Ký ức chiến tranh: Vào trận - P47

CCB Vương Vương Khả Sơn/Thành Đô (biên tập -giới thiệu)

28/06/2023 06:03

Theo dõi trên

Chiều ngày 12 tháng 7 năm 1974, từ cứ "Trốn Lính" (vì cứ này có rất nhiều người đến tuổi quân dịch, không chịu đi lính cho nguỵ quyền Sài Gòn mà cũng không dám tham gia cách mạng đã trốn ra đây, được gia đình chu cấp chờ ngày giải phóng để trở về), cách Gò Nổi chừng 1,5 km đường xuồng.

Tôi cùng Ngô Quang Phô (Quảng Trạch, Quảng Bình), Nguyễn Văn Lưu (Nam Đàn), Lưu có tật hay nháy mắt kép, sau này khi bám địch ở Gò Nổi đã vô ý dẫm phải quả B40 do ta gài để chặn địch, cắt đứt đùi phải, mất nhiều máu, hy sinh ngay sau đó), Kiều Gia Lâm (Xuân Hải, Nghi Xuân) và Lưu Xuân Tiết, bám lên Gò Nổi. Đến 16 giờ, chúng tôi mới bám lên được gần tới chỗ có địch. Tuy nhiên, trước đó chừng 20 phút, chúng đã rút. Tôi bàn với Tiết và Phô phải gài mìn lại phòng ngày mai chúng lại tiếp tục ra. Tôi dùng dao găm đào lỗ chôn mấy quả "cá mòi" (loại mìn tự tạo, dùng vỏ hộp cá mòi, nhồi TNT, tra kíp vào làm mìn giẫm nổ).

b1td1f-1687877874.jpg

CCB Vương Khả Sơn tại bia tưởng niệm liệt sỹ hy sinh tại Cầu Rạch Chiếc ngày 29/4/1975- Ảnh chụp ngày 27/4/2023

 

Đúng như dự đoán, sáng hôm sau, mới chừng 8 giờ đã nghe mấy loạt cực nhanh AR15 rèn rẹt trên Gò Nổi. Chúng tôi được lệnh phải đi bám địch ngay. Cả năm chúng tôi nhận lệnh, lên xuồng. Tôi vừa ngồi trên xuồng vừa lau khẩu B40 của mình. Đi ngang qua chỗ cứ "Trốn lính", mấy người trong đó có cả du kích, đang ăn sáng. Thấy tôi lau súng, một cô du kích nói như đùa: "Mấy anh đi bám địch mà lau súng là dễ đụng tụi nó lắm đó nghen!". Tôi chỉ cười mà không tin. Tất nhiên vì đi trễ, nên chúng tôi cũng hết sức cảnh giác. Khoảng gần 10 giờ, xuồng mới cập bến. Neo xuồng xong, mọi người lần lượt bám lên. Phô, Tiết, Lưu đi mũi 1, bên phải. Tôi và Kiều Gia Lâm, mũi 2, vòng bên trái. Thấy rất nhiều dấu giày của bọn lính, tôi nháy Lâm cảnh giác rồi bám dần lên đến chỗ ngã ba đường mòn nơi mà chiều hôm qua tôi đã chôn rải rác 3 trái "cá mòi" kia. Đến đây, dấu giày chi chít. Tôi chỉ cho Lâm thấy mấy cái đầu lọc thuốc lá "Ru Bi" bọn lính vừa hút xong, vứt xuống đấy. Đồng thời, tay chỉ vào chỗ có mấy trái mìn, nói nhỏ với Lâm: "Đây này, chúng nó vừa giẫm nát chỗ này mà sao không giẫm phải "râu tôm" của mấy trái mìn tớ gài nhỉ?!" Vừa dứt lời, chợt thoáng thấy một bóng lính bận đồ rằn ri, nằm dưới bụi tre gai lúp xúp cách tôi chừng 2 mét bật dậy, run lẩy bẩy, chụp cây AR15 kéo nguyên một băng cực nhanh. Đạn bay xèo… xèo… qua mặt, qua đầu tôi và Lâm. Thật kỳ lạ, không thể tin nổi bởi cả hai không hề “dính” một viên nào. Thì ra, thằng lính nằm phục kích chúng tôi, ngủ quên. Khi tôi thì thầm với Lâm, nó giật mình, chụp súng kéo đại cả băng 20 viên cực nhanh. Tôi quay đầu chạy chừng 5 mét rồi quay lại giáng trái B40 vào ngay gốc bụi tre. Nhưng thằng lính nhanh chân hơn; trước đó, nó đã nhảy khỏi chỗ đó rồi chạy biến. Sỡ dĩ tôi không bắn ngay được vì khoảng cách giữa tôi và tên lính quá gần, B40 không thể phát huy được hoả lực. Tôi phải lùi lại khoảng 5 mét mới đủ tầm bắn (B40 bắn cự ly trong 3 mét, đạn sẽ không nổ vì chưa đủ thời gian cho viên bi trong rãnh an toàn xoay hết vòng của nó để rơi vào vị trí mất an toàn). Bây giờ thì các loại súng địch thi nhau nổ chát chúa. Tôi chạy trong mưa đạn. Xung quanh, M79, AR15, đại liên bắn như mưa rào. Nhưng thật kỳ diệu, tôi không hề “dính” một viên đạn một mảnh M79 nào cả. Còn Lâm, hoảng quá rẽ phải, chạy ra phía đồng trống. Bọn địch phát hiện được liền chuyển hướng bắn theo. Tôi nghĩ, chắc Lâm không thể thoát khỏi làn đạn ấy. Tôi xách B40 cắm cổ chạy một mạch xuống đến chỗ giấu xuồng. Cùng lúc ấy Tiết, Phô, Lưu cũng vừa đến nơi. Chúng tôi chặt dây neo, nhanh chóng nhảy lên xuồng, bơi một mạch theo con rạch cũ. Được một đoạn, mọi người hỏi, "Lâm đâu?!" Tôi thuật lại. Ai cũng nghĩ Lâm đã hy sinh. Trên bờ địch vẫn bắn đuổi theo không tiếc đạn. Nhưng chúng tôi đã ra khỏi tầm bắn của các loại súng bộ binh. Đang bơi, đột ngột thấy Lâm xuất hiện bên bờ rạch, mặt tái xám vì mệt, người ướt như chuột lột. Tất cả đều reo lên "Kìa! Thằng Lâm! Nó vẫn sống". Chúng tôi dừng xuồng, đón Lâm. Cậu ta lên xuồng, định thần rồi kể: "Khi tớ chạy ra hướng đồng trống, địch phát hiện được liền bắn đuổi theo và hò la bắt sống... Tớ cắm cổ chạy xuống đến triền bưng rồi chui vào cỏ trườn đi, sau đó mới định hướng, cắt bưng về đây…”. Đúng lúc chúng tôi đến và gặp tại bờ rạch. Lâm cũng phục viên, ra quân đợt cuối cùng năm 1976 (năm 1980, lúc học Đại học Vinh, một lần tôi gặp lại Kiều Gia Lâm tại Vinh, cậu ta làm công nhân xây dựng).

Lần ấy, chúng tôi cũng không hề biết rằng trước đó đã có một tiểu đội du kích đi trước bám địch. Họ cũng không ngờ có mấy tên lính đang mải quan sát chúng tôi từ trên ngọn cây. Khi nghe tiếng súng AR15 của tên lính bắn tôi và Lâm, chúng liền chửi: "Đ... mẹ! Đồ ngu! Biểu chờ tụi nó vzô để bắt sống, sao lại bắn sớm quá vzậy. Đ… mẹ…?". Các đồng chí du kích ngay lập tức xả súng lên ngọn cây, máy tên lính đó trúng đạn rơi xuống. Họ lập tức ngoặt trở lại rồi lên xuồng, nhanh chóng bơi ra theo hướng chúng tôi rồi cùng gặp nhau ở cứ "Trốn lính".

(Còn tiếp)

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Ký ức chiến tranh: Vào trận - P47" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn