Học trường nào để thành công?

Trương Thành Sơn

09/06/2022 15:08

Theo dõi trên

Cuộc tranh luận mãi chưa đến hồi kết. Xưa nay Khang luôn cho rằng dù con có năng khiếu thì mình vẫn không nên cho học trường chuyên lớp chọn. Định kiến ấy của Khang do thực tế nhiều người học nhầm trường chuyên nên thất bại, vì có thu được một bồ chữ vẫn không thành công trong cuộc sống.

·

nganh-sang-tac-van-hoc-1654179971.jpg
 

Vợ chồng Khang - Yến lại tranh luận mà gần như cãi nhau về việc chọn trường cho con gái. Thật ra Yến chỉ thấy thích, thấy người ta cuống cuồng chọn trường cho con thì cũng đua theo chứ không có một định hướng chuẩn vì lợi ích của con gái mình. Chính vì thế mọi điều cô nói ra đều bị chồng phủ quyết, thất thế nên Yến xuống thang bảo nhỏ:

- Có mỗi mụn con gái, anh xin cho con vào học trường chuyên đi, anh ạ.

- Chuyên cái gì? Không!

- Sao vậy?

- Nó học bình thường thì học trường thường, lớp thường chứ có năng khiếu đâu mà chuyên?

- Đã bảo là vợ chồng ta có mỗi mình nó thì đầu tư chu đáo cho con.

Thấy rõ vợ hiểu sai về lớp chọn trường chuyên, Khang giải thích:

- Vấn đề là đầu tư thế là phá hoại đời nó em hiểu không! Chuyên không phải là tốt hơn thường như em hiểu đâu, chuyên là để các cháu có năng khiếu môn gì đó thì được học sâu hơn môn đó. Sau này các cháu học ở đó làm những nghề phù hợp như nhà nghiên cứu khoa học hay chuyên gia ở lĩnh vực đó.

- Em thấy nhiều người cứ cạy cục xin cho con học lớp chọn trường chuyên.

- Họ làm sai mình cũng học đòi sai theo à? Vấn đề là đầu tư không đúng hướng thì làm khổ nó mà hiệu quả lại thấp, khổ cả mình nữa.

- Đó là nguỵ biện!

Cuộc tranh luận mãi chưa đến hồi kết. Xưa nay Khang luôn cho rằng dù con có năng khiếu thì mình vẫn không nên cho học trường chuyên lớp chọn. Định kiến ấy của Khang do thực tế nhiều người học nhầm trường chuyên nên thất bại, vì có thu được một bồ chữ vẫn không thành công trong cuộc sống.

Hôm nay hai vợ chồng Khang lại cãi cọ tiếp, Yến giận dỗi bảo:

- Anh đối xử hắt hủi y như bé Tép là con riêng của em vậy.

- Ngược lại, em hành hạ nó như thể mẹ ghẻ ấy.

- Hức.

- Hãy để cho con tiếp thu kiến thức ở trường theo đúng chương trình, dạy con những điều bình thường trong cuộc sống. Đừng cố biến nó thành nhà bác học hay siêu nhân mà khổ nó.

- Chính anh cũng là sản phẩm của trường chuyên đấy!

- Anh học lớp chọn để bồi dưỡng thi học sinh giỏi toán, không phải trường chuyên. Trường chuyên lớp chọn không xấu, không dở mà rất tốt nhưng chỉ phù hợp người có năng khiếu chứ không phải tất cả. Cố nuôi tép bằng thức ăn nuôi tôm thì tép vẫn không lớn thành tôm được đâu, em hiểu chưa?

Yến chuyển sang chiến thuật nịnh:

- Thật sự em vẫn muốn con giỏi như anh.

- Cảm ơn nhé. Em có học trường chuyên lớp chọn không mà một mực đòi con phải học như vậy? Hả?

- Vì khi ấy nhà ngoại nghèo, không có điều kiện chứ ai không muốn học trường chuyên?

- Đó là sai lầm đấy! Cố vào đó để luôn bét lớp, để mất cả tự tin vào cá nhân mình à?

- Hức.

- Không có năng khiếu bị bắt vào đó học đã không thu được kiến thức gì mà lại lỡ cơ hội học những kiến thức thông dụng khác.

- Đó là anh nói thế!

Vậy là cuộc chiến vẫn chưa có ai chịu thua, không ai chịu nhượng bộ.

Cái mà Yến bám vào thực ra chỉ là khát vọng mong mỏi con trưởng thành, chăm ngoan chứ thực ra không phải lựa chọn phương pháp giáo dục một cách có hiểu biết, phù hợp thực tế, khôn ngoan.

Để thuyết phục hơn Khang chuyển hướng tấn công vào chính vợ và bạn bè của Yến để từ đó rút ra cần cho con học theo hướng nào:

- Anh hỏi em nhé, những đứa bạn của em từng học trường chuyên ấy có thành công hơn em không?

- A... ư...

Ấy là Yến có mấy bạn nhà có điều kiện kinh tế và có mối quen biết nên bố mẹ cạy cục xin cho vào học trường chuyên. Hậu quả là luôn bét lớp, mất tự tin và ra đời vừa ngu ngơ vừa rỗng những kiến thức khác. Khang vẫn tiếp tục:

- Đấy thấy chưa, em không học lớp chọn mà thành công hơn những đứa trường chuyên ấy. Mấy con mọt sách đều bám váy mẹ, không độc lập suy nghĩ, không tự đảm bảo cuộc sống đúng chưa? Đến bây giờ con mình đã lớn còn chúng vẫn chưa làm chủ được cuộc sống, vẫn lập dị, đúng chưa?

- !

Bị đánh trúng đích Yến không nói nên lời nữa, còn Khang đưa ra dẫn chứng cụ thể:

-  Cái Thanh Hương là đứa học trường chuyên thậm chí còn đạt giải toàn quốc môn Địa lý đấy, nó không theo ngành địa lý mà học đại học ngành Bảo hiểm xã hội. Thế có phí công không? Có đúng là nếu thành công nhất thì Hương cũng chỉ làm công chức cần mẫn ở Sở Lao động – Thương binh – Xã hội, đúng chưa? Ấy là khi thi vào đại học nó còn suýt trượt vì mấy môn trọng tâm lại học không tới nơi, bận ôn thi học sinh giỏi môn Địa lý.

Giờ mới nhớ ra tấm gương bạn Thanh Hương của mình, Yến ấp úng:

- Công nhận!

- Thế cớ gì em bắt con mình đi theo con đường cụt ấy? Lại còn định cho nó học chuyên Sinh vật nữa, trong khi nó không hề yêu thích làm bác sĩ hay kỹ sư chăn nuôi mà chỉ ước làm công nghệ thông tin thôi.

- Vì thi vào chuyên Tin học chắc con sẽ trượt, nhiều đứa giỏi lắm.

- Thế Sinh vật thì nó có năng khiếu hay đam mê à?

- Ư… a… không. Chỉ là em thấy hướng ấy có thể xin được.

Gọng kìm thứ nhất khiến Yến không còn cựa quậy được nữa.

Để quyết định việc học của con, Khang thấy cần làm cho vợ hiểu cả những chuyện khác trong cuộc sống liên quan đến học hành, xem ra Yến không đủ sức phản biện nữa. Thừa thắng Khang chất vấn thêm khi Yến đã vỡ lẽ nên im như thóc:

- Đứa học trường thường, học đại học bình bình lại thành công hơn đấy! Xem thằng Công, thằng Kế, cái Thảo xem, đúng chưa?

- Đúng nhỉ?

- Em cứ thử đưa ra bằng chứng phản bác điều ấy thử?

- Ơ... em công nhận rồi, quả thực anh có lý. Mấy đứa thành danh về cả sự nghiệp lẫn kinh tế xưa toàn có sức học trung bình khá thôi. Bọn giỏi lặn đâu hết nhỉ?

- Lặn đâu? Thằng Diên có năng khiếu toán thì nó làm chuyên viên tin học là đúng nghề rồi, đời sống khá nhưng không phải là quan chức nên em không để ý thôi. Cái Lý giỏi văn, học Tổng hợp Văn ra, giờ làm biên tập ở nhà xuất bản cũng đúng sở trường đấy chứ? Song nếu bắt những đứa giỏi ấy làm lệch nghề nó giỏi, nó thích thì chỉ thất bại thôi.

- Vâng… em hiểu rồi.

Không dừng lại, Khang chất vấn tiếp:

- Không tính sự nghiệp, chỉ tính cuộc sống hạnh phúc thôi, đứa bạn gái nào của em hạnh phúc hơn em?

- Hí hí…

- Đứa học giỏi tiếng Anh rồi học chuyên như Hằng Nga ra trường làm phiên dịch, suốt ngày đi chiêu đãi với các sếp nên gia đình lục đục, không lúc nào ấm áp. Thế nó có hạnh phúc hơn người làm kế toán như em không?

- Hứ!

- Đứa duyên dáng điệu đà như Quế nhưng hãnh tiến đua tranh chức tước ở Hội liên hiệp phụ nữ thì thành công hơn hay đứa biết mình biết người mà hoà đồng cuộc sống như Thu Hà?

- Ư... ơ.. .

Tiếp tục dồn nàng Yến vào thế bất lợi, Khang hỏi:

- Đấy em thấy chưa? Không phải đứa giỏi giang, không phải đứa hãnh tiến thắng lợi trong đua tranh chức tước là hạnh phúc nhất nhé!

- Hình như vậy anh nhỉ? Thế là ai?

- Là em! Âm thầm hy sinh lo cho chồng con, để gia đình yên ấm mới gọi là thành công nàng ạ.

- Hí hí…

- Nữ còn có những đặc điểm khác nam nữa, nên chính em phải dạy con. Đứa thành công là phải biết cách làm duyên, là đứa biết tạo dáng từ ngoáy mông đến liếc mắt, là đứa biết chọn trang phục hợp, là đứa biết khiêm tốn học hỏi mọi điều rất thường trong cuộc sống chứ không phải thuộc làu làu những lý thuyết cao sang mà xa rời thực tế.

- Ừ có lý!

Nàng Yến thực sự đã bị chinh phục rồi, song đã nói thì một lần cho xong, Khang hỏi vợ:

- Thế đứa nào trong số bạn em giàu nhất nào?

- Thằng Khuê, con Phương.

- Không phải đứa học đại học kinh tế loại giỏi đúng không? Mà cũng không phải đứa đi dạy người ta làm giàu phải không?

- Hai đứa ấy, đứa thì học ngoại ngữ, đứa thì học Sử. Công nhận mấy bạn học kinh tế, tài chính, ngân hàng cũng kinh tế cũng khá nhưng không phải giàu nhất, thành công nhất, mà chính là những bạn trái nghề.

- Đứa giàu là đứa dám nghĩ, dám làm, nghĩ ngược làm ngược số đông chứ không theo đuôi người khác. Hiểu quy luật kinh tế chứ không đầu tư theo phong trào, không theo lý thuyết khuôn cứng.

- Thế người ta mở lớp dạy đầu tư, dạy làm giàu biết bao người đi học đấy thôi?

Khang cười phá lên, rồi hỏi:

- Ừ, em chỉ cho anh ai đi học làm giàu mà về làm giàu thành công với, để anh đến lạy họ ba vái?!

- Học cho vui, anh nhỉ? Không ai học làm giàu mà giàu được. 

- Em tìm giúp anh ai đi dạy làm giàu mà bản thân mình giàu để anh đưa em đi học, nhé!

- !

Nàng Yến đã tâm phục khẩu phục nên Khang kết luận:

- Không một ai dạy làm giàu và không một ai học làm giàu trở thành giàu, nhớ chưa nàng!

- Thế ai giàu, anh? 

- Những người có kiến thức kinh tế cơ bản nhưng có thêm đức tính dám nghĩ, dám làm và có chút ít gặp may.

- Thế người ta dạy làm giàu làm gì thế anh?

- Ai chẳng ước mình giàu, nên một số người thức thời đánh vào tâm lý đó để kiếm ăn thôi mà.

- Vậy kiến thức họ dạy là vô nghĩa ư?

- Không hẳn vô nghĩa, nhưng điều họ truyền đạt ngoài khối kiến thức cơ bản thì phần còn lại chỉ phù hợp với quá khứ thôi. Thực tế rất ít người nhận ra vấn đề mới, rồi chớp thời cơ làm ăn thành công. Khi ấy những nhà nghiên cứu mới chộp lấy ý đó để làm luận án tiến sĩ, rồi đi rao giảng. Chỉ có điều ai làm theo lý thuyết ấy thì thất bại vì thực tế cuộc sống đã khác đi so với lý thuyết suông ấy.

Đề tài chọn trường nào cho con học dường như đã ngã ngũ, nhưng Yến vẫn muốn Khang khẳng định lại, cô hỏi:

- Thôi được rồi, em để anh lo trường cho bé học.

- Được rồi, anh nói nhiều chỉ cốt truyền thông điệp chọn trường nào cho con thì phải phụ thuộc nhiều yếu tố. Tuy nhiên, trường học chỉ để cung cấp kiến thức cơ bản thôi, đừng nghĩ nó là tất cả. Ai cũng vậy thôi, thành danh, thành công hay không chủ yếu do chính mình sử dụng kiến thức cơ bản ấy để làm nền tảng HỌC Ở TRƯỜNG ĐỜI.

Sau những trận thua đo ván, nàng Yến chính thức nhượng bộ chồng để cho con gái cưng đi học trường thường, lớp đại trà.

 

Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Học trường nào để thành công?" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn