Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 9)

PGS TS Cao Văn Liên

01/04/2024 06:00

Theo dõi trên

Hướng tới kỷ niệm 49 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024), trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2023.

Kỳ 9

Đêm đó dù đã khuya mà Tổng thống vẫn không đi ngủ. Ông hết nhìn bản đồ miền Nam Việt Nam thuộc lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa từ nam sông Thạch Hãn đến mũi Cà Mau, lại xem bản đồ quân sự các vùng của bốn quân khu. Một câu hỏi lớn đặt ra cho Nguyễn Văn Thiệu với tư cách là Tổng thống, là Tổng tư lệnh Quân lực Việt Nam Cộng hòa: Trong hoàn cảnh hiện nay, quân đội Mỹ đã rút về nước theo Hiệp định Pari, viện trợ của Mỹ gần như không còn hoặc không đáng kể, không đủ để trang trải nuôi quân đội, bảo vệ toàn bộ lãnh thổ từ nam Thạch Hãn đến mũi Cà Mau, một đất nước hoàn toàn phụ thuộc vào viện trợ Mỹ từ ăn mặc cho đến vũ khí, nay Mỹ giảm hoặc cắt viện trợ từ nhiều tỉ chỉ còn vài trăm triệu USD thì coi như hết nguồn sống, mà số viện trợ ít ỏi đó cũng chỉ đang nằm trên giấy tờ, chờ Quốc hội Mỹ biểu quyết. Tổng thống Thiệu đã cho những cố vấn cao cấp của mình đi vay các nước đồng minh của Mỹ như Arập, Pháp...nhưng họ từ chối hoặc cũng chỉ là hứa hẹn.

  Như vậy vũ khí, tiền bạc hiện nay không đủ để trang trải bảo vệ toàn bộ lãnh thổ trong hoàn cảnh bị Cộng quân tấn công liên tục thì phải làm thế nào? Một ý nghĩ lóe lên và sau thành tư tưởng chủ đạo của Tổng thống Thiệu là: Bố trí lại lực lượng, lui về bảo vệ những vùng đông dân, trù phú vì những vùng đất đó mới là quan trọng. Trước mắt là rút Quân đoàn II khỏi Tây Nguyên, rút Quân đoàn I khỏi Quân khu I. Tổng thống Thiệu thở phào nhẹ nhõm, ông đã giải được một bài toán khó khăn, coi như một chiến lược để bảo vệ  Quân lực và Việt Nam Cộng hòa.

  Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nhìn đồng hồ, kim chỉ 3 giờ sáng. Ông nằm xuống và chợp mắt trong ác mộng. Những Quân đoàn quân của ông nửa người, nửa ma, vật vờ hỗn loạn kêu khóc, chết chóc trên con đường tháo chạy mà ông đã ra lệnh cho họ.

  Ngày 11 tháng 3 năm 1975, Tổng thống Thiệu triệu tập một cuộc họp tại Dinh Độc Lập, có mặt là Thủ tướng Chính phủ Trần Thiện Khiêm, Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa Đại tướng Cao Văn Viên và Trung tướng Đặng Văn Quang. Nhân viên phủ Tổng thống rót ra 4 ly rượu vang. Tổng thống Thiệu nâng ly:

-Xin mời các quí vị.

Ba người cũng nâng ly:

-Kính mời Tổng thống.

Sau khi bốn người cạn, đặt ly xuống bàn, Tổng thống Thiệu hỏi:

-Đầu tháng 3 đến nay, Cộng quân đang tấn công mạnh ở Tây Nguyên, ta đã mất thị xã Buôn Mê Thuột, Quân đoàn II chịu thiệt hại nặng nề đang xin cứu viện. Trung tướng Ngô Quang Trưởng hôm qua cũng đã gọi cho tôi báo tin Quân đoàn I và Quân khu I cũng đang bị tấn công, ba vị có cách gì để cứu vãn Việt Nam Cộng hòa không?

Trong khi ba người còn đang đăm chiêu suy nghĩ thì Tổng thống Thiệu nói luôn chiến lược mà ông suy nghĩ nhiều ngày và rõ nét trong đêm qua:

-Hiện nay quân đội Mỹ đã rút đi, còn lại một mình Quân lực Việt Nam Cộng hòa, trong khi đó Mỹ đã giảm và gần như cắt viện trợ quân sự và kinh tế, từ nhiều tỉ ngày xưa nay chỉ còn vài trăm triệu USD mà vẫn còn nằm trên giấy tờ. Ngày xưa đến nay đã 20 năm rồi cả Mỹ và ta mà đánh không lại Cộng sản thì nay một mình Quân lực của ta, lại không có viện trợ thì đánh làm sao nổi. Để phù hợp với tình hình khó khăn hiện nay, để cứu nguy cơ mất toàn bộ lãnh thổ, tôi cho rằng chúng ta phải tái bố trí lại lực lượng, lui các Quân đoàn về bảo vệ những vùng đất giầu có đông dân cư như Quân khu II, Quân khu III, Quân Khu IV. Những vùng đất này theo tôi mới là quan trọng. Lui về như vậy ta mới đủ lực chống lại trước cuộc tấn công của Cộng sản.

Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng nói:

-Chiến lược đó của Tổng thống không thể được, rút như vậy thì Quân khu II sẽ mất tiếp và Quân khu III bị uy hiếp nghiêm trọng và như vậy Sài Gòn cũng bị uy hiếp. Tổng thống không nghe người Pháp đã nói: Ai khống chế Tây Nguyên người đó khống chế được nam Đông Dương và Đông Nam Á sao? Thưa Tổng thống.

Nguyễn Văn Thiệu hỏi:

-Vậy ngài Tổng Tham mưu trưởng có cách gì cứu vãn được Tây Nguyên và Quân khu I không? Ngài có cách gì buộc Quốc hội Mỹ thông qua viện trợ cho ta hàng tỉ USD như ngày xưa không? Ngài có cách gì cho quân đội Mỹ quay lại tham chiến ở Đông Dương không? Trong thế và lực hiện nay, ba ngài có cách gì để Hà Nội ngồi vào bàn đám phán hòa bình với chúng ta không?

Ba người Trần Thiện Khiêm, Cao Văn Viên và Đặng Văn Quang im lặng, không ai giải đáp được những điều mà Tổng thống Thiệu hỏi. Nguyễn Văn Thiệu nói như kết luận:

-Ý tôi đã quyết. Cuộc họp đã kết thúc. Cảm ơn các ngài.

Ba người căng thẳng đứng dậy:

-Chào Tổng thống.

Trưa 14 tháng 3 năm 1975, tại quân cảng Cam Ranh, núi non xanh thắm bao quanh một vùng nước mênh mông êm đềm, gió thổi nhẹ nhẹ, sóng gợn lăn tăn, núi non soi mình xuống nước lung linh. Trong một căn phòng của Ban chỉ huy quân cảng, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu họp với các Chỉ huy Quân đoàn II Tây Nguyên, Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn I (Quân khu I), Trung tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Quân đoàn III, Trung tướng Nguyễn Văn Toàn và Tư lệnh Quân đoàn IV Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam với Tổng Tham mưu trưởng Đại tướng Cao Văn Viên. Tổng thống Thiệu nâng ly rượu vang:

-Xin mời các ngài.

Mọi người cũng nâng ly:

-Xin mời Tổng thống.

Sau khi mọi người cạn, đặt ly xuống bàn, Tổng thống Thiệu hỏi:

-Các ngài đã biết tình hình chiến sự, nhất là ở Tây Nguyên, Cộng quân đã đánh chiếm thị xã Buôn Mê Thuột, uy hiếp nam và toàn bộ Tây Nguyên. Ở Quân khu I, đang có dấu hiệu Cộng quân cũng sẽ tấn công, đe dọa Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Các ngài có giải pháp gì không?

Chỉ chờ câu hỏi đó Tướng Phú, Tư lệnh Quân đoàn II Tây Nguyên nói:

-Kính thưa Tổng thống, thưa quí vị, các vị đã nghe nói đến chiến sự ác liệt ở miền nam Tây Nguyên, tình báo CIA, tình báo Bộ tổng Tham mưu đều cung cấp tin tức Cộng quân sẽ đánh bắc Tây Nguyên, chiến trường chính sẽ là Pleiku và Kon Tum. Chúng ta đã trúng vào cái bẫy nghi binh của họ, bây giờ đã mất thị xã Buôn Mê Thuột, nam bắc Tây Nguyên đều bị uy hiếp. Tôi đề nghị Tổng thống tăng thêm số lượng máy bay cho Sư đoàn 6 không quân của Quân đoàn II, tăng viện từ 1 đến 2 Lữ đoàn phòng vệ bắc Tây Nguyên, tăng tiếp viện để phản kích lấy lại thị xã Buôn Mê Thuột và các vùng đất đã bị mất.

Các tướng lĩnh của Quân đoàn 1, 3, 4 im lặng. Không khí nặng nề. Nguyễn Văn Thiệu nói:

-Các ngài phải biết rằng tình hình của chúng ta hiện nay rất khó khăn, thời kỳ trước năm 1973, Quân Mỹ tác chiến bên cạnh quân ta mà còn thất bại và người Mỹ đã rút về nước sau hiệp định Pari, bây giờ còn lại một mình Quân lực chúng ta, Mỹ lại cắt viện trợ, ngày trước hàng  tỉ USD mỗi năm, nay chỉ còn vài trăm triệu mà cũng chỉ còn trên giấy tờ. Chúng ta không đủ tài chính và vũ khí cho Quân lực bảo vệ toàn bộ lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa từ Quảng Trị đến mũi Cà Mau. Trong cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia hôm kia, tôi đã quyết định rút bỏ Tây Nguyên và Quân khu I, co cụm về giữ những vùng đông dân giàu có mới đủ sức lực bảo vệ phần còn lại của lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa. Tôi ra lệnh cho Tướng Phạm Văn Phú rút quân đoàn II khỏi toàn bộ Tây Nguyên về phòng thủ miền duyên hải Trung Trung Bộ, tức Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.

Các tướng, đặc biệt là Tướng Phú không tin vào tai của mình:

-Thưa Tổng thống, nhưng mà mất Tây Nguyên thì Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và toàn bộ đồng bằng ven biển miền Trung bị uy hiếp nghiêm trọng. Xin Tổng thống cho tăng viện Tây Nguyên, nhất định tôi sẽ lấy lại thị xã Buôn Mê Thuột và phòng vệ, bảo vệ được Tây Nguyên. Thưa Tổng thống.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 9)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn