Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường ở huyện Nho Quan trong quá trình hội nhập phát triển và những vấn đề đặt ra

Th.s. Nguyễn Thị Huệ*

12/10/2023 16:18

Theo dõi trên

Do đặc điểm địa lý cũng như điều kiện tự nhiên, lịch sừ hình thành mà người Mường Ninh Bình không nhiều, tập trung chủ yếu ở huyện Nho Quan và sinh sống xen kẽ với đồng bào Kinh. Chính những điều đó đã khiến cho việc bảo tồn được những nét văn hoá truyền thống của người Mường gặp rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, do địa hình cư trú, đất đai, khí hậu và những điều kiện sản xuất canh tác của đồng bào Mường đã tạo nên một sắc thái riêng, sự khác biệt nhất định về “kinh tế và địa văn hoá'” ở mỗi bản làng.

mien-nui-voi-dan-trau-1697102247.jfif

Tranh minh họa do AI (Bing) tạo ra và đã cho phép tạp chí sử dụng - Được tạo bằng AI ∙ lúc 4:13 CH 12 tháng 10, 2023

 

Tóm tắt: Văn hoá người Mường ở Nho Quan – Ninh Bình đã trải qua nhiều biến động, nhưng do những hoàn cảnh địa lí - khí hậu và lịch sử - xã hội riêng nên dù có biến động đến đâu thì nó vẫn mang trong mình những nét bản sắc riêng có không thể trộn lẫn được. Cũng như các dân tộc khác, bản sắc văn hoá dân tộc đã làm nên cốt cách, bản lĩnh, sức sống nội sinh cho người Mường. Bài viết tập trung vào công tác gìn giữ và phát huy bàn sắc văn hoá dân tộc nói chung và bản sắc văn hoá dân tộc Mường nói riêng trước sự tác động của xu thế toàn cầu hoá, khu vực hoá và sự phát triển không ngừng của nền kinh tế thị trường.

Từ khoá: Văn hoá người Mường, bản sắc văn hoá, kinh tế thị trường.

 

PRESERVING AND PROMOTING MUONG ETHNIC CULTURAL IDENTITY IN NHO QUAN DISTRICT DURING THE INTEGRATION AND DEVELOPMENT PROCESS AND THE PROBLEMS THAT ARE RAISED

 

Abstract:  Muong culture in Nho Quan - Ninh Binh has gone through many changes, but due to its own geographical - climatic and historical - social circumstances, no matter how much it changes, it still carries its original characteristics. Unique colors cannot be mixed. Like other ethnic groups, national cultural identity has created the character, bravery, and internal vitality of the Muong people. The article focuses on preserving and promoting national cultural identity in general and Muong ethnic cultural identity in particular under the impact of globalization, regionalization and continuous development. of the market economy.

Keywords: Muong culture, cultural identity, market economy.

 

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Ở nước ta hiện nay, xu thể toàn cầu hoá, khu vực hóa đang diễn ra hết sức mau lẹ. Đây là cơ hội để chúng ta tiếp thu khoa học, công nghệ hiện đại là điều kiện thuận lợi cho việc truyền bá, lưu giữ, phát triển văn hoá của mỗi dân tộc. Những giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc và các phương tiện kỹ thuật hiện đại đã trở thành tài sản, giá trị chung của nhân loại. Đây chính là cơ hội chuyển hoá và phát triển bản sắc văn hoá dân tộc theo yêu cầu của nền văn hoá mới. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, cơ hội mà toàn cầu hoá mang lại, chúng ta còn phải đối mặt với nhiều hiện tượng phức tạp như sự phân tầng xã hội, phân hoá giàu nghèo, nạn ma tuý, mại dâm, các trò chơi không lành mạnh trên Intemet, điện thoại... Trong xã hội hiện đại ngày nay, hiện tượng đáng lo ngại là nhiều người trong thế hệ trẻ không biết đến các làn điệu dân ca, không biết thổi kèn, dệt vải, không biết tới những truyền thuyết dân gian, truyện cổ của dân tộc mình. Ngay cả đến tiếng nói của dân tộc cũng bị lãng quên. Những quan điểm sống mới du nhập và ảnh hưởng đến lớp trẻ, trong đó có cả thế hệ những người trẻ của dân tộc Mường. Họ không ý thức được hết tầm quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc mình. Đôi khi, họ còn tự ti, mặc cảm nên việc lưu truyền và sử dụng những nét sinh hoạt văn hoá truyền thống gặp nhiều trở ngại. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến làm mai một dần bản sắc văn hoá của dân tộc trong đó có dân tộc Mường, nhất là đối với tầng lớp thanh niên.

Cho đến nay, văn hoá người Mường đã trải qua nhiều biến động, nhưng do những hoàn cảnh địa lí - khí hậu và lịch sử - xã hội riêng nên dù có biến động đến đâu thì nó vẫn mang trong mình những nét bản sắc riêng có không thể trộn lẫn được. Cũng như các dân tộc khác, bản sắc văn hoá dân tộc đã làm nên cốt cách, bản lĩnh, sức sống nội sinh cho người Mường Bản sắc văn hoá dân tộc là cái không thể vay mượn được, là hạt nhân năng động nhất trong toàn bộ tinh thần sáng tạo mà đồng bào mỗi dân tộc đã truyền từ đời này sang đời khác. Điều đó cho thấy, tất cả những giá trị văn hoá cả về vật chất và tinh thần của người Mường đều mang giá trị rất to lớn. Chính vì vậy, phải hết sức coi trọng công tác gìn giữ và phát huy bàn sắc văn hoá dân tộc nói chung và bản sắc văn hoá dân tộc Mường nói riêng. Đặc biệt, trước sự tác động của xu thế toàn cầu hoá, khu vực hoá và sự phát triển không ngừng của nền kinh tế thị trường, vấn đề này càng trở nên cấp thiết và thu hút sự quan tâm hàng đầu của các quốc gia, dân tộc trên thế giới.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Bác Hồ luôn luôn coi trọng việc giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc. Đây là một nhiệm vụ mang tính chiến lược của cách mạng Việt Nam. Muốn giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc thì phải hiểu đúng dân tộc. Muốn hiểu đúng dân tộc thì việc trước tiên là phải tìm hiểu văn hóa truyền thống. Bời lẽ, mỗi một dân tộc đều có lịch sử hình thành phát triển, phong tục tập quán, truyền thống văn hoá riêng làm nên bản sắc của dân tộc đó. Nếu làm tốt được điều này thì không những chúng ta có thể gìn giữ được những nét văn hoá truyền thống quý báu của dân tộc mà còn phát huy được sức mạnh tiềm tàng vốn có của nó từ bao đời nay, góp phần xây dựng một nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

1. ĐẶC ĐIỂM CHUNG VỀ HUYỆN NHO QUAN

1.1. Điều kiện tự nhiên

Nho Quan là một trong sáu huyện của tỉnh Ninh Bình, nằm trong khu vực tiếp giáp giữa vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Bắc Trung Bộ, có địa hình khá phức tạo mang tính chất đặc trưng của vùng núi cao và vùng bán sơn địa; đồng thời cũng là vùng đất trũng thuộc khu vực phân lũ của sông Hoàng Long (21 xã). Địa hình của huyện mang đặc điểm của ban tiểu vùng rõ rệt. Tiểu vùng cao, nằm ở phía tây Nam huyện, có địa hình cao, nhiều đồi núi gồm ba xã (Kỳ Phú, Phú Long, Cúc Phương). Trong vùng có nhiều tài nguyên (rừng, đất) giúp phát triển kinh tế đồi rừng, trang trại, chăn nuôi đại gia súc và vật nuôi đặc sản.

Tiểu vùng đồng chiêm trũng gồm các xã (Thượng Hòa, Sơn Thành, Thanh Lạc, Gia Thủy, Đức Long, Lạc Vân), sản xuất rất khó khăn, luôn bị đe dọa bởi lũ lụt, thiên tai, mất mùa, tài nguyên khoáng sản nghèo nàn, sản xuất công nghiệp chỉ là khai thác đá ở quy mô nhỏ nhưng cũng có tiềm năng phát triển thủy sản. Tiểu vùng bán sơn địa, gồm thị trấn Nho Quan và các xã còn lại, nằm ven Quốc lộ 12B, đường 477. Đây là vùng kinh tế trọng điểm của huyện với đặc trưng đa cây con, đa ngành nghề. Huyện Nho Quan có rất nhiều núi, có những dãy núi kéo dài hàng chục cây số. Có 2 dãy núi chính là: Dãy từ Thạch Bình xuống qua Yên Quang, Cúc  Phương, Kỳ Phú, Phú Long, Quảng Lạc thường gọi là dãy núi Cái, ngăn cách Nho Quan với Yên Thủy (Hòa Bình) và Thạch Thành (Thanh Hóa). Và dãy từ Xích Thổ xuống qua Gia Sơn, Gia Tường, Lạc Vân, Thượng Hòa. Ngoài 2 dãy núi trên, Nho Quan còn có hàng trăm núi lẻ. Tài nguyên rừng chiếm vị trí rất quan trọng ở Nho Quan (rừng Quốc gia Cúc Phương). Trữ lượng gỗ ở Cúc Phương khá lớn, đạt trên 600m3/ha. Núi và đồi thuận lợi cho việc phát triển đàn trâu, bò, dê. Đất Nho Quan cũng phù hợp với cây công nghiệp như: cây thuốc lá, lạc, mía, dứa, chè và trồng khoai lang, sắn, các loại cây ăn quả…

Với những điều kiện tự nhiên như trên, Nho Quan đã trở thành nơi tập trung sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Mường ở tỉnh Ninh Bình. Phần lớn người Mường trong tỉnh định cư ở huyện Nho Quan do ở đây có nơi cư trú thích hợp, điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào. Hơn nữa, huyện Nho Quan giáp với huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) và huyện Yên Thủy, Lạc Thủy (Hòa Bình) là những nơi mà người Mường tập trung đông nhất cả nước nên một bộ phận Mường trong huyện là do di cư từ các vùng lân cận sang sinh sống.

Nho Quan (nơi cư trú chủ yếu của đồng bào Mường) là huyện miền núi duy nhất của tỉnh Ninh Bình. Bao quanh cả huyện là những dãy núi cao đồ sộ và hàng trăm núi lẻ khiến cho hệ thống giao thông của huyện gặp rất nhiều khó khăn. Khí hậu ở Ninh Bình thuộc vùng nhiệt đới ẩm gió mùa nên đặc điểm vùng miền núi như huyện Nho Quan có lượng mưa rất lớn về mùa mưa. Với lượng mưa lớn, cộng với độ dốc khá cao, Nho Quan thường bị lũ lụt từ tháng 7 đến tháng 10, nặng nhất là vào tháng 9. Chính những đặc điểm tự nhiên, địa hình cư trú đã ảnh hưởng khá sâu đậm đến lối sống, cung cách sinh hoạt của người Mường nơi đây.

1.2. Đặc điểm kinh tế xã hội

Địa hình Nho Quan phân chia thành ba tiểu vùng tương đối rõ rệt, tiểu vùng cao ở phía Tây Nam, tiểu vùng đồng chiêm trũng và tiểu vùng bán sơn địa. Mỗi tiểu vùng có tiềm năng và thế mạnh riêng, song ba tiểu vùng có thể bổ sung hỗ trợ nhau để phát triển nền kinh tế hàng hóa khá toàn diện cả cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, vật nuôi đặc sản. Cùng với tiềm năng về thủ công nghiệp, nông, lâm nghiệp, Nho Quan còn thế mạnh phát triển đa dạng các loại hình du lịch.

Kinh tế - xã hội của huyện Nho Quan trong những năm gần đây đã có nhiều khởi sắc, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm trở lại đây đạt 10,7%. Đặc biệt, Nho Quan có nhiều danh lam thắng cảnh để phát triển và khai thác du lịch như: động Vân Trình, hồ Đồng Chương, thung Lóng và vườn quốc gia Cúc Phương…

Một trong những địa điểm thu hút khách du lịch thập phương chính là Vườn Quốc gia Cúc Phương nằm trên địa giới ba tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình. Vườn Quốc gia Cúc Phương với diện tích rừng nguyên sinh khoảng 22.200 ha, có nhiều động vật quý hiếm, có cây chò ngàn năm tuổi, có động Người xưa, suối nước nóng Kênh Gà. Tước đây, Cúc Phương chính là nơi cư trú tập trung của đồng bào dân tộc Mường. Sau đó, huyện Nho Quan cùng trung tâm Vườn quốc gia Cúc Phương đã tiến hành di dời được 9 bản Mường với 185 hộ gồm 1.043 nhân khẩu chuyển ra sống định cư ngoài ranh giới vườn. Vì vậy, đến với khu du lịch Cúc Phương, du khách không chỉ được thắng cảnh mà còn được thưởng thức những đặc sản của dân tộc Mường và mua bán, trao đổi những sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ mây tre đan do chính bàn tay người Mường làm nên.

2. QUÁ TRÌNH GÌN GIỮ VÀ PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC MƯỜNG Ở HUYỆN NHO QUAN.

2.1. Khái quát về đặc trưng văn hóa dân tộc Mường ở huyện Nho Quan.

Đặc trưng về văn hóa dân tộc ở Ninh Bình được biểu hiện thông qua sự xuất hiện của con người rất sớm với di tích hang Đăng Đắng (động Người Xưa) trong đó có các ngôi mộ cổ, các vật hóa thạch; trống đồng và những vật dụng như rìu đá. ở thời kỳ đồ đá mới tìm được ở một số nơi trong huyện Nho Quan. Nhưng tên làng, tên xóm hầu hết là từ cổ và gồm một âm (Mống, Lá, Muôi, Mí…), chứng tỏ ở đây đã hình thành một xã hội của người Việt Cổ và có một nền văn hóa lâu đời đặc biệt là văn hóa Mường mang đậm bản sắc cổ với một số nét riêng: Nho Quan (Ninh Bình) hiện có người Mường chiếm khoảng 17% dân số toàn huyện. Người Mường sống tập trung ở các xã Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long và sống rải rác, xem kẽ ở 6 xã Quảng Lạc, Văn Phương, Yên Quang, Xích Thổ, Thạch Bình, Gia Sơn, Người Mường ở đây chia làm bốn nhóm chính.

(1) Người Mường Vang ở các xã Thạnh Bình, Xích Thổ, Yên Quang. Xưa kia, họ di cư từ Hòa Bình xuống. Còn người Mường Rậm, Mường Bơ thì di cư từ “Mường Trong” (Thanh Hóa) ra. (2) Người Mường Rậm thường cư trú nơi rừng rú, rậm rạp (Cúc Phương, Văn Phương). (3) Người Mường Bơ cư trú ở những xóm, bản trại riêng nhưng đã giao lưu với người Kinh từ lâu đời và có khá đông đồng bào công giáo như ở Quảng Lạc, Thạch Bình. (4) Người Mường Ký Lão vốn chỉ sinh sống từ xa xưa trong một vài bản cổ thuộc xã Kỳ Phú, có tiếng nói và giọng nói khá khác biệt so với các nhóm Mường ở quanh vùng. Nghề sống chính của đồng bào Mường ở huyện Nho Quan là làm ruộng và nương rẫy. Ngoài ra, còn một số nghề tiểu thủ công, chế biến nông phẩm, đan lát, mây tre đan, đánh đá nung vuôi, làm mộc…Phong tục tập quán của người Mường ở huyện Nho Quan có nhiều ảnh hưởng của đồng bào Kinh. Tuy nhiên, do địa hình cư trú, đất đai và những điều kiện sản xuất canh tác mà đồng bào Mường đã tạo nên sự khác biệt nhất định về văn hóa ở mỗi bản làng.

Cấu trúc bản làng

Đồng bào Mường ở huyện Nho Quan phân bố tập trung ở vùng có nhiều rừng núi nên bản làng người Mường được phân thành ba dạng:

(1) Theo từng dải nhưng thưa thớt nhà ở; (2)Theo diện rộng nhưng lẻ tẻ và ít vuông vắn; (3) Theo vành khăn trên các sườn đồi, lối đi có nhiều dốc.

Tín ngưỡng

Người Mường Nho Quan có tập quán thờ các thần linh và thờ Phật (Bụt) ở những nơi hang động. Đó là những đền chùa bằng đá tự nhiên nhiều hình vẻ được người xưa chọn lựa. Tượng phật hoặc các thần linh được đồng bào Mường thờ theo tín ngưỡng đã thần giáo cổ xưa.

Vật dụng

Đến nay, người Mường Nho Quan còn giữ được nhiều vật dụng sản xuất và sinh hoạt cổ truyền (cày, cuốc, dao, nỏ, giỏ tre…), đặc biệt là hom giỏ và cồng chiêng. Mặc dù không đặc sắc như cồng chiêng Tây Nguyên nhưng cồng chiêng của dân tộc Mường ở Nho Quan cũng được dùng phổ biến trong các ngày lễ hội, sinh hoạt văn hóa. Mỗi giàn cồng chiêng thường có 9 hoặc 12 chiếc gồm cồng đại, cồng trung và cồng tiểu (chiêng). Tiếng cồng là “tiếng hồn” của người Mường mà không vật dụng, nhạc cụ nào có thể thay thế được. Hiện nay, Nho Quan có nhiều đội cồng chiêng trong đó có những đội mạnh như Thạch Bình, Kỳ Phú.

Trang phục

Từ khoảng nửa thế kỷ nay, bộ nữ phục của người Mường đã dần trở nên quen thuộc, gây được ấn tượng với chiếc váy hoa sát thân, cạp hoa phô trước ngực, chiếc áo cánh lửng, áo chúng buộc vạt, thắt lưng xanh, tấm khăn trắng đội đầu, vòng kiềng sáng lóng lánh… Bộ nữ phục ấy không có vẻ diêm dúa như nữ phục Thái, không quá kín đáo như nữ phục Tày, không dư thừa màu sắc như nữ phục Mông, Dao. Nữ phục Mường ẩn tàng những sắc thái riêng, qua đường nét cắt may, qua màu sắc trang trí. Dưới bàn tay khéo léo của người phụ nữ Mường ở Nho Quan, những bộ nữ phục ấy càng trở nên tinh tế, đặc sắc. Váy nào cũng có cạp, nhưng bộ cạp váy của người Mường thì dường như là duy nhất. Người Mường gọi nó là đầu váy (Klốc váy). Gọi chung là thế nhưng thực cáp váy Mường ghép lại từ ba bộ phận: rang trên, rang dưới và cao. Chúng khác nhau về vị trí trên cạp váy, kích thước rộng hẹp và đặc biệt là kiểu hoa văn trang trí. Nếu như hoa văn trên rang dưới chủ yếu là hoa văn động vật (rồng, công, rùa, răng dũi…) thì hoa văn rang trên cao chủ yếu là hoa văn hình học (sao, ô vuông, ô trám, chữ thập…). Bố cục trang trí trên ba bộ phận này cũng có khác biệt. Nếu như ở trang trên, rang dưới hoa văn bố cục theo băng dải, một hình thức bố cục trang trí truyền thống, thì ở trên cao hoa văn lại trang trí theo dọc thân váy. Từ cách trang trí này người ta liên tưởng đến mối quan hệ gần gũi giữa cạp váy Mường và trang trí mặt trống đồng Đông Sơn cách ngày nay mấy nghìn năm.Cầm cạp váy Mường trên tay nhìn ngắm, không ai lại không khâm phục tài năng và sự cần cù của người phụ nữ đã dồn bao tâm lực để dệt nên. Nhưng khi cạp váy “nằm” trong bộ nữ phục Mường thì ta lại chỉ thấy nó le lói, ẩn hiện qua khe áo ngắn mặc trong và áo chùng mặc ngoài, chứ không lồ lộ phô diễn như đầu khăn piêu Thái, thắt lương, thân váy Mông. Phải chăng đó cũng là nét riêng, vẻ duyên thầm của váy Mường.

Ở Việt Nam có 54 dân tộc anh em cùng chung sống. Mỗi dân tộc lại có những trang phục riêng phong phú và độc đáo. Trang phục phụ nữ gắn bó mật thiết với cuộc sống, là dấu hiệu thông tin để nhận biết đó là người dân tộc nào, đang cư trú ở đâu… Trang phục nữ không chỉ phản ánh trình độ phát triển kinh tế xã hội mà còn thể hiện tập quán nếp sống, trình độ thẩm mĩ và văn hóa các dân tộc. Một trong những sắc thái độc đáo tạo nên những nét riêng cho mỗi dân tộc chính là bộ trang phục truyền thống.

Trang phục dân tộc là một nét văn hóa đẹp, chúng không chỉ đặc trưng cho mỗi dân tộc mà còn là nói lên phong tục và cách sống của tộc người đó. Trang phục phụ nữ gắn liền với quá trình phát triển của từng dân tộc, bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống. Để làm nên trang phục, người phụ nữ cần phải cần mẫn lao động, làm ra những con sợi, vuông vải, rồi cắt may, thêu thùa, khâu, nhuộm, trang trí hoa văn… Vẻ đẹp riêng của mỗi bộ trang phục được thể hiện qua việc tạo dáng, trang trí hoa văn và họa tiết. Vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam còn thể hiện trên những trang phục dân tộc, được trang trí bằng những họa tiết hoa văn với những gam màu ấm áp bằng những tấm lòng của người Việt Nam nồng hậu… Không những thế đó còn là vẻ đẹp của trời đất và tâm hồn người. Trải qua bao năm tháng, nghệ thuật trang trí của người Mường nho Quan vẫn được giữ gìn và phát huy, góp phần làm nên bản sắc văn hoá đặc thù.

Tết Mường, lễ hội

Người Mường cũng ăn Tết Nguyên đán cùng thời gian với người Kinh. Trước tết, mỗi nhà đều lo kéo mật về để dùng trong ngày tết. Vì ở gần rừng Cúc Phương nên mật ong rừng của đồng bào Mường ở đây rất ngon, trong, không bị đóng đường. Về thực phẩm, nhà giàu thì giết một con lợn chừng “3 nấm” (60-70kg), nhà nghèo thì chỉ “2 nấm” (50kg), và thường thui lợn bằng nứa khô. Bánh trái ngày tế cũng được chuẩn bị kỹ. Trước đây, đồng bào thường dùng lá bương để gói gạo nếp, vặn thành những chiếc bánh không nhân gọi là bánh sừng bó. Ngày nay, đồng bào cũng gói bánh chưng như người Kinh. Ngày mùng 1 tết (với người Mường là ngày 30 tết), trừ gia đình công giáo; nhà nào cũng bày đặt cỗ bàn, bánh trái ở bàn thờ để cúng tổ tiên gọi là đặt vóng. Bàn thờ người Mường khá đơn giản: bát hương chỉ là những ống tre, đặt cạnh cửa sổ (có nơi đặt ngoài trời); trên bàn thờ thường bày thịt nướng, thịt luộc, canh, xôi, bánh trái và có cả vải vóc quần áo. Sang ngày mùng 2 thì không cúng nữa mà chỉ dành cho ăn uống, tiếp khách, vui chơi.

Vào mùa xuân, người Mường Nho Quan còn tổ chức Pồn Pôông có nghĩa là mừng hoa, chơi hoa. Từ lâu đời, Pồn Pôông vẫn là hình thức nghệ thuật tổng hợp mang đậm bản sắc văn hóa Mường, có sức truyền cảm khá sâu rộng. Đó là sự kết hợp giữa văn học, múa hát, sâu khấu có trang trí, diễn xướng, tín ngưỡng mà phương tiện biểu diễn chủ yếu là con người. Lễ hội bắt nguồn từ “Sử thi đẻ đất đẻ nước” của người Mường. Tổ chức lễ hội Pồn Pôông, người Mường mong muốn mùa màng bội thu, bản Mường no ấm, ngô lúa đầy bồ, con người hạnh phúc. Lễ hội thường tổ chức từ tối đến sáng và kéo dài đến 2, 3 ngày. Theo quan niệm của người Mường, đây là lễ hội cầu chúc cho mối tình chung thủy của Nàng Nga - Hai Mối, Nàng Ờm - Bồng Hương, Út Lót - Hồ Liên, để có dịp về Mường vui vầy cùng dân bản. Đây là các nhân vật trong 4 truyện tình nổi tiếng của người Mường.

Để mở đầu một đêm Pồn Pôông, người con trai, con gái hát dạo những bài xướng, rang để xin vào chơi hoa trong cửa, trong nhà.

Lời bạn nơi xa lơ xa lắc về xin vào đêm vui hoa này

Xin mặt trời về ổ

Xin cây cỏ ủ trong sương mù

Xin lá bí lá bầu

Xin cây cau cây chuối

Chơi bông mường xa

Chơi hoa mường bạn

Chủ của buổi lễ là Ậu máy. Nhân vật Ậu máy phải là người có uy tín trong làng và phải được truyền nghề từ một Ậu máy đi trước. Ậu máy vừa là thầy cúng, vừa là người bốc thuốc chữa bệnh trong làng. Lễ hội Pồn Pôông có hai phần, phần lễ và phần diễn có. Các trò diễn xướng đều xoay quanh cây bông, mô phỏng lại toàn bộ các phong tục tập quán, phản ánh đời sống tâm linh, văn hóa tinh thần của đồng bào Mường ở Nho Quan. Lễ hội gồm 42 trò đặc sắc, như: Trò chia đất, chia nước, dựng nhà, đuổi thú dữ, trồng trọt, chọi trâu, chọi gà, làm cơm mời Mường… Các nhân vật tham gia lễ hội múa những điệu múa mô phỏng lại các động tác trong quá trình lao động, vui chơi hàng ngày.

Cây bông - vật trung tâm trong lễ hội là biểu tượng của vũ trụ bao, hội tụ đầy đủ vạn vật mà tạo hóa đã ban cho con người. Trên cây bông bằng tre cao 3m treo 5 hoặc 7 tầng những chùm hoa bằng gỗ bấc nhuộm xanh, đỏ, tím, vàng và các mô hình muông thú, nông cụ sản xuất, những thành quá sáng tạo của con người… tượng trưng cho ấm no thịnh vượng. Cây bông này chỉ có Ậu máy mới làm được và truyền lại cho con cháu hoặc một vài người khéo tay trong bản Mường. Tùy theo tài năng, thâm niên của Ậu máy mà cây công có nhiều tầng hay ít, cao nhất là 12 tầng. Bên cạnh cây bông là bàn để rượu cần và các mâm cổ lễ với các món ăn truyền thống của người Mường trong dịp tết lễ như canh uôi, canh đắng. Trong lễ hội, Ậu máy có vai trò như thầy cúng, là người kể lại giai thoại sinh ra trời đất, lập bản Mường,… thông báo với thần linh năm nay vụ mùa thắng lợi, làng mở hội mừng xuân để tỏ lòng biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu… Ậu máy kể bằng văn vần như tỏng lễ diễn xướng dân gian, vừa kể vừa nhảy múa rất linh hoạt. Sau phần lễ của Ậu máy, mọi người múa hát giao duyên, họ hát lên bài ca hẹ ước, dặn dò rồi thổ lộ nỗi lòng. Qua các bài hát tâm linh, trao hoa, có đôi trai gái đã phải lòng nhau và thề nguyền vàng đá.

Rất có thể đôi nam nữ sau đêm Pồn Pôông này, ngày mai sẽ làm lễ cưới, ấy cũng là ao ước và kết tinh của những lời ca Pồn Pôông đọng lại ở tình yêu đẹp của họ. Bởi lẽ, họ say nhau về văn học, lời ca, họ yêu nhau về khát khao xây dựng hạnh phúc.

Không chỉ có Pồn Pôông, trong những ngày lễ tết đầu xuân, người Mường ở huyện Nho Quan còn tổ chức lễ hội cồng chiêng. Trong lễ hội, bên “Ché” rượu cần họ thưởng thức các món thịt thú rừng nướng, giao lưu trong các trò chơi dân gian như ném còn (rón còn), thổi kèn lá, hát đúng, chọi cù (con quay) và khám phá một vùng văn hóa cổ của Việt Nam qua những truyền thuyết, truyện kể dân gian lý thú như truyền thuyết Phò Mã Giáng, giai thoại Như Ông và Rắn Thần, sự tích Cây Kim Giao…

Ẩm thực người Mường

Sinh sống gần rừng núi, người Mường ở đây như đã làm bạn với thiên nhiên. Lương thực, thực phẩm mà đồng bào Mường ăn hàng ngày cũng gắn liền với núi rừng. Lương thực chủ yếu của người Mường là ngô, sắn, khoai và sau này là gạo được trồng trên nương rẫy. Nguồn thực phẩm chính là thịt lợn, thịt thú rừng. Cách chế biến cũng khá đơn giản, chỉ là thui hoặc nướng, hoặc là nấu với măng chua, quả rừng (tay chua), rau rừng (rau sắng). Gần gũi với thiên nhiên, người dân nơi đây sống thật thà, chất phác, rộng lượng đúng như câu: “cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui”; “trâu gõ mõ, chó leo thang” hay “trân ra đồng ăn cỏ, người đến nhà ăn cơm”… mà đồng bào Mường vẫn thường hay nói.

Rượu cần của người Mường Nho Quan dường như mang một hương vị đặc trưng của núi rừng. Rượu được chế từ gạo nếp nương đồ chín để nguội, ủ với trấu và men lá trong một thời gian. Khi uống cho thêm nước khoáng được lấy từ dòng suối khoáng chảy qua rừng Cúc Phương trong mát, ngọt lành. Mỗi đợt từ 2-4 người hút qua những cần cong bằng trúc khá duyên dáng.

Tục cưới hỏi

Thông thường, một cuộc hôn nhân của người Mường phải trải qua bốn bước đó là lễ ướm hỏi (kháo thiếng), lễ bỏ trâu (ti nòm bánh), lễ cưới (li cháu) và lễ đón dâu (ti du). Tuy nhiên, một cuộc cưới hỏi của người Mường ở Nho Quan cũng tương tự nhưng đơn giản hơn nhiều và chỉ trải qua hai bước.

Lễ hỏi và lễ mở trầu: Đôi trai gái sau khi đã ứng nhau, chàng trai báo cho bố mẹ biết để gia đình nhờ người sang nhà cô gái thăm dò, đánh tiếng. Khi gia đình nhà gái tỏ thái độ ưng thuận, nhà trao nhờ ông mối vào lúc chạng vạng tối mang trầu cau, bánh mật, thuốc lào sang nhà gái. Tại nhà gái, người ta mổ gà thết đãi ông mối và giữ đôi chân gà lại để đoán điều lành, dữ về nhân duyên của cô gái. Sau đó ông bố nghe ngóng, xem xét trong ba ngày liền xem có điềm dở (gà gáy dở, cây đổ…) hay không. Nếu không có, ông bố mời giở gói lễ vật ra, đặt lên bàn thở (lễ mở trầu) rồi thông báo cho mọi người biết tin vui. Thời gian sau lễ dạm hỏi đến lễ cưới thường kéo dài dăm ba năm. Trong các lễ tết từng năm, nhà trai thương mang quà tới nhà gái (quà là các sản phẩm nông nghiệp) và chú rể tương lai phải sang nhà gái làm bết kể việc gì như: phát rẫy, làm nhà… Để đáp lại, nhà giá cho cô gái mang sang biếu nhà trai những sản phẩm do tự tay mình làm ra như: gối, đệm…

Lễ cưới:

Đoàn người đón dâu phải đi thật sớm. Đoàn gồm có: ông mối, chú rể, mười phù rể, tốp người gánh lễ vật. Khi đến đầu bản, đoàn được các cô gái đứng đợi sẵn đưa về nhà cô dâu. Tới cổng nhà gái, ông mối đem một cút rượu nhỏ cùng cơi trầu vào xin nhà gái mở cửa. Trong khi chờ đợi, người ta hát đối nam nữ cho tới khi nhà gái mở của đón vào nhà. Khi vào, ông mối và chú rể đi sau cùng. Dọc lối đi vào nhà, người ta để sẵn nước, nhọ nồi, quả nổ… để ném trêu chọc chú rể.

Trong nhà, đại diện nhà gái đã đứng đợi sẵn sau những thủ tục chào hỏi. Chú rể đi vào bếp tham gia mọi việc như một trai làng. Sau đó, chủ rể bưng mâm lên bàn thờ tổ tiên. Trong mâm, nhất thiết phải có 12 chiếc bánh dầy cùng 30 lá trầu và 30 quả cau. Con số 12 tượng trưng cho 12 tháng, 12 tuần trăng trong vòng một năm, 12 giờ trong vòng một ngày, nó mang ý nghĩa tròn trĩnh, trọn vẹn. (con số 30 cũng vậy). Sau khi cúng tổ tiên, lễ tơ hồng được tiến hành. Ông mối dẫn chú rể đi từng mâm, lễ lạy họ hàng từ ông bà, cha mẹ, chú bác gần xa. Lúc này mọi người vui vẻ chuốc rượu và mừng tiền cho chú rể. Sau lễ tơ hồng, nam nữ tham dự đám cưới hát giao duyên với nhau, rồi cô dâu tới lạy trước bàn thờ tổ tiên, lạy chào ông bà, cha mẹ, anh em, họ hàng để lên đường về nhà chồng. Người gánh của hồi môn cho cô dâu về nhà chồng là người nhà trai. Ở đầu đòn gánh người này, người ta buộc một chiếc khăn độ ba vuông vải để làm quà tặng cho người gánh, gọi là khăn lau đòn gánh.

Ở gia đình nhà trai, lễ đón dâu cũng nồng nhiệt như bên nhà gái nhưng không có lệ trêu nghịch và không làm lễ tơ hồng. Ăn một bữa tối, ngủ một đêm, sáng sớm hôm sau cô dâu trở về nhà mẹ đẻ cho tới khi nhà chồng mang quà sang đón. Có khi nhà trai phải sang đón tới ba lần cô dâu mới trở về và ở hẳn bên nhà chồng.

Người Mường Nho Quan cũng có thông lệ gửi rể, và nếu nhà gái là gia đình hiếm hoi thì người con rể có quyền như con trai và mọi phí tổn trong lễ cưới do nhà gái chịu.

2.2. Vấn đề gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường ở huyện Nho Quan hiện nay.

Do đặc điểm địa lý cũng như điều kiện tự nhiên, lịch sừ hình thành mà người Mường Ninh Bình không nhiều, tập trung chủ yếu ở huyện Nho Quan và sinh sống xen kẽ với đồng bào Kinh. Chính những điều đó đã khiến cho việc bảo tồn được những nét văn hoá truyền thống của người Mường gặp rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, do địa hình cư trú, đất đai, khí hậu và những điều kiện sản xuất canh tác của đồng bào Mường đã tạo nên một sắc thái riêng, sự khác biệt nhất định về “kinh tế và địa văn hoá'” ở mỗi bản làng.

Do tiếng nói của người Mường và người Việt rất gần nhau, lại có một quy luật chuyển âm nhất định nên người Mường học tiếng Việt rất nhanh và thông thạo. Hơn nữa, người Mường không có chữ viết riêng nên việc học tiếng Việt là vô cùng quan trọng. Đồng bào Mường Nho Quan do sống xen kẽ với người Kinh nên trao đổi, giao tiếp bằng cả ngôn ngữ của người Mường và ngôn ngữ Việt. Tuy nhiên, khi giao tiếp với dân tộc mình, đồng bào vẫn sử dụng tìếng Mường là ngôn ngữ chính.

Trang phục truyền thống của người Mường Nho Quan là váy dài và áo cóm. Đíểm đặc biệt nhất của bộ nữ phục chính là cạp váy được dệt hết sức tỉ mỉ, công phu. Trước dây, đồng bào Mường vẫn sử dụng trang phục của mình trong cả sinh hoạt thường ngày và trong lao động sản xuất. Nhưng do đặc điểm của trang phục và sự Kinh hoá nên hiện nay, trang phục truyền thống này chỉ được đồng bào sử dụng trong các dịp lễ hội, tết cổ truyền.

Trai gái Mường thường tìm hiểu nhau qua hát đúm, hát giao duyên. Qua lời ca tiếng hát, họ thấy hiểu nhau, tâm đầu ý hợp thì tiến đến hôn nhân. Một đám cưới của người Mường trải qua những giai đoạn đó là dạm ngõ, ăn hỏi và cưới. Người chủ trì trong đám cưới của người Mường vẫn là ông mối nhưng đã có nhiều điểm khác so với đám cưới của người Mường xưa. Trước đây, lễ dạm hỏi và lễ cưới phải cách nhau dăm ba năm, trong lễ cưới còn có lễ trêu nghịch chú rể và lễ tơ hồng Nhưng nay, đám cưới của người Mường đã được tổ chức đơn giản, ít lễ nghi hơn nhiều..

Không chỉ có đám cưới được tổ chức nhanh gọn, ít lễ nghi hơn trước mà đám tang của người Mường hiện nay cũng không còn phức tạp, tốn kém như trước nữa. Trước đây, trong đám tang của người Mường, những gia đình giàu có thường có tục “mo lễ tang'' (hát, cúng lễ, yểm bùa) và thường để  linh cữu người chết trong nhà từ ba đến bốn ngày sau đó mổ lợn và ăn uống linh đình rồi mới mang đi chôn cất. Nhưng do chính sách của Đảng và Chính quyền nên các hủ tục trên đã được đồng bào bỏ. Hiện nay, đám ma của người Mường chỉ trong 48 tiếng là đưa ra ngoài đồng, đồng bào cũng không còn ăn uống linh đình trong tang lễ nữa.

Ngày nay, khi khoa học công nghệ phát triển, nhiều công cụ sản xuất hiện đại ra đời thay thế cho những công cụ thô sơ, kém năng suất. Thế nhưng, đến nay đồng bào Mường vần còn giữ được nhiều vật dụng trong sản  xuất và sinh hoạt cổ truyền như cày, cuốc, dao, nỏ, ớp…và đặc biệt là cồng chiêng. Cồng chiêng của đồng bào Mường bao gồm 12 chiếc lớn nhỏ, là nhạc cụ không thể nào có thể thay thế được. Trước đây, cồng, chiêng được sứ dụng nhiều trong các sinh hoạt văn hoá của người Mường như các lễ hội, ma chay, cưới hỏi và việc làng. Nhưng trong quả trình hội nhập của đất nước phần nào đã ảnh hưởng đến những tập tục sinh hoạt truyền thống này. Tiếng cồng, chiêng thưa dần trên các bản làng của đồng bào Mường.

Những năm gần đây, được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp uỷ, chính quyền đến việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá phi vật thể của người Mường, hiện nay trong các lễ hội, tết cổ truyền đồng bào Mường đã đưa tiếng cồng, chiêng trở lại trong các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Kết quả đó đạt được là cả một quá trình vận động và tuyên truyền cho đồng bào hiểu và gìn giữ bản sắc văn hoá của dân tộc mình để  truyền thống đó không bị mai một theo thời gian.

Hiện nay, Nho Quan có nhiều xã có đội cồng chiêng trong đó có những đội mạnh như Thạch Bình, Kỳ Phú, Cúc Phương… Các đội cồng chiêng không chỉ giữ lại “tiếng hồn” cho bản làng mà còn mang “tiếng hồn” đó đi tham gia trong các chương trình hội diễn của huyện, của tỉnh và đã đạt được nhiều kết quả cao. Không chỉ có cồng chiêng, người Mường Nho Quan còn có rất nhiều trò chơi dân gian được diễn ra trong các dịp lễ hội và tết cổ truyền của dân tộc. Các trò chơi như ném còn, đánh mảng, đẩy gậy, đi cà kheo, đánh đu... hiện nay vẫn được đồng bào Mường chơi trong các hoạt động sinh hoạt văn hoá của mình.

Trước đây, các hoạt động sinh hoạt văn hoá như: Hát đúm, hát giao duyên, hát sắc bùa là những nét sinh hoạt chính và nổi bật của người Mường trong các dịp lễ hội và tết cổ truyền, đặc biệt là hát sắc bùa. Khi người Mường còn sống tập trung thành từng bản làng không có người Kinh xen kẽ, cứ đến dịp tết cổ truyền mỗi bản làng đều thành lập một đội gọi là Phường bùa. Trong những ngày đầu năm mới, Phường bùa đi đến từng nhà trong bản để chúc tết bằng hình thức hát đối đáp giữa gia chủ và Phường bùa. Sau đó, gia chủ mừng cho Phường bùa gạo hoặc bánh chưng để cảm ơn những lời chúc tốt đẹp đầu năm mới. Đi cùng Phường bùa thường là đội cồng chiêng. Nhưng hiện nay, do đặc điểm sống xen kẽ với đồng bào Kinh nên việc khôi phục lại hình thức hát Sắc bùa là rất khó.

Người Mường cũng ăn tết Nguyên Đán cùng thời gian với người Kinh. Trước đây, gần đến tết mỗi nhà đều lo việc kéo mật để dùng trong ngày tết. Không những thế, thực phẩm cũng được chuẩn bị chu đáo. Nhà giàu thì giết một con lợn chừng 60-70kg, nhà nghèo thì cũng giết một con lợn nhưng chỉ chừng 50kg và thui lợn bằng nứa khô. Bánh trái ngày tết người Mường thường dùng lá chuối, lá dong để gói các loại bánh chưng, bánh tét, bánh sừng bò. Đồ uống của người Mường chủ yếu vẫn là rượu cần hoặc rượu gạo, rượu sắn, rượu ngô do đồng bào tự ủ. Hiện nay, tết của đồng bào Mường cơ bản vẫn được duy trì như trước đây. Tuy vậy, do đời sống vật chất của đồng bào Mường đã đầy đủ hơn nên tết của người Mường cũng được sắm đầy đủ hơn so với trước. Thông qua các lễ hội, tục lệ, bản sắc văn hoá dân tộc cũng được khôi phục. Sự biến đổi ở hầu hết các lễ hội, tục lệ hiện nay của người Mường chính là phần nghi lễ ngày càng được đơn giản hoá. Đã không còn những nghi lễ cúng tế kéo dài gây tốn kém của cải, tiền bạc và ảnh hưởng đến sản xuất như trước đây nữa. Phần lễ trong các lễ hội có xu hướng giảm xuống, phần hội có xu hưởng tăng lên và đóng vai trò chủ đạo, đây là bước chuyển lớn trong đời sống tinh thần. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến một số yếu tố văn hoá ngoại lai và những lối sống không phù hợp với truyền thống văn hoá dân tộc đang tiêm nhiễm, thầm thấu vào văn hoá dân tộc Mường. Điều này đã gây cản trở đến việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc. Nhận thức được điều đó, sở văn hoá thông tin tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể của huyện Nho Quan phát động phong trào gây dựng mô hình gia đình văn hoá, bản văn hoá, với những nội dung thiết thực nhằm gìn giữ, phát huy các giá trị văn hoá của một tộc người được hình thành qua nhiều thế hệ sinh sống. Vì vậy, công tác gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Mường ở huyện Nho Quan trong quá trình hội nhập phát triển là vô cùng quan trọng, cấp thiết.

2.3. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

2.3.1. Những biểu hiện tiêu cục và nguyên nhân của chúng trong đời sống văn hoá của dân tộc Mường nho Quan trong giai đoạn hiện nay

Bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Mường ở huyện Nho Quan thì vẫn còn một số mặt hạn chế mà thời gian qua chưa làm được. Mỗi mặt tiêu cực, hạn chế trong đời sống văn hoá dân tộc Mường đều đi cùng những nguyên nhân cụ thể.

 Do tình hình đặc điểm địa lý vùng cư trú của người Mường nên việc khôi phục và gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc Mường cũng gặp nhiều khó khăn:

Người Mường sinh sống gần vùng rừng núi nên trước mắt họ là tài nguyên rừng bất tận. Rừng cho họ đất đai màu mỡ để canh tác, cho tre, gỗ để làm nhà, cho rau thịt trong các bữa ăn. Họ không ý thức được phải bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này đúng cách nên cứ thứ thế họ tàn phá, đốt rừng, làm nương rẫy mà không biết đến hậu họa khôn lường. Cũng chính vì rừng mang lại cho họ nhiều lợi ích trước mắt mà dân tộc Mường đã hình thành tâm lý ỷ lại vào tự nhiên, khai thác tự nhiên thiếu kế hoạch, dẫn đến hiện tượng du canh, du cư.

Thiên nhiên, khí hậu thất thường đã khiến dân tộc Mường phải đối đầu với những thiên tai, dịch bệnh, khan hiếm nước sinh hoạt vào mùa khô, lũ lụt xói mòn đất vào mùa mưa. Họ đã chọn cách ứng xử phù hợp trong sản xuất và trong sinh hoạt: gieo trồng canh tác vào mùa mưa và vui chơi lễ hội vào mùa khô. Thiên nhiên đã in đậm vào tâm hồn họ tạo thành tính cách thật thà, chăm chỉ lao động, hiếu khách, yêu cuộc sống... nhưng cũng tạo cho họ tính ỷ lại, tự ái và an phận. Sự tự tin, chủ động, mạnh dạn vươn lên trong giao lưu văn hóa còn chưa mạnh, nhịp sống còn trầm, chậm hòa nhập với nhịp sống công nghiệp, hiện đại. Chính vì vậy, việc khôi phục, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường còn gặp phải rất nhiều khó khăn..

Do điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nên việc gìn giữ và phát huy những bản sắc văn hoá dân tộc của mình không được đồng bào chú trọng: Ninh Bình vẫn còn là một tỉnh nghèo, điểm xuất phát thấp, cơ cấu kinh tế lạc hậu, nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn. Đặc biệt là huyện miền núi Nho Quan, điều kiện kinh tế của đồng bào còn gặp rất nhiều khó khăn. Do đặc điểm thiên nhiên ở Nho Quan rất khắc nghiệt (lũ lụt, hạn hán thường xuyên xảy ra) nên đời sống của nhân dân nói chung rất cơ cực, đói khổ. Đối với những xã vùng sâu, vùng xa, nơi tập trung cư trú của đồng bào dân tộc Mường, không chỉ phải chịu sự hà khắc của thiên nhiên mà điều kiện kỹ thuật, công cụ lao động sản xuất của bà con còn đang rất thiếu thốn. Ngoài trồng lúa, đồng bào Mường còn trồng màu như ngô, khoai, sắn và trồng dâu, nuôi tằm nhưng do đất đai bị xói mòn, bạc màu sau những trận lũ quét, kỹ thuật canh tác truyền thống lạc hậu, lại thiếu vốn đầu tư nên nhiều nơi không thâm canh, năng suất thấp, chất lượng sản phẩm kém, đời sống còn lệ thuộc nhiều vào tự nhiên. Cũng có giai đoạn, kinh tế Nho Quan có bước phát triển nhờ nghề trồng, chế biến thuốc lá và nuôi trâu sữa (riêng thuốc lá chiếm 70% tổng giá trị nông nghiệp của huyện). Nhưng đến nay, hai nghề này đã không còn mang lại hiệu quả kinh tế cao giúp nhân dân cải thiện đời sống nữa.

Do đời sống của đồng bào Mường còn rất khó khăn thấp kém như vậy cho nên, phần lớn họ chưa nhận thức được vai trò quan trọng của việc gìn giữ, “phát huy” các giá trị văn hoá quý báu của dân tộc mình. Đời sống khó khăn khiến họ chỉ lo miếng cơm, manh áo, lo toan cuộc sống hàng ngày và chưa nghĩ nhiều tới một phần rất quan trọng đó là đời sống tinh thần, điều đó là lẽ tự nhiên. Họ chỉ coi giá trị văn hoá của dân tộc mình như một giá trị tinh thần thuần tuý, chưa khai thác và phát huy được những nhân tố tích cực của nó. Văn hoá truyền thống vốn đã ít chứa đựng những nhân tố phát triển, những giá trị văn hoá mới vốn chưa được đồng bào tiếp cận được là bao mà chủ yếu là mang tính tự phát. Hơn nữa trong tư duy của đồng bào còn chứa đựng những yếu tố bảo thủ, những tập tục lạc hậu, không mơ ước nhiều về một đời sống hiện đại về vật chất là phong phú về tinh thần mà chỉ an phận với những gì mình đang có.

Trong một xã hội với nền kinh tế lạc hậu, các kỹ thuật sử dụng trong lao động sản xuất và sinh hoạt chỉ thuần tuý là kinh nghiệm được truyền từ thế hệ -này sang thế hệ khác, từ đời trước truyền lại cho đời sau thông qua một nền giáo dục tự phát thì trình độ dân trí thấp kém là điều dễ hiểu. Ngay từ nhỏ trẻ em đã phải theo cha mẹ đi làm rẫy, lớn hơn một chút thì vào rừng đốn củi, trồng lanh dệt vải... Cuộc sống của họ là những chuỗi ngày lao động miệt mài để có cái ăn. Chính điều đó đã làm cho họ có thói quen lười suy nghĩ, ít tư duy, không chịu khó tìm tòi những kiến thức mới, bằng lòng với cuộc sống

Những năm trở lại đây, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn nhằm phát triển kinh tế xã hội cho vùng các dân tộc thiểu số sinh sống. Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, các chương trình cho vay vốn làm ăn kinh tế đã được triển khai thực hiện mở rộng mạng lưới y tế, chăm sóc sức khoẻ tới tận các xã bản vùng sâu vùng xa; đặc biệt là các chính sách cho phát triển sự nghiệp giáo dục ở miền núi; đầu tư các nguồn lực cho công tác giáo dục; thực hiện phổ cập giáo dục, xoá mù chữ, có các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho con em dân tộc đến trường như mở lớp bán trú để tạo điều kiện cho con em được học tập nâng cao trình độ. Song, trên thực tế do sức ỳ của thói quen và nếp sống từ lâu đời, ở các xã bản vùng sâu vùng xa tình trạng con em người dân tộc ngại đến trường, ngại học vẫn còn phổ biến. Nhiều bản, vận động các em đi học đã khó, nhưng giữ được các em đến lớp thường xuyên, không bỏ trường, bỏ lớp lại là một việc làm khó hơn nhiều. Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc Mường tham gia công tác ở cơ sở còn nhiều bất cập về trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, khả năng nhạy bén thông tin hầu như chưa theo kịp mới yêu cầu của công cuộc đổi mới hiện nay.

Để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Mường ở huyện Nho Quan cần phải triển khai nhiều giải pháp tích cực mà khoá luận đã đề cập tới. Các giải pháp này có ý nghĩa phương pháp luận nhằm nâng cao chất lượng công tác gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá tạo nên bản sắc văn hoá dân tộc Mường ở huyện nho Quan. Vấn đề quan trọng hàng đầu đặt ra hiện nay là đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội tạo nền tảng vật chất cho đồng bào Mường trong quá trình phát triển văn hoá. Tiếp đó, phải tiến hành đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dân tộc Mường, đồng thời đây mạnh hoạt động cua các tổ chức trong việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức cho người Mường trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc mình, đặc biệt là thế hệ trẻ. Cuối cùng, phải có sự đầu tư thoả đáng trong việc xây dựng mô hình phát triển văn hoá để người Mường có cơ hội, điều kiện thực hiện tốt việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc mình. Tổ chức thực hiện tốt những giải pháp này, huyện Nho Quan sẽ góp phần quan trọng trong công cuộc tiến tới xây dựng một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Học viện Chính trị - hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh - Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Giáo trình chủ nghĩa xã hội khoa học (2008), NXB Chính trị - hành chính, Hà nội.

2. Học viện Chính trị - hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh (2008), NXB Lý luận chính trị, Hà Nội.

3. Học viện Chính trị - hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh - Viện văn hoá và phát triển, Giáo trình Lý luận hóa và đường lối văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam (2008), NXB Lý  luận chính trị, Hà Nội.

4. Học viện Chính trị - hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh - Viện văn hoá và phát triển, Quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lê Nin về văn hóa (2008), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

5. Những tư tưởng cơ bản của Hồ Chí Minh (2003), NXB Lao động, Hà Nội

6. Trần Ngọc Bình, Văm hoá các dân tộc Việt Nam (2008), NXB Thanh niên, Hà nội

7. Đảng Cộng sản Việt Nam (1993), Văn kiện Hội nghị Trung ương 4, khóa VII, Nhà in Thống Nhất, Hà Nội

8. Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII,  NXB Chính trị Quốc gia, HàNội

9. Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện Hội nghị lần thứ tư,Ban chấp hành trung ương khóa VIII, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội

10. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiệu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X,, NXB Chính trị Guốc gia Hà nội.

11 Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội.

12. Phan Ngọc (2002), Bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB Văn học, Hà Nội

13. PGS.PTS Đặng Văn Lung (1997) Phong tục tập quán các dân tộc Việt Nam, NXB Văn hoá dân tộc, Hà Nội.

14. PGS TS Nguyễn Khắc Tụng (1996), Nhà ở cổ truyền các dân tộc Việt Nam (tập l), NXB Xây dựng, Hà Nội

15. Viện dân tộc học (1978), Các dân tộc ít người ở Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội

16. Ngô Đức Thịnh (1994), Trang phục cổ truyền các dân tộc Việt Nam, NXB Văn hoá dân tộc, Hà Nội

17. Người Mường ở Nho Quan (Ninh Bình) phát triển kinh tế và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc,  báo Ninh Bình. 30/8/2010.

18. Tô Huy Rứa, Những vấn đề lý luận và thực tiễn về đẩy mạnh xây dựng văn hóa trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế của Việt Nam, Tạp chí Cộng sản số 816, tháng 10/2010.

19. UBND huyện Nho Quan (2010), Báo cáo kết quả thực hiện công tác Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường huyện Nho Quan, năm 2010.

___________________________________________

*Viện Nghiên cứu Văn hoá – Viện Hàn lâm KHXHVN