Cô giáo làng

Trần Biên

14/07/2022 22:43

Theo dõi trên

Ngày ấy, nó là sinh viên vừa tốt nghiệp ngành sư phạm Ngữ Văn ở một tỉnh xa. Mẹ nó mất sớm, thương bố và các anh chị em nên học xong nó kiên quyết không ở lại dự tuyển công chức giáo viên mà chia tay thầy cô và bạn bè rồi lên đường về quê.

Nghiêng vai xách cái vali nặng trĩu, nhưng trong đó không có gì ngoài sách. Có vài bộ quần áo nó đã cho gọn vào cái túi đeo bên hông. Rời xa nơi gắn bó gần 4 năm nó cũng buồn, cũng lưu luyến, nhưng không ai biết rằng trong nó còn có cả sự háo hức nữa. Về quê làm một giáo viên hợp đồng, mức lương chắc bọt bèo lắm. Nhưng đổi lại hàng ngày nó được nhìn thấy bố, thấy anh chị em và vui nhất là nó được ngồi ăn cơm cùng với họ... Ròng rã hai ngày một đêm nó cũng về được đến nhà. Việc đầu tiên nó làm sau khi về đến nhà ít phút là thắp hương cho mẹ. Có lẽ nó muốn báo cho mẹ nó biết rằng, những ngày qua thật vất vả nhưng nó cũng đã về đến đích. Trong tay nó là cái giấy chứng nhận tốt nghiệp loại khá. Và từ nay nó sẽ được người ta gọi là cô giáo.

chuycogiaolang-1657812924.jpg
Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

 

Và nó đi dạy hợp đồng thật. Bố nó đã mua cho nó một cái xe đạp Thống Nhất để nó bắt đầu sự nghiệp nhà giáo của mình. Nó rất phấn khởi. Dắt xe ra cho tờ giấy quyết định vào cặp rồi bắt đầu đi. Nhà nó cách trường những 20km, nhưng nó không hề cảm thấy xa quá.

Mỗi ngày, buổi sáng nó đều rời nhà từ 6h kém và có mặt ở trường khoảng 7h. Vì nó ở xa nên Ban giám hiệu nhà trường cũng linh động xếp cho nó từ tiết thứ 2 của mỗi buổi học. Ngày ấy trường nó còn phải dạy và học hai buổi trên ngày. Hôm nào không có tiết buổi chiều thì dạy xong tiết cuối nó sẽ đạp xe về nhà. Nếu có tiết dạy buổi chiều thì hôm đó nó mượn chìa khóa văn phòng của bác bảo vệ và nghỉ trưa tại đó. Trường đông lớp, nên mỗi tuần nó dạy 18 tiết. Mới ra trường nhịp độ làm việc như vậy, với nó có lẽ hơi quá sức.

Lãnh đạo nhà trường thấy nó đi lại xa, vất vả nên cho nó và một đồng nghiệp nữa mượn một phòng của khu tập thể để ở lại. Nó lại về nhà chọn vài cái xoong con, vài cái bát, vài đôi đũa. Nó mang theo một cái bếp dầu, một cái nồi cơm điện bé tý. Kèm vài thứ gia vị linh tinh mắm muối...vất vả và thiếu thốn nhưng nó tự nhủ sẽ cố gắng vì nó rất yêu nghề. Ngày còn là sinh viên, tuổi trẻ người ta thường đầu tư cho quần áo và giày dép, son phấn và những chuyến đi picnic. Còn nó vì cuộc sống thiếu trước hụt sau nên ngoài thời gian học chính, học phụ đạo nó đi làm gia sư, phụ giúp bán hàng ở chợ. Dư được đồng nào nó mua sách và photo tài liệu hết.

Mức lương hợp đồng của nó được trả theo quyết định là 330 nghìn. Khi nhận tháng lương đầu tiên nó rất vui. Bao dự định được nó vạch ra trong đầu. Dành dụm mua cho các cháu mỗi đứa bộ quần áo, nghỉ hè xong sẽ mua cho các cháu mỗi đứa một bộ sách giáo khoa kèm vở viết đồ dùng học tập cho cả năm học. Và rồi nó đã làm được...

Nghiệp nhà giáo cũng không phải chỉ có chữ vinh. Kì thao giảng có ban giám hiệu và các giáo viên gạo cội dự giờ. Nó vui vì được cầm phấn đứng trên bục giảng. Nhưng nó cũng buồn vì sau bao năm miệt mài đèn sách các thầy cô dự giờ xong vẫn đánh giá giờ dạy chưa đạt yêu cầu. Lúc nghe nhận xét nó buồn lắm, muốn khóc. Nhưng xong lúc đấy xốc lại tinh thần nó tập trung và đầu tư cho chuyên môn hơn. Vì nó rất yêu nghề. Nó hi vọng những lời nhận xét được nghe sau này sẽ nhẹ nhàng hơn. Cái gì cũng có giá của nó, thời gian trôi đi những giờ dạy của nó được khen nhiều hơn. Không ai biết được nó vui như thế nào. Nó rất yêu nghề. Trong giờ dạy nó rất nghiêm khắc, ra khỏi lớp rồi nó trở lại là một người chị thuần túy của các bạn học sinh. Buổi chiều khi hết giờ dạy nó ra sân chơi đá cầu, nhảy bậc với học sinh. Tiếng cười của nó còn trong trẻo và khá vô lo vô nghĩ. Từng chuyến đò sang sông cập bến, mỗi lứa học sinh tốt nghiệp ra trường là một lần năng lực chuyên môn của nó được hội đồng nhà trường và nhân dân địa phương ghi nhận. Vì tình yêu nghề mà nó làm được điều đó nên nó rất vui .

Rồi nó lập gia đình, cứ nghĩ rằng có con thì non việc nhưng vẫn như ngày nào, nó như một con ong chăm chỉ, cần mẫn tận tụy, miệt mài trong từng trang giáo án và từng tiết dạy.

Nó vẫn là giáo viên hợp đồng, lương mỗi tháng là hệ số lương cơ bản xxx, rất nhỏ. Nhưng nó tạm bằng lòng. Nó tự nhủ : Cứ được dạy hợp đồng mãi như thế này cũng tốt... Đồng lương ít ỏi, cùng với tiền được nhà trường trả khi tham gia dạy buổi hai cũng gần đủ trang trải sinh hoạt cho mẹ con nó. Điều khiến nó tạm bằng lòng đó là dù là những đồng tiền ít ỏi nhưng đủ sức cho nó có tiếng nói trong gia đình và xã hội, nó cũng đâu đòi hỏi gì hơn.

Thời thế thay đổi, mỗi lãnh đạo một cách thức làm việc, cùng với mấy trăm người ở một địa phương bị cắt hợp đồng bởi một phút bốc đồng của lãnh đạo mới.

Cũng như tất cả mọi người, nó hụt hẫng, bế tắc, tiếc nuối, tự ti khi bị nghề bỏ rơi mình. Khó hòa nhập xã hội vì gần 15 năm trời chỉ biết cầm phấn... Biết làm gì để sống, suy nghĩ không chỉ của nó và mấy trăm giáo viên bị cắt hợp đồng mà còn là suy nghĩ của cả những người thân, bạn bè của nó.

Chạy đôn chạy đáo xin vào công ty thì bị từ chối, vì các chị là cô giáo, quen ăn trắng mặc trơn, chưa từng lao động ở cường độ cao, các chị không làm được đâu, nên chúng tôi không nhận hồ sơ được...

Đã 6 năm trôi qua từ ngày bị mất việc, trong nó vẫn vẹn nguyên tình yêu nghề, mỗi khi có bé hàng xóm cầm vở đến hỏi bài, nó vẫn giảng hăng say, như bị mắc bệnh nghề nghiệp nói, nói... Nhà nó trước cổng trường, nó vẫn thổn thức lắm mỗi khi nghe tiếng trống trường, trong giấc mơ nó vẫn mơ thấy mình vẫn đang đi làm như mọi đồng nghiệp. Nó mơ mình vẫn được xách cặp lên lớp và đứng trước những ánh mắt ngây thơ trong trẻo của học trò..

Giật mình tỉnh dậy nó đang nằm bên các con. Ngày mai nó sẽ dạy cho con gái mình bài tác giả Nguyễn Du và Truyện Kiều.

Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Cô giáo làng" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn