Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 10)

PGS TS Cao Văn Liên

02/04/2024 06:05

Theo dõi trên

Hướng tới kỷ niệm 49 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024), trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2023.

Kỳ 10

Tổng thống Thiệu lạnh lùng:

-Ngài là tướng bại trận, ngài nghe theo quân lệnh hay muốn vào tù?

Tướng Phú im lặng như ngẹn lấy cổ họng. Tổng Tham mưu trưởng Đại tướng Cao Văn Viên nói:

-Rút Quân đoàn II thì phải suy tính xem rút theo đường nào cho an toàn và bí mật. Ngày xưa binh đoàn số 100 của Pháp rút theo đường 19 bị Việt Minh truy kích tiêu diệt, trở thành một thảm họa.

Thiếu tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Quân đoàn I nói:

-Nên cho rút theo con đường số 7 vì con đường này hiểm trở, đường rất xấu, gây bất ngờ thì không bị Cộng quân truy kích.

Nguyễn Văn Thiệu gật gù:

-Tướng Ngô Quang Trưởng nói đúng. Tướng Phú hãy cho quân rút theo đường số 7.

-Tuân lệnh Tổng thống.

Bay trở về Tây Nguyên, ngày 14 tháng 3 năm 1975, Phạm Văn Phú triệu tập họp với các thuộc cấp như Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm, Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, Chuẩn tướng Phạm Duy Tất và Đại tá Lê Khắc Lý bàn về việc rút quân. Khi mọi người cạn một ly rượu vang, Phạm Văn Phú buồn rầu nói:

-Tôi đã đề nghị Tổng thống tăng viện cho Tây Nguyên để phòng thủ và phản kích lấy lại thị xã Buôn Mê Thuột và những cứ điểm đã mất nhưng Tổng thống không đồng ý, còn ra lệnh Quân đoàn II phải rút khỏi Tây Nguyên về ven biển miền Trung, còn nói khi triệt thoái Quân đoàn II khỏi Tây Nguyên phải đạt được những yêu cầu sau đây:

-Thứ nhất, phải bảo đảm tuyệt đối bí mật, không làm văn bản, chỉ truyền khẩu lệnh. Phải cho địa phương quân và các Tiểu khu rút nhanh gọn, đem theo vũ khí và một số cơ đạn đủ cho một trận chiến đấu. Rút theo kiểu cuốn chiếu, đơn vị giáp duyên hải rút trước, xa rút sau.

Thứ hai, nay giao cho Chuẩn tướng Phạm Duy Tất chỉ huy hành quân khi rút, Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang điều động máy bay vận tải chở hàng hóa (chỉ mang theo những thứ quý hiếm), dọn sạch hai bên đường rút quân bằng cách dùng máy bay oanh tạc. Ta rút theo đường số 7, con đường này lâu không được sửa chữa, bỏ hoang, hiểm trở và nhiều nguy hiểm. Đại tá Lê Khắc Lý điều động công binh sửa đường, bắc cầu, giữ liên lạc với Bộ chỉ huy tiền phương Quân khu II tại Nha Trang và Bộ Tổng tham mưu tại Sài Gòn để xin tiếp ứng khi cần thiết.

-Trong khi toàn bộ Quân đoàn rút thì một số đơn vị vẫn giao chiến ở thị xã Buôn Mê Thuột để đánh lạc hướng Cộng quân, giữ bí mật cho cuộc rút quân.

Tướng Phú nói xong, người cần vụ rót mỗi người một ly rượu vang nữa. Tướng Phú nâng ly nói:

-Chúc cuộc rút lui thành công, chúc các ngài hoàn thành nhiệm vụ.

-Cảm ơn Thiếu tướng, chúc cuộc rút lui của Quân đoàn thành công như mong muốn.

    III                                 

                                         

  Con đường số 7 từ lâu do hiểm trở, nối Tây Nguyên với Khánh Hòa đã bỏ hoang hóa. Đại tá Lê Khắc Lý đã cho công binh sửa chữa sơ sài, chủ yếu là bắc lại những cây cầu đã gãy. 13 giờ chiều ngày 15 tháng 3 năm 1975, Chuẩn tướng Phạm Duy Tất ra lệnh hành quân cho Quân đoàn II. Cuộc hành quân rút khỏi Tây Nguyên của Quân đoàn bắt đầu. Thiết đoàn 19 và Liên đoàn 6 biệt động quân từ Pleiku đi Phú Túc, tiếp theo là bộ phận còn lại của Quân đoàn, Bộ tư lệnh Lữ đoàn II kỵ binh thiết giáp, các đơn vị bộ binh, hậu cần. Đi đầu là đoàn xe thiết giáp, theo sau là đoàn xe quân sự dài đến 2.000 chiếc, theo sau là 2.000 phương tiện giao thông dân sự các loại. Đoàn xe dài tới mức đầu đã đi xuống Sơn Tài mà đoạn cuối của xe mới rời khỏi thị xã Pleiku. Các xe quân sự chở binh lính Quân đoàn II, các xe dân sự thì chở các gia đình binh lính, quan chức dân sự trong đó có CIA ở Tây Nguyên cũng bắt đầu di tản vì họ cho rằng Pleiku và Kon Tum đã như một thùng thuốc súng bùng nổ bất cứ lúc nào. Trong heo hút của núi rừng, của con đường độc đạo ngoằn ngòeo quanh co uốn khúc quanh các sườn đồi núi, lên dốc xuống dốc, động cơ xe tăng và các loại xe khác gầm rú kéo dài dằng dặc khó khăn như một đàn bọ hung khổng lồ đang chạy trốn trong cơn giông bão. Các mệnh lệnh của Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm và Đại tá Lê Khắc Lý điều vô hiệu. Các binh lính lo cho gia đình vợ con hơn là lo chiến đấu, quan chức hành chính dân sự không tuân theo lệnh quân sự. Cuộc rút quân có nguy cơ hỗn loạn trở thành cuộc tháo chạy nếu bị Quân giải phóng tấn công. Đường sá thì rất xấu, sự di chuyển thật là khó nhọc vất vả và chậm chạp.

Chiều 15 tháng 3 năm 1975, tại Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, Trung tướng Hoàng Minh Thảo nhận điện:

-A lô, chào Trung tướng, tôi chỉ huy quân báo mặt trận xin cấp báo Trung tướng tin tức quan trọng: Quân đoàn II của Tướng Phạm Văn Phú theo lệnh của Tổng thống Thiệu đã quyết định rút khỏi Tây Nguyên về Khánh Hòa và đã xuất phát. Xe tăng thiết giáp, xe quân sự chở lính, xe dân sự chở quan chức dân sự Tây Nguyên và gia đình binh sĩ kéo dài tới 4.000 chiếc trên đường số 7 hoang vu  và rất khó khăn, đường sá rất xấu và rất hiểm trở.

Trung tướng Hoàng Minh Thảo nói:

-Điều này đã được Bộ Chỉ huy chiến dịch trù tính nhưng không ngờ Nguyễn Văn Thiệu lại cho rút nhanh như vậy. Đầu cuộc tháo chạy đã đi đến đâu rồi?

-Dạ, báo cáo Trung tướng, Thiết đoàn 9 đi đầu đã qua đèo Cheo Reo, phần cuối cùng mới bắt đầu ra khỏi thị xã Pleiku.                                  

Trung tướng nhìn đồng hồ, bấy giờ là 20 giờ tối ngày 16 tháng 3 năm 1975. Trung tướng cầm máy bộ đàm ra lệnh:

-A lô, tôi Hoàng Minh Thảo đây.

-Chào Trung tướng, tôi Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, Sư 320A đây.

-Đồng chí cho Trung đoàn hành quân gấp lập chốt chặn đầu Quân Đoàn II ngụy ở phía đông thị xã Cheo Reo trên đường số 7.

-Tuân lệnh Trung tướng.

Trung tướng gọi tiếp:

-A lô, tôi Hoàng Minh Thảo đây.

-Chào Trung tướng, tôi Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320A đây.

-Đồng chí cho ngay  Sư đoàn 320A phối hợp cùng Tiểu đoàn xe tăng 21, Trung đoàn 273, Trung đoàn pháo binh 675, Trung đoàn cao xạ 593 và hai Tiểu đoàn quân địa phương phối hợp chặn đánh và tiêu diệt Quân đoàn II ngụy đang từ Tây Nguyên theo đường số 7 chạy về Khánh Hòa. Đầu của Quân đoàn II đã đến thị xã Cheo Reo, đuôi còn ở Pleiku.

-Xin tuân lệnh Trung tướng.

Sáng 17 tháng 3, tốp xe tăng thiết giáp đi đầu của Thiết đoàn 19 và Liên đoàn 6 biệt động quân của quân Sài Gòn đã nổ súng với Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64 Quân giải phóng tại đèo Tuna, cách Cheo Reo về phía đông 4 km. Đạn bay súng nổ vang khắp rừng núi đường số 7. Đoàn xe 4.000 chiếc của Quân đoàn II dồn ứ ở Cheo Reo, còn đuôi dài về phía tây tưởng như vô tận vòng vèo theo đường số 7. Chuẩn tướng Phạm Duy Tất gọi:

-A lô, Liên đoàn biệt động 25 phải không?

-Bẩm Chuẩn tướng tôi đây.

-Ngài cho liên đoàn 7 biệt động quân có sự yểm trợ của không quân, pháo binh và thiết giáp tiêu diệt Cộng quân ở đèo Tuna, mở đường cho Quân đoàn tiếp tục hành quân về Khánh Hòa.

-Tuân lệnh Chuẩn tướng.

Tại đèo Tuna đạn đủ các cỡ của pháo, xe tăng, bom của máy bay trên không dội xuống khốc liệt nhưng không tiêu điệt được cứ điểm của Quân giải phóng.

Trong khi đó, tại Sở chỉ huy Bộ Chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên, Trung tướng Hoàng Minh Thảo điện cho Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320A.

-A lô, đồng chí Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320A đấy phải không?

-Xin chào Trung tướng, tôi đây.

-Đồng chí ra lệnh cho Trung đoàn 64 triển khai các cứ điểm chặn tiếp theo phía đông đèo Tuna, Trung đoàn 48 hãy bao vây Cheo Reo từ ba mặt.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 10)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn