Cây trâm và “sự tài tình” của Thuý Kiều trong việc tìm “cớ” giao tiếp với Kim Trọng

Nguyễn Duy Dương*

22/09/2023 20:28

Theo dõi trên

Trong văn học viết thời phong kiến, đề tài nam nữ thành đề tài “cấm kỵ”. Chỉ đến thế kỷ XIX, qua Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du, người đọc mới được biết đến sự mãnh liệt trong khát vọng tình yêu của nàng Thuý Kiều và sự tài tình của nàng trong việc tạo ra cớ để gặp gỡ và đính ước với người mình yêu: chàng Kim Trọng! Chúng tôi thật sự ấn tượng với cái “cớ” mà nàng Kiều tạo ra qua chiếc trâm cài tóc của mình.

                   

truyen-kieu-1680595114.jpg
 

     Giao tiếp là hoạt động không thể thiếu trong xã hội loài người. Hoạt động này diễn ra thường xuyên liên tục mọi lúc mọi nơi, là cầu nối giữa người nói với người nghe. Trong quá trình giao tiếp, người ta diễn đạt những suy nghĩ, ý kiến, cảm nhận của bản thân một cách rõ ràng và thuyết phục. Tuy vậy, để có được giao tiếp cần phải tạo ra cái “cớ” - tức là tạo ra hoàn cảnh gặp gỡ của các nhân vật. Có thể nhận xét rằng: Tạo cớ trong giao tiếp để bộc lộ tình cảm giữa nam và nữ là một vấn đề hết sức khó khăn, tế nhị; nhất là ở thời kỳ phong kiến với những luật lệ hà khắc “nam nữ thụ thụ bất thân” và “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Các chàng trai, cô gái xưa yêu nhau muốn ngỏ lời cũng khó, đành phải nhờ đến những cuộc sinh hoạt văn hoá tập thể để giãi bày những tình cảm chân thành của mình: Cớ mất áo trong “Tát nước đầu đình”, mượn môi trường lao động: cắt cỏ, cấy lúa, trồng cà... vvv. Song, tình yêu lứa đôi với họ tất cả chỉ là ước mơ và mãi mãi chỉ là mơ ước!

    Đấy là tạo cớ trong văn học dân gian - loại hình văn hoá mà các nhà nghiên cứu văn học gọi là Folklore. Còn trong văn học viết thời phong kiến thì đề tài nam nữ thành đề tài “cấm kỵ”. Chỉ đến thế kỷ XIX, qua Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du, người đọc mới được biết đến sự mãnh liệt trong khát vọng tình yêu của nàng Thuý Kiều và sự tài tình của nàng trong việc tạo ra cớ để gặp gỡ và đính ước với người mình yêu: chàng Kim Trọng! Chúng tôi thật sự ấn tượng với cái “cớ” mà nàng Kiều tạo ra qua chiếc trâm cài tóc của mình.

    Du xuân trong hội Đạp thanh, nàng Thuý Kiều xinh đẹp đã gặp Kim Trọng - người bạn đồng môn với em trai mình. Trước vẻ đẹp hào hoa của chàng văn nhân "Đề huề lưng túi gió trăng/ sau chân theo một vài thằng con con... / Phong tư tài mạo tót vời/ Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa" thì trái tim cô gái đến tuổi cập kê ấy đã thổn thức khôn nguôi. Còn trái tim chàng Kim Trọng cũng gấp gáp, loạn nhịp trước vẻ đẹp của người con gái mà anh ta từng khát khao gặp mặt. Họ cảm nhau ngay từ cái nhìn đều tiên: "Người quốc sắc kẻ thiên tài/ Tình trong như đã mặt ngoài còn e". Hoàng hôn buông xuống, chàng đầy tiếc nuối, song, không thể nấn ná thêm. Còn nàng thì thẫn thờ khi chàng Kim từ giã: "Bóng tà như giục cơn buồn/ Khách đà lên ngựa người còn nghé theo...". Trở về nhà, trái tim khao khát yêu đương lần đầu loạn nhịp ấy ngân lên da diết với câu hỏi đầy bâng khuâng: "Người đâu gặp gỡ làm chi/ Trăm năm biết có duyên gì hay không?". Và ở đầu bên kia là chàng Kim cũng trăn trở khôn nguôi: "Nỗi nàng canh cánh bên lòng biếng khuây/ Sầu đong càng lắc càng đầy/ Ba thu dồn lại một ngày dài ghê"; để rồi, chàng quên việc học tập mà đắm chìm trong nỗi tương tư: "Tuần trăng khuyết, đĩa dầu hao/ Mặt mơ tưởng mặt, lòng ngao ngán lòng/ Buồng văn hơi giá như đồng/ Trúc se ngọn thỏ, tơ chùng phím loan.". Rồi, chàng trai si tình Kim Trọng tìm đến nơi gặp gỡ đầu tiên như muốn tìm hình bóng người trong mộng: "Nhớ nơi kỳ ngộ vội dời chân đi/ Một vùng cỏ mọc xanh rì/ Nước ngâm trong vắt, thấy gì nữa đâu!/ Gió chiều như gợi cơn sầu/ Vi lô hiu hắt như màu khơi trêu". Đỉnh điểm của tâm trạng ấy là: "Nghề riêng nhớ ít tưởng nhiều/ Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang" - chàng nho sinh si tình ấy đã vội vã đến nhà Vương Quan (xăm xăm đè nẻo Lam Kiều) để gặp gỡ người đẹp mà anh ta bị "hớp hồn" trong lần gặp gỡ đầu tiên ấy (Lam Kiều - điển tích cổ Trung Hoa - chỉ nơi người đẹp ở - xin xem điển tích Bùi Hàng đi thi ...). Nhưng, đến gần nhà Vương Quan (thực ra là để gặp Thuý Kiều) anh ta mới thấy mình vô lý - bởi làm sao gặp được người đẹp khi mà nàng là chị gái của bạn học với mình, lại ở chốn khuê phòng? Và chàng si tình ấy đi chậm lại... buồn, xấu hổ: "... lần sang". Nhưng rồi đâu dám tiến vào? Anh ta chỉ gặp: "Thâm nghiêm kín cổng cao tường/Cạn dòng lá thắm dứt đường chim xanh./ Lơ thơ tơ liễu buông mành/ Con oanh học nói trên cành mỉa mai/ Mấy lần cửa đóng then cài/ Đầy thềm hoa rụng, biết người ở đâu?"

   Để có thể tiếp cận người đẹp, chàng Kim đã thuê ngôi nhà bên cạnh - chắc rằng Kiều phải biết. Và kịch tính xảy ra khi chàng trai si tình Kim Trọng nhìn thấy cái trâm cài tóc mắc trên cành cây bên vườn nhà Thuý Kiều! Chàng cảm nhận đây chính là vận may khó gặp để tiếp cận người mình thầm mong trộm nhớ! Tất nhiên, cây trâm ấy ngay lập tức trở thành "chiến lợi phẩm"...

   Với lấy cây trâm, Kim Trọng nao nao chờ người đẹp tìm lại... Chàng ngóng đợi và sáng sớm hôm sau mới thấy bóng người tha thẩn kiếm tìm: "Tan sương đã thấy bóng người/ Quanh tường ra ý tìm tòi ngẩn ngơ". Chàng Kim đã bắt ngay cơ hội ngàn năm có một để tiếp cận người đẹp: "Sinh đà có ý đợi chờ/ Cách tường lên tiếng xa đưa ướm lòng/ Thoa này bắt được hư không/ Biết đâu Hợp Phố mà mong châu về?". Ngay lập tức, chàng được đáp lại rất nhiệt thành, tha thiết: "Ơn lòng quân tử sá gì của rơi/ Chiếc thoa nào của mấy mươi/ Mà lòng trọng nghĩa khinh tài xiết bao!". Chiếc thoa được trả và cuộc giao tiếp bắt đầu! (Chúng tôi cứ thấy có gì đó là lạ khi cây trâm của Thuý Kiều mắc trên cành đào nhà nàng, sao lại coi là mất? Vả lại khi mắc trên cành cây, cũng như là quả vậy, chàng Kim với sang lấy, khác nào bứt trộm quả nhà người? Nhưng, không - Kiều coi đó là hành động trọng nghĩa bởi đây chính là cái cớ mà nàng tạo ra để dễ bề giao tiếp với người mình yêu). Đến đỉnh điểm cuộc giao tiếp ấy thì: "Bậc mây rón bước ngọn tường" - tức là chàng trai si tình Kim Trọng đã dùng thang bắc lên bức tường để trò chuyện và tặng cho nàng kỷ vật... Tường rất cao, phải dùng thang; nhưng chàng nhìn được cây trâm trên cành, chứng tỏ cành cây cao hơn bức tường ấy. Logic của nó là: nơi cây trâm bị mắc phải rất cao, nếu như nàng Kiều không đủ tầm cao trên 2m thì trâm không thể bị cành cây ngăn lại... Và, đáp án chỉ là: Đây là cái cớ mà Kiều tạo ra, tiếp sức cho chàng Kim Trọng si tình! Hoá ra, chàng Kim tài hoa đa tình ấy đã bị sắp đặt trong cuộc chơi tình ái mà Kiều là người chủ đạo! Đúng như lời Nguyễn Du: "Đàn bà ai dễ mấy tay".

 __________________

*GV Ngữ văn THPT Ngô Quyền - Hội viên Hội VHNT Nam Định, Hội VHNT Trường Sơn

 

 

 

 

Bạn đang đọc bài viết "  Cây trâm và “sự tài tình” của Thuý Kiều trong việc tìm “cớ” giao tiếp với Kim Trọng" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn