Số hên

Phạm Thạch

05/03/2024 06:21

Theo dõi trên

Tôi mệt nhoài, vừa lết từ thao trường về đến doanh trại thì gặp ngay tay trực ban, hắn gọi lại bảo:  Vừa nãy có thủ trưởng đến tìm mày đấy.

Tôi ngớ ra. Chả biết là có chuyện gì, nhưng được thủ trưởng đến hỏi đích danh chắc là hên rồi.

Tối đó, đang chuẩn bị sinh hoạt thì tay liên lạc Đại đội lại đến tìm tôi, bảo lên ban chỉ huy có người gặp. Mừng quá, tôi cuống cuồng xỏ vội đôi giầy chiếc nọ chiếc kia rồi cứ thế theo tay liên lạc lên Đại đội.

Bước vào phòng chỉ huy tôi thấy anh Đại trưởng và một anh cán bộ mang hàm trung uý khá điển trai đang ngồi đợi. Chưa để tôi kịp chào, anh trung uý tỏ ra rất niềm nở:

- Nghe nói chú mày biết kẻ vẽ đúng không? Thế này nhá, Trung đoàn đang cần một nhân viên Tuyên huấn, biết kẻ vẽ, biết sử dụng loa đài và trang trí sân khấu. Nghe danh cậu nên tớ xuống xem tay nghề thế nào…

dt1am-1709562143.jpg

 “Lão” Kính (áo hồng), Thủ trưởng Phiên (đứng giữa) và toàn bộ anh em tổ tạc đá năm ấy. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Tôi sững người… Thật ra, tôi chả có tài cán gì, chỉ là thằng hay vẽ nhắng nhít nghịch ngợm thôi. Tưởng rằng cái trò ấy cũng chả ảnh hưởng đến ai, nhưng có lần bác Quản đốc phân xưởng nơi tôi làm rất tức giận gọi tôi lên phòng giao ban quạt cho một trận.

Chả là hôm ấy cuối ca, khi viết sổ bàn giao mấy chiếc xe niêm cất ở cuối bãi, cái thì xịt lốp, cái vỡ kính… mấy thằng nổi hứng thách tôi vẽ chiếc xe ISUZU vỡ kính ngay trước mặt. Bọn này chơi khó !!! Chỉ mỗi cây bút bi thì vẽ làm sao được chứ? Nhất là thể hiện cái kính vỡ. Tuy vậy, tôi vẫn nhận lời thách đố. Vẽ xong cái cabin, tôi vẽ luôn mấy đôi chân thò từ bên trong qua kính chắn gió vắt vẻo ra ngoài. Bức vẽ tuy không đẹp nhưng lại rất đúng chủ đề: Xe vỡ kính!

Chuyện chỉ có thế rồi nó ắng đi chẳng ai để ý đến nữa.

Cho đến một hôm, tôi vừa ló mặt lên công trường, bác quản đốc đã túm lấy tôi kéo vào phòng giao ban, tay dứ dứ quyển sổ giao ca cũ vào mặt tôi:

- Này, ông đừng có mà bôi do trát trấu vào mặt tôi kiểu ấy nhá. Ông thích làm hoạ sỹ thì mua giấy bút về mà vẽ. Đừng có mà vẽ vào sau quyển sổ giao ca, hôm qua tôi mang đi đổi sổ mới thì họ giở ra xem. Họ bảo là không cần đến kiểm tra cũng biết phân xưởng ta công nhân ngồi chơi trong giờ sản xuất, xe toàn những cái vỡ kính, xịt lốp… Ôi, tôi nhục quá không có lỗ nẻ nào để chui xuống nữa…

Cả phân xưởng cười ầm lên, họ quay sang tôi nhìn đắc ý. Thế là từ đó, họ gán cho tôi cái tên là hoạ sỹ, nghe nó cứ đểu đểu như bức vẽ ấy.

Ơ mà hay, biết đâu cái tên ấy lại hên! Tôi nhìn anh Đại trưởng, rồi nhìn anh cán bộ Trung đoàn trả lời rất … khiêm tốn:

- Dạ, cũng sơ sơ thôi ạ.

- Vậy là tốt rồi! Cậu cứ huấn luyện cho xong đã. Tôi sẽ đề nghị Trung đoàn xin cậu về Tuyên huấn thay cho cậu lính cũ được cử đi học.

Ôi, sao cái số tôi hên…

Cuối khoá huấn luyện chúng tôi được biên chế về đơn vị mới. Thằng nào cũng hong hóng xem mình được về đâu. Không khí thật hồi hộp và lo lắng. Đầu giờ chiều danh sách phân bổ về các đơn vị mới được công bố. Mặc dù rất hy vọng được giữ lại E bộ làm nhân viên Tuyên huấn nhưng trong tôi vẫn rất thấp thỏm. Danh sách về những tiểu đoàn phía trước không có tên tôi. May thế! Tiếp tục về tiểu đoàn cơ động phía sau cũng không có tên. Rồi các Xê trực thuộc, vẫn không có tên. Tôi hồi hộp! Trên sân lúc này chỉ còn 6 chiến sỹ, trong đó có tôi. Anh sỹ quan đẹp trai hôm nọ ra nhận quân vẫy tay ra hiệu tôi đi theo anh về doanh trại. Đó là một dãy nhà rất phong quang sạch sẽ. Trước hiên nhà có sợi dây phơi thẳng căng với những cái khăn mặt vuông vức, thẳng tắp. Các gian cửa đóng hờ im ắng, chỉ gian cuối có tiếng lạch cạch đục đẽo của mấy anh tạc đá mỹ nghệ. Anh chỉ tôi vào một gian nhà cửa khép hờ, tôi rón rén ngó vào…

- Mày tìm ai ? - Tôi giật mình thấy phía góc nhà một khuôn mặt cũ rích nhăn nhó nhìn tôi rồi hất bộ tóc dựng đứng còn dính đầy mạt đá ra sau…

- Dạ, em về nhận công tác ạ.

- À, tân binh mới hả? Quê đâu?

- Em Cẩm Phả ạ.

- Cam pha mo hay Cam pha lang ?

- Dạ, em không hiểu anh nói gì ạ?

- Đ.M! Nhìn thế kia mà ngu thế. Tao hỏi là Cẩm Phả Mỏ hay Cẩm Phả làng.

- Dạ, em ở Cẩm Phả Thị ạ.

- Tao là Kính nhà ở Hồng Gai. Về đây phải nghe tao nghe chưa?

Tôi nhẫn nhịn vâng dạ nhưng trong lòng cảm thấy khó chịu lắm. Anh sỹ quan chỉ tôi nơi để ba lô rồi công bố:

- Chú về đây tạm thời ở cùng với chú Kính, đề nghị chú Kính kèm cặp để ít nữa bàn giao công việc.

Từ hôm đó tôi cứ phải lẽo đẽo theo chân cái lão Kính khó chịu ấy để mang loa đài, băng rôn đi phục vụ các cuộc liên hoan biểu diễn văn nghệ của Trung đoàn. Tuy thế, những lúc rảnh rỗi tôi lại lẻn sang tổ tạc đá xem anh em làm. Rất ngưỡng mộ những đôi tay tài hoa, họ tạo ra những con Sư tử đá, Lư hương, lọ hoa rất đẹp và tinh xảo. Ở quê tôi cũng có nghề khắc than đá mỹ nghệ mà tôi rất thích.

- Thằng kia, mày về đây làm Tuyên huấn hay Đẽo đá. Nếu mày thích thì tao cho mày đi đẽo đá suốt. - Giọng lão Kính oang oang làm tôi giật cả mình. Tôi lủi thủi quay về mắt vẫn lén nhìn con Sư tử đẽo dở đầy tiếc nuối. Giá mà tôi được học nghề, chắc chắn sẽ làm được. Tôi tin thế!

Hôm sau lão ấy dậy sớm, rủ tôi vào Mỏ lấy đá. Rất bất ngờ nhưng tôi vẫn phải ngoan ngoãn đi theo. Cuốc bộ khoảng 6,7 cây thì vào đến Mỏ. Dưới chân núi là một bãi đá trắng phau phơi mình cạnh con suối trong vắt ầm ì nơi non xanh hoang lạnh. Lão Kính xăng xái đi lật từng hòn đá ngó nghiêng quan sát rồi tiện thể hướng dẫn tôi cách chọn đá. Đến gần trưa hai anh em cũng chọn được mấy hòn khoác về. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, những lúc rỗi rãi lão lại rủ tôi ra chái nhà kì cạch đục, đẽo. Lão dậy tôi cách cầm đục, rê lưỡi, làm phôi, tạo dáng… Quả thật, chỉ những lúc ấy tôi mới thấy quý lão.

Ở chung với lão tôi mới thấy lão có thật nhiều tật xấu. Ấy là kiểu sinh hoạt bừa bãi, luộm thuộm thì chả ai bằng. Lão chả có cái khăn mặt riêng bao giờ, cứ vớ được cái nào trên dây là lão rút xuống mượn tạm. Tôi bị đôi ba lần phải dùng sau lão, ức lắm! Phải quyết chơi khăm lão mới được. Tôi dùng xà phòng trát đầy vào khăn rồi phơi ngay ngắn trên dây. Trưa ấy tôi đang lơ mơ thì chợt nghe lão tru tréo từ ngoài giếng:

- Đ.M thằng Cam pha mo mày đểu bố.

Tôi ngó ra thì thấy mặt lão đầy bọt xà phòng, mắt nhắm tịt hai tay khua khoắng tìm gầu múc nước. Tôi tưởng sau trận ấy lão sẽ cảnh giác tôi hơn, nhưng sau bữa cơm chiều ngồi cạnh ấm trà vừa pha lão dúi cho tôi điếu Sông cầu:

- Mày hút hộ anh chứ cái thứ này anh không khoái. Cứ phải vê vê Vĩnh Bảo nó mới đậm đà.

Thấm thoắt cũng đã 3 tháng, lão nhận được quyết định về trường. Bộ phận Tuyên Huấn đứng ra tổ chức liên hoan chia tay lão. Gom góp tiền lương của các anh sỹ quan và góp thêm bộ quân trang của lão mới mua được con gà, cân thịt về làm bữa ăn tươi, lính tráng như tôi phụ cấp chả đủ sinh hoạt nên được miễn. Ngồi cạnh, lão cứ gắp thịt gà bỏ vào bát tôi:

- Mày ăn hộ anh chứ cái thứ này anh đ.é.o ăn được ! Lão thật lạ!

Hôm ấy, cảm giác tôi thấy bâng khuâng, trống trải lạ thường. Nhiều lúc cảm xúc nó cứ tự dâng trào, nước mắt nghẹn ứ trong khoé mắt chỉ chực vỡ bung. Tôi chạy ra chạy vào giúp lão sửa soạn tư trang hành lý. Gọi là tư trang chứ lão chả có đếch gì, mỗi bộ quân phục mới thì đã bán đi để dồn tiền liên hoan trưa nay rồi. Có được mấy con Sư tử đá của lão đục nhưng chả có cái gì đựng, tôi bèn lấy cái ba lô của tôi đưa cho lão.

Ô mà lạ, thường ngày nhìn lão cau có khó tính thế mà nay sao trông thật yếu đuối. Lão bắt tay tôi đến mấy lần rồi chạy lại gặp các thủ trưởng dặn lại:

- Các Thủ trưởng ở lại giữ gìn sức khoẻ nhé, khi nào về trường em sẽ viết thư lên. Còn thằng này nó làm Điêu khắc cũng được đấy. Nếu nó thích thì các Thủ trưởng cho nó sang bên Điêu khắc rồi tìm thằng khác về Tuyên huấn thay nó.

Câu nói cuối ấy của lão thật giá trị, đúng với mơ ước của tôi.

Số tôi thật hên! Ôi, cuộc đời lính của tôi sao mà may mắn thế…

Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết " Số hên" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn