Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 11)

PGS TS Cao Văn Liên

03/04/2024 06:10

Theo dõi trên

Hướng tới kỷ niệm 49 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024), trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2023.

Kỳ 11

-Tuân lệnh Trung tướng.

-A lô, tôi Hoàng Minh Thảo đây, cho tôi gặp Sư đoàn trưởng Sư đoàn 968.

-Chào đồng chí Trung tướng, tôi đây.

-Đồng chí hạ lệnh cho Trung đoàn 9 phối hợp với Sư đoàn 320A bao vây Cheo Reo các mặt cho vững chắc.

-Tuân lệnh Trung tướng.

Ngày 18 tháng 3 năm 1975, Phạm Văn Phú gọi:

-A lô, tôi Phạm Văn Phú đây, tôi ra lệnh cho Liên đoàn 25 biệt động quân đang ở phía sau đoàn xe vượt lên trước cùng Lữ đoàn 2 thiết kỵ mở cuộc công kích Cộng quân ở phía đông đèo Cheo Reo, mở đường cho Quân đoàn tiếp tục hành quân về phía Nha Trang.

-Tuân lệnh Thiếu tướng.

Đang khi đó, pháo binh của Trung đoàn 675 nhả đạn, cùng lúc 3 Trung đoàn bộ binh Quân giải phóng tấn công vào vị trí đóng quân tạm thời của quân Sài Gòn trong thị xã Cheo Reo. Đạn bay pháo nổ rầm trời, khói lửa mù mịt. Mọi nỗ lực tổ chức kháng cự của tướng Phạm Duy Tất không có kết quả. 17 giờ 30 phút, một chiếc HU-1 vượt qua làn đạn phòng không của Quân giải phóng hạ cánh xuống sân trường tiểu học Phú Bổn để đưa Chuẩn tướng Phạm Duy Tất và Đại tá Hoàng Thọ Nhu (Tỉnh trưởng Pleiku) bay về Nha Trang. Như rắn mất đầu, Quân đoàn II hỗn loạn. 9 giờ sáng ngày 19 tháng 3 năm 1975, các đơn vị của Quân đoàn II bị vây tại Cheo Reo chấm dứt kháng cự. Chỉ có Thiết đoàn 19, Liên đoàn 6 biệt động về được đến Củng Sơn. Họ phải chờ ở sông Ba bốn ngày chờ công binh bắc cầu. Ngày 23 tháng 3 năm 1975, các đơn vị này mới về đến Tuy Hòa, Phú Yên.

 Sáng 3 tháng 4 năm 1975, Trong hành dinh của Quân đoàn III ở Tây Nguyên, Trung tướng Hoàng Minh Thảo đang ngồi với Trưởng phòng tác chiến Quân đoàn Khuất Duy Tiến. Sau một lượt trà nước, Khuất Duy Tiến nói:

-Báo cáo Trung tướng, Chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu ngày 4 tháng 3 kéo dài đến nay là ngày 3 tháng 4 năm 1975 đã kết thúc thắng lợi

Hoàng Minh Thảo hỏi:

-Phòng Tham mưu Quân đoàn đã tổng kết số liệu tôi yêu cầu chưa?

-Báo cáo Trung tướng, tôi vừa nhận được. Trung tướng xem đi. Khuất Duy Tiến chuyển tờ “Báo cáo" cho Hoàng Minh Thảo, ông cầm và đọc: Tổng số quân ta tham chiến ở Tây Nguyên là 65.000 quân, trong đó có 43.000 quân chủ lực, trang bị hiện đại, nhiều xe tăng, pháo các loại và hàng vạn vũ khí bộ binh. Trong chiến dịch ta hy sinh 800 chiến sĩ, bị thương 2.416 người. Về phía Quân lực Việt Nam Cộng hòa tham gia chiến dịch 78.300 quân, trong chiến dịch tử trận 3/4 quân số, khoảng gần 6 vạn, mất hết số vũ khí hạng nặng và hàng vạn vũ khí bộ binh. Quân đoàn II, một trong 4 quân đoàn mạnh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa hoàn toàn bị xóa sổ. Ta giải phóng được tất cả các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên là Đắc Lắc, Phú Bổn, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Đức và Pleiku".

Hoàng Minh Thảo nói:

-Tốt lắm, việc giải phóng toàn bộ Tây Nguyên là cú điểm huyệt choáng váng cho chế độ ngụy, tạo điều kiện và thời cơ chưa bao giờ có để ta tấn công giải phóng toàn bộ miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng chí thay mặt Bộ Chỉ huy chiến dịch viết báo cáo gửi đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã chỉ đạo sát sao cụ thể đưa chiến dịch đến thắng lợi.

-Tuân lệnh đồng chí Trung tướng.

Hai người lại uống trà nóng mà người cần vụ vừa đem lên. Vừa uống vừa nhìn ra Tây Nguyên mênh mông đại ngàn. Trời trong veo mấy trắng bay lượn. Đại ngàn thấp thoáng những lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, tiếng cồng chiêng chào mừng quê hương được giải phóng vang lên khắp không gian. Chim chóc tràn về đầy trời bay lượn chia vui cùng con người. Đâu đây có tiếng voi gầm ngựa hí như âm vang chiến  trận ngày xưa. Phương trời phía đông vẫn rền vang tiếng đại bác của mặt trận Thừa Thiên-Huế.

CHƯƠNG II.         CHIẾN DỊCH HUẾ- ĐÀ NẴNG

                  5-3-1975 đến 29-3-1975

I.

  Động Truồi ở về phía tây nam tỉnh Thừa Thiên-Huế, Sở chỉ huy Quân đoàn II chìm trong lá cây rừng xanh ngát. Đang tháng 2 khí trời mát mẻ, cây cối đang ra lộc thay lá, ánh nắng rải như tơ tỏa khắp không gian, núi ngàn, mây nhởn nhơ bay lang thang trên trời xanh tạo muôn hình thù kỳ quái. Nhưng không khí không thanh bình, không yên tĩnh, không xa lắm chung quanh, không gian vang lên tiếng bom đạn của những cuộc giao tranh của Quân giải phóng và Quân đội Sài Gòn. Hôm nay 21-2-1975, tại Sở chỉ huy có cuộc họp của Bộ Chỉ huy chiến dịch Huế-Đà Nẵng. Chủ tọa là Trung tướng Lê Trọng Tấn. Tham gia Hội nghị quan trọng này có đầy đủ Bộ Chỉ huy chiến dịch, Bộ chỉ huy Quân khu Trị-Thiên, Bộ chỉ huy Quân khu 5, Bộ chỉ huy Quân đoàn II. Có mặt các đồng chí: Tư lệnh chiến dịch là Trung tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Tư lệnh Quân đoàn II Thiếu tướng Nguyễn Hữu An, Thiếu tướng Lê Linh, Chính ủy Quân đoàn II, Đại tá Hoàng Đan, Phó tư lệnh Quân đoàn, Đại tá Nguyễn Công Trang, Phó chính ủy Quân đoàn. Trung tướng Lê Trọng Tấn vốn là Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 (Đại đoàn Chiến Thắng) tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ  lẫy lừng. Đồng chí đã chỉ huy Đại đoàn tiêu diệt cứ điểm Him Lam (13-3-1954), mở đầu cho chiến thắng của chiến dịch. Thiếu tướng Nguyễn Hữu An cũng là người tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông đã là Trung đoàn trưởng trung đoàn 174, Đại đoàn 316 khi mới 28 tuổi, chỉ huy ba lần đánh đồi A1, công phá cứ điểm mạnh nhất của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, mở đường cho quân ta đánh chiếm Sở chỉ huy của Thiếu tướng De Catstories, đưa chiến dịch đến toàn thắng ngày 7 tháng 5 năm 1954.

Thiếu tướng Lê Tư Đồng, Chính ủy Quân khu Trị-Thiên, Đại tá Dương Bá Nuôi, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu, Nguyễn Chi, Phó tư lệnh, Nguyễn Văn Thanh, Phó chính ủy Quân khu, Nguyễn Mạnh Thạc, Tham mưu phó. Sở chỉ huy Quân khu Trị-Thiên tại Cốc Ba Bó.

  Tại miền Trung lúc này còn có Bộ chỉ huy Quân khu 5. Tư lệnh Quân khu Thượng tướng Chu Huy Mân, Chính ủy Võ Chí Công, Phó tư lệnh Nguyễn Chơn, Phó chính ủy Đoàn Khuê. Sở chỉ huy Quân khu 5 ở Trà My.

Như vậy lực lượng Quân giải phóng ở miền Trung lúc này có bốn bộ chỉ huy: Bộ tư lệnh mặt trận giải phóng miền Trung đứng đầu là Trung tướng Lê Trọng Tấn, Bộ Tư lệnh Quân khu Trị -Thiên, Bộ chỉ huy Quân đoàn II đứng đầu là Thiếu tướng Nguyễn Hữu An. Bộ tư lệnh Quân khu 5 đứng đầu là Thượng tướng Chu Huy Mân. Trong số này có nhiều người đã trải qua hai cuộc trường chinh chống Pháp và chống Mỹ. Ba người đã tham gia và góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ lừng danh, chấn động địa cầu là đồng chí Lê Trọng Tấn, Chu Huy Mân và Nguyễn Hữu An. Người cần vụ đã rót ra trên bàn mỗi người một ly nước trà nóng. Trung Tướng Lê Trọng Tấn nâng ly và nói:

-Mời các đồng chí.

-Xin mời Trung tướng.

Sau khi mọi người cạn, đặt ly xuống bàn, Trung tướng Lê Trọng Tấn nói:

-Thưa các đồng chí, chúng ta phải triển khai kế hoạch quân sự giải phóng miền Nam trong năm 1975 của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh. Trước mắt chúng ta phải có kế hoạch quân sự xuân hè 1975 (Mật danh K175) gồm có kế hoạch 3 tháng từ tháng 3 đến tháng 5 năm 1975, kế hoạch từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1975. Đồng chí Nguyễn Hữu An, Tư lệnh Quân đoàn II cho biết tổng số quân của ta hiện nay trên chiến trường Trị Thiên?

Thiếu tướng Nguyễn Hữu An nhìn sổ tay và đáp:

-Kính thưa đồng chí Lê Trọng Tấn, thưa các đồng chí, hiện nay ở mặt trận Trị -Thiên chúng ta có 7 Trung đoàn và 4 Trung đoàn ở Đà Nẵng. Chúng tôi dự kiến trước mắt là đánh chiếm toàn bộ Quảng Trị, đồng thời bao vây cô lập Huế, bước tiếp theo sẽ đánh chiếm Thừa Thiên-Huế. Quân đoàn II từ tây-bắc Huế đang làm chủ tuyến đường 12, nay chuyển xuống tây-nam Huế cắt đứt đường 14, cô lập cánh bắc và cánh nam Đà Nẵng của Quân đoàn I quân Sài Gòn. Toàn bộ chiến trường Trị- Thiên chia làm 3 khu vực tấn công: Khu vực 1 Quảng Trị (Nam sông Thạch Hãn đến sông Mỹ Chánh), khu vực 2 bắc Thừa Thiên (Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà), khu vực 3 thành phố Huế và ngoại vi: Phú Vang, Hương Thủy, Phú Lộc và bắc đèo Hải Vân.

Trung tướng Lê Trọng Tấn hỏi:

-Có đồng chí nào có ý kiến khác?

Im lặng.

-Không ai có ý kiến, vậy Bộ Chỉ huy chiến dịch phê chuẩn kế hoạch quân sự của Quân đoàn II, giao cho Bộ tham mưu Quân đoàn II nghiên cứu chi tiết bố trí lực lượng của ta và bố trí lực lượng của địch trên toàn mặt trận, cùng Bộ Chỉ huy Quân khu Trị- Thiên, Quân khu 5 huy động lực lượng chính quy và lực lượng bộ đội địa phương sao cho đủ sức mạnh áp đảo tiêu diệt quân địch, giải phóng Quảng Trị -Thừa Thiên Huế, giải phóng Đà Nẵng và toàn bộ Quân khu 5. Chúc các đồng chí thắng lợi.

-Cảm ơn đồng chí Trung tướng.

 Trong khi chiến dịch Tây Nguyên đang tiếp diễn thì tại phía nam Quảng Trị, Chi khu quân sự Mai Lĩnh và 11 Chi khu khác bị bốn Tiểu đoàn bộ đội địa phương Quân giải phóng đánh chiếm. Trung tướng Lâm Quang Thi điện cho Tướng Ngô Quang Trưởng chỉ huy Quân đoàn I:

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 11)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn