Tọa đàm “Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu trong giai đoạn hiện nay trên địa bàn huyện Lương Tài”

Chúc Sơn

20/11/2023 21:05

Theo dõi trên

Tại huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển tổ chức tọa đàm “Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu trong giai đoạn hiện nay trên địa bàn huyện Lương Tài” vào ngày 18 tháng 11 năm 2023.

toa-dam-van-nghe-1700488749.jpg

Văn nghệ của thôn Tuần la

 

Trong buổi tọa đàm, PGS.TS Phạm Hùng Việt - Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa và Phát triển - đã đưa ra báo cáo đề dẫn với những quan điểm về văn hoá Việt Nam và giá trị của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Ông nêu rõ vai trò quan trọng của di sản văn hóa trong việc định hình và phát triển đời sống kinh tế - xã hội. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, được UNESCO công nhận là "Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại," là một điểm sáng trong kho tàng văn hóa của Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Đáp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh, trong bài tham luận của mình, đã cung cấp thông tin về hệ thống di tích thờ Mẫu tại Bắc Ninh. Theo kết quả khảo sát của cơ quan chuyên môn, năm 2022, trên toàn tỉnh có 720 di tích thờ Mẫu, trong đó có 598 ban thờ Mẫu trong chùa; 84 ngôi đền, miếu của cộng đồng; 423 am, điện, ban… thờ Mẫu trong các tư gia. Gắn liền với các di tích thờ Mẫu là trên 200 lễ hội với nhiều nghi thức đặc sắc. Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ có ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống tâm linh của nhân dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.  Các nghi lễ gắn với thờ Mẫu chủ yếu là nghi lễ hầu đồng. Qua khảo sát thực tế cho thấy, năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 1.153 buổi hầu đồng điều đó chứng tỏ việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống văn hóa tâm linh của dân Bắc Ninh. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu có đóng góp quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của tỉnh Bắc Ninh ở một số mặt: Có vai trò xây dựng, củng cố và tạo ra sự gắn kết thành viên trong cộng đồng. Có vai trò trong việc bảo tồn lưu giữ các nghi thức truyền thốngLà nơi gửi gắm niềm tin, hy vọng, là chỗ dựa tâm linh cho một bộ phận dân cư, phản ánh tình cảm, sự ngưỡng mộ về vai trò của con người. Có chức năng giáo dục đạo đức, định hướng cho thế hệ trẻ một nhân cách sống cao đẹp.

Ông nêu bật những sáng kiến của tỉnh Bắc Ninh trong việc chăm lo cho các nghệ nhân và bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc. Thực hiện Quyết định số 40/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế xét tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bắc Ninh, tỉnh đã thực hiện bình xét cho 02 nghệ nhân trong lĩnh vực tín ngưỡng thờ Mẫu gồm: Nghệ nhân Trần Thị The và Nghệ nhân Nguyễn Duy Tuấn. Các nghệ nhân được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng bằng mức lương cơ sở. Cho phép thành lập các Hội thanh đồng để tập hợp những nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Những hội là nơi đoàn kết các thanh đồng trong định hướng chung về bảo vệ tín ngưỡng. Các hội cũng tuyên truyền về những quy định của Đảng, Pháp luật của nhà nước về di sản văn hóa cũng như quản lý tín ngưỡng thờ Mẫu.

toa-dam7-1700488995.jpg
 

Trong phần tham luận của mình, Nghệ nhân Trần Thị The, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu thuộc Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển, cho biết: Khi được nhận danh hiệu Nghệ nhân loại hình thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt từ Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, bà cảm thấy may mắn và hạnh phúc. Đây không chỉ là một vinh dự cá nhân mà còn là niềm tin, đức tin và nghị lực vượt qua khó khăn để duy trì và phát triển tín ngưỡng của mình.

Cuộc sống khó khăn từ khi lập gia đình ở Thôn Tuần La, xã Trung Chính, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh năm 1987, nhưng với niềm tin, ý chí quyết tâm, và sự nhiệt huyết, vợ chồng nghệ nhân đã xây dựng Điện Phúc Lộc Linh - nơi ngày nay là điểm tựa tâm linh của cộng đồng địa phương, với phong cảnh hữu tình. Ngoài việc đảm bảo cuộc sống vật chất, bà còn đam mê hoạt động văn hóa - xã hội. Bà đã thành lập nhiều câu lạc bộ như Đại đoàn kết thôn Tuần La, câu lạc bộ hát Quan họ, và câu lạc bộ hát Văn, đồng hành với những người khó khăn, giúp họ có cuộc sống vui vẻ hơn.

toa-dam1-1700488995.jpg
 

Bà Nguyễn Thị Vi - một thủ nhang ở xã Phú Lương, huyện Lương Tài, đã chia sẻ về câu chuyện cá nhân của mình và vai trò của tín ngưỡng thờ Mẫu trong cuộc sống. Bà Vi đã đề xuất cần có sự hỗ trợ từ cấp chính quyền để thực hiện các hoạt động thờ Mẫu vào các dịp lễ và mong muốn có các buổi tập huấn để nâng cao kiến thức và đạo đức của thanh đồng đạo quan.

Ông Phạm Duy Hùng, một pháp sư tại Thiên Lộc, Trung Chính, Lương Tài, đã chia sẻ quan điểm về tín ngưỡng thờ Mẫu như một phần quan trọng của văn hóa truyền thống, mang đến niềm tin và ước vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn. Ông cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng thương mại hóa và biến dạng của đạo Mẫu, khiến cho giá trị tốt đẹp của nó bị suy giảm.

Cuối cùng, buổi tọa đàm đã kết thúc với những đề xuất giải pháp cụ thể như tăng cường quảng bá, đầu tư tu bổ di tích thờ Mẫu, gắn bảo tồn với phát triển du lịch, kiểm tra và giám sát tín ngưỡng thờ Mẫu để đảm bảo sự an toàn và tránh tình trạng mê tín dị đoan.

Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển sẽ tiếp tục triển khai công việc nghiên cứu về văn hóa Thờ Mẫu trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, đề nghị tỉnh phối hợp tổ chức tọa đàm, tập huấn về tín ngưỡng Thờ Mẫu. Đặc biệt, Viện đề nghị tỉnh Bắc Ninh xem xét về chủ trương cho công nhận những nơi thực hiện nghiêm túc thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu là Điểm Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu của địa phương.

toa-dam6-1700488995.jpg