ngày mai mời Trung Tướng về Sài Gòn họp gấp.

-Tuân lệnh Tổng thống.

Tại dinh Độc Lập, sau khi nghe Tướng Trưởng báo cáo tình hình chiến sự Quân khu I, Nguyễn Văn Thiệu nói;

-Nay Mỹ đã cắt đứt viện trợ, chúng ta đã không đủ tài chính và vũ khí, quân lực để bảo vệ toàn bộ lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa, chúng ta phải co lại rút về giữ những vùng đất đông dân giàu có, vì thế tôi quyết định bỏ Quân khu I. Tôi ra lệnh rút Quân đoàn I khỏi phần lớn Quân khu I về phòng thủ thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam-Quảng Ngãi trở vào. Riêng Sư đoàn dù phải rút ngay về Sài Gòn để bảo vệ Quân khu Thủ đô. Trung tướng Ngô Quang Trưởng vô cùng kinh ngạc cho quyết định của Tổng thống, ông không tin vào tai mình, mãi một phút sau ông mới nói:

-Thưa Tổng thống, hiện nay dù đang giao chiến nhưng lực lượng tương quan Quân đoàn I của ta vẫn hầu như còn nguyên vẹn bảo đảm giữ được Quân khu I. Mong Tổng thống nghĩ lại. Một số địa bàn đã mất nhưng chúng ta sẽ phản công chiếm lại. Về vũ khí lương thực quân trang quân dụng các kho dự trữ ở Đà Nẵng chúng ta có thể chiến đấu lâu dài ít nhất nửa năm.

Tổng thống Thiệu đáp:

-Đó là chiến lược quyết định sự tồn tại của Việt Nam Cộng hòa, Trung tướng hoặc là chấp nhận hoặc là từ chức vào tù vì chống lại quyết định của Tổng thống, của Tổng Tư lệnh Quân lực.

Ngô Quang Trưởng im lặng ngẹn ứ trong cổ họng không nói được. Trở về Tổng hành dinh ở Huế, Ngô Quang Trưởng không rút ngay theo lệnh của Thiệu mà ông bố trí lại lực lượng phòng thủ theo phương châm Trung tâm và hai cánh: Lấy Đà Nẵng là Trung tâm, cánh bắc là Trị Thiên-Huế, cánh nam là Quảng Nam-Quảng Ngãi. Tuy nhiên trong ngày 18 tháng 3 năm 1975 Ngô Quang Trưởng nhận được điện:

-A lô, chào Trung tướng, tôi Trung tá Đỗ Kỷ, Tiểu khu trưởng Quảng Trị đây. Tôi báo cho ngài một tin buồn là Tiểu khu Quảng Trị đã bị Cộng quân chiếm toàn bộ trong ngày hôm nay rồi ạ.

-Vậy ngài đang ở đâu?

-Tôi và một bộ phận biệt động quân đã rút về Huế, dọc đường bị truy kích, may mà thoát thân được.

-Vậy Huế nguy rồi.

-Vâng, tình hình Huế đang rất nguy cấp.

-Vì vậy tôi đang tổ chức lại cách phòng thủ mới.

 Ngô Quang Trưởng gấp rút tổ chức tuyến phòng thủ mới. Trước mắt là bảo vệ bằng được thành phố Huế. Tướng Trưởng gọi cho các cấp chỉ huy dưới quyền:

-A lô, tôi Trưởng đây, Lữ đoàn thủy quân lục chiến 147 phải không?

-Vâng, chào Trung tướng, tôi Trung tá chỉ huy lữ đoàn đây.

-Ngài cho Lữ đoàn của ngài phối hợp với các Tiểu đoàn 77, 121, 126 biệt động quân đến phòng thủ cánh bắc Quân đoàn I, tức là tuyến Mỹ Chánh-Thanh Hương-Kế Môn-Vân Thành của Thừa Thiên-Huế.

-Tuân lệnh Trung tướng, tôi sẽ báo tin cho các đơn vị trên để phối hợp.

Ngô Quang Trưởng gọi tiếp cho Lữ đoàn 148 thủy quân lục chiến:

-A lô, tôi Tướng Ngô Quang Trưởng đây, ngài hãy cho Lữ đoàn hành quân từ Đà Nẵng ra phòng thủ ở tây-bắc Huế.

-Tuân lệnh Trung tướng.

Ngô Quang Trưởng gọi tiếp cho Sư đoàn 1 bộ binh.

-A lô, tôi Ngô Quang Trưởng đây, tôi ra lệnh cho ngài đem Sư đoàn phối hợp chiến đấu với Liên đoàn 5 biệt động quân và Thiết đoàn 7 tạo vòng  cung bảo vệ phía tây và tây-nam Huế.

-Xin tuân lệnh Trung tướng.

Tướng Trưởng gọi tiếp cho Lữ đoàn 258 thủy quân lục chiến:

-A lô, tôi Ngô Quang Trưởng đây, tôi ra lệnh cho Lữ đoàn 258 phối hợp cùng Liên đoàn bảo an 914 chốt giữ đường số 1 ở đoạn Phú Lộc, nối Huế và Đà Nẵng.

-Tuân lệnh Trung tướng.

-A lô, tôi Ngô Quang Trưởng đây. Tôi ra lệnh cho Thiết đoàn 20 phải giữ bằng được sân bay Phú Bài, Huế.

-Tuân lệnh Trung tướng.

  Tướng Trưởng nhìn sổ tay của mình, trong sổ ghi hiện tổng số quân phòng ngự Huế có 27.500 quân chủ lực, 19.000 bảo an quân và 36.000 quân phòng vệ dân sự để bảo vệ Huế.

Trong khi đó, Trung tướng Lê Trọng Tấn gọi cho Thiếu tướng Nguyễn Hữu An:

-A lô, tôi Lê Trọng Tấn đây.

-Chào Trung tướng, tôi Nguyễn Hữu An xin nghe:

-Đồng chí ra lệnh cho các đơn vị không được để cho quân ngụy co cụm về nội đô Huế để phòng thủ. Ra lệnh đánh sập phòng tuyến phía tây Huế trên đường số 1 từ Lương Điền đến Phú Lộc, đánh sập tất cả phòng tuyến của địch ở bốn hướng để quân ta tiến vào nội đô Huế.

-Xin tuân lệnh Trung tướng.

  Chấp hành mệnh lệnh, ngày 21 tháng 3 năm 1975, Sư đoàn 325 Quân giải phóng đánh chiếm các cao điểm từ Lương Điền đến Phú Lộc, tiêu diệt sáu cứ điểm, làm chủ đồi Yên Ngựa và dải đồi Kiên Sắc, khống chế đường số 1. Trong khi đó Sư đoàn 324 đánh chiếm, diệt địch ở các điểm cao 224, 303, làm chủ núi Bông ở miền tây thành phố Huế, đánh sập phòng tuyến sông Mỹ Chánh. Tiếng pháo nổ, tiếng bom rơi, khói lửa tràn ngập miền Trị Thiên- Huế. Toàn bộ cánh bắc của Quân đoàn I quân Sài Gòn bị vây từ ba phía, phía nam bị cắt khỏi Đà Nẵng, phía bắc là Quảng Trị đã giải phóng, Quân đoàn II Quân giải phóng áp sát vào Thừa Thiên-Huế, phía tây căn cứ Truồi, Lữ đoàn xe tăng 320 tấn công Thiết đoàn 20 của quân Sài Gòn và giải tỏa đường số 1. Trung đoàn 18 Sư đoàn 325 cũng làm chủ đường số 1 dài 4 km từ Ràng Bò đến Bạch Thạch. Ở phía nam cầu Thừa Lưu bị đặc công nước K15 đánh sập cắt đứt đường từ Huế vào Đà Nẵng của Quân đoàn I Sài Gòn.

Đêm 23 tháng 3 năm 1975, Trung tướng Ngô Quang Trưởng gọi cho Chuẩn tướng Lâm Bá Thi:

-A lô, tôi Ngô Quang Trưởng đây, tình hình cánh bắc của Quân đoàn I đã bị vây hãm ba phía bắc tây nam, để tránh bị tiêu diệt, tôi ra lệnh Chuẩn tướng cho rút lui về Đà Nẵng.

-Thưa Trung tướng rút theo đường nào, cầu Thừa Lưu ở phía nam Huế đã bị Cộng quân đánh sập.

-Tốt nhất là ra cửa Thuận An, hoặc ra cửa Tư Hiền lên tàu của hải đoàn 106, khả năng thứ hai men theo cửa biển qua Thừa Lưu, Lăng Cô, lên đèo Hải Vân mà vào Đà Nẵng. Đi đường nào thì tùy Chuẩn tướng tự lựa chọn.

-Cảm ơn Trung tướng, tôi sẽ rút theo đường biển, ra cửa Thuận An, lên tàu của hải đoàn 106.

-Chúc Chuẩn tướng thành công.

Sáng 23 tháng 3, tại Tổng hành dinh Quân Đoàn II, Thiếu tướng Nguyễn Hữu An gọi:

-A lô, tôi Nguyễn Hữu An đây, tôi ra lệnh cho sư đoàn 324 đánh chiếm các cứ điểm phía đông và bịt chặt cửa biển Tư Hiền, không cho địch chạy thoát.

-Tuân lệnh Thiếu tướng.

-A lô, tôi Nguyễn Hữu An đây, Bộ tư lệnh Quân khu Trị Thiên đấy à?

-Chào Thiếu tướng, tôi Thiếu tướng Lê Tư Đồng, chính ủy Quân khu Trị Thiên đây.

-Đồng chí hãy cho các Trung đoàn 4, 46, và 271 bịt chặt của biển Thuận An, không cho cánh bắc Quân đoàn I của địch chạy thoát về Đà Nẵng.

-Xin tuân lệnh Thiếu tướng.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu An gọi tiếp:

-A lô, tôi Nguyễn Hữu An đây, tôi ra lệnh cho Trung đoàn 101 Sư đoàn 325 tấn công vào thành Huế từ phía nam.

-Tuân lệnh Thiếu tướng.

-A lô, tôi Nguyễn Hữu An đây, tôi đề nghị Quân khu Trị Thiên cho một Trung đoàn tấn công vào thành phố Huế từ hướng tây-bắc.

-Tuân lệnh đồng chí Thiếu tướng.

  Nhận được lệnh, sáng 23 tháng 3, Sư đoàn 324 đánh chiếm cứ điểm 303, Mỏ Tàu, đánh vào bắc Phú Lộc, Sư đoàn 325 đánh chiếm Mũi Né, Phước Tương bịt chặt cửa biển Tư Hiền. Trong khi đó các Tiểu đoàn 3 và 812 tỉnh đội Quảng Trị được tăng cường một Đại đội xe tăng và một Đại đội pháo tràn qua các cứ điểm sông Bồ, Phổ Trạch, Lương Mai, Bao Vinh, Xuân Viên, Thanh Hương, diệt hai Tiểu đoàn bảo an, truy kích đến Phong Hòa, Phong Bình, Sịa, đánh chiếm quận lỵ Hướng Điền, chiếm và bịt chặt cửa biển Thuận An.

Trong khi đó Lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến, Liên đoàn biệt động quân 142 Trung đoàn 5, Sư đoàn 1 và Thiết đoàn 17 quân Sài Gòn đang trên đường tháo chạy ra cửa biển Thuận An. Các trung đoàn 4, 46, 271 của Quân khu Trị Thiên đang truy kích phía sau. Cũng ngày 23-3, Thiếu tướng Nguyễn Hữu An cầm máy bộ đàm ra lệnh:

-A lô, tôi Nguyễn Hữu An đây, tôi ra lệnh cho Sư đoàn 325 tấn công vào thành phố Huế từ phía nam và từ hướng tây.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 12)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn