"Hà Giang quê tôi"

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Nọi

22/10/2022 09:26

Theo dõi trên

Cột cờ Lũng Cú bao giờ cũng là địa điểm phải đến của các đoàn du lịch khi lên thăm Hà Giang. Quãng đường từ Hà Nội lên Đồng Văn, Mèo Vạc không xa nhưng vì phải qua nhiều đèo dốc nguy hiểm nên xe ô tô phải chạy gần hết cả ngày (12 tiếng).

CỘT CỜ LŨNG CÚ

Nhiều đoàn khách phải bỏ bớt các địa điểm du lịch dự kiến đến nhưng có lẽ Cột cờ Lũng Cú không bao giờ nằm trong danh sách đó. Chưa đến Cột cờ Lũng Cú là coi như chưa đến Hà Giang.

Cột cờ Lũng Cú theo lịch sử ghi lại được Thái úy Lý Thường Kiệt đặt cột mốc xây dụng từ thế kỷ thứ XI để khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam ở biên giới phía Bắc. Cột cờ Lũng Cú đã được trùng tu nhiều lần. Năm 2010, nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, Cột cờ Lũng Cú đã được trùng tu nâng cấp. Sau nâng cấp, Cột cờ Lũng Cú mang dáng dấp của Cột cờ Hà Nội, hình bát giác với chiều cao 33,15 mét. Trên đỉnh là lá cờ tổ quốc rộng 54 mét, tượng trưng cho 54 dân tộc của cộng đồng dân cư Việt Nam.

dvh1aq1-1666405388.jpg
Tác giả bài viết dưới chân đồi cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn - Hà Giang).

 

Cột cờ Lũng Cú ngự trên đỉnh núi Rồng cao 1.470 mét so với mực nước biển. Từ bãi xe để lên chân cột cờ phải leo 839 bậc thang, chia thành ba hành trình. Dân leo núi thì thích leo cả ba hành trình này, nhưng với du khách "bình dân" thì chỉ chọn hành trình thứ ba. Hai hành trình đầu đã có xe ô tô điện của khu du lịch đảm nhận giúp. Hành trình thứ ba phải leo 279 bậc và muốn leo lên đỉnh cột cờ thì phải trèo thêm 135 bậc cầu thang xoắn trong lòng cột cờ nữa. Tôi lúc đầu cũng định leo cả ba hành trình vì nghĩ mình đủ sức. Tôi đã từng leo bộ lên đỉnh núi Bà Đen ở Tây Ninh nên cũng muốn trải nghiệm tại Cột cờ nơi địa đầu phía Bắc Tổ quốc này. Tôi lưỡng lự vì mình đi theo đoàn nên cuối cùng đành chấp nhận đi ô tô điện hai hành trình đầu theo mọi người. Có lẽ đấy là quyết định đúng đắn vì chỉ leo 279 bậc thang hành trình thứ ba mà đã thở dốc. Tôi là người đầu tiên trong đoàn leo đến chân cột cờ, tất nhiên là sau cậu hướng dẫn viên, nhưng cũng chợt nhận ra là không nên tập luyện quá sức. Tôi không dám mạo hiểm leo thêm 135 bậc cầu thang xoắn nữa dù trong lòng rất muốn. Ngạc nhiên nhất là trong đoàn tôi có một cháu trai mới bốn tuổi, mỗi khi xuống xe thường được mẹ bế, vậy mà cháu leo một mạch hết hành trình thứ ba. Cháu lại chạy vòng quanh chân cột cờ, không thấy tỏ vẻ mệt mỏi - rất ngưỡng mộ cháu.

Trên đường đến đến Cột cờ Lũng Cú đoàn chúng tôi ghé thăm dinh thự Vua Mèo Vương Chí Sình (Vương Chí Thành) ở Sà Phìn, Đồng Văn.

Vua Mèo là thủ lĩnh tinh thần của người Mông tại một vùng đất nhất định ở Trung Quốc; Việt Nam và Lào. Ở Đồng Văn, Hà Giang, Việt Nam; Vua Mèo là Vương Chính Đức. Sau này con trai ông là Vương Chí Sình đã kế nghiệp. Vùng Bắc Hà, Lào Cai thì Vua Mèo là Hoàng A Tướng. Rất lạ là người Mông không thích ai đó gọi dân tộc mình là Mèo nhưng tôi chẳng thấy ai gọi vua của họ là Vua Mông cả.

Dinh thự của Vua Mèo Vương Chí Sình được xây dựng trên một quả đồi hình lưng rùa. Kiến trúc pha trộn giữa kiến trúc Trung Quốc, Pháp và dân tộc Mông. Thời gian xây dựng dinh thự mất khoảng 9 năm (1919 ÷ 1928?), tốn khoảng 150 tỷ đồng Việt Nam theo thời giá hiện tại. Diện tích cả khu dinh thự khoảng 3.000 mét vuông.

Cả hai đời Vua Mèo Vương Chính Đức và con ông, Vương Chí Sình đều có công với cách mạng Việt Nam. Vương Chính Đức lãnh đạo người Mông chống Pháp. Năm 1936, đoàn xe Pháp chở quân nhu, lương thực tiếp tế cho binh lính đồn trú ở Đồng Văn bị phục kích ở Yên Minh. Vương Chính Đức và lực lượng vũ trang người Mông thu được khá nhiều chiến lợi phẩm. Để trả thù, chính quyền Pháp giả vờ hòa hoãn với Vua Mèo. Pháp tổ chức một cuộc đấu xảo ở Hà Nội và mời Vua Mèo cùng các thủ lĩnh người Mông khác tham dự. Các vị khách mời đều bị chính quyền Pháp bắt giữ ngay sau đó.

Vương Chí Sình thông thạo tiếng Pháp và tiếng Hán. Ông giỏi kinh doanh, thường xuyên mang hàng hóa từ Hà Giang về bán ở Hà Nội, mua các nhu yếu phẩm từ Hà Nội lên Hà Giang để phục vụ đồng bào của mình. Ông đã mua nhà số 22 Hàng Đường để làm nơi trung chuyển hàng hóa.

Nghe tin cha bị bắt, Vương Chí Sình mang tiền về Hà Nội để tìm cách cứu cha. Tiêu gần hết số tiền mang theo mà vẫn chưa cứu được cha, Vương Chí Sình đánh liều ra trường đua ngựa ở Hà Nội để tham gia cá cược cầu may. Ông đã thắng 1.000 đồng Đông Dương, một số tiền khá lớn hồi đó. Ông đã bỏ ra 800 đồng trong số đó để cậy nhờ một quý tộc Pháp cho mục đích của mình.

Năm 1938, Vương Chí Đức và các thủ lĩnh người Mông được trả tự do. Vua Mèo lại tiếp tục lãnh đạo người Mông tham gia đánh Pháp đuổi Nhật. Năm 1947, trước khi qua đời, Vương Chí Đức viết thư đề nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh cử người lên nhận bàn giao lại đất biên cương.

Vương Chí Sình nối nghiệp cha, một lòng theo Hồ Chí Minh. Năm 1946, Vương Chí Sình ủng hộ Chính phủ hai triệu hai trăm nghìn đồng bạc hoa xòe và bảy ki lô gam vàng. Năm 1956, Vương Chí Sình bàn giao toàn bộ vùng Đồng Văn cho Chính phủ. Ông đã được tặng huân chương đại đoàn kết dân tộc.

Dinh thự Vua Mèo hiện nay gần giống một khu nhà hoang, thiếu sự chăm chút của con người. Nghe đâu quyền sở hữu dinh thự Vua Mèo sau một thời gian giao cho Phòng văn hóa thông tin huyện Đồng Văn nay đã được trả lại cho các hậu duệ của Vua Mèo, cho con cháu họ Vương. Trước dịch Covid 19, vé vào thăm khu dinh thự Vua Mèo giá bốn mươi nghìn đồng cho một người, nay phải trả mười nghìn đồng một vé. Cách quản lý "cha chung không ai khóc" này làm cho khu dinh thự bị xuống cấp nghiêm trọng, thật đáng tiếc.

Trên hành trình di chuyển từ Hà Nội về Hà Giang, tôi ngồi cạnh anh Nguyễn Hữu Phúc K15. Anh Phúc người Yên Thành, Nghệ An. Anh từng là hiệu trưởng lâu năm một trường trung học cơ sở tại Yên Thành. Anh sống ở Nghệ An mà lại biết rất nhiều thông tin về chính sự, về văn hóa, con người các vùng miền ở Việt Nam và cả trên thế giới. Tôi ngạc nhiên khi anh khẳng định:

"Hà Giang có bài hát ca ngợi quê hương hay nhất nước mình"

"Hà Nội có nhiều bài hay mà anh. Tỉnh nào chẳng có bài hát ca ngợi quê hương mình", tôi vặn lại anh.

"Ông cứ tìm bài hát 'Hà Giang quê tôi' nghe thử thì biết, nó là bài hát ca ngợi quê hương hay nhất đó". Anh Phúc khẳng định, tôi thì bán tín bán nghi.

Tối hôm đó chúng tôi nghỉ ở Mèo Vạc. Sau khi ăn tối, nhóm khách tp. Hồ Chí Minh, một số anh chị K15 và tôi ở lại hát karaoke tại phòng ăn. Gần 10 giờ đêm cả hội lang thang ra chợ đêm Mèo Vạc. Chợ đã tàn nhưng trên sân khấu bán mái vẫn có mấy ca sỹ nghiệp dư đang hát. Giai điệu bài hát vang lên nghe rộn ràng, cuốn hút, thiết tha:

"Ai về thăm quê hương tôi

Nơi biên cương là đây

Có rừng cây thiên nhiên xanh biếc một màu

Đây Hà Giang đây Hà Giang quê chúng tôi

.......

Ai về thăm quê hương tôi

Nơi biên cương là đây

Có đường đi lên mây lên tới cổng trời

Đây Hà Giang đây Hà Giang quê chúng tôi

.....

Hà Giang mến yêu ơi

Hà Giang mến yêu ơi

Hà Giang mến yêu ơi

Hà Giang mến yêu của tôi"

Tôi đã từng nghe đâu đó bài hát này, không chỉ một lần. Nhưng ở không gian này, thời gian này và từ những con người này tôi mới cảm nhận được sự hay nhất của bài hát "HÀ GIANG QUÊ TÔI"

Cả nhóm khách chúng tôi ào lên sân khấu. Cả chủ nhà và khách đều nhún nhảy hát vang theo giai điệu bài hát. Hát hết câu cuối lại lộn lên câu đầu, bài hát được tất cả chúng tôi hát đi hát lại hơn mười lần mà vẫn còn muốn hát tiếp

"Hà Giang mến yêu ơi

Hà Giang mến yêu ơi

Hà Giang mến yêu ơi

Hà Giang mến yêu của tôi"

(Còn nữa)

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết ""Hà Giang quê tôi"" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn