Tâm hồn Việt của một nhà thơ Mỹ

Nguyễn Văn Nọi

09/05/2024 10:39

Theo dõi trên

Tôi vô tình bật TV1 đúng lúc đang phát chương trình TALK VIETNAM với tiêu đề “Tâm hồn Việt của nhà thơ Bruce Weigl”. Có lẽ vì tôi là một cựu chiến binh thời chiến tranh chống Mỹ nên dễ bị cuốn vào câu chuyện của một cựu chiến binh Mỹ.

Bruce Weigl tham chiến tại Việt Nam từ 1967 đến 1968, tại khu vực An Khê, Gia Lai. Hai năm làm lính chiến tại Việt Nam, từng dối đầu với cái chết và được chứng kiến rất nhiều cái chết của đồng đội trong cuộc chiến phi nghĩa của quân đội Mỹ tại Việt Nam. Giống như nhiều cựu chiến binh Mỹ đã từng tham chiến tại Việt Nam, Bruce Weigl đã mắc căn bệnh “Rối loạn căng thẳng sau sang chấn – PTSD). Ông nói với MC Lina Phạm: “Nếu ai đó làm rơi thứ gì đó nặng xuống sàn, tôi sẽ lập tức nhảy ra khỏi ghế…nếu có một chiếc trực thăng bay sát mặt đất, tôi vẫn ngước nhìn lên rất nhanh theo phản xạ”

dt-at-nvn2a-1715225871.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Bruce Weigl trở thành một nhà thơ để chữa lành cho tâm hồn của chính mình. Bài thơ “Bài ca bom Napalm”, với những câu thơ đã làm nên tên tuổi của một nhà thơ lớn của văn học đương đại Mỹ - nhà thơ Bruce Weigl.

“Nhưng những cành cây vẫn là rào thép gai

Tiếng sấm vẫn là pháo cối nã đạn

Kể cả bây giờ khi nhắm mắt

Anh vẫn thấy bé gái chạy ra từ ngôi làng

Napalm dính vào áo quần như thạch

Bàn tay cô vươn ra phía trước

Nơi không ai đón cô trong biển lửa trước mặt”

Bruce Weigl còn là một giáo sư ở một trường đại học danh tiếng của Mỹ. Trong khi nghiên cứu các tư liệu thu được của lính Mỹ tại chiến trường Việt Nam được lưu trữ tại Trung tâm William Joiner, Bruce Weigl tình cờ phát hiện những bài thơ bằng tiếng việc trong các quyển nhật ký của những người lính phía đối phương đã hy sinh, bị bắt hoặc bị thương.

- Tại sao lại có thơ ở đây? – Bruce Weigl hỏi cô thủ thư

- Những người lính làm thơ vì họ nhớ nhà và cô đơn vì không được ở cạnh người thân – cô thủ thư trả lời. Bruce Weigl ngạc nhiên vì thấy những người lính Việt Nam cũng yêu thơ và làm thơ giống ông và nhiều đồng đội của ông. Bruce Weigl nói với MC Lina Phạm “tôi hay ví von rằng lính Việt Nam thì có thơ còn lính Mỹ thì có tạp chí Playboy”. Ông đã khóc khi đọc bản dịch của bài thơ đầu tiên và lập tức có ý định sẽ dịch các bài thơ có được đó ra tiếng Anh.

“Con ong làm mật yêu hoa

Con cá bơi yêu nước,

Con chim ca yêu trời.

Con người muốn sống con ơi

Phải yêu đồng chí, yêu người anh em”

“Quê tôi đẹp lắm, bạn ơi!

Có về Nam Định quê tôi thì về

Nắng hồng chiếu khắp đồng quê

Ba mùa lúa chin lúa về thôn trang”

“Tối qua dưới ánh trăng vàng

Anh đang mang sung theo đoàn hành quân

Gặp cô thôn nữ xóm Vân

Quẩy đôi thúng gạo nuôi quân qua cầu”

Bruce Weigl đã trở thành một dịch giả để xoa dịu vết thương chiến tranh và trở thành sứ giả văn học giữa Việt Nam và Mỹ. Ông đến Việt Nam, đến Hà Nội lần đầu năm 1986 mà như ông nói “có lẽ tôi là người Mỹ đầu tiên đến Việt Nam sau chiến tranh”. Bruce Weigl còn trở lại Việt Nam nhiều lần nữa và có rất nhiều bạn ở hội nhà văn Việt Nam như Nguyễn Quang Thiều, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Trần Đăng Khoa, Trung Trung Đỉnh… Sau khi nghỉ hưu, Bruce Weigl thường dành mỗi năm khoảng 6 tháng ở Việt Nam để nghiên cứu và dịch thơ. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam có nói “ông Bruce Weigl có mong muốn lớn nhất là được nằm lại vĩnh viễn trên mảnh đất này - Việt nam”. MC Lina Phạm đặt câu hỏi:

- Ông đã đến Việt Nam nhiều lần và gặp gỡ với nhiều nhà văn Việt Nam. Ông có cảm thấy những trải nghiệm này có làm ông giống người Việt Nam hơn không? – Bruce Weigl hóm hỉnh trả lời:

- Tôi không biết tôi đang trở nên Việt Nam hơn hay tôi đang dần nhận ra mình có lẽ vốn là người Việt Nam ngay từ đầu.

Bruce Weigl đã mất khoảng 4 năm để dịch 23 bài thơ đầu tiên từ các cuốn nhật ký chiến trường của chiến sỹ giải phóng quân, và mất thêm 2 năm để hoàn thiện và xuất bản tập thơ dịch đó. Ông đã phải học tiếng Việt, ngữ pháp tiếng Việt, cách gieo vần trong thơ Việt Nam. Mặc dù ông là nhà thơ, là giáo sư văn học Mỹ nhưng khi dịch một bài thơ từ tiếng Việt sang tiếng Anh ông phải có đến 20 bản nháp. Những bài thơ đầu tiên trong cuốn nhật ký tiếng Việt được ông dịch sang tiếng Anh và chuyển đến các tạp chí không được đón nhận tích cực. Nhiều cựu chiến binh Mỹ đã gửi thư đến cho Bruce Weigl và lên án ông đã phản bội lại đồng đội vì dịch và cho xuất bản thơ của kẻ thù. Bruce Weigl đã bình tĩnh đón nhận và phản hồi các ý kiến trái chiều đó bằng trao đổi thư từ. Ông biết nguyên nhân của sự thù hận Việt Nam trong các cựu chiến binh Mỹ xuất phát từ lòng yêu nước mù quáng của họ. Với sự kiên nhẫn và sự phân tích chí lý, chí tình của mình, Bruce Weigl đã cảm hóa được nhiều cựu chiến binh Mỹ và dư luận Mỹ. Các độc giả Mỹ đã quan tâm nhiều hơn đến văn thơ Việt Nam và tình yêu Việt Nam cũng vì thế mà ngày càng tăng hơn. Bruce Weigl đã dịch được 75 bài thơ Việt Nam sang tiếng Anh, ông đang có dự án dịch thơ “Bí mật của hoa Sen” của nhà thơ Nguyễn Phạm Quế Mai; “Sự bắt đầu của nước” của nhà thơ Trần Lê Khánh; Trường ca của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Nhà thơ Trần Lê Khánh, sau nhiều ngày làm việc với Bruce Weigl đã thừa nhận “có những câu thơ dịch tiếng Anh của Bruce Weigl còn hay hơn câu thơ gốc tiếng Việt của anh nên anh đã phải chỉnh sửa câu thơ tiếng Việt của mình cho hay giống bản dịch.

Đối với Bruce Weigl “Chắc chắn điều đầu tiên là chiến tranh không phải là câu trả lời cho các vấn đề. Và cách duy nhất để vượt qua nghèo đói, bi kịch, đau khổ, mất mát,..chính là bằng tình yêu. Nghịch lý thay là chính chiến tranh đã giúp tôi hiểu điều đó và đặc biệt người Việt Nam đã giúp tôi hiểu điều đó”

Bài thơ “Bài ca Napalm” theo tác giả Bruce Weigl là một bài thơ buồn. Tuy nhiên bài thơ đó được viết bởi một người trong cuộc nên nó có tính chữa lành rất tốt.

“Không gì thay đổi được điều đó

Cô bé ấy bị đốt cháy sau đôi mắt của anh

Cho dù em với tình yêu ngọt lành

Hay không khí sau mưa và đồng cỏ xanh đang trải dài bát ngát

Cũng không thể chối từ sự thật” – trích bài thơ “Bài ca bom Napalm”

Cám ơn VTV, cám ơn Chương trình TAKL VIETNAM đã cho tôi được xem, được nghe một câu chuyện mà chính MC Lina Phạm đã phải thốt lên giữa chừng “câu chuyện của ông hay quá”. Cám ơn Bruce Weigl, một cựu chiến binh Mỹ, một nhà thơ Mỹ có tâm hồn Việt.

Hà Nội, 8/5/2024

N.V.N.

Bạn đang đọc bài viết " Tâm hồn Việt của một nhà thơ Mỹ" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn