Mùa cá chuồn

Tống Hồng Quân.

27/03/2024 08:55

Theo dõi trên

Tháng ba, trên đất liền là mùa hoa gạo thắp lửa đỏ chói trên bầu trời. Là mùa hoa bưởi, hoa chanh thơm ngát, là mùa hoa xoan tím trắng rụng trắng đường làng. Là mùa mưa nồm ẩm ướt khó chịu, thì ở đại dương, mùa cá chuồn bắt đầu.

Biển đang xanh ngắt, sóng yên. Con tầu không số lặng lẽ lướt sóng hướng về phía Nam. Họ đang thực hiện chuyến đi chở 56 tấn vũ khí đạn dược, dự định vào bến Lộ Diêu Cà Mau. Đã 7 ngày đêm trên biển, hôm nay theo hải đồ, tầu đang ở đường hàng hải Quốc tế ngang Đà Nẵng.

dt1athq-1711504148.jpg

Cá chuồn bay. Ảnh sưu tầm trên mạng do tác giả cung cấp.

 

Xa xa trước mũi tầu xuất hiện một vệt hồng nhạt. Gần một giờ, vệt hồng ấy loang rộng và đậm hơn. Thuyền trưởng nói to vào loa:

- Đóng tất cả cửa ca bin và cửa sổ mạn ca bin, phòng ngủ lại, chuẩn bị thu cá chuồn nhé!

Ông nói to nhưng giọng vui vẻ khác với sự cáu bẳn hô hét mọi ngày.

Trời đẹp, biển đẹp, ánh mặt trời chiếu xuống mặt biển rồi phản xạ, hắt lên con tầu làm nó sáng bừng như cô gái được yêu.

dt2ccb-1711504256.jpg

Tầu vận tải của Đoàn 125 đoàn tầu không số trên đại dương. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Từ mũi tầu, những vệt sáng loáng xuất hiện, lúc đầu lác đác rồi mau hơn, rồi cả mặt biển xanh, bừng sáng lóa, lấp lánh như mặt trời phản quang lên con tầu. Tôi ngây người ra vì ngạc nhiên, vì sửng sốt. Thuyền trưởng khoái chí nhìn tôi, nhìn biển rồi nói:

- Cá chuồn đấy. Lần đầu tiên thấy hả? Tôi lăp bắp:

- Cá mà bay được à? Ông cười, chỉ về phía trước:

- Nhìn xem, nó phóng từ mặt nước lên. Khi lên khỏi mặt nước, nó xòe vây ra làm cánh, tách khỏi mặt nước bay là là có khi đến vài chục mét rồi chìm xuống cho đợt cá khác bay lên.

Chưa dứt lời, bỗng bộp, bộp những vật sáng loáng từ phía trước lao tới, đập mạnh vào kính chắn, ca bin tầu. Con thi nát bét mũi, con thì gẫy gập lăn lông lốc xuống boong tầu. Chúng để lại trên kính những vệt máu loang lổ.

Khi tầu đi qua luồng cá. Cửa buồng ngủ, cửa sổ ca bin được mở ra. Thủy thủ xách xô ra boong tầu nhặt cá. Có con còn ngáp ngáp, có con còn giãy giãy. Đa phần nát toét đầu, mỏ. Chúng tôi vứt hết những con nát xuống biển, nhặt con lành lặn bỏ vào xô. Lão Mạc thủy thủ trưởng bảo:

- Đủ rồi! Ba xô này ăn có mà nhòe. Thuận bạn thân thì bảo:

- Mày chuẩn bị nấu nồi canh chua và rán ròn lên uống rượu, còn lại kho ăn dần.

Tôi nghĩ bụng:

- Cả tầu ăn giỏi lắm hết một xô. Tầu không có tủ lạnh thì chỉ mai là thối hết.

Lão Mạc Thủy thủ trưởng bảo:

- Quân xuống khoang mũi, lấy cái lưới lên đây!

Lại một sự ngac nhiên nữa. Lão chọn những con cá chuồn lành lặn, thân, đầu không bị dập, cho vào lưới rồi ròng dây, thả xuống mạn phải tầu. Lão lấy tay quyệt mồ hôi ngang mặt nói:

- Cách bảo quản này cũng chỉ được hai hôm thôi. Còn hơn để trong xô chiều là ươn, thối đổ đi hết.

Ra vậy! Lão giảng giải:

- Thả xuống nước để độ lạnh của nước hãm sự phân hủy lâu hơn. Tôi khâm phục những người đi biển quá!

Tàu tôi là loại nhỏ nhất nên không có tủ lạnh. Các loại tầu Nhật Lệ, Đại Khánh có tủ lạnh, tủ đá có thể để vài tạ vào tủ, khi vào cảng chia cho các tầu khác. Lính thủy tầu Nhật Lệ mỗi lần gặp đàn cá chuồn là nhặt, mổ bỏ ruột, phơi lên làm cá khô, vừa nhanh vừa chắc ăn. Phía trong ống khói của tầu có khoảng trống vòng quanh, y như lò nướng điện bây giờ. Thả cá chuồn vào đó hong. Chỉ một ngày là cá khô cong. Để giành hoặc nướng, rán uống rượu rất ngon. Thịt cá chuồn nạc, béo, thơm có thể ăn no được.

Theo kinh nghiệm của dân biển, khi đi biển mà có cá chuồn bay lên tầu là sau đó biển động.

Quả vậy khoảng dăm tiếng đồng hồ sau biển bắt đầu nổi sóng. Từng quả núi nước chồm lên, chùm lấy con tầu, như muốn vít con tầu xuống đáy biển. Con tầu như một thằng ranh con ngỗ ngược, khó bảo. Nó chúi mũi xuống, chổng cả chân vịt trên không trung, quay tít rồi lại phi lên đè đỉnh sóng. Rùng mình rũ nước chảy ào ào xuống, y hệt con tầu ma trong phim Cướp biển Ca ri bê.

Sở dĩ cá chuồn bay được vì nó có 4 vây trước ở ức, ở thân dài và rộng. Từ trong lòng biển nó vẫy vây để đạt tốc độ lớn rồi lao lên mặt nước. Với vận tốc cao, góc chếch nhất định, nó có thể bay trên mặt nước và bay xa đến 200 - 300m và cao đến chục mét, vì thế mà nó mới đập được vào kính chắn gió, chắn sóng của cabin chỉ huy tầu. Còn tại sao nó lại bay lên hàng đàn như biểu diễn xiếc thì phải để các nhà khoa học biển, khoa học hải dương giải thích. Đời lính thủy chỉ cần biết hai điều:

- Gặp cá chuồn là được ăn cá miễn phí không phải câu không phải mua và

- Điều thứ hai là: Chuẩn bị đón bão.

Sau ngày ngừng bắn 27/1/1973. Tầu vận tải đoàn 125 chúng tôi ào ào vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, đường ống xăng dầu vào các cảng miền trung như cảng Sông Gianh, cảng Nhật Lệ Quảng Bình. Cảng Cửa Việt Quảng Trị để Đoàn vận tải 559 vận chuyển sâu vào phía Nam, phục vụ cho chiến dịch giải phóng miền Nam, chúng tôi thường xuyên gặp cá chuồn bay lên tầu.

Khi đó, nào ai đã biết có ngày 30/4/1975.

Tháng 2, tháng 3 đã đến. Bồn chồn nhớ mùa cá chuồn bay. Một kỷ niệm không thể nào quên của những lính thủy chúng tôi.

Hà Nội, ngày 26/3/2024

T.H.Q

Bạn đang đọc bài viết " Mùa cá chuồn" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn