Anh hai

Bùi Trung

05/12/2021 08:39

Theo dõi trên

Anh Hai tôi tuổi Thìn (1940), tên là Trần hớn Văn, là con Ba tàu nên ai cũng gọi anh hai là Chệt Văn. Trước 1975 anh làm phó Ban Truyền tin Quận Bình Minh (Dưới quyền của Thiếu úy Đáng trên quyền của Hạ sỹ Bảy Tuấn) năm 1960 anh có vợ ở xóm Đình.

anh-hai-1638668210.jpg
Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

 

Chị Hai hiền lành, giỏi giang ai cũng khen Mẹ tôi có được nàng dâu thảo. Được má vợ cho miếng đất trước nhà nên anh chị ra riêng sớm. Là con Ba tàu nên anh tuy là lính ở Quận nhưng kinh doanh đủ thứ : Làm hãng cà rem, sinh tố bọc (cái nghề ngày xưa anh đã từng mưu sinh khi theo ba mẹ ở Sa Đéc), đầu tư máy móc làm nhà máy phát điện tư nhân cho cả khóm 3 ở Thị trấn Cái vồn...

Sau ngày giải phóng khi đã học cải tạo về anh rủ anh thứ tư là anh Tư Tỷ (1945) tên Trần hớn Kiên, hai anh em mua cây cưa máy mướn một chiếc ghe tam bản lớn loại hai chèo xuống vùng cù lao Lục sỹ Thành mua cây xoài về cưa củi bán.

Lúc đó cù lao Lục Sỹ phá cây xoài trồng cây chôm chôm chóc nên xoài bán nguyên cây cho người ta mua về cưa lấy củi.

Hai anh mướn thêm thằng Tiến chừng 14 tuổi, con cậu Năm Sơ đi theo phụ việc. Chèo từ Bình Minh tới cồn Lục sỹ chừng 20 cây số, mua xoài cây nguyên vườn rồi tự đốn hạ, thân cây nguyên lóng thì về bán cho trại hòm xẻ ván, nhánh làm củi đoạn ra từng khúc chất đầy ghe rồi chèo về nhà cưa từng đoạn 3 tấc chất thành khối (m2) bán cho bà con mua về làm củi đốt.

Một đêm trời sáng trăng, ghe hai anh chất đầy củi. Anh Tư chèo trước, anh Hai chèo sau, thằng Tiến thì cuốn trong nóp ngủ khò. Từ Trà ôn chèo ghe về tới vùng giáp ranh nơi xưa là chỗ đóng quân của một Trung đội Địa phương quân tại Đồn Rạch chanh bị đánh úp chết sạch. Trong đám lính chết có anh Vạn bạn anh Tư (trong đồn có anh em ruột tên C và T nhà ở khu Đông Hưng cũng chết, sau đó vợ của người anh buồn chuyện chồng chết nên bỏ đi tu đến bây giờ làm trụ trì một ngôi chùa nhỏ ở LX.)

Từ Trà ôn chèo về khu đất đồn Rạch Chanh ngày xưa vắng tanh nằm phía bên phải (bên lộ xe), anh Tư nhìn lên khu đất rồi nói :

- Chỗ này hồi xưa thằng Vạn nó chết nè ông Chệt.

Anh hai đang chèo mệt nên trả lời:

- Tao biết mà, cái đêm đồn này bị đánh úp tao là người nhận tin đầu tiên .

(Anh hai làm ở ban Truyền tin quận Bình minh nên tin tức gì anh cũng biết )

Anh tư nói tiếp:

- Hồi xưa thằng Vạn nó khoái tui ca vọng cổ cho nó nghe lắm.

Anh Tư chợt kêu khơi khơi cho vui:

- Ê... Vạn ơi, mày nghe tao ca vọng cổ cho mày nghe nhe mậy.

Anh Tư nói ngoái lên bờ rồi ngâm mấy câu trong bài Kiếp Trâu già một bài hát của nghệ sỹ Minh Cảnh cũng là bài ruột của anh Tư :

- Con Trâu pháo đã mấy ngày không ăn cỏ.

Nằm lim dim trong hơi thở mõi mòn.

Mắt lờ đờ như nuối tiếc buổi tàn niên.

Đành Vĩnh biệt cánh đồng xanh miền thôn dã...

Vừa chuẩn bị vô câu vọng cổ thì một cục đất cở bằng lóng tay từ đâu bay vô cái trán không tóc của anh Tư một cái " cốc" đau điếng mà không biết ai chọi? Phía trên bờ vắng tanh không bóng người thì ai chọi? Mà có chọi thì cũng khó mà trúng vì tầm xa hơn chục mét, chưa biết đất từ đâu mà chọi thì một cục nữa cũng bay vô cái trán.

Đau quá nên anh vừa xoa đầu vừa nói :

- Ông giỡn kiểu gì mà chọi hoài đau thấy mẹ vậy ông Chệt?

Anh hai nói:

- Tao chèo phía sau mày làm sao tao chọi trúng cái trán mầy được? Mà hai tay tao mắc cầm cây chèo tay nào mà chọi.

Nhìn thằng Tiến thì nó đang cuốn mình trong nóp vậy ai chọi mình? Anh Tư Tỷ quạu nên nói lớn:

- Ê... thằng nào con nào giỏi chọi cái nữa coi chơi?

Lại một cái cốc ngay cái trán.

Anh Tư chửi đổng:

- Tao không biết mày là ma hay người, nhưng nếu có chọi hay nhát gì thì cũng phải cho đều. Cái thằng anh tao phía sau nó là "Ông cố nội" của mày sao mày không dám chọi nó cục nào mà chọi tao hoài.

Vừa dứt lời là đất đá liên tục từ đâu bay đến anh Tư Tỷ ôm đầu ngồi núp xuống ghe la làng:

- Tao đầu hàng được chưa?

Anh hai tỉnh bơ nói lầm bầm:.

- Vạn ơi mày chọc phá thằng Tỷ làm chi... cho tao xin, lần tới trở xuống tụi tao ghé uống rượu với mày nhe thằng quỷ.

Từ đó im re, chèo về tới Bình Minh đầu anh Tư vẫn còn đau điếng.

Hôm sau lại chèo về ngang đồn Rạch Chanh, trăng vẫn còn sáng rực anh Tư Tỷ giành chèo sau vì anh nghĩ con ma nếu có chọi thì nó ăn quen chọi thằng chèo trước. Còn nếu không phải ma mà là ông Chệt chọi mình thì mình cũng thấy mà dễ đề phòng.

Lần này thì rút kinh nghiệm nên anh Tư làm thinh, bởi anh nghĩ rằng anh không hát thì con ma biết thằng nào là thằng nào mà chọi? bỗng một cục đất từ đâu bay vô trán... thế là lại đau điếng, vừa vò cái đầu vừa lẩm bẩm:

- Con ma khốn nạn, cái thằng chèo trước đúng là ÔNG NỘI của mày..

Từ đó, mỗi lần chèo về tới Rạch Chanh là anh Tư Tỷ kêu thằng Tiến thức dậy ra chèo thế còn anh thì cuốn tròn trong cái nóp trốn con ma mắc dịch...

Rồi cây Xoài mua riết cũng hết, Anh hai Chệt xoay qua nghề giăng câu, anh mua một chiếc xuồng câu rủ thằng Sáu quẹo gần xóm theo cho có bạn. Muốn giăng câu có cá phải bơi xuồng khỏi Tầm vu qua vùng hoang vắng giáp ranh với Hòa tân Xã mác (Đồng tháp) bủa lưới câu rồi tìm bóng cây cặm sào ngủ một giấc chờ khuya đi thăm câu. Nơi bủa lưới là một vùng đồng nước hoang vu không một bóng nhà, bởi vì trước giải phóng nơi này là vùng oanh kích tự do nên sau ngày giải phóng cũng chưa có người trở về ở nên tôm cá còn nhiều.

Hai thầy trò sau khi cắm sào ngồi nói chuyện tầm phào cho vui vì cảnh vắng lặng cũng chưa nhắm mắt ngủ được. Bỗng thằng Sáu Quẹo nằm đàng trước co người run lập cập miệng ú ớ kêu:

- Chú Sáu... có con quỷ trên cây gáo kìa...

Anh hai thì nhìn chẳng thấy con quỷ nào còn thằng Sáu Quẹo càng lúc nó càng sợ và la lên:

- Con quỷ nó nhe nanh nhìn tui kìa chú sáu ơi.

Bất ngờ vì thằng Sáu Quẹo nó cũng là một thằng ngang tàng không sợ trời không sợ đất chẳng lẽ nó sợ con ma?

Anh hai cuốn vội mấy tay lưới rồi lui xuồng chèo về hướng chợ, tới xóm có nhà thằng Sáu xụi mới hoàn hồn nó kể:

- Tui đâu có sợ ma chú Sáu, (Bên vợ anh hai thứ Sáu ) mà hồi nãy tui gặp con quỷ chứ hỏng phải con ma. Đang nói chuyện với chú nhìn lên cây gáo thấy nó đang đu đưa trên cây mặt mày nó nanh gút không, tự nhiên nó rớt từng khúc chân, khúc tay xuống đất rồi nó nhảy xuống ráp lại nguyên hình... tui sợ gần chết luôn. Mai chú đi một mình đi tui hỏng dám theo nữa đâu.

Anh hai vốn nặng bóng vía nên đâu thấy ma thấy quỷ gì nghe thằng Sáu Quẹo nói sau hay vậy, đêm sau anh đi một mình cũng đậu ngay chỗ cây gáo gặp ma hôm trước nhưng chẳng gặp con ma nào. Con nước khuya vừa nhớm ròng anh thu mấy tay lưới về cho kịp con nước vừa bơi tới khu Nghĩa trang Xã mác cũng là một nơi vắng vẻ, bỗng anh thấy trước mặt có chiếc xuồng thấp thoáng bóng hai cô gái đang bơi thật nhanh, để cho bớt cái lạnh lẽo anh hỏi cho vui:

- Hai cô ơi, từ đây mình về Chợ Cái vồn còn xa không vậy?

Nghe hỏi hai cô gái không trả lời mà càng bơi nhanh hơn.

Anh hai thấy lạ rượt theo thật lâu mới kịp thì trời ửng sáng hai cô lúc đó mới hết sợ kể rằng:

- Nhà có đám tiệc nên hai chị em bơi xuồng đi chợ sớm, tới khúc vắng có người đàn ông cụt một chân đứng trên bờ xin quá giang hai chị em thấy tôi nghiệp nên cho ổng xuống xuồng ai dè tới cái nghĩa trang ổng nói tới rồi chưa kịp ghé xuồng thì một cái rẹt ổng đâu mất tiêu.. vừa lúc thì gặp chú bơi xuồng tới kêu nên chị em tôi tưởng cha cụt giò nên bơi trối chết..

Tuy không gặp con Ma nào nhưng anh Hai thấy cái nghề giăng câu này mệt mỏi vì phải bơi quá xa mà giăng có cá bán rồi ăn cũng hết không dư giả gì nên anh cũng dẹp luôn chiếc xuồng câu xoay qua nghề gia truyền của Bà ngoại là làm cơ sở tráng bánh hủ tíu Chệt Văn. Một cái nghề cực ơi là cực, nuôi bầy con năm đứa khi tụi nhỏ trưởng thành thì anh chị đồng loạt mất đi vì bệnh ung thư. Cái lò hủ tíu cũng dẹp đi vì chẳng đứa nào chịu nối cái nghề cực nhọc.

Riêng Bầu tôi thì vẫn nhớ hoài cái Lò tráng bánh hủ tíu của anh Hai vì dẫu đi đâu ở đâu mỗi lần về ghé thăm năm đứa cháu, đứa nào gặp tôi cũng nhảy cẩng lên mừng :

- Chú út về, chú út về ...

Lúc đó mình thật vui, vì dẫu sao trong mắt tụi nhỏ ngày xưa chú Út từng cong lưng làm ngựa cho tụi nó cởi trên lưng .

Theo Chuyện quê

Bạn đang đọc bài viết "Anh hai" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn